CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài
1.1.4. Những công trình nghiên cứu về vấn đề giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư nước ngoài
Luận văn thạc sỹ “Cơ chế giải quyết tranh chấp trong các hiệp định đầu tư quốc tế: hướng đi mới cho tương lai” (Dispute settlement mechanisms in international investment agreements: Is there a new way towards the future)23, tác giả Amalur Marcos Ruiz đã dành chương thứ nhất để khái quát hệ thống cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia nhận đầu tư trong các hiệp định đầu tư, trong đó, đặc biệt lưu ý đến phương thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài và ICSID, từ đó, tác giả đã so sánh để chỉ ra những ưu, nhược điểm của từng biện pháp.
Chương 02 là những phân tích của tác giả về các vấn đề pháp lý tồn tại trong cơ chế giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài hiện nay, bao gồm: Sự thiếu minh bạch, chi phí, vấn đề từ chuyên gia, cân bằng giữa quyền của nhà đầu tư và quốc gia nhận đầu tư, vấn đề thi hành phán quyết trong khi không có cơ chế cưỡng chế thi hành.
Trong chương 03, tác giả tiếp tục phân tích những vấn đề phát sinh từ điều khoản
“shopping” trong các hiệp định đầu tư và những phương thức để hạn chế điều khoản này. Chương cuối cùng là một số gợi ý giải quyết những hạn chế trong cơ chế giải quyết tranh chấp hiện nay như thiết lập một Tòa án quốc tế về đầu tư, gắn việc giải quyết tranh chấp đầu tư với cơ chế phúc thẩm của cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO…
23 Amalur Marcos Ruiz (2016), “Dispute settlement mechanisms in international investment agreements: Is there a new way towards the future”, Master Thesi International Business Law LLM Tilburg University, Tilburg, Netherlands.
Công trình tiếp theo nghiên cứu về vấn đề giải quyết tranh chấp là “Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư: tìm kiếm một lộ trình khả thi”
(Investor-State Dispute Settlement Mechanism: The Quest for a Workable Roadmap) của hai tác giả Sachet Singh and Sooraj Sharma.24 Nội dung của bài viết gồm bốn phần. Phần thứ nhất là khái quát quá trình phát triển của cơ chế giải quyết tranh chấp giữa quốc gia nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài. Trong phần thứ hai, các tác giả đã phân tích những biện pháp giải quyết tranh chấp được ghi nhận trong các điều ước quốc tế nói chung và điều ước về đầu tư nói riêng, từ những biện pháp bảo hộ ngoại giao đến những hiệp ước đầu tư song phương hiện đại, đồng thời nhấn mạnh những khía cạnh nổi bật trong cơ chế được quy định tại những hiệp ước này. Phần thứ ba của bài viết là những phân tích của tác giả nhằm làm rõ nguyên nhân của những tranh cãi hay chỉ trích đối với các điều khoản giải quyết tranh chấp trong các hiệp định đầu tư đa phương và Công ước ICSID trên cơ sở các nguyên tắc của luật tập quán quốc tế và cách giải thích những điều khoản “xế chiều” trong phần lớn những hiệp định đầu tư.
Điểm khác biệt so với công trình trước là tại công trình này, không chỉ dừng lại ở những phân tích chung về cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế trong lĩnh vực đầu tư cũng như phân tích về những ưu, nhược điểm theo cơ chế của ICSID mà trong phần cuối cùng, tác giả đã phân tích cơ chế giải quyết tranh chấp cụ thể trong Thỏa thuận thành lập NAFTA và Thỏa thuận thành lập Khu vực thương mại tự do Australia – Mỹ, từ đó, khuyến nghị một số kinh nghiệm có thể áp dụng từ NAFTA đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng cơ chế phúc thẩm trong giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ cao hơn lợi ích của nhà đầu tư.
Một công trình khác thuộc chuỗi những nghiên cứu của OECD về đầu tư quốc tế là “Khảo sát điển hình về các quy định giải quyết tranh chấp trong các hiệp định đầu tư quốc tế” (Dispute settlement provisions in international investment agreement:
A large sample survey).25 Công trình nghiên cứu này gồm ba phần. Phần thứ nhất là khái quát quá trình phát triển của cơ chế giải quyết tranh chấp giữa quốc gia nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời khái quát những biện pháp giải quyết tranh chấp được ghi nhận trong các hiệp định đầu tư hiện hành, trong đó, tập trung chủ yếu vào biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán quốc gia và quốc tế.
Phần thứ hai của cuốn sách là một số vấn đề trong việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài quốc tế như giới hạn trong việc tiếp cận các thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài quốc tế, các trọng tài quốc tế có thể giải quyết những tranh chấp đầu tư và so
24 Sachet Singh and Sooraj Sharma (2013), “Investor-State Dispute Settlement Mechanism: The Quest for a Workable Roadmap”, Merkourios, Volume 29, No. 76, pp. 88-101.
25 Pohl, J., K. Mashigo and A. Nohen (2012), “Dispute Settlement Provisions in International Investment Agreements: A Large Sample Survey”, OECD Working Papers on International Investment, 2012/02, OECD Publishing
sánh giữa các thiết chế trọng tài. Phần cuối cùng là tổng quan những vấn đề pháp lý trong thủ tục tố tụng tại trọng tài quốc tế, bao gồm trình tự, thủ tục tố tụng; thành phần của tòa trọng tài; vấn đề thực thi phán quyết của tòa trọng tài và chủ quyền quốc gia.
So với hai công trình trước, công trình này chủ yếu đề cập đến những vấn đề pháp lý về giải quyết tranh chấp thông qua các cơ quan tài phán, bao gồm cả tài phán quốc tế và tài phán quốc gia.
Cũng đề cập đến vấn đề giải quyết tranh chấp nhưng Luận án “Khả năng thiết lập một cơ chế kháng cáo của quốc gia trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế bằng trọng tài” (The States of international investment arbitration: The possibility of establishing an appeal mechanism) của Nicolette Butler lại tiếp cận vấn đề giải quyết tranh chấp đầu tư thông qua cơ quan tài phán.26 Nội dung Luận án tập trung vào sáu vấn đề. Thứ nhất là khái quát quá trình hình thành của luật đầu tư quốc tế, từ các chế độ pháp lý dành cho người nước ngoài, trách nhiệm pháp lý của quốc gia trong công pháp quốc tế, những tập quán quốc tế liên quan đến đầu tư nước ngoài cho đến những nỗ lực xây dựng những điều ước quốc tế đa phương điều chỉnh hoạt động đầu tư quốc tế và sự ra đời ngày càng nhiều của những hiệp ước đầu tư song phương. Thứ hai là tổng quan về những biện pháp giải quyết tranh chấp trong luật quốc tế nói chung và luật đầu tư quốc tế nói riêng, trong đó, Luận án đặc biệt chú trọng đến biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, bao gồm cả trọng tài ad hoc và trọng tài thường trực, từ đó, đưa ra những đánh giá về điểm tích cực, hạn chế của từng phương thức trọng tài và đánh giá chung về biện pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế.
Từ những đánh giá trên, nội dung thứ ba của Luận án là những sáng kiến nhằm cải thiện khuôn khổ giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế bằng trọng tài, bao gồm tăng cường vai trò của Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB); Xây dựng những hướng dẫn cho hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài; Tăng cường vai trò của các thiết chế tài phán quốc gia; Xây dựng một hiệp định đầu tư toàn cầu và thiết lập cơ chế phúc thẩm trong tố tụng trọng tài. Trên cơ sở những sáng kiến trên, trong phần tiếp theo của Luận án, tác giả đã đưa ra những quan điểm về việc xây dựng cơ chế phúc thẩm trong tố tụng trọng tài trên cơ sở xem xét những quy định hiện tại của ICSID, đánh giá những ưu điểm, hạn chế của thủ tục chung thẩm hiện nay, ưu điểm, hạn chế của cơ chế phúc thẩm, cơ sở và những sáng kiến trong việc xây dựng cơ chế này như gắn với cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO hay ICSID. Phần cuối cùng của Luận án là những phân tích về những vấn đề pháp lý về các thiết chế giải quyết tranh chấp trong đầu tư quốc tế hiện nay như Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO,
26 Nicolette Butler (2012), “The States of international investment arbitration: The possibility of establishing an appeal mechanism”, Submitted in accordance with the requirements for the degree of Ph.D, The University of Leeds, School of Law.
Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế… cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp khu vực của ASEAN và Liên minh châu Âu.
Điểm mới của công trình này là các tác giả không chỉ dừng lại ở những vấn đề pháp lý về giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan tài phán quốc tế mà còn đưa ra những đánh giá, kiến nghị để hoàn thiện biện pháp này.
Cuốn sách “Luật đầu tư quốc tế và trọng tài: Các vụ kiện hàng đầu hình thành nên ICSIS, NAFTA, các Hiệp định đầu tư song phương và Luật tập quán quốc tế”
(International investment law and arbitration: Leading cases form the ICSIS, NAFTA, Bilateral treaties and customary international law)27 là một công trình rất đặc biệt khi nghiên cứu khá toàn diện những vấn đề về giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài.
Với 21 chương, nội dung cuốn sách đã lần lượt phân tích những vấn đề pháp lý cơ bản về trọng tài quốc tế, bao gồm: Trách nhiệm pháp lý của quốc gia và phán quyết trọng tài; Quyền đưa vụ tranh chấp ra giải quyết trước trọng tài quốc tế; Địa điểm của tòa trọng tài; Bí mật và sự tham gia của bên thứ ba; Luật áp dụng đối với trọng tài quốc tế theo Điều 42 của ICSID; Trọng tài theo các hiệp định đầu tư và thẩm quyền tài phán đối với những tranh chấp từ hợp đồng đầu tư; Tiền lệ trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đối với các khoản nợ nước ngoài; Nguyên tắc đối xử công bằng và thoả đáng; Nguyên tắc không phân biệt đối xử.
So với hai công trình trước đó, cuốn sách này mặc dù cũng tiếp cận về biện pháp giải quyết thông qua cơ quan tài phán quốc tế nhưng tác giả chỉ nghiên cứu về một thiết chế tài phán cụ thể là trọng tài quốc tế và điểm đặc biệt của cuốn sách là tất cả những vấn đề pháp lý về trọng tài quốc tế đều được làm rõ trên cơ sở phân tích những vụ việc cụ thể.
Một nghiên cứu mới được thực hiện gần đây trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế của các chuyên gia về thương mại, dịch vụ và phát triển là “Giải quyết tranh chấp trong các thỏa thuận đầu tư quốc tế và các quy tắc trong mô hình hiệp định đầu tư song phương của Ấn Độ” (Dispute Settlement in International Investment Agreements and the Rules of an Indian Model Bilateral Investment Treaty).28 Ngay trong phần mở đầu, tác giả đã đưa ra nhận định rằng “Những quy định về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia nhận đầu tư đang ngày trở thành chủ đề gây tranh cãi trong suốt thời gian qua. Điều này được phản ứng rất rõ trong quá trình đàm phán xây dựng Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP)”. Để minh chứng cho nhận định
27 Todd Weiler (Editor) (2005), “International investment law and arbitration: Leading cases form the ICSIS, NAFTA, Bilateral treaties and customary international law”, Cameron May, Ltd, 17 Queen Anne’s Cannte, London.
28 Andrew Conrnford (2016), “Dispute Settlement in International Investment Agreements and the Rules of an Indian Model Bilateral Investment Treaty”, Multi – Year expert meeting on trade, service and development, Geneva, 18- 20/6.
này, tác giả đã phân tích về những hạn chế và những điểm gây tranh cãi trong cơ chế giải quyết tranh chấp hiện nay. Tiếp đó, bài viết đã khái quát những nội dung cơ bản trong Hiệp ước theo mô hình Ấn Độ về giải quyết tranh chấp, bao gồm: Nghĩa vụ của các bên trong vụ tranh chấp, nghĩa vụ của nhà đầu tư và quốc gia nhận đầu tư đối với tài sản của nhà đầu tư trên lãnh thổ nước mình, quan niệm về “cầm giữ tài sản”, tước quyền sở hữu, đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia, bồi thường thiệt hại, chuyển giao tài chính và những ngoại lệ.
Điểm đặc biệt của bài viết là tác giả đã đưa ra một mô hình giải quyết tranh chấp mới theo mô hình Ấn Độ bên cạnh cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế theo các điều ước quốc tế hiện hành, đồng thời đưa ra những phân tích về khả năng áp dụng những nội dung của mô hình Ấn Độ trong việc giải quyết tranh chấp hiện nay.