Cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo hộ đầu tư tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Luật học Lý luận và thực tiễn bảo hộ đầu tư theo các hiệp định về đầu tư của ASEAN trong giai đoạn hiện nay (Trang 147 - 151)

CHƯƠNG 4 THỰC TIỄN VIỆT NAM VỀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ THEO CÁC HIỆP ĐỊNH CỦA ASEAN VỀ ĐẦU TƯ

4.1. Tình hình thực hiện các quy định về bảo hộ đầu tư tại Việt Nam

4.1.1. Cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo hộ đầu tư tại Việt Nam

Bảo hộ đầu tư là một chế định không thể thiếu trong hệ thống pháp luật về đầu tư của bất kì quốc gia nào, có ý nghĩa quyết định trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Đó là những cam kết của quốc gia với các quốc gia khác trong việc dành những ưu đãi, bảo vệ nhất định đối với các khoản đầu tư của nhà đầu tư nước thành viên cam kết trong các hiệp định đầu tư song phương hay khu vực về đầu tư. Trên cơ sở những thoả thuận đó, pháp luật trong nước sẽ được xây dựng, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính tương thích với các cam kết của quốc gia trong các BIT hay các hiệp định đầu tư của khu vực. Điều này đã được thể hiện trong hệ thống pháp luật quốc gia thông qua các quy định về “bảo đảm đầu tư” trong nước để chỉ những cam kết của Nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo ra sự an toàn về mặt pháp lý đối với tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của các nhà đầu tư khi họ tiến hành hoạt động đầu tư tại quốc gia sở tại. Do đó, dù khác nhau về thuật ngữ xong bản chất pháp lý của “bảo đảm đầu tư” với “bảo hộ đầu tư” là như nhau, một thuật ngữ sử dụng trong các hiệp định đầu tư còn một thuật ngữ sử dụng trong hệ thống pháp luật quốc gia.

Ở Việt Nam, việc bảo đảm về tài sản cho các nhà đầu tư đã trở thành một nguyên tắc Hiến định, theo đó Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản của mọi người và không bị quốc hữu hoá.247 Nhà nước chỉ được trưng mua, trưng dụng trong trường hợp thực sự cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh hoặc trong trường hợp khẩn cấp vì lợi ích quốc gia nhưng phải bồi thường theo giá thị trường.248 Với việc được ghi nhận trong một văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp đã khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng hệ thống công cụ pháp lý để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút đầu tư vào Việt Nam.

Ngày 09 tháng 4 năm 2016, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 đã thông qua Luật Điều ước quốc tế thay thế cho Luật Ký kết và gia nhập Điều ước quốc tế năm 2005 với những quy định cụ thể về việc thực hiện các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên (Điều 6, Điều 78). Theo đó, để đảm bảo tính tương thích và thực thi các nguyên tắc, quy phạm pháp luật quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các hiệp định đầu tư quốc tế, Chính phủ cần đôn đốc việc xây dựng, trình ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế; thẩm định sự phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật với điều ước quốc

247 Khoản 3, Điều 53 Hiến pháp 2013

248 Điều 32 Hiến pháp 2013

tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tổ chức tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện các ĐƯQT về đầu tư.

Tiếp đó, Luật Đầu tư năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2014 cũng dành chương 2 để quy định về bảo đảm đầu tư. Luật Đầu tư năm 2014 đã có nhiều thay đổi so với các luật về đầu tư trước đó của Việt Nam trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và phù hợp thông lệ quốc tế. Theo đó, tài sản hợp pháp của nhà đầu tư sẽ không bị quốc hữu hóa hoặc bị trưng mua, trưng dụng bằng biện pháp hành chính. Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 9). Nhà nước không được sự dùng quyền năng cưỡng chế đặc biệt của mình để xâm phạm tới tài sản hợp pháp của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Nhà nước còn có chính sách bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh (Điều 10), bảo đảm chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài (Điều 11), bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng (Điều 12), bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật (Điều 13), và giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh (Điều 14) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài, góp phần hoàn thiện chế định bảo đảm quyền sở hữu đối với vốn và tài sản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh những nguyên tắc Hiến định, các quy định của Luật đầu tư 2014 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành thì các biện pháp bảo đảm đầu tư còn được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành khác như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Doạnh nghiệp năm 2014, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013)... và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này. Cụ thể Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về cách thức thực thi và bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư nước ngoài, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định chi tiết cách thức thực thi các quyền của nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư tại các cơ quan tòa án, trọng tài tại Việt Nam. Luật Đất đai năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật

An ninh quốc gia năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về việc thu hồi đất, trưng mua, trưng dụng tài sản của nhà đầu tư vì mục đích quốc phòng an ninh.

Như vậy, những quy định pháp luật nói trên đã thể hiện tư tưởng nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp cho các nhà đầu tư nước ngoài và các quyền và lợi ích cá nhân khác, đồng thời tạo lên một hành lang pháp lý đầy đủ cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm khi đầu tư tại Việt Nam. Điều này là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với xu thế bảo đảm đầu tư chung của các nước trên thế giới.

Ngoài ra, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với mục đích thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và tận dụng cơ hội này để phát triển nền kinh tế, Việt Nam đã tích cực đàm phán, ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương về khuyến khích và bảo đảm đầu tư với các quốc gia và khu vực trên thế giới, đặc biệt là từ sau khi Việt nam thực hiện đổi mới, mở cửa và ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lần đầu tiên năm 1987 và sau đó có sự biến chuyển mạnh mẽ hơn từ năm 1995 và những năm gần đây. Các Hiệp định khuyến khích và Bảo hộ đầu tư song phương (BIT) được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước và các Hiệp định đầu tư đa phương là một bộ phận quan trọng cấu thành hệ thống pháp luật về bảo đảm đầu tư tại Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 66 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.249 Các Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết thường tập trung vào một số nội dung chủ yếu như sau:

(i) Chế độ đối xử: tập trung vào các cam kết của nước nhận đầu tư sẽ đối xử với nhà đầu tư nước ngoài của bên ký kết theo nguyên tắc đối xử tối huệ quốc hay đối xử quốc gia và những ngoại lệ đối với các nguyên tắc này.

(ii) Nguyên tắc bảo hộ: bao gồm các nguyên tắc đối xử công bằng, thỏa đáng và được bảo hộ an toàn và đầy đủ đối với các khoản đầu tư của nhà đầu tư mỗi Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.

(iii) Các biện pháp bảo hộ: đảm bảo về việc các khoản đầu tư thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bị quốc hữu hoá, trưng mua, trưng dụng hoặc các hình thức có hậu quả tương tự như quốc hữu hóa hoặc trưng mua, trưng dụng trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, trừ trường hợp vì mục đích công cộng, theo thủ tục luật định, trên cơ sở không phân biệt đối xử và với điều kiện bồi thường nhanh chóng, thỏa đáng và có hiệu quả; Đảm bảo cho các nhà đầu tư nước ngoài được chuyển vốn và lợi nhuận hợp pháp có được từ hoạt động đầu tư về nước. Mọi biện pháp nhằm hạn chế quyền

249 Theo số liệu tổng hợp từ nguồn của UNCTAD, cập nhận đến ngày 11/1/2020 tại https://investmentpolicy.unctad.org/international-investment-agreements/countries/229/viet-nam. Xem thêm Phụ lục 1

này đều bị coi là vi phạm Hiệp định. Các cam kết của Hiệp định cũng không hạn chế quyền của nước nhận đầu tư trong việc đánh thuế trên số lợi nhuận chuyển ra nước ngoài, nếu không có quy định nào khác trong Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước ký kết kia; Bồi thường trong trường hợp xung đột. Các nhà đầu tư của một Bên ký kết có khoản đầu tư hoặc thu nhập trên lãnh thổ của Bên ký kết kia bị thiệt hại do chiến tranh, xung đột vũ trang, tình trạng khẩn cấp quốc gia, khởi nghĩa, nổi loạn hoặc những sự kiện tương tự trên lãnh thổ của Bên ký kết kia; Trong một số trường hợp, việc thay đổi chính sách, pháp luật dẫn đến tổn hại về tài sản hoặc ảnh hưởng đến quyền định đoạt đối với khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thì Chính phủ cũng phải có biện pháp bồi thường thỏa đáng;

(v) Các quy định về giải quyết tranh chấp: Đối với tranh chấp giữa các bên ký kết, Việt Nam thường thỏa thuận biện pháp sử dụng trọng tài Adhoc. Đối với tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư thì tùy theo tính chất của tranh chấp để lựa chọn hình thức giải quyết phù hợp. Nhà đầu tư có quyền đưa vụ tranh chấp giữa Nhà đầu tư với Quốc gia nhận đầu tư ra giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền của Quốc gia nhận đầu tư, hoặc đưa ra trọng tài UNCITRAL, ICSID hoặc bất kỳ cơ chế giải quyết tranh chấp nào đã thỏa thuận trước đó.

Ngoài các BIT thì Việt Nam còn kí các hiệp định song phương khác có liên quan đến khuyến khích và bảo hộ đầu tư như hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ được kí kết ngày 13/7/2000 (BTA). Đây là hiệp định song phương được kí kết trên cơ sở WTO và có các cam kết khá cao so với các cam kết song phương mà trước đó Việt Nam từng kí kết. Gần đây nhất Việt Nam đã cùng với EU kí kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU ngày 30 tháng 06 năm 2019 với phạm vi và mức độ cam kết cao hơn so với các FTA mà Việt Nam đã ký trước đó.

Bên cạnh các cam kết song phương, Việt Nam còn tham gia rất nhiều cam kết đa phương và hiện đang là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, nhiều diễn đàn kinh tế trong khu vực và trên thế giới như ASEAN, CPTPP, WTO, APEC, ASEM,…

Việt Nam gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995 và ngay sau đó đã bắt tay vào tiến trình hội nhập với khu vực trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có đầu tư. Việt Nam cùng với các nước thành viên còn lại đã kí Hiệp định về Khu vực đầu tư ASEAN năm 1998, theo đó các quốc gia thành viên ASEAN sẽ phải mở cửa tất cả các ngành nghề và dành chế độ đối xử quốc gia cho nhà đầu tư ASEAN ngay sau khi AIA có hiệu lực.

Bên cạnh nguyên tắc NT, thì hiệp định cũng quy định nguyên tắc MFN được áp dụng với tất cả các biện pháp tác động đến đầu tư như tiếp nhận, thành lập, nắm giữ, quản lý. Tất cả những nguyên tắc này sau đó đều được Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN năm 2009 kế thừa.

Khi tham gia vào WTO năm 2007, theo yêu cầu của WTO, Việt Nam cũng phải tiến hành minh bạch hóa hệ thống chính sách và thực hiện một số cam kết có liên quan đến đầu tư nước ngoài như minh bạch hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cam kết về việc không đưa ra các yêu cầu đối với đầu tư theo Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) và khẳng định một số nguyên tắc đã được áp dụng trên thực tế là nguyên tắc NT và nguyên tắc MFN

Tựu chung lại, các cam kết về bảo hộ đầu tư trong trong các hiệp định đa phương này vừa hiện thực hoá chủ trương hội nhập với khu vực và quốc tế, vừa khai thông quan hệ hợp tác đầu tư với các đối tác ký kết, nâng tầm phát triển của quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác và ngày một phát triển thuận lợi hơn.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Luật học Lý luận và thực tiễn bảo hộ đầu tư theo các hiệp định về đầu tư của ASEAN trong giai đoạn hiện nay (Trang 147 - 151)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)