CHƯƠNG 4 THỰC TIỄN VIỆT NAM VỀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ THEO CÁC HIỆP ĐỊNH CỦA ASEAN VỀ ĐẦU TƯ
4.3. Phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các hiệp định của
4.3.1. Phương hướng nâng cao hiệu quả thực hiện các hiệp định của ASEAN về bảo hộ đầu tư của Việt Nam
Nhận thức được ý nghĩa của việc hội nhập ASEAN cũng như vai trò của ASEAN trong cấu trúc kinh tế khu vực và thế giới hiện nay, trong các văn bản của Đảng và Nhà nước đều khẳng định vị trí trung tâm của ASEAN trên các lĩnh vực trong tiến trình hội nhập của Việt Nam. Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/04/2014 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đã khẳng định: “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và an ninh của đất nước; đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất, tạo sự đan xen gắn kết lợi ích giữa nước ta với các đối tác. Chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò của Việt Nam trong ASEAN và các cơ chế, diễn đàn do ASEAN giữ vai trò trung tâm, nhằm tăng cường đoàn kết, gia tăng liên kết nội khối, củng cố quan hệ hợp
tác với các bên đối thoại của ASEAN, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.”
Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ ngày 13/05/2013 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế cũng nhấn mạnh một trong những công việc mà các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải thực hiện trong hội nhập kinh tế là “nâng cao hiệu quả tham gia và đóng góp thiết thực tại các cơ chế hợp tác đa phương tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương... ưu tiên đóng góp xây dựng và khai thác hiệu quả sự tham gia của nước ta trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các nước đối tác”. Trong Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07/07/2015 về tiếp tục triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế đã chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về một trong những nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện là “hỗ trợ hiệu quả các địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các cơ hội và thách thức của hội nhập, đặc biệt là về Cộng đồng ASEAN”. Do vậy hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cần phải được đặc biệt quan tâm.
Phù hợp với quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về hội nhập ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có kinh tế, đồng thời để đạt được những mục tiêu đề ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế khu vực nói riêng và xuất phát từ thực tiễn thực hiện Khu vực đầu tư ASEAN trong thời gian qua, Việt Nam cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách có liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài để thực hiện một cách chủ động, tích cực hơn những cam kết pháp lý về đầu tư theo các Hiệp định về đầu tư của ASEAN mà tiêu biểu hiện nay là ACIA. Các bộ ngành liên quan cần phải bám sát thực tiễn tình hình phát triển của đất nước để đưa ra những điều chỉnh và bổ sung phù hợp, kịp thời trong các chính sách bảo đảm đầu tư nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng phục vụ cho quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Quá trình này đòi hỏi quốc gia phải chủ động tham gia xây dựng, ký kết và thực hiện các luật lệ và chuẩn mực quốc tế nhằm phục vụ tối đa lợi ích quốc gia, lợi ích của các thành phần kinh tế của đất nước. Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế là các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện một cách tận tâm, thiện chí và đầy đủ các cam kết quốc tế của mình (nguyên tắc Pacta sunt servanda). Pháp luật quốc gia chính là một trong những cơ sở để quốc gia thực hiện nghĩa vụ này. Thông qua cơ chế quốc gia mà trong đó pháp luật đóng vai trò chủ yếu, các cam kết quốc tế mới được thực thi đầy đủ trên thực tế, và nhờ đó, quốc gia có thể thực hiện hiệu quả quá trình hội nhập của mình.
Quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật phải được thực hiện trên cơ sở định hướng của Đảng, đã được thể hiện trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/03/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/04/2014 của Bộ chính trị về hội nhập quốc tế, các nghị quyết khác của Đảng về cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước và hội nhập quốc tế; đặc biệt là Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/04/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật hiện nay chủ yếu tập trung vào hai yêu cầu:
(i) Tiếp tục rà soát để nội luật hóa những quy định của ACIA theo nguyên tắc phải đảm bảo sự tương thích giữa các quy định của pháp luật ASEAN và pháp luật Việt Nam.
Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ ngày 13/05/2014 về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đã ghi nhận “tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy theo hướng tăng cường rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bãi bỏ các quy định không còn phù hợp với các cam kết quốc tế, nội luật hóa các cam kết quốc tế, ban hành các quy định mới đáp ứng các yêu cầu hội nhập” là một trong những yêu cầu cần thực hiện để xây dựng thể chế, nâng cao năng lực hội nhập. Chỉ thị số 15/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07/07/2015 tiếp tục triển khai Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế cũng khẳng định “tăng cường rà soát, triển khai nội luật hóa đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và đồng bộ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; sửa đổi những quy định không còn phù hợp” là một trong những nhiệm vụ cấp bách của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để đạt được mục tiêu hội nhập.
(ii) Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện AICA
Sự chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau trong các quy định của pháp luật Việt Nam về việc thực hiện ACIA đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền cũng như quá trình áp dụng, tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Do đó, cần tiến hành quá trình rà soát để phát hiện nhằm giải quyết tình trạng này, qua đó nâng cao chất lượng của hoạt động lập pháp cũng như chất lượng của hệ thống pháp luật Việt Nam về đầu tư nói chung vào bảo hộ đầu tư nói riêng.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài cũng là một định hướng quan trọng trong việc thực thi chính sách bảo đảm đầu tư của quốc gia bởi cơ quan quản lý nhà nước với tư cách là cơ quan có chức năng thực hiện các biện pháp bảo đảm đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động đầu tư. Vì vậy, để tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm đầu tư, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước là yêu cầu vô cùng cấp bách. Cần thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về bảo đảm đầu tư cho các địa phương, Bộ, Ngành kết hợp nâng cao kỷ cương, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các Bộ, Ngành trong quá trình thực hiện chức năng của mình; nâng cao sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan trên cơ sở phân định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của mình.
4.3.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định trong các Hiệp định của ASEAN về bảo hộ đầu tư của Việt Nam
4.3.2.1. Hoàn thiện các quy định pháp luật Việt Nam về bảo hộ đầu tư
Thứ nhất, bổ sung những nội dung chưa được ghi nhận trong Luật Đầu tư năm 2014 của Việt Nam. So với ACIA, một số biện pháp bảo hộ đầu tư còn chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam. Vì thế, cần thiết phải bổ sung các biện pháp này nhằm đảm bảo tính tương thích, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các Nhà đầu tư ASEAN.
Cần bổ sung khái niệm bảo hộ đầu tư trong Luật Đầu tư năm 2014. Mặc dù Luật Đầu tư năm 2014 đã tạo hành lang pháp lý, thể hiện cam kết của Nhà nước về bảo đảm đầu tư, giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, luật cần đưa ra định nghĩa cụ thể về “bảo đảm đầu tư” để thể hiện sự nhất quán trước khi đưa ra các biện pháp bảo đảm đầu tư cụ thể. Thiết nghĩ, đây là căn cứ pháp lý quan trọng, làm cơ sở để đưa ra các biện pháp đầu tư. “Bảo đảm đầu tư” cần được hiểu là những cam kết của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Cần bổ sung và đề cập một cách trực tiếp các nguyên tắc bảo hộ đầu tư thay vì quy định gián tiếp thông qua các biện bảo bảo đảm đầu tư như hiên nay. Luật Đầu tư hiện hành cần đưa ra các nguyên tắc cụ thể trong quá trình áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư như nguyên tắc đối xử công bằng và thỏa đáng và nguyên tắc bảo hộ đầy đủ và an ninh. Bởi lẽ, từng bước phát triển kinh tế – xã hội – chính trị của đất nước thì các biện pháp bảo đảm đầu tư cũng có thể được sửa đổi, bổ sung; song cần có những nguyên tắc trong việc áp dụng để bảo đảm sự công bằng và nhất quán trong chính sách bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư nước ngoài và tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư.
Về biện pháp bồi thường trong trường hợp xung đột. Cụ thể: (i) về trường hợp bồi thường, cần quy định nghĩa vụ bồi thường của Nhà nước đối với những tổn thất,
thiệt hại của nhà đầu tư nước ngoài do chiến tranh, biểu tình, bạo loạn, xung đột vũ trang gây ra; (ii) về nguyên tắc, cần quy định việc bồi thường phải nhanh chóng, kịp thời, thoả đáng và không phân biệt đối xử, đồng thời có quy định về nguyên tắc xác định mức bồi thường, điều mà ngay cả ACIA cũng chưa quy định.
Về biện pháp bồi thường trong trường hợp tước quyền sở hữu. Pháp luật hiện hành nên có điều khoản đề cập trực tiếp về vấn đề tước quyền sở hữu, các trường hợp được tước quyền sở hữu, nguyên tắc bồi thường khi tước quyền sở hữu. Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản của nhà đầu tư nước ngoài, pháp luật Việt Nam cần bổ sung những văn bản hướng dẫn cụ thể về trưng mua, trưng dụng trực tiếp, gián tiếp. Đồng thời, cần có sự điều chỉnh trong Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 để đảm bảo sự nhất quán, tương thích với Luật Đầu tư và ACIA đó là thừa nhận việc trưng mua, trưng dụng gián tiếp tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp này. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cần bổ sung cam kết việc nhà đầu tư có thể kiểm tra lại tính hợp pháp của việc trưng mua, trưng dụng tài sản và mức bồi thường thông qua một trình tự tố tụng. Ngoài ra, cũng cần bổ sung cam kết về việc trả lãi đối với các khoản bồi thường không đúng hạn để phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đó là mức lãi suất được tính toán phù hợp các quy định pháp luật có liên quan của Việt Nam.
Về quyền chuyển vốn và lợi nhuận ra khỏi nước nhận đầu tư. Pháp luật Việt Nam cần chi tiết hơn về nội dung quyền này như cần nhấn mạnh các yêu cầu của việc chuyển vốn và lợi nhuận (ngoại tệ tự do chuyển đổi, không hạn chế, không chậm trễ, theo tỷ giá thị trường vào thời điểm chuyển đổi). Về các loại tài sản được chuyển ra nước ngoài, cần chỉ rõ các khoản đầu tư nào được chuyển và thứ tự chuyển để đảm bảo tính tương thích với quy định của ACIA.
Về các quy định hướng dẫn trong trường hợp chính sách, pháp luật của Việt Nam có thay đổi theo chiều hướng bất lợi hơn cho nhà đầu tư còn chưa rõ ràng, cụ thể.
Vì thế, cần có văn bản hướng dẫn bổ sung thêm quy định về bảo đảm quyền kinh doanh cho các nhà đầu tư trong trường hợp pháp luật thay đổi mà ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của nhà đầu tư theo hướng cho phép nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các dự án theo giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp khi văn bản pháp luật mới ban hành gây bất lợi cho nhà đầu tư.
Về biện pháp thế quyền. Hiện pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận biện pháp này trong Luật Đầu tư năm 2014 nên cần được bổ sung trong thời gian tới để hoàn thiện cơ chế bảo hộ và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Về biện pháp bảo đảm cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với Nhà nước. Pháp luật hiện hành của Việt Nam không quy định rõ về phạm vi áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước (ISDS)
trong khi ACIA quy định rất rõ về phạm vi này. Thiết nghĩ, cam kết về phạm vi các tranh chấp có thể sử dụng ISDS là rất quan trọng nên phải được quy định rõ trong pháp luật quốc gia. Do vậy để đảm bảo tương thích với ACIA, pháp luật Việt Nam cần sớm bổ sung vào pháp luật hiện hành về bảo đảm đầu tư.
Thứ hai, cần quy định chi tiết, cụ thể hơn các biện pháp bảo hộ đầu tư
Đối với các quy định về quyền chuyển vốn và tài sản của nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù đã khá hoàn chỉnh song trên thực tiễn vẫn còn một số quy định chưa được nội luật hoá như quy định Chính phủ có quyền ngăn cản một khoản chuyển tiền thông qua việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm thời như các quyết định cưỡng chế thi hành và lệnh phong toả tài sản tạm thời của toà án liên quan đến phá sản, mất khả năng thanh toán hoặc bảo vệ quyền của các chủ nợ hoặc quy định liên quan đến phát hành, kinh doanh hoặc buôn bán các chứng khoán, hợp đồng kì hạn, các sản phẩm tài chính phái sinh; các báo cáo hoặc chứng từ chuyển tiền; bảo đảm sự tuân thủ các quyết định hoặc bản án trong tố tụng tư pháp hay hành chính. Do vậy, thời gian tới, các nhà làm luật cần tính đến việc nội luật hoá các quy định mà Việt Nam đã cam kết trong các điều ước quốc tế song phương và đa phương để thuận lợi hơn khi triển khai.
Bên cạnh đó cần có sự kiểm soát chặt từ cơ quan có thẩm quyền, xác minh rõ ràng các khoản tiền mà nhà đầu tư chuyển ra nước ngoài để tránh trường hợp lạm dụng chính sách tự do chuyển vốn và lợi nhuận để chuyển những khoản tiền không hợp pháp ra nước ngoài, vượt qua sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước dưới hình thức lợi nhuận hoạt động đầu tư.
Đối với các quy định về trưng mua, trưng dụng tài sản của nhà đầu tư nước ngoài để góp phần điều chỉnh thống nhất và chi tiết cơ chế, thể thức và điều kiện áp dụng biện pháp trưng mua, trưng dụng và các vấn đề liên quan để ổn định tâm lý cho nhà đầu tư.. Cần khẩn trương xây dựng các văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật Trưng mua, trưng dụng 2008. Đặc biệt là quy định hướng dẫn cụ thể việc có áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp bị trưng thu, trưng dụng hay không cũng và những cam kết cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bồi thường nếu có sai phạm. Thiết nghĩ, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có tài sản bị trưng mua, trưng dụng thì không nên áp dụng thuế cá nhân hay các khoản lệ phí đối với bên thu nhập của nhà đầu tư được Nhà nước bồi thường. Bên cạnh đó, cần thống nhất thể thức, điều kiện và thủ tục trưng mua, trưng dụng hiện đang quy định rải rác tại các văn bản pháp luật chuyên biệt như Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đê điều để tránh gây ra cách hiểu không đúng dẫn đến mâu thuẫn trong việc triển khai thực hiện. Ngoài ra, cũng chưa có điều khoản nào quy định chi tiết về mức lãi suất trong trường hợp chậm thanh toán khi trưng thu, trung dụng gián tiếp để bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư. Do đó, cần bổ sung