Biểu III.8: Tổng hợp mức tiền lương tối thiểu theo các cách tiếp cận khác nhau và lựa chọng phưong án tiền lương tối thiểu
III. Điều chỉnh mức lương tối thiểu
2. Tác động của điều chỉnh tiền lương tối thiểu
1.1. Các tác động của điều chỉnh tiền lương tối thiểu đối với tiền lương Tác động của việc tăng tiền lương tối thiểu đối với tiền lương phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:
- Mức độ bao trùm của tiền lương tối thiểu;
- Nếu số người hưởng mức tiền lương tối thiểu càng nhiều thì việc điều
chỉnh tiền lương tối thiểu sẽ có tác động lớn hơn;
- Đặc tính của tiền lương tối thiểu: Nếu tiền lương tối thiểu quy định chung, việc điều chỉnh sẽ có tác động lớn hơn là các mức tiền lương tối thiểu quy định riêng cho từng ngành, và từng vùng.
1.2. Tác động đối với việc làm
Khi tăng tiền lương tối thiểu, sẽ dẫn đến tăng mức tổng chi phí lao động, tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ bao trùm và hình thức của tiền lương tối thiểu.
Các lý thuyết kinh tế cổ điển cho rằng việc tăng chi phí lao động (trong điều kiện vốn không thay đổi) sẽ dẫn đến việc giảm mức việc làm. Do vậy có thể sẽ có 2 tác động:
- Giảm việc làm hiện tại, do doanh nghiệp không đủ quỹ tiền lương để trả cho số công nhân có mức năng suất lao động thấp hơn mức tiền lương tối thiểu, do vậy họ sẽ bị sa thải và vì vậy tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên;
- Tốc độ tăng việc làm mới trong tương lai sẽ giảm do doanh nghiệp hoặc sẽ phải thu hẹp sản xuất hoặc do tổng chi phí lao động tăng, dẫn đến giá cả sản phẩm tăng, cầu hàng hoá sẽ giảm trong tương lai và giảm cầu lao động trong tương lai.
Hoặc do chi phí lao động cao, tỷ lệ lợi nhuận giảm xuống và do vậy doanh nghiệp sẽ phải chuyển đổi cơ cấu đầu tư vào máy móc thiết bị để tăng năng suất lao động, do vậy số việc làm trong tương lai sẽ giảm và thất nghiệp sẽ tăng lên.
Do lợi nhuận bị thấp nên sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp mới thành lập và do vậy sẽ giảm việc làm trong tương lai.
Tuy nhiên, trong thực tế các nước, tác động của việc tăng tiền lương tối thiểu đến việc làm và chi phí lao động có thể điều chỉnh thông qua một số biện pháp sau đây:
- Trong thời kỳ ngắn hạn (khi công nghệ không thay đổi), việc tăng tiền lương tối thiểu, sẽ dẫn đến tăng tiền lương và tăng tiền lương là một trong những kích thích rất đáng kể đối với người công nhân trong việc tăng năng suất lao động do vậy có thể bù đắp được các chi phí lao động tăng thêm do tăng tiền lương. Hơn thế nữa, tăng năng suất lao động thậm chí dẫn đến giảm chi phí lao
động trên một đơn vị sản phẩm chứ không phải tăng.
- Trong thời kỳ dài hạn, doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm các biện pháp tăng hiệu quả sử dụng lao động, giảm lãng phí lao động do ốm đau, bỏ việc thông qua các biện pháp cải thiện các mối quan hệ lao động, kết quả dẫn đến việc người công nhân yên tâm hơn, phấn khởi hơn và do vậy năng suất lao động sẽ tăng lên.
- Đối với một số ngành thiếu lao động, việc tăng tiền lương tối thiểu sẽ dẫn đến tăng việc làm.
1.3. Tác động đối với phân phối thu nhập
Đánh giá tác động của việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu không chỉ tập trung việc xem xét mức độ và phạm vi tác động của tiền lương tối thiểu, mà còn phải để ý xem ai sẽ bị tác động của việc điều chỉnh này.
Việc đánh giá tác động phụ thuộc vào mức tiền lương của những người sẽ mất việc làm và mức tiền lương mới của họ sẽ có tác động điều chỉnh như thế nào? Các tác động cụ thể là:
- Nếu tiền lương tối thiểu điều chỉnh quá cao, sẽ làm cho nhiều người lao động bị mất việc, thu nhập của họ bị giảm, trong khi đó, những người ở lại tiền lương lại được điều chỉnh, do vậy sẽ làm giãn cách thu nhập giữa những người có việc làm và không có việc làm, đặc biệt giữa thu nhập thành thị và nông thôn, do vậy sẽ làm tăng luồng di dân từ nông thôn ra thành thị;
- Nếu tăng tiền lương tối thiểu không dẫn đến việc giảm việc làm của người lao động có thu nhập thấp, thì sẽ có tác động giảm khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động.
1.4. Các tác động kinh tế vĩ mô
Tiền lương tối thiểu nhằm bảo vệ cho những người lao động yếu thế. Tuy nhiên, việc bảo đảm mức tiền lương thoả đáng, mức tiền lương sàn cho hệ thống trả lương cần phải kết hợp với việc đánh giá liệu việc tăng lương có tác động vĩ mô như thế nào đến lạm phát, tăng trưởng kinh tế và mức tiền lương nói chung.
1.5. Tác động đối với lạm phát
Theo lý thuyết cổ điển, việc tăng tổng quỹ tiền lương sẽ dẫn đến lạm phát
do tổng chi phí lao động tăng lên trong khi mức tổng cầu về hàng hoá không thay đổi. Tuy nhiên nếu như việc tăng tổng quỹ tiền lương xuất phát từ việc tăng năng suất lao động, trên cơ sở đảm bảo cân bằng mối quan hệ hàng hoá - tiền tệ, lạm phát sẽ không xảy ra.
1.6. Tác động đối với tăng trưởng kinh tế
Đánh giá tác động của việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu đến tăng trưởng kinh tế là việc xem xét khả năng điều chỉnh tiền lương tối thiểu sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến tỷ lệ lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngoài ra còn phải xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu có tác động như thế nào đối với tính kích thích của tiền lương hoặc là các ảnh hưởng về phân phối thu nhập, cũng như tác động tiêu cực của nó tới cán cân thanh toán do tăng ngân sách Nhà nước cho việc trả các khoản tiền lương, giảm các khoản chi tiêu không có tính chất lương, và do vậy sẽ có tác động xấu đến tỷ lệ tích luỹ và đầu tư của quốc gia trong tương lai.
Tuy nhiên, việc tăng tiền lương tối thiểu thường có những tác động tích cực sau đây:
- Tăng tiền lương sẽ có tác dụng kích thích tăng chi tiêu của dân cư, do vậy sẽ kích thích tăng tổng cầu về hàng hoá, dịch vụ. Đặc biệt việc tăng tiền lương của nhóm người có thu nhập thấp sẽ có tác động làm tăng tổng cầu về hàng hoá và dịch vụ có hàm lượng lao động cao. Do vậy sẽ có tác dụng khuyến khích phát triển sản xuất, dẫn đến tăng việc làm trong tương lai.
- Việc tăng tiền lương tối thiểu bên cạnh đó có tác dụng kích thích người chủ chuyển đầu tư từ ngành thu hút nhiều lao động có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao và do vậy có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế.
1.7. Các giải pháp giám sát khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu
Về cơ chế quản lý tiền lương tối thiểu: Phải vừa đảm bảo tính nghiêm túc, chặt chẽ, vừa phải bảo đảm tính mềm dẻo phù hợp với cơ chế thị trường.
Đảm bảo tính nghiêm túc, chặt chẽ có nghĩa là đảm bảo cho quá trình phân phối tuân thủ theo những quy trình nhất định, hạn chế những tác nhân làm rối loạn quá trình phân phối. Đảm bảo tính mềm dẻo là để phù hợp với những điều tiết hết sức nhạy cảm quan hệ về cung - cầu trên thị trường lao động. Trong điều kiện kinh tế thị trường, cơ chế quản lý của Nhà nước còn yếu, đặc biệt vai
trò của tổ chức Công đoàn chưa đủ mạnh thì nên quy định một mức tiền lương tối thiểu chung, thống nhất cho các thành phần, khu vực kinh tế để đảm bảo sự hoạt thống nhất hài hoà, không bị phân lập của thị trường lao động và để làm đơn giản việc đàm phán, kiểm tra sau mỗi lần điều chỉnh và quy định mới.
Hoàn thiện cơ chế quản lý và điều chỉnh tiền lương tối thiểu phải tập trung:
- Xác định quy trình theo dõi sự biến động của giá cả các mặt hàng trong
“rổ hàng hoá” và ảnh hưởng của nó tới tiền lương tối thiểu thực tế.
- Thời gian điều chỉnh theo mức độ biến động thường sau 12 tháng.
- Xây dựng khuyến nghị về mức tăng tiền lương tối thiểu cho các loại hình doanh nghiệp căn cứ vào tốc độ tăng năng suất lao động, quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.