Bản chất và vai trò của phụ cấp lương

Một phần của tài liệu Giáo trình Quản trị lao động tiền lương (Nghề: Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ) - Trường CĐ Cộng đồng Lào Cai (Trang 94 - 98)

1. Bản chất và các hình thức biểu hiện của phụ cấp lương

Trong thu nhập từ công việc của người lao động, ngoài lương cơ bản còn có phụ cấp lương, một số khoản thu khác. Tuỳ thuộc vào quan điểm, phương pháp xây dựng hệ thống lương quốc gia, trình độ quản lý tiền lương - tiền công ở tầm vĩ mô và vi mô mà người ta quy định các loại phụ cấp khác nhau.

a. Phụ cấp lương là khoản tiền lương bổ sung cho lương cấp bậc, chức vụ, lương cấp hàm khi điều kiện lao động, mức độ phức tạp của công việc và điều kiện sinh hoạt có các yếu tố không ổn định.

Các khoản phụ cấp mà người lao động được hưởng có thể được xem như một phần bổ sung thêm cho tiền lương cơ bản, mặc dù về hình thức biểu hiện, nó không phải là lương cơ bản. Khi xây dựng hệ thống lương cho một quốc gia, người ta thường muốn đơn giản hoá hệ thống lương thông qua việc xây dựng một hệ thống chung cho tất cả các vùng, miền, khu vực, ... với điều kiện sống, sinh hoạt và làm việc khác nhau. Do vậy, đối với các vùng, miền, khu vực ... cụ thể, những yếu tố đặc thù, không ổn định về điều kiện sinh hoạt và điều kiện lao động cần phải được tính lương ở mức cao hơn so với lương cơ bản được quy định. Ví dụ, với những vùng đất mới khai hoang, điều kiện sinh hoạt, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn khó khăn, cần thu hút người lao động đến làm việc, thời gian đầu nên quy định phụ cấp thu hút. Đến khi cơ sở hạ tầng, điều kiện sống và làm việc đã trở nên tốt hơn, có thể huỷ bỏ chế độ phụ cấp này. Điều đó có nghĩa là, cần có chế độ phụ cấp lương để bù đắp cho người lao động cho những trường hợp đó.

Trong một số trường hợp, hệ thống lương được quy định chưa tính đủ các yếu tố lương. Chẳng hạn, trong một bảng lương được áp dụng cho một nhóm đối tượng nào đó, có thể trong quá trình làm việc do những thành tích xuất sắc, người lao động được nâng lương trước thời hạn nhiều lần, đến khi đạt bậc lương cao nhất của bảng lương, người lao động vẫn còn thời gian công tác

nhiều năm. Trường hợp này cần quy định thêm phụ cấp thâm niên vượt khung để khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc có hiệu quả cao. Hoặc, dù trong lương đã tính đến các yếu tố độc hại - nguy hiểm nhưng trên thực tế, có những nơi làm việc có mức độ độc hại - nguy hiểm cao hơn nhiều so với mức độ độc hại - nguy hiểm được tính trong lương, cần quy định thêm chế độ phụ cấp độc hại - nguy hiểm.

Đối với các doanh nghiệp nói chung, tuỳ thuộc vào mục tiêu ưu tiên và định hướng phát triển của doanh nghiệp, có thể quy định các chế độ phụ cấp đặc thù; ví dụ phụ cấp ngoại ngữ, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp ý thức, v.v...

b. Phụ cấp lương có thể được biểu hiện bằng tiền, hiện vật hoặc hình thức khác

Nhìn chung, các phụ cấp được thể hiện bằng tiền là chủ yếu, ví dụ phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp độc hại nguy hiểm... đang được áp dụng trong khu vực Nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Phụ cấp bằng hiện vật được áp dụng khá phổ biến ở Việt Nam trước thời kỳ Đổi mới (1986) dưới các dạng tem phiếu dùng để mua lương thực, thực phẩm và các vật dụng sinh hoạt khác; nhà ở; điện nước v.v... Đến nay, ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số chế độ phụ cấp bằng hiện vật đối với một số đối tượng đặc biệt, ví dụ, chế độ xe công cho các cấp từ Vụ trưởng trở lên, nhà công vụ... Phụ cấp bằng hiện vật còn tồn tại ở các nước Nam á như ấn độ, Băng La Đét, Pakistan, Sri Lanca v.v... dưới các dạng nhà công vụ, phụ cấp lắp điện thoại tại nhà riêng cho các quan chức cấp cao...

Ngoài ra, có những phụ cấp không biểu hiện dưới dạng tiền hay hiện vật, ví dụ như lái xe riêng cho quan chức cấp cao, đi máy bay miễn phí (dành cho nhân viên hàng không của một số hãng hàng không)...

c. Phụ cấp lương có thể được biểu hiện dưới dạng hữu hình hoặc vô hình.

Các phụ cấp được biểu hiện dưới dạng hữu hình là những phụ cấp được nhận dạng ngay từ tên gọi của nó, ví dụ phụ cấp chức vụ; phụ cấp lưu động...

Trường hợp ngược lại được gọi là các phụ cấp “vô hình”. Các phụ cấp “vô hình” được tồn tại khá phổ biến, ví dụ, tiền công tác phí cho cán bộ đi công tác về thực chất là phụ cấp lưu động; tiền “bồi dưỡng” họp do cơ quan chi trả cho người tham dự một buổi họp hay hội nghị nào đó trong giờ hành chính về thực

chất là phụ cấp “khuyến khích” mọi người đi họp đầy đủ hơn. Đôi khi, phụ cấp lương còn được “ẩn” vào lương như phụ cấp lưu động được đưa vào tiền lương của bộ phận kinh doanh (bán hàng) trong một công ty, phụ cấp chức vụ của nhiều chức danh lãnh đạo được đưa vào tiền lương chức vụ...

2. Vai trò của phụ cấp lương

Vai trò của phụ cấp lương được thể hiện ngay trong chính khái niệm của từng loại phụ cấp. Để làm rõ vai trò của phụ cấp lương, có thể phân tích dưới hai góc độ: góc độ vĩ mô và góc độ vi mô.

Nhìn từ góc độ vĩ mô của nền kinh tế, trước hết, phụ cấp lương có vai trò bù đắp hao phí lao động của người lao động mà trong lương cấp bậc, chức vụ, chuyên môn, nghiệp vụ chưa thể hiện đầy đủ như điều kiện lao động, mức độ phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt khó khăn … Việc bù đắp hao phí lao động tăng thêm đó thông qua các chế độ phụ cấp lương giúp cho người lao động đảm bảo tái sản xuất sức lao động tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, công tác của cá nhân người lao động và tập thể. Thông qua các chế độ phụ cấp này, tiền lương sẽ trở nên “công bằng” hơn.

Phụ cấp lương còn là một trong những công cụ để Nhà nước điều chỉnh quan hệ tiền lương và thu nhập giữa các ngành, nghề, công việc, vùng, miền và khu vực. Đối với người lao động làm việc trong khu vực Nhà nước, mức tiền lương và thu nhập thực tế giữa các vùng, miền, khu vực và ngành sẽ trở nên cân bằng hơn thông qua các chế độ phụ cấp lương. Ví dụ, chế độ phụ cấp khu vực sẽ có tác động giúp cho những người làm việc ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, khí hậu xấu, cơ sở hạ tầng thấp kém nâng cao tiền lương và thu nhập thực tế, qua đó khả năng mua từ lương các tư liệu sinh hoạt cần thiết. Cũng cần lưu ý là, nhiều tư liệu sinh hoạt ở các vùng này có giá cao hơn so với các vùng khác cước phí vận chuyển cao và nhiều nguyên nhân khác. Tác động điều chỉnh quan hệ tiền lương và thu nhập còn được thể hiện ở việc tạo ra sự phân biệt rõ hơn về tiền lương theo điều kiện lao động (phụ cấp thợ lặn, phụ cấp thanh sắc, phụ cấp độc hại, ...), theo mức độ phức tạp của công việc (phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp chức vụ, ...), theo mức độ ưu tiên phát triển của các ngành nghề (phụ cấp đặc thù theo nghề)... Việc quy định mức phụ cấp cũng có tác động làm

thay đổi mức thu nhập của người lao động trong khu vực Nhà nước, qua đó có tác động điều chỉnh mức tiền lương và thu nhập ở các khu vực kinh tế khác thông qua hoạt động của thị trường lao động.

Ngoài ra, phụ cấp lương còn có vai trò khuyến khích người lao động đến làm việc ở những vùng xa xôi hẻo lánh, điều kiện sinh hoạt khó khăn, góp phần điều phối và ổn định lực lượng lao động xã hội. Trên thực tế, con người thường bị chi phối bởi các yếu tố lợi ích, trong đó có lợi ích về vật chất và tinh thần.

Việc quy định các loại phụ cấp như phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt là một trong những giải pháp của Nhà nước nhằm khuyến khích về vật chất, qua đó thu hút người lao động đến làm việc ở các vùng khó khăn. Bên cạnh việc quy định các loại phụ cấp này, để thu hút lao động hiệu quả, cần thực hiện nhiều giải pháp khác như đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xoá đói, giảm nghèo...

Nhà nước còn có thể sử dụng phụ cấp lương như là một công cụ nhằm khuyến khích phát triển các ngành nghề ưu tiên, các ngành nghề mũi nhọn. Với những ngành nghề cần tập trung phát triển, có thể quy định chế độ phụ cấp riêng hoặc quy định mức phụ cấp cao hơn so với các ngành khác, qua đó tạo ra thu nhập cao cho người lao động ở những ngành này. Sự chênh lệch về thu nhập giữa các ngành được tạo ra bởi phụ cấp lương sẽ có tác động tạo ra dòng di chuyển lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ ngành có thu nhập thấp đến ngành có thu nhập cao, định hướng nghề nghiệp cho những người sắp bước vào thị trường lao động, qua đó giúp các ngành nghề cần phát triển có thể thu hút được lao động và thu hút nhân tài, tạo cơ sở cho sự phát triển cả về quy mô và chất lượng. Việc quy định các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề ở Việt Nam không nằm ngoài mục tiêu đó.

Phụ cấp lương còn góp phần thực hiện tốt các mục tiêu an ninh, quốc phòng, mục tiêu kinh tế - xã hội và các mục tiêu khác của Nhà nước. Rõ ràng, các chế độ phụ cấp lương do Nhà nước quy định, cùng với việc thực hiện các mục tiêu đã được đề cập, đã thể hiện rất rõ mục tiêu kinh tế - xã hội của Nhà nước thông qua việc tạo sự công bằng xã hội trong tiền lương, đảm bảo các chức năng của tiền lương và thúc đẩy kinh tế phát triển. Thêm vào đó, việc quy

định chế độ phụ cấp đặc biệt của Nhà nước có tác động khuyến khích người lao động đến làm việc ở những vùng biên giới, đảo xa đất liền, qua đó đảm bảo thực hiện mục tiêu quốc phòng an ninh - một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của đất nước. Ngoài ra, tuỳ thuộc vào đặc điểm và định hướng phát triển của từng thời kỳ, Nhà nước có thể quy định các loại phụ cấp khác nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra.

Xét từ góc độ vi mô, trong các cơ quan, doanh nghiệp, việc thực hiện các chế độ phụ cấp lương do Nhà nước quy định (đối với các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước) có vai trò góp phần thực hiện các mục tiêu chung của Nhà nước (được đề cập ở trên). Việc thực hiện các chế độ phụ cấp lương này góp phần đảm bảo tái sản xuất sức lao động, tạo động lực lao động, đảm bảo các quyền và lợi ích cho người lao động trong chính các cơ quan, doanh nghiệp này, qua đó nâng cao năng suất và hiệu quả lao động cho cơ quan, doanh nghiệp.

Các cơ quan, doanh nghiệp có thể quy định các chế độ phụ cấp riêng, đặc thù của mình (kể cả các đơn vị sự nghiệp có thu và các doanh nghiệp Nhà nước). Các chế độ phụ cấp lương đặc thù này có vai trò góp phần thực hiện các mục tiêu và định hướng phát triển do chính cơ quan, doanh nghiệp đặt ra.

Chẳng hạn, một công ty liên doanh có thể quy định phụ cấp ngoại ngữ cho những nhân viên giỏi tiếng Anh, qua đó khuyến khích phong trào học ngoại ngữ. Hoặc, để nâng cao tinh thần trách nhiệm và kỷ cương trong công việc, một doanh nghiệp có thể quy định chế độ phụ cấp ý thức và phụ cấp trách nhiệm, với mức phụ cấp đủ lớn và với quy trình xét hưởng phụ cấp rõ ràng, minh bạch để thực hiện tốt mục tiêu đặt ra v.v...

Một phần của tài liệu Giáo trình Quản trị lao động tiền lương (Nghề: Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ) - Trường CĐ Cộng đồng Lào Cai (Trang 94 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(325 trang)