III. Các chế độ phụ cấp lương do Nhà nước quy định
2. Phụ cấp chức vụ lãnh đạo
Phụ cấp chức vụ lãnh đạo là khoản tiền trả cho người lao động hưởng lương theo ngạch, bậc lương chuyên môn nghiệp vụ, khi họ được giữ chức vụ lãnh đạo một tổ chức, nhằm bù đắp cho hao phí lao động tăng lên, do phải lãnh thêm trách nhiệm quản lý mà yếu tố này chưa được xác định trong mức lương.
Việc quy định phụ cấp chức vụ riêng cho phần lớn các chức danh lãnh đạo ở các cơ quan, tổ chức Nhà nước có mục đích loại bỏ tình trạng khi được bổ nhiệm, lương tăng, khi miễn nhiệm mức lương vẫn giữ nguyên, đồng thời thể hiện rõ một trong những mục tiêu cải cách hành chính của Nhà nước Việt Nam - bổ nhiệm có thời hạn, theo nhiệm kỳ, qua đó tạo động lực cho những người giữ chức danh lãnh đạo phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cải cách tiền lương năm 2004 đã có những quy định mới hơn về phụ cấp chức vụ so với trước khi thực hiện cải cách tiền lương. Trước hết, mức hưởng phụ cấp chức vụ đã có sự điều chỉnh tăng lên so với trước do nền kinh tế Việt Nam đạt được mức độ tăng trưởng cao trong những năm qua. Đối tượng được hưởng phụ cấp chức vụ cũng đã có sự điều chỉnh nhất định. Ví dụ, trong số đối tượng được hưởng phụ cấp chức vụ có thêm các đại biểu chuyên trách của Quốc hội, một số chức danh lãnh đạo của Nhà nước, song phụ cấp chức vụ không có đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị của các Tổng Công ty Nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước
độc lập quy mô lớn.
Về thực chất, trong tiền lương chức vụ của những người giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước bao giờ cũng gồm có 2 phần:
phần tiền lương cơ bản (lương chuyên môn nghiệp vụ) và phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Vấn đề điều chỉnh đối tượng được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, xét theo đúng bản chất của nó, chỉ là việc tách riêng hay ghép lại hai cấu thành cơ bản này của lương chức vụ. Nếu tách riêng, người giữ chức vụ lãnh đạo được hưởng phụ cấp chức vụ, ngược lại, khi ghép 2 cấu thành này với nhau, người giữ chức vụ lãnh đạo sẽ hưởng lương chức vụ.
1.1. Đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo
Cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ cấp Trung ương đến cấp huyện.
Cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể (Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh) từ Trung ương đến cơ sở.
Cán bộ bầu cử trong các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, Kiểm sát) được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện và trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập.
Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế Nhà nước và xếp lương theo ngạch, bậc công chức, viên chức được cử đến giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội và tổ chức phi chính phủ.
Các chức danh lãnh đạo trong lực lượng vũ trang (từ Trung đội trưởng trở lên).
Cán bộ cấp phòng ở các doanh nghiệp Nhà nước (từ hạng 3 đến hạng đặc biệt và tương đương);
1.2. Nguyên tắc hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo
Người được bầu cử hoặc bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo nào thì hưởng
mức phụ cấp theo chức danh lãnh đạo đó. Nếu một người giữ nhiều chức danh lãnh đạo khác nhau thì được hưởng mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cao nhất.
Trường hợp người giữ chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị này được bố trí biên chế chuyên trách người đứng đầu thì được hưởng thêm phụ cấp kiêm nhiệm.
1.3. Các trường hợp được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo
Theo yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đang giữ chức danh lãnh đạo được luân chuyển đến giữ chức danh lãnh đạo khác có phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới thấp hơn thì được giữ nguyên mức phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo cũ.
Nếu cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức danh lãnh đạo không thuộc diện luân chuyển theo yêu cầu nhiệm vụ, nếu có phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới thấp hơn mức phụ cấp chức vụ cũ thì được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng kể từ ngày được cấp có thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu cử hoặc ngày bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo mới; từ tháng thứ 7 trở đi hưởng mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo mới.
Nếu cơ quan, đơn vị chưa có cấp trưởng hoặc có cấp trưởng nhưng cấp trưởng không trực tiếp điều hành công việc, thì người có quyết định (bằng văn bản) của cơ quan có thẩm quyền giao phụ trách hoặc giao quyền cấp trưởng được hưởng mức phụ cấp chức vụ bằng mức phụ cấp chức vụ của cấp trưởng.
Khi có quyết định thôi giao phụ trách hoặc thôi giao quyền cấp trưởng thì thôi hưởng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo của cấp trưởng kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành.
Nếu do thay đổi tổ chức mà hạng của cơ quan, đơn vị được xếp thấp hơn hạng cũ, thì những người đã giữ chức danh lãnh đạo trước ngày có quyết định của cấp có thẩm quyền thay đổi hạng tổ chức của cơ quan, đơn vị, được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng; từ tháng thứ 7 trở đi hưởng mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo mới.
Nếu do thay đổi địa giới hành chính, những người có quyết định của cấp có thẩm quyền chỉ định giữ chức danh lãnh đạo lâm thời, được hưởng mức phụ
cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh lãnh đạo tương ứng. Khi hết thời hạn giữ chức danh lãnh đạo lâm thời được bầu cử hoặc bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo nào thì hưởng phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo đó, không bảo lưu mức phụ cấp chức vụ đã được hưởng trong thời gian giữ chức danh lãnh đạo lâm thời.
1.4. Các trường hợp thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo
Nếu thôi không giữ chức danh lãnh đạo do bị kỷ luật miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc không được bổ nhiệm lại, thì thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo kể từ ngày quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo có hiệu lực thi hành.
Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do được kéo dài thời gian công tác khi đến độ tuổi nghỉ hưu hoặc thôi giữ chức danh lãnh đạo để nghỉ hưu theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền, thì được bảo lưu hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng.
Nếu thôi không giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ, thì thực hiện theo hướng dẫn riêng trong lần sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế đó.
Đối với các trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) do các nguyên nhân khác ngoài các nguyên nhân nêu trên thì được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng; từ tháng thứ 7 trở đi thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
1.5. Công thức tính tiền phụ cấp chức vụ lãnh đạo
Phụ cấp chức
vụ lãnh đạo = Hệ số phụ cấp
chức vụ x Mức lương tối thiểu 1.6. Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo
Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo dành cho các đối tượng khác nhau được quy định trong các văn bản khác nhau, phụ thuộc vào cấp tổ chức và loại tổ chức.
Đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, theo quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ban hành ngày 30/9/2004, ở cấp Trung ương, hệ số phụ cấp chức vụ cao nhất là 1,3 (Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, ...) và thấp nhất là 0,85 (Phó Vụ trưởng Vụ nghiệp vụ, Phó Viện trưởng Viện nghiệp vụ, ...). Với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hệ số cao nhất là 1,25 (Chủ tịch Hội đồng nhân dân của các tỉnh, thành phố không phải là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), thấp nhất là 0,5 (Phó Chánh toà của các tỉnh, thành phố không phải là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh). Tại các thành phố thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã, hệ số cao nhất là 0,9 (Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố là đô thị loại II), thấp nhất là 0,2 (Phó Trưởng ban chuyên trách Hội đồng nhân dân các huyện, thị xã và các quận không thuộc thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).
Đối với các chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004, phụ cấp chức vụ lãnh đạo được chia thành 24 nhóm khác nhau. Mức phụ cấp thấp nhất là 0,15 ; mức cao nhất là 1,3 (áp dụng cho chức vụ Thứ trưởng).
Đối với các chức danh lãnh đạo trong quân đội nhân dân và công an nhân dân, theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004, phụ cấp chức vụ qui định cho 14 loại chức vụ. Mức thấp nhất là 0,2 áp dụng cho trung đội trưởng. Mức cao nhất 1,5 áp dụng cho Bộ trưởng (nếu Bộ trưởng xếp lương theo cấp hàm sĩ quan).
Đối với các chức danh lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể (Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh), theo quy định tại Quyết định số 128-QĐ/TW ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Ban Bí thư, chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo được quy định thành 5 bảng với mức phụ cấp cao nhất là 1,3 (áp dụng cho Phó Chánh Văn phòng, Phó trưởng ban Đảng Trung ương, ...), mức thấp nhất là 0,15 (áp dụng cho một số chức danh như Uỷ viên chuyên trách Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện).
Đối với các chức danh lãnh đạo trong doanh nghiệp, mức phụ cấp phụ thuộc vào hạng doanh nghiệp. Theo quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ, mức phụ cấp giữ chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng công ty thấp nhất là 0,2 áp dụng cho phó trưởng phòng và tương đương ở các Công ty hạng III; mức cao nhất là 0,7 áp dụng cho trưởng phòng và tương đương trong các Tổng Công ty hạng đặc biệt và tương đương.
1.7. Cách chi trả phụ cấp chức vụ lãnh đạo
Phụ cấp chức vụ lãnh đạo được trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
1.8. Một số lưu ý
Với các doanh nghiệp Nhà nước, phụ cấp giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó trưởng phòng được tính vào đơn giá tiền lương.