Phương pháp xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật

Một phần của tài liệu Giáo trình Quản trị lao động tiền lương (Nghề: Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ) - Trường CĐ Cộng đồng Lào Cai (Trang 42 - 45)

Chương II Các chế độ tiền lương

II. Chế độ tiền lương cấp bậc

5. Các yếu tố cấu thành chế độ tiền lương cấp bậc

5.1. Tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật

5.1.5. Phương pháp xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật

Việc xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

- Phản ánh được các yêu cầu về trình độ văn hoá, trình độ lành nghề, các yêu cầu kỹ thuật, trình độ tổ chức sản xuất, tổ chức lao động của công nhân trong mỗi ngành, nghề;

- Phải thể hiện được trình độ tiên tiến và hướng phát triển của khoa học - kỹ thuật làm mục tiêu cho công nhân phấn đấu nâng cao trình độ tay nghề;

- Bảo đảm sự thống nhất, cân đối giữa các nghề có điều kiện sản xuất tương tự giống nhau (điều kiện tổ chức sản xuất, quản lý, công nghệ). Mặt khác, có xét đến tốc độ độ phát triển, biến động của nghề trong các ngành riêng biệt.

b. Phương pháp xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân

Căn cứ vào các nguyên tắc và nội dung của tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân, khi xây dựng tiêu chuẩn người ta sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó áp dụng nhiều hơn cả là phương pháp phân tích có căn cứ khoa học để đánh giá đúng tính chất phức tạp của các công việc và quy định chính xác trình độ cao, thấp khác nhau của mỗi bậc.

Để xác định đúng tính chất phức tạp nhiều hay ít của các công việc, khi xây dựng phải dựa trên cơ sở phân tích các chức năng, nhiệm vụ mà công nhân phải thực hiện trong quá trình lao động sản xuất từ khi chuẩn bị cho đến khi kết thúc công việc. Trên thực tế người ta sử dụng phương pháp đánh giá mức độ phức tạp của các công việc theo phương pháp cho điểm, cụ thể xem ở “phương pháp xác định cấp bậc công việc” đề cập ở mục sau của chương này.

c. Trình tự tiến hành xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật:

Việc xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc trong doanh nghiệp được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Thành lập Hội đồng xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật doanh nghiệp gồm các thành viên sau:

- Giám đốc (Tổng giám đốc) doanh nghiệp là Chủ tịch Hội đồng;

- Các uỷ viên Hội đồng gồm: Cán bộ phụ trách công tác lao động, tiền lương là uỷ viên thường trực; cán bộ phụ trách công tác nghiệp vụ kỹ thuật là uỷ viên;

đại diện tổ chức công đoàn; các uỷ viên khác do Chủ tịch hội đồng quyết định.

Bước 2: Thực hiện việc xác định tên nghề;

Việc phân loại công việc và xác định chức danh nghề phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

- Bảo đảm chuyên môn hoá, hợp tác hoá và phát triển toàn diện người công nhân;

- Thực hiện tốt phương châm giỏi một nghề và biết nhiều nghề có liên quan.

Bước 3: Nghiên cứu tài liệu:

- Thiết kế phiếu xác định mức độ phức tạp công việc (hoặc phiếu xác định cấp bậc công việc) để tiến hành khảo sát sau này: Đây là tài liệu gốc, tài liệu chủ yếu làm cơ sở cho việc xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật cho sát hợp với trình độ tổ chức sản xuất và kỹ thuật của doanh nghiệp;

- Tài liệu về kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật máy móc, thiết bị và dụng cụ của doanh nghiệp;

- Tham khảo những tài liệu giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng công nhân của ngành, nghề đó, như: kỹ thuật đại cương, kỹ thuật cơ sở, lý thuyết về chuyên môn, các quy tắc về an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp.

Từ những tài liệu trên, nghiên cứu rút ra những điểm cơ bản, cần thiết thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của công nhân nghề đó phải thực hiện.

Bước 4: Thống kê các công việc làm thực tế của từng nghề và phân loại các công việc để xác định lại đúng đắn các chức danh nghề của doanh nghiệp. Sau khi thống kê các công việc của một nghề tiến hành sơ bộ xếp các công việc theo loại từ dễ đến khó và xác định những việc làm cụ thể, việc làm điển hình phản ánh đúng nội dung công việc của từng nghề.

Buớc 5: Phân tích xác định tính chất phức tạp của từng bậc kỹ thuật của từng nghề và xác định đưa ra những yêu cầu về “hiểu”, “biết” và “công việc làm được”

của bậc 1 (bậc khởi điểm) và các bậc khác.

Để phân loại và quy định kiến thức của từng bậc được đúng đắn thì phải thống kê tất cả các phần “Hiểu”, phần “Biết” và “Công việc phải làm được” của từng nghề. Tài liệu này có thể lấy ở “Phiếu xác định cấp bậc công việc kết hợp với kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia để phân tích xác định tính chất phức tạp của từng bậc, trong đó trước hết và chủ yếu phân tích xác định đúng phần

“Hiểu”, phần “Biết” và phần “Làm được” của bậc khởi điểm (bậc 1).

Sau khi xác định được tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật của bậc khởi điểm (bậc 1) thì căn cứ vào đó xây dựng dần lên các bậc cao hơn, phức tạp hơn cho một nghề nào đó. Sau khi xây dựng xong nội dung tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật của một nghề cần tiến hành tổ chức lấy ý kiến của công nhân trong doanh nghiệp cùng làm nghề đó, thông qua đó nghiên cứu, phân tích, thu thập ý kiến chuyên gia để sửa đổi, bổ sung cho bản dự thảo được hoàn chỉnh hơn. Tuy nhiên, phần “Làm được” trong nội dung tiêu chuẩn không thể quy định và ghi được tất cả các công việc phải làm của mỗi bậc, do đó phải lựa chọn ghi những công việc có tính chất điển hình phản ánh đúng nội dung tiêu chuẩn của mỗi bậc xây dựng. Các nghề khác cũng tiến hành xây dựng tương tự như vậy.

Bước 6: Cân đối nội dung và áp dụng thử trong thực tế:

Khi xây dựng xong tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật đối với tất cả các nghề trong doanh nghiệp thì bước đầu tiên phải tiến hành cân đối nội dung. Việc cân đối nội dung trước hết phải cân đối nội dung tiêu chuẩn của các bậc khởi điểm (bậc 1) và các bậc cao nhất của các nghề để bảo đảm mối quan hệ hợp lý giữa các nghề trong doanh nghiệp và trong toàn ngành.

Sau khi cân đối nội dung tiêu chuẩn phải tiến hành xếp thử (áp dụng thử) ở các bộ, phận, đơn vị sản xuất nhằm đối chiếu nội dung tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật mới xây dựng có phù hợp với yêu cầu của sản xuất, với trình độ công nhân và yêu cầu phát triển hay không. Nội dung tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật chủ yếu phải phù hợp với yêu cầu của sản xuất, không được hạ thấp yêu cầu của sản xuất.

Trên cơ sở cân đối, xếp thử, phân tích chỉnh lý và hoàn thiện lại bản tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật. Sau đó tổ chức Hội nghị gồm các viên chức lãnh đạo của doanh nghiệp, các phòng, ban, các phân xưởng để thảo luận, nhất trí trước khi gửi trình, phê duyệt.

Một phần của tài liệu Giáo trình Quản trị lao động tiền lương (Nghề: Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ) - Trường CĐ Cộng đồng Lào Cai (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(325 trang)