- Vốn đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ tăng lên nhưng
*Tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở cho hoạt động kinh doanh thẻ
Chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật để hiện đại hoá công nghệ ngân hàng nằm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước chứ không chỉ dành riêng cho ngành ngân hàng. Riêng với lĩnh vực thẻ, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng đầu tư trang bị các máy móc thiết bị phục vụ thanh toán, phát hành thẻ. Tuy vậy, nếu chỉ có ngành ngân hàng thì chưa đủ và không thể đáp ứng được. Thực tế cho thấy, ngành kinh doanh thẻ là lĩnh vực kinh doanh mới, đòi hỏi về công nghệ (máy móc thiết bị cũng như chương trình phần mềm để vận hành) đều hiện đại, phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí rất cao. Quá trình nhập khẩu máy móc và các thiết bị thay thế còn rất khó khăn. Do đó, Nhà nước nên xem xét giảm thuế nhập khẩu cho những máy móc phục vụ công nghệ thẻ ở Việt Nam hoặc có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu những thiết bị này trong thời gian tới.
Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi lãi suất cho vay đối với các khoản vay của các ngân hàng tại NHNN để phục vụ công tác đầu tư cơ sở hạ tầng cho hoạt động kinh doanh thẻ như mua máy móc thiết bị và vận hành mạng phát hành - thanh toán thẻ toàn hệ thống các ngân hàng. Thời gian tới, việc tiếp tục nhập khẩu máy móc và thiết bị thay thế, phụ trợ tạo ra nhiều hạn chế trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh thẻ. Vì vậy, về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển lĩnh vực lắp ráp, sản xuất các trang thiết bị, máy móc liên quan đến lĩnh vực thẻ, phát triển các công ty, đại lý cung ứng thiết bị thẻ để tạo thế chủ động hơn cho các ngân hàng cung cấp dịch vụ thẻ và hạ thấp chi phí vận hành quản lý thẻ, gián tiếp đem lại lợi ích cho người tiêu dùng thẻ.
KẾT LUẬN
Dịch vụ thẻ thanh toán ngày càng trở nên phổ biến, dần thay thế phương thức thanh toán sử dụng tiền mặt trong thanh toán. Với nền kinh tế ngày càng phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế thì việc phát triển hình thức thanh toán thẻ là một tất yếu. Cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ sử dụng thẻ còn thấp nhưng tỷ lệ này ngày càng tăng lên một cách đáng kể. Chính vì vậy, việc phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ là mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế và trong định hướng hiện đại hóa hệ thống thanh toán của Việt Nam trong những năm gần đây.
Đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ thẻ đem lại rất nhiều lợi ích cho chủ thẻ và cho nền kinh tế như: Giảm chi phí lưu thông tiền mặt, kích thích tiêu dùng trong nước và tiêu thụ hàng hoá ra nước ngoài, tiết kiệm thời gian thanh toán, đem lại sự an toàn và tiện lợi trong thanh toán; đồng thời tạo nguồn thu cho ngân hàng, nâng cao thương hiệu, vị thế và khả năng cạnh tranh của các ngân hàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Cho đến nay, thẻ thanh toán đã dần trở nên phổ biến tại Việt Nam nhưng chưa thực sự được phát triển và sử dụng đúng với tiềm năng và chức năng của nó do chất lượng dịch vụ thẻ của các NHTM ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Chất lượng dịch vụ thẻ của các NHTM Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập như chưa đa dạng hóa một cách hiệu quả về tiện ích thẻ, mạng lưới ATM và ĐVCNT còn thiếu và chất lượng chưa cao… Điều này xuất phát cả từ những nguyên nhân nội tại trong các ngân hàng nhưng cũng có những nguyên nhân khách quan như thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân hay môi trường pháp lý còn chưa hoàn thiện ... Thông qua những thực trạng, nguyên nhân và giải pháp mà bài luận văn đề xuất, người viết hy vọng sẽ giúp người đọc có hiểu biết sâu sắc hơn về tầm quan trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Hà Nội nói riêng và các ngân hàng nói chung. Với sự hạn chế về thời gian và kiến thức của bài luận văn, người viết mong nhận được những đóng góp thẳng thắn và quí báu của các thầy cô giáo, của các bạn đọc để có thể hoàn thiện bài viết của mình trong những nghiên cứu sau này.