Con người là yếu tố quan trọng do đó công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được đặt ra đối với mỗi cơ quan, tổ chức. Thông qua công tác đào tạo để từng bước hình thành đội ngũ cán bộ QLNN có kiến thức chuyên môn vững vàng, có phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động thực tiễn, đây là việc làm quan trọng và cấp thiết. Chính vì vậy, đồng thời với việc tăng cường công tác quy hoạch, đổi mới cơ chế chính sách đãi ngộ thì cần phải luôn nhấn mạnh yêu cầu đổi mới nội dụng đào tạo, bồi dưỡng CBCC áp dụng nhiều hình thức với nhiều đối tượng khác nhau nhằm đáp ứng những đòi hỏi mà thực tiễn cải cách nền hành chính đang đặt ra.
Việc đào tạo, bồi dưỡng cần phải được thực hiện một cách toàn diện cả về chính trị, phẩm chất, đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải được quy định thành chế độ và thực hiện một cách nghiêm ngặt. Với mỗi loại đối tượng cần phải xây dựng chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng thích hợp. Mặt khác, việc đào tạo, bồi dưỡng phải được thực hiện bằng nhiều con đường khác nhau, xuất phát từ yêu cầu của thực tế và trình độ nên với mỗi đối tượng cần có một phương pháp, một hình thức bồi dưỡng phù hợp, trong đó chú trọng hình thức bồi dưỡng qua thực tiễn công tác.
Cần phải gắn việc bồi dưỡng với sử dụng, mục đích của đào tạo và bồi dưỡng suy cho cùng cũng để sử dụng, sử dụng cũng là bồi dưỡng đồng thời là sự khảo sát, đánh giá chất lượng bồi dưỡng. Gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng là yêu cầu đồng thời cũng là mục tiêu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC hiện nay.
Nhằm bảo đảm được tính kế thừa giữa các thế hệ cán bộ đòi hỏi cần phải có kế hoạch đào tạo nguồn quy hoạch kế cận. Trước mắt, cần thống kê, phân loại cán bộ để biết số lượng nằm trong diện cần phải đưa đi đào tạo, trên cơ sở đó bố trí các khoá học cho phù hợp với các đối tượng. Việc đào tạo phải đảm bảo được tính khoa học, tính thực tiễn và tính hệ thống.
Đào tạo cán bộ QLNN là việc làm của nhiều ngành, nhiều cấp, bên cạnh đó đội ngũ này cũng phải không ngừng vươn lên, tự bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và chính trị để có thể gánh vác được trọng trách công tác, cương vị được giao.
Cần phải đổi mới cách thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ QLNN, khắc phục tình trạng “giật gấu, vá vai’ hiện nay. Trước sự biến động liên tục của công tác cán bộ, bên cạnh việc bồi dưỡng ngắn ngày cho đội ngũ cán bộ đương nhiệm, cần phải thực hiện phương thức đào tạo đón đầu; kịp thời và chủ động đáp ứng yêu cầu cán bộ QLNN hiện tại và trong tương lai. Thực hiện phương thức đào tạo, bồi dưỡng đa dạng, kết hợp đào tạo chính quy với
các loại hình đào tạo khác. Hằng năm phải tổ chức các lớp tập trung, lớp tại chức, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn; kết hợp việc trang bị kiến thức lý luận với kiến thức chuyên môn, kiến thức quản lý nhà nước.
Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ QLNN trong các cơ sở đào tạo, cần phải gắn với việc đào tạo họ trong thực tiễn. Cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể thử thách, bồi dưỡng cán bộ QLNN, theo một lộ trình thời gian nhất định, giúp cán bộ vận dụng kiến thức đã học, giải quyết và nắm bắt các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Thông qua thử thách trong thực tiễn để thấy được mặt mạnh, mặt yếu của họ, qua đó giúp họ phát huy được những mặt mạnh và hạn chế những mặt yếu kém.