với hoạt động khai thác, chế biến lâm sản của các doanh nghiệp
1.2.1.1. Khái niệm về quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với hoạtđộng khai thác, chế biến lâm sản của các doanh nghiệp động khai thác, chế biến lâm sản của các doanh nghiệp
Hiện nay có nhiều quan niệm về QLNN, theo Giáo trình về Quản lý
nhà nước của Học viện Hành chính quốc gia thì: “Quản lý hành chính nhà
chấp hành luật và tổ chức thực hiện luật của các cơ quan trong hệ thống hành pháp và hành chính nhà nước” [31, tr.10].
Trong cuốn Luật hành chính Việt Nam, PGS, TS Đinh Văn Mậu và PGS, TS Phạm Hồng Thái cho rằng:
QLNN là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với quá trình xã hội và hành vi hoạt động của công dân do các cơ quan hành pháp từ Trung ương đến cơ sở tiến hành để thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước, phát triển các mối quan hệ xã hội, duy trì trật tự an ninh, thỏa mãn nhu cầu hàng ngày của nhân dân [36, tr. 22].
Còn theo cuốn Từ điển Luật học do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp Việt Nam) biên soạn thì:
QLNN là chức năng quan trọng nhất vận hành thường xuyên bằng bộ máy nhà nước bảo đảm hoạt động của xã hội cũng như từng lĩnh vực đời sống xã hội vận động theo một hướng, đường lối nhất định do Nhà nước vạch ra.
QLNN là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước do các cơ quan nhà nước thực hiện nhằm xác lập một trật tự ổn định và phát triển xã hội theo những mục tiêu mà tầng lớp cầm quyền theo đuổi [63, tr, 633].
QLNN là một trong những hoạt động chủ yếu của cơ quan chấp hành quyền lực nhà nước. Hoạt động này thường được tiếp cận theo những cách khác nhau tùy theo góc độ nghiên cứu của mỗi ngành khoa học. Ngày nay, quản lý (nói chung) là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau. Với quan niệm rộng và phổ biến thì quản lý được hiểu là sự kết hợp giữa trí thức và lao động trong việc điều hành sản xuất và tổ chức đời sống
xã hội. Dưới góc độ điều khiển học thì quản lý thường được hiểu là chỉ huy, điều khiển, điều hành.
Mặc dù có nhiều quan niệm, cách tiếp cận khác nhau về QLNN, nhưng phần lớn các tác giả đều thống nhất rằng QLNN là sự tác động bằng pháp luật của các chủ thể mang quyền lực nhà nước tới các đối tượng quản lý nhằm thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại của Nhà nước. Đây là sự quản lý của Nhà nước đối với xã hội, là hoạt động mang tính chính trị - pháp lý có tính định hướng và mục tiêu cụ thể. Hoạt động này nhằm hướng tới sự vận động, phát triển của xã hội phù hợp với sự vận động và phát triển của quy luật khách quan. Đây là chức năng quan trọng nhất, vận hành thường xuyên bằng bộ máy nhà nước nhằm đảm bảo mọi hoạt động của xã hội cũng như trên các lĩnh vực đời sống xã hội vận động theo đúng phương hướng, đường lối do Nhà nước vạch ra.
QLNN bằng pháp luật là một quá trình phức tạp, đa dạng và là một yếu tố không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Khi Nhà nước chưa ra đời, xã hội tồn tại và vận hành thông qua những cam kết, thỏa thuận mang tính quy phạm xã hội do cộng đồng đặt ra và được điều hành bởi người đứng đầu có uy tín và sự tôn trọng của thành viên trong cộng đồng. Từ khi xuất hiện, Nhà nước tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý xã hội bằng những hình thức khác nhau và với những công cụ mang tính chất quyền lực, trong đó pháp luật là công cụ chủ yếu và quan trọng nhất.
QLNN bằng pháp luật được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, đây là sự tác động và điều chỉnh mang tính quyền lực nhà nước đối với các quá trình xã hội, đây là những tác động mang tính pháp lý dựa trên căn cứ khoa học, được tiến hành một cách liên tục để thực hiện các quá trình phát triển xã hội. QLNN bằng pháp luật là một hoạt động của Nhà nước, theo nghĩa rộng, đó là toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước từ lập
pháp đến hành pháp và tư pháp vận hành theo một thể thống nhất; còn theo nghĩa hẹp, đó là việc thực hiện các hoạt động chấp hành, điều hành của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.
QLNN bằng pháp luật phải do các cơ quan QLNN tiến hành (hay chủ thể của QLNN trước hết phải là cơ quan nhà nước); song cũng cần nhấn mạnh rằng, hoạt động QLNN bằng pháp luật còn có thể do các chủ thể khác tiến hành như các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng hoặc nhân dân trực tiếp thực hiện nhưng phải do Nhà nước giao quyền, nhân danh trên cơ sở quyền lực nhà nước.
QLNN bằng pháp luật theo nghĩa hẹp là hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan nhà nước có những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, QLNN bằng pháp luật là hoạt động mang tính tổ chức điều hành và điều chỉnh, hay nói cách khác, nó chính là việc xây dựng và điều chỉnh các mối quan hệ giữa con người với con người bằng pháp luật (và pháp luật là công cụ chủ yếu và quan trọng nhất) nhằm thực hiện những mục đích nhất định (tính tổ chức), đồng thời, nó cũng là hoạt động điều chỉnh các quan hệ xã hội và điều hành các quan hệ xã hội ấy. Đây là đặc trưng quan trọng cho thấy, QLNN bằng pháp luật không chỉ đơn giản là sự “cai trị”, kiểm soát, hạn chế… mà nó là một quá trình tổ chức điều hành và điều chỉnh các quá trình xã hội.
Thứ hai, QLNN bằng pháp luật là hoạt động mang tính chất quyền lực nhà nước. Hoạt động tổ chức và điều chỉnh của quản lý được tiến hành dựa trên cơ sở quyền lực nhà nước. Quyền lực này được ghi nhận, củng cố bằng pháp luật và được bảo đảm bằng các biện pháp cưỡng chế nhà nước. Quyền lực nhà nước vừa là dấu hiệu đặc trưng, vừa là điều kiện đảm bảo bắt buộc các chủ thể bị quản lý phải phục tùng. Nói tới hoạt động QLNN bằng pháp luật, dù là
hoạt động của cơ quan nhà nước, của một tổ chức hay cá nhân nhân danh Nhà nước đều dựa trên quyền lực nhà nước, bên bị quản lý phải phục tùng.
Thứ ba, QLNN bằng pháp luật là hoạt động mang tính khoa học, tính kế hoạch, đó là hoạt động mang tính chủ quan của con người, nhưng lại dựa trên những yêu cầu khách quan và quy luật khách quan. Vì vậy, QLNN bằng pháp luật là những tác động mang tính chủ động, sáng tạo xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội để tìm kiếm biện pháp, phương thức thích ứng kịp thời và giải quyết có hiệu quả nhằm đạt tới những mục tiêu đã được xác định.
Thứ tư, QLNN bằng pháp luật là sự tác động lên các quá trình xã hội và hệ thống các hành vi xã hội một cách liên tục, nó được bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu cho đến khi đạt được hiệu quả thực tế. Sự tác động nối tiếp nhau và liên tục này hình thành nên chu kỳ, thông qua các chu kỳ này QLNN bằng pháp luật thúc đẩy các quá trình xã hội phát triển. Hoạt động QLNN bằng pháp luật diễn ra thường xuyên, không bị gián đoạn, đây cũng là đặc điểm mà các hoạt động khác của Nhà nước không có.
Thứ năm, QLNN bằng pháp luật dựa trên cơ sở nền tảng của một thể chế nhất định. Thể chế có vai trò là những chuẩn mực mà cả chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý phải tuân theo nhằm đạt được mục tiêu quản lý. Mục tiêu do chủ thể đặt ra, có sự tham gia của đối tượng quản lý. Cả chủ thể quản lý và đối tượng quản lý hướng tới đạt mục tiêu. QLNN bằng pháp luật được giới hạn trong phạm vi lãnh thổ quốc gia và được phân biệt với quản lý mang tính chất nội bộ của một tổ chức xã hội, một đoàn thể, xí nghiệp, một cộng đồng dân cư mang tính tự quản.
Nghiên cứu QLNN bằng pháp luật dù trên một lĩnh vực nào của đời sống cũng đều phải xuất phát từ những đặc điểm chung của QLNN. Từ đó mới có thể phân biệt giữa hoạt động QLNN bằng pháp luật với các hoạt động khác của Nhà nước và các hoạt động quản lý xã hội của các chủ thể khác (tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội hoặc đoàn thể nhân dân).
Từ những vấn đề lý luận chung về QLNN, dưới góc độ khoa học pháp lý thì QLNN bằng pháp luật đối với hoạt động khai thác, chế biến, buôn bán lâm sản được hiểu là: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật trong
lĩnh vực khai thác, chế biến, buôn bán lâm sản, mà trọng tâm là các hoạt động chấp hành và điều hành của hệ thống cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo trật tự pháp lý và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác, chế biến, buôn bán lâm sản, hướng tới việc khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên phục vụ yêu cầu phát triển đất nước, đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống cá nhân và xã hội ngày càng cao.