Hàm lượng xơ thích hợp trong khẩu phần của thỏ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu mức năng lượng trao đổi, protein thô và xơ thích hợp trong khẩu phần nuôi thỏ thịt new zealand giai đoạn sinh trưởng trên cơ sở nguồn thức ăn sẵn có (Trang 109 - 112)

Phần 4 Kết quả và thảo luận

4.4 Mức năng lượng, protein và xơ tối ưu trong khẩu phần ăn của thỏ

4.4.4 Hàm lượng xơ thích hợp trong khẩu phần của thỏ

Kết quả cho thấy, mức ADF ảnh hưởng đến lượng thu nhận ME, ADF, tỷ lệ tiêu hóa ADF. Theo đó, hàm lượng ADF tăng đã làm tăng thu nhận ADF (10 - 16%) nhưng giảm lượng thu nhận ME (8% - 14%) tại bảng 4.28. Như vậy, ME và ADF có tương quan chặt chẽ, khi hàm lượng xơ tăng thì mật độ năng lượng sẽ giảm (De Blas and Wiseman, 2010). Mặt khác, mức ADF 22,2% và 24,4% đã làm tăng tỷ lệ tiêu hóa (11% - 14%), cao nhất ở mức ADF 22,2%.

Bảng 4.28. Ảnh hưởng của mức xơ đến thu nhận thức ăn, tăng khối lượng, chuyển hóa thức ăn, tỷ lệ tiêu hóa và khả năng cho thịt của thỏ

Chỉ tiêu Mức xơ ADF (% DM) SEM P

20,0 22,2 24,4 Thu nhận DM, g/con/ngày 96,91 93,82 90,58 3,86 0,511 ME, kcal/con/ngày 224,58a 206,51ab 192,38b 9,13 0,046 CP, g/con/ngày 16,34 15,45 15,72 0,66 0,620 ADF, g/con/ngày 18,44b 20,29ab 21,36a 0,87 0,058 Tỷ lệ tiêu hóa DM, % 68,01 69,55 67,66 0,58 0,052 CP, % 68,29 69,08 68,74 0,42 0,403 ADF, % 49,63b 56,44a 55,25a 1,33 0,001

Tăng khối lượng

KL đầu kỳ, g/con 921,8 945,9 912,5 20,70 0,557 KL cuối kỳ, g/con 1.944,32ab 1.984,66a 1.901,98b 25,56 0,044

ADG, g/con/ngày 18,17 18,46 17,58 0,45 0,380

Chuyển hóa thức ăn

FCR, kg DM/kg ADG 5,21 5,00 5,03 0,14 0,489 Khả năng cho thịt Khối lượng sống, g 1.933,96 1.876,63 1.897,93 21,71 0,175 Tỷ lệ móc hàm, % KL sống 53,89 52,40 52,98 0,46 0,075 Tỷ lệ thịt xẻ, % KL sống 45,16 44,03 44,17 0,45 0,160 Tỷ lệ đùi sau, % thịt xẻ 33,81 34,14 33,15 0,39 0,183 Tỷ lệ đùi trước, % thịt xẻ 16,80 16,80 16,61 0,15 0,607 Tỷ lệ thịt thăn, % thịt xẻ 16,19 16,32 16,36 0,18 0,772

* Ghi chú: DM: Chất khô, ME: Năng lượng trao đổi, CP: Protein thô, ADF: Xơ không tan trong chất tẩy axit, ADG: Tăng khối lượng, KL: Khối lượng, FCR: Hệ số chuyển hóa thức ăn.

Nghiên cứu của Trocino et al. (2013) cho biết hàm lượng xơ tốt nhất cho thỏ lai sinh trưởng NDF 32,4%, ADF 18%, hệ số chuyển hóa thức ăn 3,05kg DM/kg tăng KL. Theo De Blas et al. (1999); Mateos and De Blas (1998), hàm lượng xơ thô tối ưu trong khẩu phần đối với thỏ sinh sản và thỏ vỗ béo lần lượt là 13,5 và 14,5%, trong đó hàm lượng NDF, ADF và ADL trung bình lần lượt là 31,5 - 33,5%; 16,0 - 17,5% và 4,0 - 5,3%. Nghiên cứu của Gidenne et al. (2013b) tác giả cho biết thỏ New Zealand sử dụng khẩu phần có mức NDF tăng từ 30,0% - 32,0% cho lượng thức ăn thu nhận giảm từ 135 xuống 132g DM/con/ngày.

Nguyen Thi Kim Dong and Nguyen Truong Giang (2008) cho biết mức NDF trong khẩu phần tăng từ 37,0% - 45,0% thì lượng thức ăn thu nhận của thỏ lai (New Zealand x địa phương) tăng theo, nhưng khi NDF tiếp tục tăng từ 45,0% - 57,0% thì lượng tiêu thụ thức ăn của thỏ xu hướng giảm. Theo Tao và Li (2006), giảm NDF khẩu phần từ 36,0 xuống 24,0% thì lượng tiêu thụ thức ăn của thỏ New Zealand giảm từ 135 xuống 123 g DM/con/ngày, tác giả cho biết tỷ lệ tiêu hóa xơ ADF cao nhất (67%) ở khẩu phần vừa có mức năng lượng cao và xơ cao, tiếp đến là mức năng lượng trung bình và xơ trung bình (tối ưu) (62%), thấp nhất là mức năng lượng thấp và xơ thấp (23%). Điều này chứng tỏ mức xơ trong thí nghiệm này dao động gần mức xơ tối ưu như trong nghiên cứu của tác giả trên.

Kết quả cũng cho thấy không có sự sai khác rõ rệt về tăng khối lượng và chuyển hóa thức ăn giữa các mức xơ (ADG dao động 17,58 - 18,46 g/con/ngày và FCR dao động 5,0 - 5,21 kg DM/kg tăng KL) và không làm ảnh hưởng đến khả năng cho thịt (P>0,05) (bảng 4.28) khi so sánh các mức ADF thì ở mức 22,2% cho tăng khối lượng cao hơn (mức 20,0% và 24,4% ADF), tương ứng (1,6% và 5%) và FCR giảm (-4,03% và -0,6%). Nghiên cứu của Parigi et al. (1994), khi so sánh các khẩu phần có mức xơ khác nhau (13,8%, 16,3% và 18,9% CF) cho thấy, mức xơ không làm ảnh hưởng đến sản lượng thịt, độ nạc của thịt hoặc độ béo của thịt, nhưng tỷ lệ thịt ở đùi sau của thỏ giảm khi ăn khẩu phần có hàm lượng chất xơ cao. Tuy nhiên, mức độ biến động hàm lượng xơ trong khẩu phần thí nghiệm của các tác giả trên rất lớn (từ 13,8,% DM - 18,9% DM) nên có thể có ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ thịt đùi. Trong nghiên cứu này, mức độ dao động của hàm lượng xơ là không lớn (ADF biến động mức 10%) nên không có sự sai khác rõ rệt đối với các chỉ tiêu về khả năng cho thịt của thỏ.

Như vậy, khi xét nhiều chỉ tiêu khác nhau (lượng thức ăn thu nhận, ADG, FCR, tỷ lệ tiêu hóa) thì mức ADF 22,2% DM là tốt nhất, khẳng định tính chính xác của các phương trình hồi quy về sự phụ thuộc giữa ADG và FCR vào hàm lượng ADF của khẩu phần nuôi thỏ New Zealand như đã xác định trong thí nghiệm trước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu mức năng lượng trao đổi, protein thô và xơ thích hợp trong khẩu phần nuôi thỏ thịt new zealand giai đoạn sinh trưởng trên cơ sở nguồn thức ăn sẵn có (Trang 109 - 112)