Xác định mức năng lượng, protein và xơ tối ưu trong khẩu phần ăn của thỏ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu mức năng lượng trao đổi, protein thô và xơ thích hợp trong khẩu phần nuôi thỏ thịt new zealand giai đoạn sinh trưởng trên cơ sở nguồn thức ăn sẵn có (Trang 63 - 67)

Phần 3 Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

3.4 Phương pháp nghiên cứu

3.4.4 Xác định mức năng lượng, protein và xơ tối ưu trong khẩu phần ăn của thỏ

của thỏ

3.4.4.1. Gia súc thí nghiệm

Tổng số 135 thỏ đực New Zealand 6 tuần tuổi với khối lượng bình quân là (0,93 ± 0,01kg).

3.4.4.2. Thức ăn thí nghiệm

Thức ăn thí nghiệm bao gồm thức ăn xanh giàu xơ: cỏ voi (Pennisetum purpureum), cỏ setaria (Setaria sphacelata), cỏ lông para (Brachiaria mutica), cỏ ghinê (Panicum maximum); thức ăn xanh giàu protein gồm rau muống (Ipomoea aquatica), rau lang (Ipomoea batatas), chè đại (Trichanthera gigantean); ngoài ra hạt ngô nghiền (Zea mays), thóc (Oryza sativa) và các sản phẩm từ thóc (gạo, trấu) cũng được dùng để điều chỉnh thành phần khẩu phần. Thức ăn thô xanh được chặt ngắn 1 - 2cm và phơi tái trước khi cho ăn. Để đảm bảo lượng thu cắt mỗi ngày của từng loại thức ăn xanh đúng tuổi thu cắt, các loại thức ăn xanh được trồng 5 ô/giống cỏ (mỗi ô 150 m2/thức ăn xanh giàu protein; mỗi ô 80-90 m2/thức ăn giàu xơ), các ô được trồng cách nhau 15 ngày. Quy trình trồng và

chăm sóc các giống cỏ được trình bày ở phụ lục 3.

Tuổi thu cắt của cỏ voi, cỏ setaria, lông para và cỏ ghinê là 35 - 50 ngày tuổi; của rau muống, rau lang là 30 - 45 ngày sau khi trồng, riêng chè đại được thu cắt giai đoạn tái sinh 45 - 60 ngày. Các loại thức ăn được chặt ngắn 1 - 2cm và phơi tái và trộn đều trước khi cho ăn. Ngô, thóc, gạo, trấu được mua một lần dùng suốt trong quá trình thí nghiệm. Thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của các loại thức ăn được trình bày tại (bảng 3.5). Thí nghiệm được tiến hành từ 05/2013 - 08/2013 tại trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc.

Bảng 3.5. Thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của thức ăn thí nghiệm

Thức ăn DM CP NDF ADF CF EE Ash ME

(%) (%DM) (%DM) (%DM) (%DM) (%DM) (%DM) (kcal/kg DM) Cỏ voi 14,52 14,70 63,40 33,73 28,89 0,66 15,64 1822 Cỏ setaria 13,85 14,92 61,39 33,77 28,76 3,06 13,15 1935 Cỏ lông para 17,97 11,16 77,69 34,93 31,24 0,63 11,84 1797 Cỏ ghinê 21,76 11,59 75,44 35,99 44,63 0,24 10,57 1977 Rau muống 12,26 27,53 30,85 20,11 23,03 1,41 13,59 1966 Rau lang 11,04 23,20 38,39 22,79 19,39 2,72 8,85 2285 Lá chè đại 17,86 18,82 46,52 25,88 26,26 2,43 16,64 2007 Ngô 90,28 10,41 35,99 10,88 2,72 4,93 1,54 3008 Thóc 89,70 6,87 30,79 14,41 13,68 0,32 5,09 2209 Gạo 89,61 7,74 5,40 3,38 - - 5,20 2311 Trấu 91,67 2,23 81,37 57,26 - - 19,89 923

* Ghi chú: DM: Chất khô, CP: protein thô, NDF: xơ không tan trong chất rửa trung tính, ADF: xơ không tan trong chất rửa axit, CF: xơ thô, EE: mỡ thô, Ash: khoáng tổng số, ME: Năng lượng trao đổi.

3.4.4.3. Thiết kế thí nghiệm

Tổng số 135 thỏ đực New Zealand 6 tuần tuổi được chia ngẫu nhiên thành 27 lô thí nghiệm (mỗi lô 5 con) tương ứng với 27 khẩu phần ăn được phối hợp từ các loại thức ăn xanh giàu protein, giàu xơ và một số thức ăn khác (ngô, thóc, gạo, trấu). Thí nghiệm được thiết kế theo mô hình nhân tố 3 x 3 gồm 3 mức ME (1.920, 2.135, 2.350 kcal/kg DM), 3 mức CP (14,9%, 16,6%, 18,3% DM) và 3 mức ADF (20,0%, 22,2%, 24,4%). Trong đó, các mức ME, CP, ADF trên được tính toán ở các mức 90%, 100%, 110% của giá trị năng lượng (ME), protein (CP) và xơ (ADF) tốt nhất thu được từ thí nghiệm cụ thể trong đề tài này (mục 3.4.3)

(tương ứng là 2.135 kcal ME/kg DM, 16,6% CP và 22,2% ADF).

3.4.4.4. Khẩu phần thí nghiệm

Khẩu phần thí nghiệm được bố trí thành phần các chất dinh dưỡng chính tốt nhất trong khẩu phần nuôi thỏ thịt New Zealand thu được từ kết quả của thí nghiệm 3.1 - 3.5 có mức năng lượng (ME) 2.135 kcal/kg DM, protein(CP) 16,6% DM và ADF 22,2% DMtrong khẩu phần. Các lô thí nghiệm được bố trí tỉ lệ ME, CP, ADF tương ứng 90%, 100%, 110% của giá trị ME, CP và ADF thu được ở trên. Các thành phần hóa học khác của khẩu phần được cố định theo khuyến cáo của Lebas (2013). Các khẩu phần cụ thể được trình bày tại phụ lục 2.

3.4.4.5. Nuôi dưỡng và quản lý

Quy trình nuôi dưỡng và quản lý được tiến hành tương tự như thí nghiệm 3.1-3.5.

3.4.4.6. Phương pháp xác định các chỉ tiêu

Các chỉ tiêu về thành phần hóa học, giá trị dinh dưỡng của thức ăn, lượng thu nhận, tỷ lệ tiêu hóa, tăng khối lượng, hệ số chuyển hóa thức ăn được tiến hành như thí nghiệm 3.1.

Phương pháp thu thập mẫu thức ăn và mẫu phân:

Phương pháp lấy mẫu thức ăn và mẫu phân được tiến hành như thí nghiệm 1. Tổng số mẫu phân tích gồm: 60 thức ăn (các mẫu thức ăn được lấy mẫu hàng ngày và trộn đều lấy mẫu đại diện sau mỗi tuần x 7 loại thức ăn thô xanh x 8 tuần + 4 mẫu thức ăn khô (ngô, thóc, gạo, trấu); 27 mẫu thức ăn thừa (các mẫu thức ăn thừa được lấy mẫu hàng ngày; các mẫu này được trộn đều để lấy mẫu đại diện sau khi kết thúc thí nghiệm); 135 mẫu phân.

3.4.4.7. Phương pháp xác định năng suất và thành phần thân thịt

Vào cuối thí nghiệm, mỗi lô được chọn ngẫu nhiên 3 thỏ để mổ khảo sát xác định khối lượng và tỷ lệ móc hàm (cơ thể bỏ nội tạng, lông, da, tiết), khối lượng và tỷ lệ thịt xẻ (thân thịt không có đầu và chân) so với khối lượng sống trước khi giết thịt. Đồng thời, các tỷ lệ đùi trước, đùi sau và thăn lườn trong thân thịt xẻ cũng được xác định.

3.4.4.8. Phương pháp xử lý số liệu

Số liệu thí nghiệm được phân tích phương sai (ANOVA) theo mô hình nhân tố 3 x 3 có tương tác, trong đó biến độc lập là các thành phần của khẩu phần (ME, CP và ADF), mỗi biến có 3 mức thí nghiệm khác nhau. Mô hình thống kê như sau:

Yjjkl= µ + MEi + CPj + ADFk + TTl + εijkl

Trong đó:

µ: Giá trị trung bình;

MEi: Ảnh hưởng của mức ME thứ i (i = 1 đến 3); CPj: Ảnh hưởng của mức CP thứ j (j = 1 đến 3); ADFk: Ảnh hưởng của mức ADF (k = 1 đến 3); TTl: Ảnh hưởng tương tác của của các các nhân tố;

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu mức năng lượng trao đổi, protein thô và xơ thích hợp trong khẩu phần nuôi thỏ thịt new zealand giai đoạn sinh trưởng trên cơ sở nguồn thức ăn sẵn có (Trang 63 - 67)