Tình hình nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu mức năng lượng trao đổi, protein thô và xơ thích hợp trong khẩu phần nuôi thỏ thịt new zealand giai đoạn sinh trưởng trên cơ sở nguồn thức ăn sẵn có (Trang 47 - 50)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3 Tình hình nghiên cứu sử dụng thức ăn xanh nuôi thỏ

2.3.2 Tình hình nghiên cứu trong nước

Nghề chăn nuôi thỏ ở nước ta mặc dù đã có từ lâu đời nhưng người dân chăn nuôi hoàn toàn theo lối tự phát, tận dụng, tự cung tự cấp. Công tác nghiên cứu về dinh dưỡng và thức ăn nuôi thỏ chưa được tiến hành nhiều, đặc biệt là cho các giống thỏ nhập nội năng suất cao như thỏ New Zealand. Một số nghiên cứu về dinh dưỡng của Trung tâm nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây (Viện Chăn nuôi) cũng mới tập trung vào sử dụng cây mía và một số loại củ quả làm nguồn thức ăn nuôi thỏ phối hợp với một số loại lá có thành phần protein và xơ khác nhau như lá dâu, rau muống, cỏ ghinê, cỏ stylo...

Gần đây một số nghiên cứu về nuôi dưỡng thỏ trên cở sở khai thác các nguồn thức ăn sẵn có của địa phương cũng đã được tiến hành. Nguyen Thi Kim Dong et al. (2006) cho biết, thỏ lai khi ăn khẩu phần thay thế cỏ lông para bằng rau muống đã giúp làm tăng rõ rệt tỷ lệ tiêu hoá thức ăn và tốc độ tăng khối lượng của thỏ. Theo Tran Hoang Chat et al. (2005), thay thế cỏ ghinê bằng rau muống trong khẩu phần ăn của thỏ New Zealand White tăng khối lượng từ 25 lên 31 g/con/ngày và hệ số chuyển hóa thức ăn giảm từ 4,8 xuống 3,9kg DM/kg tăng KL. Đối với thỏ sinh sản, thay thế cỏ ghinê bằng rau muống ở mức như trên làm

tăng sản lượng sữa của thỏ mẹ, tăng khả năng tăng khối lượng của thỏ con 1 - 20 ngày tuổi và có thể cai sữa lúc 30 ngày tuổi. Nghiên cứu của Doan Thi Giang et al. (2006) sử dụng ngọn lá rau khoai lang làm thức ăn cho thỏ cho tăng khối lượng tương tự như khẩu phần cho ăn rau muống khi khẩu phần ăn có cám tổng hợp với lượng bằng 5% khối lượng thỏ. Việc kết hợp khẩu phần gồm rau lang hoặc rau muống với cỏ ghinê đã làm giảm tỷ lệ tiêu hóa các chất dinh dưỡng khẩu phần, nhưng tăng khối lượng được cải thiện (từ 21 lên 27 g/con/ngày). Khẩu phần ăn rau muống và cám bổ sung cho tăng khối lượng 21,9 g/ngày, bổ sung cỏ ghinê tăng lên 26,4 g/con/ngày, tỉ lệ tiêu hóa giảm từ 86,1% xuống 79,3%, lượng thức ăn thu nhận tăng từ 119 đến 138g DM/con/ngày. Với khẩu phần gồm rau muống, rau khoai lang và cám hỗn hợp thỏ tăng khối lượng 23,1 g/con/ngày, bổ sung thêm cỏ ghinê tăng lên 27,2 g/con/ngày, tỉ lệ tiêu hóa giảm từ 84,9% xuống 77,1%, lượng thức ăn thu nhận tăng không đáng kể từ 123g lên 124g DM/con/ngày. Như vậy, các tác giả cho rằng việc tăng xơ vào trong khẩu phần có tác dụng làm tăng khối lượng đáng kể, nhưng lại giảm tỷ lệ tiêu hóa.

Cây keo củi (Calliandra) là một loại thức ăn mới tại Việt Nam có tỉ lệ protein là 23% được Doan Thi Giang et al. (2007) nghiên cứu bổ sung vào khẩu phần ăn cơ sở cho thỏ New Zealand dựa trên rau muống và cỏ ghinê. Kết quả cho thấy, ADG 17,2, 16,6 và 18,8 g/con/ngày, lần lượt với các khẩu phần rau muống, rau muống trộn với cỏ ghinê và rau muống bổ sung thêm lá cây keo củi. Như vậy, có thể thấy rằng khẩu phần có nguồn protein cao và xơ cao có tác dụng tích cực đến tăng khối lượng của thỏ New Zealand. Nghiên cứu của Khuc Thi Hue and Preston (2006) cũng cho kết quả tương tự, thỏ lai (New Zealand White x địa phương) có mức độ tăng khối lượng khác nhau (18 - 23 g/con/ngày) khi được bổ sung các nguồn xơ khác nhau gồm cỏ ghinê, cỏ stylo hoặc cám gạo vào khẩu phần cơ sở là rau muống.

Nguyen Huu Tam et al. (2009) đã đánh giá ảnh hưởng đến khả năng tăng khối lượng của thỏ khi bổ sung vào khẩu phần cơ sở là rau muống một số loại rau phụ phẩm như lá cải bắp, lá rau súp lơ và thóc hạt. Lượng thức ăn thu nhận và tăng khối lượng thỏ được cải thiện khi chúng được cho ăn khẩu phần gồm rau muống có bổ sung thêm các loại rau xanh. Đồng thời khi bổ sung thóc hạt vào khẩu phần ăn hàng ngày đã cải thiện đáng kể lượng thức ăn thu nhận và tăng khối lượng so với các khẩu phần không bổ sung thóc hạt, mặc dù làm giảm lượng CP thu nhận. Giải thích cho kết quả này tác giả cho rằng, bổ sung thêm nguồn rau

xanh và thóc vào trong khẩu phần cơ sở là rau muống có tác dụng tăng thêm nguồn xơ và tinh bột trong khẩu phần, giúp cho quá trình tiêu hóa, hấp thu của thỏ được cải thiện tốt hơn.

Nghiên cứu ảnh hưởng của tỷ lệ phối trộn các nguyên liệu trong thức ăn hỗn hợp (viên) tới khả năng tiêu hóa, tích lũy nitơ sinh trưởng và hiệu quả kinh tế ở thỏ thịt lai (New Zealand x địa phương), Dư Thanh Hằng và Lê Trần Tịnh Quyên (2012) đã thay thế bột lá sắn trong thức ăn viên. Tác giả cho biết lượng nitơ tiêu hóa giảm dần theo mức bổ sung tăng dần của bột lá sắn (P<0,05). Nitơ tích lũy ở khẩu phần bổ sung 30% bột lá sắn đạt thấp nhất (1,84g) so với các khẩu phần còn lại. Tăng khối lượng của thỏ đạt cao nhất ở khẩu phần bổ sung 22,5% bột lá sắn (24,5 g/ngày), tiếp đến là khẩu phần 15% bột lá sắn (22,3 g/con/ngày), ở khẩu phần bổ sung bột lá sắn ở mức 0%; 7,5% và 30%, tăng khối lượng của thỏ trung bình khoảng 20 g/con/ngày. FCR dao động 4,2 - 4,9kg DM/kg tăng KL (P>0,05). Nghiên cứu của Lê Thị Lan Phương và Lê Đức Ngoan (2008) bổ sung lá và cành dâm bụt vào khẩu phần hàng ngày cho thỏ sinh trưởng cho thấy FCR là 4,43kg DM/kg tăng KL. Le Nguyen Huyen Trang (2006) cho biết rau lang được coi như nguồn thức ăn giàu protein sử dụng chăn nuôi thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phan Huynh Khiet Tam (2007) nghiên cứu sử dụng dây khoai lang theo khối lượng cơ thể đến khả năng sản xuất thịt và tiêu hóa của thỏ lai. Nghiên cứu của Nguyen Kien Cuong et al. (2008) cho thấy, khi sử dụng rau lang thay thế lá sắn trong khẩu phần ăn của thỏ giúp thỏ tăng khối lượng tốt hơn. Nghiên cứu của Nguyễn Văn Thu và Nguyễn Thị Kim Đông (2008) cho thấy, khi thay thế cỏ lông para bằng lá rau muống đã làm tăng tỉ lệ tiêu hóa chất dinh dưỡng, nitơ tích lũy, tăng khối lượng và làm giảm hệ số chuyển hóa thức ăn. Nghiên cứu của Nguyen Thi Duong Huyen et al. (2010) cho thấy, khẩu phần sử dụng khẩu cơ sở là rau lang kết hợp với thóc (1 - 5% KL) đã cho kết quả tốt trên thỏ sinh trưởng.

Nguyễn Thị Kim Đông (2009a) sử dụng bã đậu tương bổ sung vào khẩu phần cơ sở cỏ lông para đã cải thiện mức tiêu hóa hầu hết các chất dinh dưỡng, cho ADG > 20g/con/ngày. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Kim Đông (2009b) khi sử dụng khẩu phần cỏ lông para thay thế bằng địa cúc đã cho tăng lượng thu nhận, tăng tỷ lệ tiêu hóa các chất dinh dưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguyễn Thị Hồng Nhân và cs. (2011) cho thấy, thỏ ăn dã quỳ và rau

muống cho ADG và FCR (tương ứng là 19,70 g/con/ngày, 20,09 g/con/ngày và 4,40; 4,23 kg DM/kg tăng KL). Tác giả cho rằng, dã quỳ và rau muống có hàm lượng dinh dưỡng tương đương nhau và có thể dùng dã quỳ làm thức ăn cho thỏ như rau muống. Nguyễn Văn Thu (2011) cho biết, khẩu phần sử dụng lá rau muống thay thế cỏ lông para cho tăng KL và chuyển hóa thức ăn tốt hơn so với rau muống trong khẩu phần; Nghiên cứu của Nguyễn Xuân Trạch và cs. (2012a) cho thấy, ADG và FCR của thỏ (dao động từ 10,2 - 14,3 và g/con/ngày và từ 5,47 - 6,54 kg DM/kg DM) khi sử dụng cỏ lông para, cỏ setaria và cỏ voi. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Vĩnh Châu và Nguyễn Văn Thu (2014a) cho thấy, khi cho thỏ lai (New Zealand x địa phương) ở ĐBSCL ăn khẩu phần sử dụng thức ăn thô xanh (cỏ lông para, rau lang, dây lá bìm bìm, ngô hạt, đậu lành) cho tăng khối lượng (18,8 - 20,4 g/con/ngày) và cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu mức năng lượng trao đổi, protein thô và xơ thích hợp trong khẩu phần nuôi thỏ thịt new zealand giai đoạn sinh trưởng trên cơ sở nguồn thức ăn sẵn có (Trang 47 - 50)