Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.4 Mức năng lượng, protein và xơ tối ưu trong khẩu phần ăn của thỏ
4.4.2 Mức năng lượng thích hợp trong khẩu phần của thỏ
Mức năng lượng có ảnh hưởng rõ rệt đến lượng thu nhận năng lượng (ME), xơ (ADF) và tăng khối lượng của thỏ (ADG). Cụ thể, khi ME tăng dần từ 1.920 - 2.350 kcal/kg DM đã làm tăng lượng thu nhận (ME, ADF) và ADG (tương ứng là 33%, 24% và 8,5%). Tuy nhiên, mức ME không ảnh hưởng tới thu nhận DM, CP và FCR. Mức ME 2.135 và 2.350 kcal/kg DM cũng làm tăng tỷ lệ tiêu hóa DM, CP đặc biệt là ADF (tương ứng là 3,1%, 1,7% và 20,3%) (bảng 4.26). Kết quả này tương tự như kết quả nghiên cứu của Ali et al. (2011) khi cho ăn khẩu phần có 2.251 kcal DE/kg DM trên thỏ đực New Zealand thỏ có ADG từ 27,11 - 29,63 g/con/ngày; Nghiên cứu của Parigi Bini et al. (1994) khẩu phần có mức năng lượng (8,6 - 10,2 MJ DE/kg thức ăn, tương ứng 2.038 – 2.417 kcal ME/kg DM thỏ sinh trưởng tốt. Nghiên cứu của Obinne (2008) tác giả cho biết khẩu phần có 2.318 kcal DE/kg DM thỏ sinh trưởng tốt; Obinne and Mereole (2010), khẩu phần nuôi thỏ New Zealand đạt mức tối ưu khi khẩu phần chứa 1.778 - 2.311 kcal DE/kg DM. Tương tự, Xiccato and Trocino (2010) cho biết khẩu phần tối ưu khi mức năng lượng đạt 2.390 kcal DE/kg DM. Lebas et al. (1986) khuyến cáo năng lượng trao đổi trong khẩu phần thỏ sinh trưởng 4 - 12 tuần tuổi là 2.400 kcal ME/kg DM, thỏ cái mang thai là 2.400 kcal ME/kg DM, thỏ đang nuôi con cao nhất ở mức 2.600 kcal ME/kg DM, thỏ vỗ béo là 2.410kcal ME/kg DM. Nghiên cứu của Lebas (1979) và Lang (1981) năng lượng từ 10,73 - 12,66 MJ DE/kg DM phù hợp thỏ sinh trưởng.
Tuy nhiên, mức năng lượng trong nghiên cứu này thấp hơn kết quả của một số nghiên cứu trước đây. NRC (1977) và Lebas (2004) tác giả cho rằng mức năng lượng thích hợp khi sử dụng thức ăn tinh cho thỏ tương ứng là 2.778 và 2.708 kcal ME/kg DM; Tao and Li (2006) cho thấy tăng khối lượng cao nhất và tỷ lệ tiêu hóa DM và ADF cao nhất thu được từ khẩu phần có mức năng lượng cao (12 MJ DE/kg DM hay 2.570 kcal ME/kg DM) và xơ cao (24,9% ADF).
Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự với khuyến cáo gần đây của Ali et al. (2011), Obinne (2008), Obinne and Mereole (2010), Xiccato and Trocino (2010) nhưng thấp hơn so với khuyến cáo của NRC (1977), Lebas (2004). Tuy nhiên, Renouf and Offner (1999) cho biết tăng khối lượng của thỏ không bị ảnh hưởng bởi các khẩu phần có mức năng lượng 2.050, 2.280 và 2.690kcal DE/kg DM. Nghiên cứu Parigi Bini and Xiccato (1998) cũng kết luận khi lượng ME thu nhận tăng lên đã làm tăng ADG (chủ yếu là tăng mỡ).
Bảng 4.26. Ảnh hưởng của mức năng lượng đến thu nhận, tỷ lệ tiêu hóa thức ăn, tăng khối lượng, chuyển hóa thức ăn, và khả năng cho thịt của thỏ
Chỉ tiêu Mức năng lượng (kcal/kg DM) SEM P
1.920 2.135 2.350 Thu nhận DM, g/ngày 92,96 90,03 98,32 3,85 0,306 ME, kcal/ngày 180,79b 201,33b 241,35a 8,81 <0,001 CP, g/ngày 15,61 16,02 15,88 0,66 0,904 ADF, g/ngày 18,11b 19,41b 22,58a 0,86 <0,001 Tỷ lệ tiêu hóa DM, % 67,02b 69,24a 68,97ab 0,58 0,014 CP, % 67,92b 69,79a 68,40ab 0,41 0,004 ADF, % 47,37b 56,50a 57,46a 1,27 <0,001
Tăng khối lượng
KL đầu kỳ, g/con 969,40 907,20 903,50 20,30 0,131 KL cuối kỳ, g/con 1.957,20ab 1.898,92b 1.974,74a 25,57 0,048 ADG, g/con/ngày 17,55b 17,62ab 19,04a 0,45 0,030
Chuyển hóa thức ăn
FCR, kg DM/kg ADG 5,18 5,02 5,05 0,14 0,685 Khả năng cho thịt Khối lượng sống, g 1.937,81a 1.847,96b 1.862,74b 20,82 0,007 Tỷ lệ móc hàm, % KL 53,80 52,80 52,66 0,47 0,176 Tỷ lệ thịt xẻ, % KL 45,58a 44,27ab 43,52b 0,43 0,004 Tỷ lệ đùi sau, % thịt xẻ 34,15 33,09 33,87 0,38 0,134 Tỷ lệ đùi trước, % thịt xẻ 16,59 16,63 16,99 0,15 0,111 Tỷ lệ thịt thăn, % thịt xẻ 16,53a 16,50a 15,85b 0,17 0,007
* Ghi chú: DM: Chất khô, ME: Năng lượng trao đổi, CP: Protein thô, ADF: Xơ không tan trong chất tẩy axit, ADG: Tăng khối lượng, KL: Khối lượng, FCR: Hệ số chuyển hóa thức ăn.
Kết quả cho thấy khi ME tăng lên mức 2.135 - 2.350 kcal/kg DM thì khả năng cho thịt không có biến động hoặc biến động không đáng kể, chỉ có tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ thịt thăn có xu hướng giảm mức độ giảm không lớn (0,18 - 4,1%) (bảng 4.26). Điều này có thể do thỏ sẽ tích lũy mỡ nhiều hơn, đặc biệt trong nội tạng của thỏ khi ME trong khẩu phần tăng. Tuy nhiên, mức ME không làm ảnh hưởng đến tỷ lệ móc hàm, tỷ lệ đùi trước và đùi sau (P >0,05). Nghiên cứu của Parigi Bini et al. (1994) khi so sánh ba khẩu phần có mức năng lượng (10,2; 9,3 và 8,6MJ DE/kg
thức ăn) tương ứng với mức chất xơ tăng dần (138, 163 và 189 g/kg thức ăn). Kết quả nghiên cứu này cho thấy, các khẩu phần không làm ảnh hưởng đến sản lượng thịt, độ nạc của thịt hoặc độ béo của thịt, nhưng tỷ lệ thịt ở đùi sau của thỏ giảm (từ 0,81 đến 3,1%) khi ăn khẩu phần có mật độ năng lượng cao (2.135 - 2.350 kcal/kg DM).
Như vậy, mật độ năng lượng không làm ảnh hưởng đến khối lượng thịt xẻ nhưng có ảnh hưởng đến tỷ lệ thịt xẻ. Tác giả cho rằng sự thay đổi trên là do sự thay đổi khối lượng của cơ quan nội tạng (phổi, gan, thận). Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Butcher et al. (1981), tác giả cho biết khi tăng mức ME trong khẩu phần từ 1.912 lên 2.868 kcal/kg DM bằng cách tăng dần lúa mạch làm tăng hàm lượng DM và EE của thịt, nhưng không ảnh hưởng đến tỉ lệ thịt xẻ, hàm lượng CP và khoáng tổng số của thịt. Tương tự, thí nghiệm của Obinne and Mmereole (2010) cũng cho thấy tăng năng lượng khẩu phần bằng ngô không ảnh hưởng đến khối lượng thịt xẻ.
Tóm lại, khi xét chỉ tiêu tăng khối lượng, hệ số chuyển hóa thức ăn, khả năng cho thịt của thỏ có thể thấy mức ME 2.135 và 2.350 kcal/kg DM (2.372 và 2.611 kcal DE/Kg DM) mang lại hiệu quả tốt nhất. Kết quả này khẳng định tính chính xác của các phương trình hồi quy về sự phụ thuộc giữa ADG và FCR vào hàm lượng ME của khẩu phần nuôi thỏ New Zealand như đã xác định trong thí nghiệm trước (thí nghiệm 3.1 - 3.5).