Sự giao thoa hồi kí với tự truyện

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 148 - 151)

7. Cấu trúc của luận án

4.3. Xu hƣớng giao thoa thể loại trong lối viết

4.3.2. Sự giao thoa hồi kí với tự truyện

Có thể thấy điều này xuất phát từ chính đặc trưng của hai thể loại này vừa xuất phát từ bối cảnh văn hoá, văn học của giai đoạn từ 1986 đến nay. Hồi kí và tự truyện vốn có sự giao thoa trong bản chất, giống nhau rất nhiều điểm. Cả hai thể loại này đều có nhân vật người kể chuyện ở ngôi thứ nhất số ít xưng “tôi”, có tham vọng ghi lại lịch sử sự kiện và lịch sử tâm hồn con người từ “cái nhìn bên trong”, phơi mở những bí mật trong cái “tôi”, hoặc những bí mật mà cái “tôi” nắm giữ. Qua những trang hồi kí, tự truyện dường như người kể chuyện được giải tỏa những dồn nén, những tâm sự chất chứa trong lòng. Tuy đều nói về cái “tôi” nhưng cả hai thể loại này không hề xa rời những vấn đề lớn của thời đại. Qua hồi kí, tự truyện, người đọc cũng như được sống lại thời đại mà người kể chuyện đã trải qua, thấy sự tác động của thời đại đó đối với cái “tôi” của người kể chuyện và ngược lại. Nói “tôi” không đồng nghĩa với vứt bỏ thế giới mà qua “tôi” để có thể đạt tới “chúng ta”… Từ cuộc đời của một người, hồi kí, tự truyện có khả năng khái quát những thân phận người. Cả hồi kí và tự truyện đều là những thể loại nhằm tái sinh quá khứ, làm sống dậy thế giới của kí ức đã từng bị thời gian phủ mờ. Người kể chuyện đứng ở thời điểm hiện tại nhìn nhận lại những gì đã qua, vì vậy mà hồi kí và tự truyện đều có tính tổng kết, lý giải (một cuộc đời, một đoạn đời, một thế hệ, một thời đại); đều chịu sự tác động của cơ chế hồi ức, nghĩa là sự quên lãng. Trong số các tiểu loại của hồi kí, hồi kí đời tư gần nhất với tự truyện, đến mức nhiều khi khó xác định được ranh giới giữa chúng. Hồi kí đời tư là một thuật ngữ mới xuất hiện, bản thân thể loại cũng chưa hoàn toàn được định hình, được dùng để chỉ một dạng hồi kí tập trung kể lại các chi tiết, sự việc có tính chất riêng tư của người kể chuyện - nhà văn. Hồi kí đời tư và tự truyện giống nhau ở chỗ chúng đều lấy đời sống quá khứ của cái “tôi” cá nhân làm đề tài, vì vậy những thể loại này chỉ có thể phát triển được trong mỗi trường xã hội có khoảng tự do cho mỗi cá nhân. Càng ngày

hai thể loại này càng phát triển bởi những điều riêng tư thầm kín của mỗi người hấp dẫn hơn nhiều so với những hồi ức tập thể chung chung. Về mức độ hư cấu, về cách kể chuyện của hai thể loại này cũng gần giống nhau và có thể tráo đổi cho nhau, do đó rất khó để phân biệt. Chỉ có thể phân biệt chúng trong từng trường hợp cụ thể với những mục đích cụ thể.

Sự khác biệt giữa hồi kí và tự truyện được Từ điển văn học (bộ mới) chỉ rõ: “Hồi kí có thể chỉ ghi những sự kiện về một thời kì lịch sử, mà tác giả không phải là nhân vật chính; còn tự truyện kể các truyện của cái “tôi” tác giả. Tự truyện không phải một tập hợp những kỉ niệm tản mạn, mà được bố trí như một truyện, một tiểu thuyết” [65, tr.1906]. Tuy nhiên, sự chú ý ngày càng cao đến yếu tố thế sự và đặc biệt là yếu tố đời tư gần đây rõ ràng đã kéo hồi kí lại gần với tự truyện hơn ở chỗ nó tập trung phản ánh cuộc đời của bản thân tác giả hoặc bạn bè, người thân thiết của tác giả trong quá khứ thay vì viết về thời đại, dân tộc, đất nước hay các vấn đề rộng lớn khác. Hồi kí văn học từ 1986 đến nay như trên đã phân tích ngày càng có xu hướng nói về cá nhân hơn là cộng đồng, về cái tôi hơn là cái ta. Vì thế, những cuốn hồi kí văn học sau 1986 ngày càng gần tự truyện hơn. Nói đúng hơn, chúng là những tác phẩm hồi kí - tự truyện (autobiographical memoir) ở dạng kết hợp, dung hợp của chúng. Việc khó có thể phân định hồi kí và tự truyện nhất là ở giai đoạn gần đây càng ngày càng phổ biến. Những tác phẩm như: Nửa đêm sực tỉnh, Chiều chiều, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, Rễ bèo chân sóng, Hồi kí bà Tùng Long, Hồi kí Phạm Cao Củng,… mặc dù được tác giả định danh là “hồi kí” hoặc “tự truyện” hoặc không định danh, nhưng rất khó phân định được rạch ròi, thậm chí khó tin vào cách định danh đó, gây nên sự tranh cãi về bản chất thể loại của tác phẩm. Những tác phẩm như Tầm xuân,

Cô bé nhìn mưa, Từ đất núi đến làng văn… thì chính tác giả của chúng, ở nơi

này nơi khác, cũng dường như “băn khoăn”, không quyết đoán về bản chất thể loại của chúng nên tạm gọi chúng là “hồi ức” hoặc “truyện ngắn và hồi

ức” (“hồi ức” là một khái niệm không có trong bảng định danh khái niệm cho các thể loại của lí luận văn học truyền thống, nó chỉ là khái niệm để chỉ bản thân nội dung được nói đến trong tác phẩm, tức là kí ức, điều được nói đến - memory - hay có khi chỉ là một động thái của đời sống tinh thần: nhớ lại - recollect, reminisce) với tư cách là dạng thức “giao thoa giữa hồi kí và tự truyện” [116, tr.25], hoặc chính là một loại “hồi kí - tự truyện” (autobiographical memoirs) [108, tr.23], “tiểu thuyết tự truyện” (autobiographical novels) [14, tr.24]. Chẳng hạn, Lê Thị Bạch Vân chia sẻ rất thẳng thắn rằng: “Thoạt đầu, tôi không dám gọi đây là hồi kí, mà chỉ là những bài ghi chép, theo những hồi ức và cảm hứng bất chợt, mỗi khi được nhắc nhớ đến một điều gì” [217, tr.7]. Bà định viết một cái gì đó khác với hồi kí, nhưng rốt cuộc thì vẫn đặt cho nó cái tên “Hồi kí bà Tùng Long”. Đặng Thị Hạnh tâm sự: “Tôi không viết hồi kí vì dù tôi đã trải qua hai cuộc chiến tranh nhưng cũng chưa để lại thành tựu gì - và tôi không viết tự truyện vì cuộc đời phẳng lặng của một giáo viên như tôi không có gì đáng chú ý. Viết hồi kí và tự truyện có thể rất dễ động chạm đến đời tư người khác. Khi bắt tay vào viết, tôi nhận ra Hà Nội rất nhỏ bé, viết về người này có thể động chạm đến người kia. Mà tôi thì rất lo những điều mình viết ra ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Tôi đã nghĩ rất lâu và cuối cùng chọn viết hồi ức. Hồi ức cho tôi sự tự do khi viết” [202]. Về điều này, Nguyễn Giáng Hương có nhận xét, đó là “một định nghĩa rất mù mờ về thể loại nhưng cho bà nhiều tự do để được thay đổi tên người, làm nhòe những chi tiết không nên nói ra mà không bị ai chê trách về tính thực của tác phẩm. Về hai chữ này, chỉ cần hiểu một cách đơn thuần là “nội dung của Cô bé nhìn mưa là những hồi ức của tác giả”. Sự “nới rộng”, thậm chí phá khung thể loại cho phép điều đó” [88, tr.87]. Đặng Anh Đào đề ngoài bìa cuốn Tầm xuân là “hồi ức”, song trong “Lời mở” lại nói “cuốn hồi kí này…” [40, tr.5]. Điều đó cho thấy một sự phân vân không hề nhỏ về bản chất thể loại mà tác giả định viết. Ngô Quân Miện đặt tên cho cuốn hồi kí của

mình bằng cái tên khá lạ “hồi ức và gặp gỡ”; khiến cho nhà văn Vân Long phải hào hứng lưu ý (hơi quá) rằng: “Lần đầu, trong hoạt động xuất bản của chúng ta, có thể loại Hồi ức và gặp gỡ, cái tên khá thích đáng với tập văn xuôi này của Ngô Quân Miện” [128, tr.7]. Đó là một sự phân vân, nhập nhằng về thể loại. Nhận xét về tác phẩm của Trang Thế Hy, Vương Trí Nhàn cho rằng: “mặc dù được gọi là truyện, song chất hồi kí ở tác phẩm của Trang Thế Hy vẫn khá sâu đậm” [144]. Hay nhận xét về truyện của Tô Hoài, nhà phê bình Đặng Tiến cũng nhận xét: “Nói chung, kể cả những truyện hư cấu, truyện lịch sử, Tô Hoài viết cái gì thì cũng ra tự truyện” (dẫn theo Vương Trí Nhàn, Tô

Hoài với thể hồi kí) [74, tr.941]. Phạm Tú Châu viết lời giới thiệu hồi kí Phạm

Cao Củng đã lưu ý tác phẩm này “cũng là Tự truyện của ông” [28, tr.10],v.v… Điều đó phản ánh một thực tế khách quan là, với sự phát triển của tư duy nghệ thuật hiện đại, sự quay về với lối “tư duy nguyên hợp” trong văn học nghệ thuật, không còn sự phân định rạch ròi nữa, và thực ra, cũng không nhất thiết phải phân định rạch ròi. Sự bề bộn, đa tạp, phức phồn của đời sống đòi hỏi nghệ thuật cũng phải uyển chuyển, linh hoạt và mang tính tổng hợp.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 148 - 151)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)