Người trần thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 127 - 132)

7. Cấu trúc của luận án

4.2. Ngƣời trần thuật và giọng điệu trần thuật

4.2.1. Người trần thuật

4.2.1.1. Vai trò của người trần thuật trong hồi kí văn học từ 1986 đến nay

Người trần thuật trong kí nói chung và hồi kí nói riêng rất quan trọng. Đó là “hình thái của hình tượng tác giả trong tác phẩm văn học nghệ thuật, là người mang tiếng nói, quan điểm tác giả trong tác phẩm văn xuôi” [54, tr.188]. Anh ta là người tường thuật đóng vai trò chứng nhân kể lại mọi chi tiết, sự kiện, nhân vật,... Trong hồi kí, “người trần thuật” cũng chính là “người kể chuyện - hình tượng ước lệ về người trần thuật trong tác phẩm văn học, chỉ xuất hiện khi nào câu chuyện được kể bởi một nhân vật cụ thể trong tác phẩm” [54, tr.187-188]. Như vậy, trong hồi kí, người trần thuật rất gần với “hình tượng cái tôi tác giả” và “tác giả”. Nhưng nếu như “hình tượng cái tôi tác giả” muốn thiên về chỉ đối tượng được phản ánh thì “người trần thuật” thiên về chỉ phương thức nhà văn - tác giả - tạo ra một nhân vật “thay” mình kể truyện (trải nghiệm, tiếp nhận, đánh giá, phản ánh, tái tạo lại quá khứ từng trải bằng ngôn ngữ của anh ta). Nhân vật, chi tiết, sự kiện được tường thuật lại như thế nào phụ thuộc rất lớn vào nhân vật này. Nói khác đi, người trần thuật chính là “kết cấu” của hồi kí bởi anh ta là người xâu chuỗi, dẫn dắt các thông tin, sự kiện trong toàn bộ tác phẩm. Mặt khác, nhân cách, tài năng và khả năng lôi cuốn của người trần thuật cũng rất quan trọng đối với sự thành bại của một hồi kí. Độc giả đọc hồi kí có tiếp nhận đối tượng phản ánh hay không và như thế nào cũng phụ thuộc rất lớn vào độ tin cậy, tính khả tín, não trạng của người kể chuyện (mà suy cho cùng là của tác giả, nhất là trong hồi kí).

Khi đọc hồi kí, người đọc phải có được một cảm giác tin cậy, thiện cảm, chấp nhận được đối với nhân vật kể chuyện. Đây chính là mấu chốt một phần tạo nên thành công cho tác phẩm.

Ở chương 3, chúng tôi đã phân tích hình tượng “cái tôi tác giả” và chỉ ra những điểm độc đáo của hình tượng này (cái tôi đầy suy tư, trăn trở với nghề, cái tôi giàu chiêm nghiệm, phản tư về quá khứ, cái tôi yêu thương, trách nhiệm, cái tôi đa tài đa nghệ và uyên bác) thì chính những những đặc điểm đó cũng được thể hiện hoặc tác động đến đặc điểm của người trần thuật ở cách nhìn, cách đánh giá và cách kể. Điều đó cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa nội dung (hình tượng) và nghệ thuật (người kể chuyện) qua đó thể hiện sự thống nhất trong tư duy nghệ thuật của hồi kí văn học sau 1986. Theo chúng tôi, từ đặc điểm của “cái tôi tác giả” đã nêu ở chương 3, có thể rút ra ngay một số đặc điểm của người trần thuật trong hồi kí văn học từ 1986 đến nay mà không cần phải minh chứng lại, như: có cái nhìn đa chiều, cởi mở, sâu sắc hơn về hiện thực; đánh giá toàn diện hơn, nhân văn hơn, đáng tin cậy hơn về các đối tượng được phản ánh, tái dựng; có cách trần thuật linh hoạt, phong phú hơn và nghệ thuật hơn,... Thực vậy, có thể nhận thấy là bằng sự triển hiện bản thân đầy chân thành, thẳng thắn, cầu thị, riết róng,… bằng tất cả các biểu hiện của mình (từ ngôn ngữ, giọng điệu đến nội dung trần thuật) người kể chuyện trong hồi kí sau 1986 đã gây được thiện cảm, sự gần gũi, cảm thông rất lớn đối với người đọc (và đương nhiên những hồi kí dù có cảm hứng “nhớ lại” nhưng vẫn thiếu sự thành thật, chân thành - dù đó là sự thành thật với hiện thực khách quan hay với chính tác giả - thì sự đón nhận của người đọc cũng hạn chế, lạnh nhạt). Ở đây, người trần thuật không phải những kẻ biết hết, những nhà luân lí học, những nhà chính trị thuần tuý, những kẻ “lõi đời” chuyên diễn nhưng vai kịch lớn, thường tuân theo các “đại tự sự”, những kẻ đứng trên phán xét, phê phán và nhiều khi cố ý lảng tránh sự thật bằng những lời nói hoa mĩ, những tiểu xảo ngôn từ và đôi khi là cố ý đổ lỗi cho người

khác. Anh ta xuất hiện với tư cách con người đời thường, với vai trò người trong cuộc, người bạn, người đồng cảnh, đồng cảm, người sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, nhà khoa học “nhân học” (“văn học là nhân học” [M.Gorki])... vì thế có tâm thế thấu hiểu, sẻ chia và lên tiếng bằng ngòi bút. Anh ta cũng có khi tự vấn bản thân, không trốn tránh việc kể lại hay vạch trần những khuyết điểm, sai lầm của bản thân trong quá khứ; không “kiểm duyệt” những ý kiến chỉ trích, phê bình của người xung quanh trong quá khứ hoặc hiện đại. Anh ta có đủ học vấn, tài năng để biểu đạt những gì đã trải qua, đã tiếp nhận, nghiền ngẫm bằng ngôn từ (tất nhiên không phải hồi kí nào cũng có được người kể chuyện như vậy). Đó là sự khác biệt so với người trần thuật trước đây (thường là đơn giản hơn, cứng nhắc hơn,...). Có thể thấy điều đó qua những hồi kí như: Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba phút sự thật, Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào, Nhớ lại một thời, Hồi kí song đôi, Rễ bèo chân sóng, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, Rừng xưa xanh lá, Một thời để mất, Nhớ lại, Cô bé nhìn mưa, Hồi kí Phạm Cao Củng,… Nhờ đó, nhiều dĩ vãng nhạy

cảm bị chôn chặt nhiều năm, nhiều sự thật mang tính cá nhân, tế nhị,… nhiều cảm nhận, suy nghĩ sâu kín của các nhân vật trong hồi kí sau 1986 mới được phơi bày triệt để và đem lại sắc diện mới, chất lượng nội dung và nghệ thuật mới cho hồi kí giai đoạn này. Đó cũng chính là cái chi phối điểm nhìn trần thuật trong các tác phẩm hồi kí sau 1986 mà đặc điểm nổi bật là tính đa nguyên và linh hoạt.

4.2.1.2. Điểm nhìn trần thuật đa nguyên và linh hoạt

Điểm nhìn nghệ thuật là một phạm trù quan trọng trong tự sự học. Điểm nhìn xác định vị trí của người trần thuật dùng để quan sát và miêu tả, khái quát đối tượng viết. Điểm nhìn cho phép nhà văn tiếp cận và thể hiện thái độ, tư tưởng của mình. Có người cho rằng, sự thay đổi của nghệ thuật bắt đầu từ sự thay đổi điểm nhìn trần thuật. Điểm nhìn trần thuật có thể chia làm nhiều loại tuỳ thuộc vào tiêu chí phân loại: có điểm nhìn bên trong - điểm

nhìn bên ngoài; điểm nhìn bên trên và điểm nhìn ngang hàng hoặc bên dưới; điểm nhìn theo ngôi (thứ nhất hoặc thứ ba…), điểm nhìn thị giác (vật lí) và điểm nhìn tâm lí,v.v... Dưới đây sẽ xem xét những nét độc đáo về điểm nhìn trần thuật trong hồi kí văn học từ sau 1986 đến nay dựa trên sự đối sánh với các giai đoạn trước.

Khác với trước đó, điểm nhìn của người trần thuật trong hồi kí sau 1986 là một điểm nhìn đa dạng, nhiều góc độ: vừa có điểm nhìn “từ dưới lên”, có “khoảng cách sử thi” (M.Bakhtin), quan phương [chủ yếu trong một số hồi kí thuộc loại “tụng ca”, tự hào về quá khứ] vừa có điểm nhìn gần gũi (“nhìn ngang”), suồng sã, thế tục (thậm chí “nhìn xuống”) [chủ yếu trong các loại hồi kí còn lại]. Đó cũng không phải là điểm nhìn cố định, một chiều, bên ngoài, nhất thành bất biến một cách cứng nhắc, bảo thủ mà là cái nhìn linh hoạt, nhiều chiều, cái nhìn đa nguyên, kết hợp cả “điểm nhìn bên ngoài” lẫn “điểm nhìn bên trong”, “điểm nhìn tác giả” và “điểm nhìn nhân vật” (đây là hai điểm nhìn quan trọng trong lí thuyết về điểm nhìn trần thuật), điểm nhìn cố định và điểm nhìn di động [116, tr.31-34]. Người trần thuật cũng không chỉ áp đặt cái nhìn của bản thân mà nhiều nơi, nhiều lúc còn biết đặt mình vào cái nhìn của người khác, đặt “điểm nhìn trần thuật” vào nhân vật khác với nhân vật người kể chuyện - tác giả (đa dạng hoá điểm nhìn trần thuật). Biết chấp nhận, tôn trọng và lắng nghe cái nhìn khác, hay nói khái quát hơn là “sự khác biệt”, là điểm nổi bật của kiểu nhân vật này. Nói khác đi, người trần thuật cố gắng tiếp cận đời sống ở những phương diện con người nhất, nhân bản nhất, dân chủ nhất, suồng sã, thậm chí hài hước nhất,… Nguyễn Thị Thanh Thuý gọi đó là “sự linh hoạt trong điểm nhìn trần thuật” [200, tr.112]. Nhưng theo chúng tôi, nói “linh hoạt” là mới chỉ nói đến biểu hiện mà chưa nói được nguyên nhân. Nguyên nhân của sự linh hoạt đó chính là từ sự “đa nguyên” (nhiều nguồn) chứ không phải “nhất nguyên” (một nguồn). “Đa nguyên” chính là chỉ việc đối tượng trần thuật được nhìn từ nhiều góc độ, nhiều điểm nhìn khác nhau do

các “nguồn” cảm hứng, quan niệm khác nhau, và khái quát hơn là từ các “căn nguyên” trần thuật khác nhau. Điều đó phù hợp với những gì mà chúng tôi đã khảo sát và khái quát về điểm nhìn cũng như “hình tượng cái tôi tác giả” trong hồi kí văn học từ 1986 đến nay. Đây là cái nhìn rất đặc trưng của thể loại tiểu thuyết (theo nghĩa đích thực của thể loại này được Bakhtin chỉ ra là tinh thần suồng sã - Carnival, tinh thần dân chủ, nhân văn). Đây cũng chính là một trong những điểm khiến cho có ý kiến cho rằng hồi kí văn học sau 1986 mang đậm “chất tiểu thuyết” (do yếu tố này chứ không phải các yếu tố khác như “hư cấu”, “cốt truyện” hay dung lượng, quy mô). Cốt lõi của nó chính là việc điểm nhìn trần thuật ở đây là điểm nhìn của cá nhân, cá thể “tự nó” chứ không đại diện cho một tập thể, một cái ta nào (mà thường điểm nhìn như vậy sẽ tạo nên “khoảng cách sử thi” hoặc cái nhìn áp đặt, đơn phiến và thiếu độc lập). Chính cái nhìn như vậy cho phép hồi kí sau 1986 đi vào từng ngõ ngách của đời sống nhân sinh, soi rọi những miền hiện thực trước đây từng bị gạt ra ngoài lề (bị ngoại biên hoá, câm lặng hoá, mất tiếng nói) của cấu trúc văn hoá xã hội và làm sống dậy thứ chủ nghĩa nhân văn đã đưa nhân loại bước vào thời kì hiện đại vài thế kỉ trước ở phương Tây. Rõ ràng, đây không còn là chuyện của hình thức nghệ thuật mà là chuyện của nội dung tư tưởng bởi nó hàm chứa quan niệm, hàm chứa những triết lí, những khát vọng sống của con người. Người kể chuyện trong Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba phút sự thật,

Rễ bèo chân sóng, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, Rừng xưa xanh lá, Một thời để mất, Nhớ lại, Mất để mà còn, Tầm xuân,… là những

trường hợp tiêu biểu. Ngay cả người kể chuyện trong hồi kí của các nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn cách mạng như Tố Hữu (Nhớ lại một thời), Huy Cận (Hồi kí Song đôi), Sơn Nam (Hồi kí Sơn Nam), Vũ Tú Nam (Viết dọc đường

văn),… nhiều lúc cũng thể hiện sự bắt kịp xu hướng thời đại, nỗ lực tiến gần

hơn với thị hiếu độc giả đương thời bằng cái nhìn gần gũi, đời thường, dung dị hơn chính họ một thời. Chỉ nguyên việc, các hồi kí đã tiếp cận các vấn đề

đa dạng như thế nào đã đủ thấy sự đa dạng trong điểm nhìn trần thuật. Nhìn chung, người kể chuyện trong các hồi kí này vừa đóng vai tác giả vừa chính là một nhân vật trong tác phẩm kể lại quá khứ của chính mình cũng như những nhân vật khác có liên quan, đồng thời tái hiện các hoàn cảnh, bối cảnh lịch sử. Xuất phát từ góc nhìn, trải nghiệm cá nhân nên người kể chuyện dựa nhiều vào chính cá tính, thế giới quan, nhân sinh quan của bản thân để kể và bình luận. Sự khác biệt chính là ở chỗ, trước đây người kể chuyện dù ở ngôi thứ nhất, dù từ góc nhìn và kể của “tôi” nhưng lại mang nhãn quan, cái nhìn của tập thể, của cộng đồng, không có điều kiện bộc lộ cái riêng của bản thân nên không có được những cái nhìn đa dạng và linh hoạt. Thời kì Đổi mới đã cho phép làm điều đó. Nên không khó nhận ra trong nhiều hồi kí văn học giai đoạn này dấu ấn cái nhìn riêng. Điều đó được thể hiện ở hai điểm chính: người kể chuyện bộc lộ các quan niệm riêng, mới mẻ, đa dạng về đối tượng được kể, tả; đối tượng được miêu tả cũng hiện lên một cách sinh động, đa dạng. Ở những phần trên, chúng ta đã phân tích các quan niệm về đời sống, về lịch sử, về con người,… trong hồi kí; chúng ta cũng đã phân tích các hình tượng, nhân vật (đặc biệt là kiểu con người suy tư, con người cảm nghĩ) cũng như cái nhìn nghệ thuật (không gian - thời gian nghệ thuật), kết cấu tự sự,v.v... Tất cả những điều đó đều cho thấy cái nhìn, điểm nhìn trần thuật mới mẻ, đa dạng, linh hoạt trong hồi kí giai đoạn này.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 127 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)