Giọng điệu trần thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 132 - 144)

7. Cấu trúc của luận án

4.2. Ngƣời trần thuật và giọng điệu trần thuật

4.2.2. Giọng điệu trần thuật

Giọng điệu là linh hồn của ngôn ngữ kể chuyện, góp phần tạo nên phong cách của người kể chuyện. Có nhiều quan niệm khác nhau về giọng điệu, nhưng hầu hết đều thống nhất cách hiểu: Giọng điệu “là thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm [54, tr.111]. Như vậy, trong trần thuật có nhiều kiểu giọng điệu và nhiều

yếu tố làm nên giọng điệu của người kể chuyện. Yếu tố quan trọng nhất làm nên giọng riêng của người kể chuyện là tình cảm, cảm hứng chủ đạo của anh ta. Vì thế, có thể phân loại giọng điệu kể chuyện dựa trên các bình diện khác nhau của tình cảm: sắc thái tình cảm (giọng trang trọng hay thân mật, mạnh mẽ hay yếu ớt, thiết tha hay gay gắt…); loại tình cảm (bi hay hài, trữ tình hay châm biếm…); khuynh hướng tình cảm (giọng cảm thương, lên án, phê phán hay ngợi ca…). Trong mỗi tác phẩm văn học có thể có nhiều giọng điệu nhưng thường chỉ có một giọng điệu chủ đạo bao trùm lên tác phẩm, chi phối cách kể chuyện.

Từ những nét tương đồng về điểm nhìn kể chuyện, hồi kí mang nhiều điểm giống nhau về giọng điệu kể chuyện: giọng trải nghiệm, triết lí; giọng điệu dằn vặt, day dứt, xót xa; giọng điệu trữ tình, hoài niệm; giọng điệu hài hước, mỉa mai;v.v.... Những giọng điệu đó thích hợp với nội dung hồi tưởng quá khứ. Trong những cuốn hồi kí sâu sắc, không mấy ai tự cảm thấy hài lòng về mình khi nhìn lại đời mình, đối diện với mình. Mỗi cuốn hồi kí đều là một tấm gương để người kể chuyện tự soi mình…điều đó tạo nên giọng điệu dằn vặt của người kể chuyện (suy nghĩ về những sai lầm ấu trĩ của mình, dằn vặt những xấu xa của mình…). Việc nghiên cứu giọng điệu người kể chuyện trong hồi kí, tự truyện góp phần xác lập phong cách của nhà văn, bởi giọng điệu người kể chuyện chính là giọng điệu, phong cách của nhà văn đó và qua đó cũng thể hiện tư duy nghệ thuật của ông ta và thể loại được nhà văn sử dụng. Khảo sát giọng điệu trong hồi kí văn học từ 1986 đến nay, có thể tạm chia thành mấy loại giọng điệu sau đây.

4.2.2.1. Giọng điệu trữ tình, hoài niệm

Hồi kí là thể loại mà người kể chuyện đứng ở vị trí hiện tại, nhìn lại, tìm kiếm và phục hiện quá khứ. Vì vậy, giọng điệu trữ tình, hoài niệm là một đặc trưng cơ bản của thể loại này. Trong hồi kí văn học sau 1986, đó có thể là những dòng hoài niệm ngọt ngào về thời thơ bé của tác giả, cũng một miền

hoài niệm thấm đẫm chất trữ tình với những kỉ niệm cứ lẫn lộn đan xen, lồng ghép lên nhau tạo thành kí ức đa tầng hay là một những dòng thác hoài niệm chủ yếu là dữ dội, khắc khoải, nhưng cũng có nhiều đoạn khá trữ tình, trầm ngâm kí ức;v.v... Hơn nữa, người đời, nhất là người phương Đông luôn mang trong mình khuynh hướng “hoài cổ”, mà hồi kí chủ yếu lại viết về cái thời đã qua ấy. Điều đó cũng khiến cho giọng điệu hồi kí thường mang sắc thái hoài niệm, tiếc nuối. Vì thế, đọc hồi kí sau 1986, người đọc được tắm trong bầu không khí trữ tình đầy xúc động. Bakhtin đã từ nói: “Giọng điệu là một hình thức siêu ngôn ngữ”. Nội dung của ngôn ngữ chỉ bộc lộ một phần, còn cái phần tiềm ẩn, phần thuộc về giọng điệu mới làm nên phong cách tác phẩm. Người đọc nhận thấy các tác giả hồi kí sau 1986 sử dụng nhiều kiểu giọng điệu khác nhau, nhiều khi đối lập nhau, tuy nhiên bao trùm lên trên hết các giọng ấy là một cái nhìn bao dung, “từ bi hỉ xả” đối với quá khứ mà chính chất trữ tình hoài niệm đã tạo nên.

Có ý kiến nói đại ý rằng, muốn tìm giọng điệu của một tác phẩm văn học, chỉ cần đọc ngay đoạn mở đầu tác phẩm đó. Quả vậy, có thể lấy một vài tác phẩm tiêu biểu làm ví dụ như: Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào, Một thời để mất, Hồi kí bà Tùng Long, Mất để mà còn, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, Cô bé nhìn mưa,… Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào

mở đầu bằng những lời triết lí ngậm ngùi về số phận con người: “Tôi nghiệm ra rằng số phận con người nhiều lúc có những khúc quanh thật đột ngột mà cái nguyên cớ tạo ra những khúc quanh đó đôi khi rất vớ vẩn, rất tức cười. Bản thân tôi chẳng hạn, tôi đâu có mong muốn trở thành nhà văn! “Nhà văn” - tôi “kính nhi viễn chi”…” [163, tr.11] để rồi những trang viết tiếp là dòng hồi tưởng ngậm ngùi về con đường đến với nghề văn gian nan, vất vả và đầy ngẫu nhiên của ông… Giọng điệu tâm tình, hoài niệm làm người đọc thêm cảm phục, trân trọng, thương xót một con người giàu ý chí, nghị lực và tâm huyết văn chương nhưng găp nhiều cay đắng như ông. Hồi kí bà Tùng Long thì mở

đầu bằng giọng tâm tình, giãi bày, hoài niệm và hé lộ tâm thế viết hồi kí của mình: “Năm 1985, sau khi nhà tôi bỏ tôi đi trước, cuộc sống của tôi trở nên quá trống vắng, thừa thãi. Các con đều đã lớn, có gia đình riêng, một số lại ra sống ở nước ngoài… Ngồi buồn, tôi lấy bút ra ghi lại những kỉ niệm ngày trước của mình, vì thật sự từ nhỏ tôi đã có thói quen và sở thích viết lách, đến giờ - tôi ngồi cầm bút viết những dòng này vào đúng ngày sinh nhật 88 tuổi - vẫn không thay đổi. Thoạt đầu, tôi không dám gọi đây là hồi kí, mà chỉ là những bài ghi chép, theo những hồi ức và cảm hứng bất chợt, mỗi khi được nhắc nhớ một điều gì. Tôi viết về cha tôi, trong đám giỗ của người; về nhà tôi - anh rất thường về thăm tôi trong những giấc mơ; về một người bạn cũ, khi đọc được tin người ấy qua đời…” [217, tr.7]. Cứ như vậy, bằng giọng thủ thỉ tâm tình pha chút hoài niệm, bà đưa độc giả đi hết kỉ niệm này đến kỉ niệm khác một cách thấm đẫm yêu thương và nhung nhớ. Hồi kí Cô bé nhìn mưa cũng tạo dựng được không khí trữ tình hoài niệm ngay từ dòng mở đầu: “Tôi sinh ra ở Huế, vào một năm rất dễ nhớ, 1930. Nhưng kí ức xa nhất về thời thơ ấu của tôi, nghĩa là về chính bản thân tôi lại được đặt ở một làng quê Nghệ An. Đấy chẳng qua cũng chỉ là vào một trong những buổi chiều mà trời làng Quỳnh, sau một ngày nắng nóng ghê gớm, đột nhiên phủ đầy mây rồi mưa rơi xuống rào rào…” [58, tr.9]. Hồi kí của Ma Văn Kháng thì mặc dù viết về quá khứ đa dạng, có nhiều nhọc nhằn, nhếch nhác, chật vật,… nhưng tác giả, đúng như tiêu đề đặt cho tác phẩm, đã nhìn chúng bằng một con mắt, tấm lòng nhân hậu, ấm áp, nhẹ nhàng, khoan hoà. Cho nên suốt cả tác phẩm, ta chủ yếu thấy ở hồi kí của ông một giọng điệu tâm tình, trìu mến, viết để mà ôn lại, nghiệm lại cuộc đời mình cũng như nhân tình thế thái hay số phận của dân tộc. Có vẻ như quá khứ chủ yếu là những “năm tháng nhọc nhằn”, nhưng với Ma Văn Kháng vẫn thân thuộc, đáng gắn bó hơn là bức tranh cuộc sống hiện tại xô bồ, đầy những điều ô trọc, nhiêu khê mà ông chứng kiến lúc tuổi già (chương cuối cùng của cuốn hồi kí). Vì thế mà hoài niệm vẫn là cảm hứng chủ đạo của tác phẩm và nó chi phối đến giọng điệu chính của tác phẩm như ông tâm sự.

Bằng lời đề từ là một đoạn thơ: “Em đâu rồi? Tìm em nỏ thấy/ Bên cây chợt rộn tiếng em đàn/ Ô hay nửa giấc! Đêm sực tỉnh/ Nhớ buổi trăng lên, bóng xịch dần...”, Nửa đêm sực tỉnh của Lưu Trọng Lư cũng đã gợi lên được không khí và giọng điệu ngậm ngùi, nhớ thương quá vãng vừa gian khó vừa lãng mạn để đạt được tình yêu của đời mình. Cách đặt tên các chương trong cuốn hồi kí của Lưu Trọng Lư cũng gợi lên không khí, giọng điệu ấy: “Cũng có một tình đầu”, “Mây bốn phương trời”, “Từ trong nỗi đau sinh nở”, “Núi tận sông cùng”, “Tro tàn giấy bay”,… Tác giả miên man đi từ diễn biến quá khứ này đến diễn biến quá khứ khác với một tâm thế say sưa, mộng mị và dòng cảm hứng hoài niệm, nhớ thương bất tận [117]. Không có dịp đi quá chi tiết vào câu chữ của tác phẩm, nhưng có thể hoàn toàn tự tin mà khái quát nên điều đó.

Giọng điệu tâm tình hoài niệm cũng được thể hiện qua hồi kí của những tác giả thành đạt, có quá khứ oanh liệt nên hay nặng tình với quá khứ. Ví như hồi kí Nhớ lại một thời của nhà thơ, nhà chính trị Tố Hữu viết về một thời hoạt động cách mạng, cống hiến hết mình, nhận được sự tương trợ, ủng hộ, thậm chí tình yêu nam nữ, từ các đồng chí, đồng bào. Ông tự đặt cho mình nghĩa vụ phải viết hồi kí vì: “Tôi sẽ là một kẻ vô ơn, bất nghĩa nếu không kể lại những tấm lòng trong sáng, những công lao cao quý của những đồng bào, đồng chí mà tôi được biết và mang nặng ân tình. Vì vậy đã đến lúc tôi cần viết một bản hồi kí về cuộc đời chung tôi đã sống, trong đó có cuộc đời riêng của mình” [91, tr.6]. Ông viết về nó với sự tự hào, trân trọng, thương mến nhưng đồng thời ta cũng thấy toát lên cảm giác ngậm ngùi tiếc nuối. Giọng điệu đó khá tương hợp với giọng điệu trong tập thơ được viết gần như cùng thời với cuốn hồi kí này là Một tiếng đờn. Giọng điệu ngậm ngùi có vẻ như là kết quả của sự đối sánh quá khứ huy hoàng với hiện tại hiu hắt và những biến đổi quá nhanh chóng của thời cuộc khiến nhà thơ, nhà chính trị Tố Hữu cảm thấy lạc lõng. Một trường hợp tương tự là Hồi kí song đôi. Giọng điệu ngậm ngùi

trong tác phẩm này cũng được dùng để hoài niệm, truy hồi về quá khứ cơ bản đẹp đẽ của tác giả với hai mạch xuyên suốt: một là, tình bạn sâu nặng với Xuân Diệu và các bạn văn khác; hai là, cuộc đời - sự nghiệp văn chương và chính trị tương đối thành công của tác giả. Một ví dụ khác là hồi kí Tầm xuân. Bà là một nhà giáo, nhà phê bình văn học có tiếng, xuất thân trong một gia đình danh giá, có công với Cách mạng, lại có chồng là một vị tướng quân đội. Vì vậy, quá khứ của bà nhìn chung có thể nói là êm đẹp, thấm đẫm chất thơ. Bản thân bà cũng nhìn nhận về quá khứ của mình như vậy. Do đó, viết hồi kí là một động thái truy hồi quá khứ đẹp ấy để sống một lần nữa với nó. Bà lại chịu ảnh hưởng quan niệm của Marcel Proust và các nhà văn phương Tây (như Claude Simon, Henry James, James Joyce,…) là niềm hoài niệm lãng mạn về “thời gian đã mất” và nỗ lực tìm lại nó. Chính bà đã thừa nhận: “Trong một truyện ngắn của Henry James, nhân vật chính là người lập “điện thờ cho những người đã mất”, bởi hễ cứ ai chết đi, thì lập tức người đó bỗng trở thành những gì tốt đẹp nhất với anh ta…Quá khứ là nơi chôn vùi những gì đã một đi không trở lại. Thế nhưng sức mạnh của hồi ức chính là: quá khứ không phải là một cái nghĩa địa. Khi đi qua đó, ta chỉ thấy những gì trẻ trung, sống động, có thể đau buồn nhưng không có sự câm lặng và chết chóc. Dù cho tất cả những gì thuộc về quá khứ của tôi có tầm thường, cho dù tôi chỉ là một nhân chứng nhỏ bé với tầm nhìn hạn chế đi chăng nữa…” [40, tr.6]. Quan niệm đó khiến cho thế giới quá khứ được Đặng Anh Đào xây dựng như một miền thương nhớ, một cõi đi về thân thương, đẹp như mộng. Và cuốn Tầm xuân thực sự có những trang viết với giọng điệu chủ đạo là ngậm ngùi, thương nhớ ấy. Cùng mạch quan niệm như thế là cuốn hồi kí Cô bé nhìn mưa của Đặng Thị Hạnh. Cùng xuất thân, cùng hoàn cảnh và quan niệm, hai tác phẩm rất gần nhau về phong cách, giọng điệu cũng như mối quan tâm chung. Hai bà đã làm giàu thêm cho giọng điệu trữ tình và cảm hứng hoài niệm trong hồi kí sau 1986 với một lối viết hồi kí rất riêng mà có người gọi đó là loại

“hồi kí trải nghiệm” hay loại hồi kí hiện đại mà không khó nhận ra ảnh hưởng của các nhà văn phương Tây (M.Proust, J.Joyce, J.Sartre,…). Tuy nhiên, kể cả không chịu ảnh hưởng của các nhà văn phương Tây thì với đặc trưng đề tài, với phong cách duy cảm, giọng điệu trữ tình, hoài niệm vẫn là đặc điểm chung của các hồi kí văn học giai đoạn này.

4.2.2.2. Giọng điệu hài hước, mỉa mai, giàu chất uy-mua

Tài năng của các nhà văn viết hồi kí sau 1986 là ở chỗ luôn luôn phát hiện ra những chi tiết độc đáo của người khác và diễn tả lại bằng ngôn ngữ hài hước, dí dỏm. Bằng cái nhìn sắc sảo, các tác giả đã tìm ra những nét hài hước, những điều ngộ nghĩnh, buồn cười ở chính mình và xung quanh và diễn đạt bằng một vài từ rất gọn và đích đáng. Đối tượng nào bị phát hiện ở khía cạnh ấy lập tức trở thành tầm thường. Tuy nhiên, các tác giả không có ý định hạ bệ, phủ nhận đối tượng được nói tới một cách phũ phàng, hằn học mà chỉ là một cách tiếp cận tầm gần, tiếp cận đời thường và giễu nhại để tiễn đưa quá khứ “xuống mồ” một cách vui vẻ như cách nói của Bakhtin. Bên cạnh cái hài hước, hồi kí sau 1986 còn xuất hiện phảng phất chất giễu nhại vốn là một biểu hiện của tinh thần dân chủ, cởi mở. Đến cả bản thân mình, nhiều lúc, các tác giả cũng không ngại đem ra giễu nhại, hài hước châm biếm. Trong cái hài hước, dí dỏm hay giễu nhại của họ không phải chỉ có những chuyện đáng cười mà đôi khi còn phảng phất sắc thái ngậm ngùi, xót xa (buồn cười đấy nhưng cũng muốn khóc đấy). Đó không phải chỉ là vấn đề thuần tuý nghệ thuật mà còn là yêu cầu, là sự chi phối của hiện thực, của thời đại đúng như Đặng Thị Hạnh đã tâm sự: “[…] quá nhiều “ảo mộng” của tuổi trẻ đã “tiêu tan” và tôi muốn giữ nguyên vẹn kí ức về một thời mà “cuộc đời và lí tưởng” còn chưa xa cách nhau là mấy. Thảng hoặc tôi muốn kể lại một vài kỉ niệm đã đánh dấu cuộc đời tôi, nhất là khi càng nhiều tuổi người ta càng nhớ nhiều về thời thơ ấu và tuổi mới lớn. Nhưng kể lại bằng “giọng điệu” nào? Đã được ít lâu nay, cách viết văn tự thuật đã chuyển từ giọng trữ tình sang giọng châm

biếm (và Sartre đã viết về thời thơ ấu của mình trên giọng điệu này, cuốn sách có lẽ hay nhất của ông). Độc giả của chúng ta hiện nay cũng không ưa thích gì giọng điệu ngợi ca nữa” [58, tr.174-175]. Sự xuất hiện giọng điệu hài hước, uy mua rõ ràng báo hiệu hoặc phản ánh không khí thời đại mới.

Giọng điệu hài hước uy mua xuất hiện trong nhiều tác phẩm (Cát bụi

chân ai, Chiều chiều, Rễ bèo chân sóng, Hồi kí Phạm Cao Củng, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, Hồi kí Sơn Nam, Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá,…). Chẳng hạn, có thể nói, hất hài hước dường như lúc nào cũng

thường trực trong giọng điệu kể chuyện của Tô Hoài ngay từ thời viết Tự truyện, Cỏ dại và ngày càng được mài sắc ở các Cát bụi chân ai, Chiều chiều.

Giọng kể chuyện dí dỏm giúp cho những trang hồi kí của Tô Hoài hấp dẫn hơn, ngay cả khi viết về những nhân vật ít nổi tiếng. Qua hồi kí Tô Hoài,

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 132 - 144)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)