7. Cấu trúc của luận án
3.3. Không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật trong hồi kí văn học từ
3.3.1. Không gian nghệ thuật
Không gian nghệ thuật là mô hình thế giới được tái dựng trong tác phẩm theo cảm quan, nhận thức của nhà văn. Đó là không gian khách quan, không gian vật lí nhưng được tái hiện qua lăng kính chủ quan của nhà văn, nên nhiều khi trở thành không gian tâm lí. Vì thế, không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối. Không gian nghệ thuật cũng hàm chứa quan niệm, tư duy nghệ thuật của tác giả. Trong hồi kí văn học từ 1986 đến nay, không gian nghệ thuật không hẳn là một cái gì đó hoàn chỉnh, thống nhất như trong truyện ngắn hay tiểu thuyết bởi nó không cố gắng dựng lại một thế giới như các thể loại kia mà nhiều khi chỉ là chuỗi những không gian ngẫu nhiên, xa lạ lắp ghép với nhau thuần tuý theo kí ức của người viết (với những đối tượng
nhiều khi tản mạn và với những mối quan tâm rất khác nhau của họ). Tuy nhiên, do người kể chuyện - tác giả thường hoạt động trong một số không gian nhất định và quan tâm đến một số khung cảnh nhất định, cho nên không gian nghệ thuật trong hồi kí giai đoạn này vẫn có sự thống nhất nhất định và cũng tạo ra một thế giới nhất định. Theo đó, trong hồi kí văn học sau 1986, không gian nghệ thuật có mấy đặc điểm sau.
3.3.1.1. Không gian rộng lớn với những buồn vui của thế sự
Có thể nhận thấy không gian của hồi kí trước 1986 thường đơn nhất, không mấy đa dạng: hoặc là không gian hoạt động cách mạng (phần nhiều bí mật, chật hẹp), không gian tìm đường, nhận lối (rất cá nhân, cũng nhỏ hẹp), không gian lịch sử (nơi diễn ra các sự kiện lịch sử trọng đại),.... lặp đi lặp lại thành mô-típ. Không gian trong hồi kí sau 1986, phong phú, đa dạng hơn và cũng rộng lớn hơn. Hồi kí Việt Nam sau 1986, tái hiện nhiều không gian rộng lớn gắn với những sự kiện xã hội, những biến động lịch sử. Đó là không gian phố phường, công trường, nhà máy, xí nghiệp, quảng trường, nông trường, trường học, làng quê, hội nghề nghiệp, vùng cao, vùng biên, đồng bằng, nông thôn, miền biển,…Không chỉ có không gian ở trong nước, không gian trong hồi kí sau 1986 còn mở rộng ra cả không gian nước ngoài, không gian quốc tế, một điều mà hồi kí trước đó chưa làm được nhiều. Những không gian đó chứa đầy các hoạt động, các phong trào, các xung đột, biến cố, tình tiết, sự kiện… Nó cho thấy không khí thời đại sục sôi, căng thẳng, biến động, tranh đấu, đầy nhiệt tình nhưng cũng đầy ảo tưởng, ấu trĩ, nông nóng… nhằm hướng đến những lí tưởng sự nghiệp, lí tưởng xã hội,… Đó là nhìn theo trục đồng đại. Nhìn theo trục lịch đại, chỉ mỗi một con người thôi thì trong một cuốn hồi kí (cuộc đời) thường trải qua nhiều loại không gian khác nhau rất phong phú theo sự phát triển, diễn tiến của thời cuộc. Chỉ cần đọc hồi kí của các tác giả nam như Huy Cận (Hồi kí song đôi), Ma Văn Kháng (Năm tháng nhọc nhằn
năm tháng nhớ thương), Phạm Cao Củng (Hồi kí Phạm Cao Củng), Tố Hữu
năm giữa lòng đô thị, Bình an), Vũ Tú Nam (Viết dọc đường văn),… có thể
thấy được không gian hoạt động của nhân vật và được phản ánh trong hồi kí đa dạng và biến đổi liên tục như thế nào. Ở đây, có một điều thú vị cần lưu ý là không gian trong hồi kí của các tác giả nam thường rộng lớn và phong phú hơn các tác giả nữ; không gian trong hồi kí của các tác giả có vị thế xã hội, sự nghiệp cao so với các tác giả có vị thế xã hôi, sự nghiệp khiêm tốn hơn cũng vậy. Điều đó cho thấy không gian phản ánh phụ thuộc vào địa vị, kinh nghiệm, sự trải nghiệm của người viết hồi kí. Nhưng ngay cả ở hồi kí của các tác giả nữ thì không gian cũng không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà có khuynh hướng ngày càng mở rộng. Điều đó có thể thấy qua hồi kí của Mộng Tuyết (Núi Mộng gương Hồ), Anh Thơ (Từ bến sông Thương, Bên dòng chia
cắt, Tiếng chim tu hú), Lê Thị Bạch Vân (Hồi kí bà Tùng Long), Đặng Thị
Hạnh (Cô bé nhìn mưa), Đặng Anh Đào (Tầm xuân),… Điều đó phản ánh xu hướng người phụ nữ ngày càng mở rộng không gian hoạt động của mình, tiến tới bình đẳng với nam giới trong bối cảnh các phương tiện giao thông càng hiện đại rút ngắn các khoảng cách về không gian và nhân loại chứng kiến xu hướng du hành, di cư ngày càng mạnh mẽ. Sự mở rộng, đa dạng hoá không gian kèm với các sự kiện, biến cố là một xu hướng chung không đảo ngược phản ánh xu hướng mở rộng môi trường hoạt động của các cá nhân, “xã hội hoá” cá nhân. Nhưng cái gì cũng có giá của nó: không gian rộng mở, đa dạng, sôi động thì sự bình yên, chiều sâu lắng đọng cũng giảm đi. Không gian ấy một mặt cho thấy khả năng chinh phục không gian, năng lực hoạt động của con người thời đại (đi kèm với đó là sự trưởng thành về mọi mặt của các cá nhân, trong đó có các cá nhân tài năng, thành đạt); nhưng mặt khác lại cũng cho thấy sự nhỏ bé, bất lực, lệ thuộc, biến dạng, u uất… của những cá nhân đơn lẻ, nhỏ bé trong vòng xoáy lớn lao, mạnh mẽ của lịch sử và trong đó không ít cá nhân trở thành nạn nhân, bất hạnh. Không gian ấy cũng là nơi phô diễn, phơi bày tất cả những trớ trêu, gay cấn, những tấn kịch của cuộc đời dù ngẫu nhiên hay hữu ý. Tái hiện nó như một không gian đặc trưng nhất của
thời quá khứ chưa quá xa, các tác giả như muốn cùng người đọc trải nghiệm lại những gì thực sự đã từng xảy ra và như muốn nhắc nhỏ chúng ta về việc làm thế nào để xây dựng một môi trường sống tích cực hơn, nhân văn hơn, thực sự thân thiện hơn cho con người. Đứng về phương diện này, không gian của hồi kí sau 1986 mang tính “sử thi”, hay “tiểu thuyết lịch sử” với ý nghĩa là nó đã dựng lại được cả một bức tranh lịch sử rộng lớn, bề bộn, phức tạp; một pho lịch sử -xã hội đồ sộ mà thậm chí tiểu thuyết trước đó và đương thời chưa làm được. Những cuốn kí dài hơi như Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, Viết về bè bạn: Rừng xưa xanh lá - Một thời để mất, Nhớ lại, Nhớ lại một thời, Hồi kí Phạm Cao Củng, Hồi kí Sơn Nam,v.v… thực sự đã dựng lại được những không gian rộng lớn như
thế. Song le, kể cả những cuốn hồi kí ngắn, những tập hợp các “thiên” hồi kí riêng lẻ cũng đã có đóng góp những “mảnh ghép” hay những “chiều kích” khác nhau cho việc tái hiện những bức tranh lịch sử - xã hội rộng lớn trong quá khứ xa và quá khứ gần. Điều đó cũng góp phần tạo nên giá trị tư liệu, thậm chí sử liệu, phong phú cho hồi kí văn học giai đoạn này.
3.3.1.2. Không gian nhỏ hẹp như là nơi trú ẩn của cái tôi, của những con người nhỏ bé
Đối ngược lại với không gian rộng lớn là không gian chật hẹp của những góc khuất, ngôi nhà nhỏ, một cái quán nhỏ, những căn phòng, ngõ nhỏ, những nơi núi rừng heo hút, thậm chí ở nơi tù đày,… Đó là nơi để cá nhân trú ẩn, hoặc bị néo vào, nuôi dưỡng hay nung nấu những ý thích, những khát vọng, những giá trị vật chất và tinh thần riêng tư, quý báu và cả biết bao tâm tư, tâm sự và cả những oan uất tích tụ,... Đó cũng là nơi để cá nhân rút vào cuộc sống nội cảm, giữ gìn những ý tưởng sáng tạo, những chiêm nghiệm về cuộc đời vốn không thể được công khai trong một thời đại mà không gian quảng trường, chiến trường, công trường, hội trường, sân khấu diễn đàn, cánh đồng, chiến khu kháng chiến (thường ở giữa núi rừng bát ngát)…nghĩa là những không gian “tập thể”, “cộng đồng” chính thức lên ngôi và ngự trị trong
một thời gian dài. Chúng ta thấy ở nơi này thường xuất hiện một (cá nhân) hoặc một nhóm ít những nhân vật chia sẻ với nhau cùng một lí tưởng, một thị hiếu, một sở thích dù nhỏ nhất… và quan trọng nhất là giữ nguyên tắc tôn trọng sự tự do tư tưởng, tự do cá nhân và sự đa dạng. Không phải ngẫu nhiên, các nhà văn hay trở đi trở lại với một vài “địa chỉ” quen thuộc của loại không gian này như vậy. Có lẽ đó là chỗ dựa, là điểm tựa, là nơi trú ngụ dù bức bối, âm thầm nhưng cũng bình yên, để cân bằng lại những biến động, sóng gió, thử thách bên ngoài và có thêm nghị lực để vượt qua chúng. Có thể lấy cảm nhận của Đặng Thị Hạnh về những không gian thân mật, nhỏ bé của bản thân để làm ví dụ khi bà lấy câu văn của Tash Aw làm đề từ cho Phần 2 của cuốn hồi kí Cô
bé nhìn mưa: “Đó là những cảnh quan mang một vẻ đẹp êm ả và điền viên…”
[58, tr.153]. Mặt khác, không gian đó cũng lại là một dạng “nhà tù” đối với chính họ, những con người ít nhiều không sống bằng “tâm lí đám đông”, không hoàn toàn hoà nhập vào dòng thác lí tưởng của thời đại. Rõ ràng, hai kiểu không gian đó đã toát lên cái nhìn, quan niệm nhân sinh và thời đại rất đậm nét của các nhà văn. Loại không gian này ta có thể tìm thấy khá nhiều trong hồi kí của Tô Hoài (cái quán cóc - nơi tụ họp của các nghệ sĩ trong Cát bụi chân ai, căn nhà nhỏ của Nguyên Hồng, căn xép nhỏ của bản thân tác giả, những ngôi nhà bé nhỏ trong cải cách ruộng đất ở Chiều chiều,…), Bùi Ngọc Tấn (căn
phòng nhỏ của tác giả, nơi diễn ra cuộc sống khốn khổ của gia đình, nơi tụ họp của nhiều văn nghệ sĩ, căn nhà nhỏ của Nguyên Hồng, cái góc phố nhỏ ở thành phố cảng Hải Phòng nơi lang thang của các bạn văn, bạn thơ…trong Rừng xưa
xanh lá, Một thời để mất), Đào Xuân Quý (căn phòng tác giả sống trong Nhớ lại), Phùng Quán (ngôi nhà nhỏ bên hồ Tây hay căn phòng nhỏ nơi công xưởng
“lao động cải tạo” trong Ba phút sự thật, Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào), Vũ Bão (căn gác nhỏ để suy tư và viết văn trong Rễ bèo chân sóng), Lê Thị
Bạch Vân (căn nhà nhỏ xinh xắn của gia đình đông đúc của bà ở giữa Sài Gòn rộng lớn), Ma Văn Kháng (căn nhà nhỏ nơi góc phố, rồi sau này là căn nhà mới xây trong khu Thành Công - Hà Nội trong Năm tháng nhọc nhằn năm tháng
nhớ thương), Đặng Anh Đào (căn phòng nhỏ bên trong căn biệt thự lớn ở Hà
Nội, căn nhà nhỏ ở làng Quỳnh trong Tầm xuân), Đặng Thị Hạnh (“khu vườn nhỏ”, “khu vườn mùa đông”, “ngôi nhà có cái ao sen”,… trong hồ Cô bé nhìn
mưa),v.v… Những không gian này được viết trong sự so sánh, đối lập thường
trực với không gian rộng lớn hơn trong hiện tại (căn nhà mới của Ma Văn Kháng, chỗ ở mới của Bùi Ngọc Tấn, của các nhân vật sau nhiều năm gặp lại,…) tạo nên điểm nhấn chỉ báo sự thay đổi của không chỉ đời sống cá nhân mỗi con người mà còn sự đổi thay của cả đất nước, cả thời đại. Suy cho cùng, những không gian như vậy tạo nên “chất đời thường”, hiện thực, “chất văn xuôi” cho những trang hồi kí về một thời từng được phản ánh chủ yếu bằng khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn, chủ trương bỏ qua, làm mờ cái cá nhân, cái tiểu tiết, bỏ qua cái vụn vặt, đời thường. Nó làm nên bức tranh “nhọc nhằn” nhưng đấy “nhớ thương” của một thời theo cách nói của Ma Văn Kháng khi ông đặt bút viết hồi kí hay thiên về chất lãng mạng, thân thương như trong cách nhìn về quá khứ của Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào. Hai cách nhìn ấy phải chăng cũng có thể dùng đại diện cho quan niệm chung của các nhà văn viết hồi kí về quá khứ trong giai đoạn sau 1986? Ngoài ra, tuỳ vào quan niệm nghệ thuật, mục đích viết hồi kí mà các tác phẩm hồi kí văn học khác sẽ thiên về bên nào, nhưng xu hướng chung dường như vẫn là chú ý hơn đến không gian nhỏ bé trong tương quan với số phận chìm nổi của nhiều cá nhân trong quá khứ mà ở đó cá nhân không phải là nhân vật chính của thời đại.