Sự phát triển của hồi kí văn học từ 1986 đến nay

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 30 - 35)

7. Cấu trúc của luận án

1.2. Tình hình sáng tác hồi kí văn học từ 1986 đến nay

1.2.2. Sự phát triển của hồi kí văn học từ 1986 đến nay

Như đã nói ở phần lí do chọn đề tài, hồi kí văn học nói riêng và hồi kí nói chung ở Việt Nam từ 1986 đến nay thực sự “nở rộ”. Có thể nói, đây là giai đoạn phát triển rực rỡ, mạnh mẽ nhất của hồi kí văn học từ xưa đến nay. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, đến giai đoạn này, hồi kí văn học đích thực mới thực sự xuất hiện. Chỉ nói về số lượng, đã thấy hồi kí văn học xuất hiện rất

nhiều tác phẩm. Có thể liệt kê ra đây một số tên tác phẩm như: Từ bến sông Thương (Anh Thơ, 1986); Những năm tháng ấy (Vũ Ngọc Phan, 1987);

Những gương mặt chân dung văn học (Tô Hoài, 1988), Nửa đêm sực tỉnh: hồi kí nhớ lại những mối tình (Lưu Trọng Lư, 1989); Cát bụi chân ai (Tô Hoài, 1992); Vũ trụ (Nhân tình thế thái) (Hoàng Văn Bổn, 1993), Một ánh sao đêm (Hoàng Văn Bổn, 1994); Tiếng chim tu hú (Anh Thơ, 1994); Một thời để mất (Bùi Ngọc Tấn, 1995); Âm vang thời chưa xa (Xuân Hoàng, 1995); Bóng ngày qua: Bàn Thành tứ hữu (Quách Tấn ghi chép, Quách Giao biên tập: 1998); Núi Mộng gương Hồ (Mộng Tuyết, 1998); Chiều chiều (Tô Hoài, 1999); Tầm xuân (Hồi ức) (Đặng Anh Đào, 1999); Nhớ lại một thời (Tố Hữu, 2000); Rễ bèo chân sóng (Vũ Bão, 2001); Hồi kí song đôi (Huy Cận, 2002- 2003 tái bản chỉnh lí bổ sung: 2011-2012); Nhớ lại (Đào Xuân Quý, 2002);

Bên dòng chia cắt (Anh Thơ, 2002), Hồi kí bà Tùng Long - viết là niềm vui muôn thưở của tôi (Lê Thị Bạch Vân, 2003); Rừng xưa xanh lá (Bùi Ngọc Tấn, 2003); Hồi kí Sơn Nam [gồm 4 tập: Từ U Minh đến Cần Thơ, Ở chiến khu 9, 20 năm giữa lòng đô thị, Bình an] (Sơn Nam, xuất bản từ 2000 - 2005); Ba phút sự thật (Phùng Quán, 2006); Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào

(Phùng Quán, 2007); Từ đất núi đến làng văn: Hồi ức và gặp gỡ (Ngô Quân

Miện, 2007); Cô bé nhìn mưa (Đặng Thị Hạnh, 2008); Năm tháng nhọc nhằn

năm tháng nhớ thương: Hồi kí (Ma Văn Kháng, 2009); Lời hứa với ngày mai

(Thy Ngọc, 2009); Mất để mà còn (Hoàng Minh Châu, 2010); Hồi kí Phạm Cao Củng (Phạm Cao Củng, 2012);v.v… Những tác phẩm lớn nhất, hay nhất

của hồi kí văn học hiện đại cũng ra đời ở giai đoạn này. Đó là những tác phẩm của Anh Thơ, Tô Hoài, Bùi Ngọc Tấn, Phùng Quán, Vũ Bão, Ma Văn Kháng, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào... Sự bùng nổ của hồi kí văn học như vậy cũng làm thay đổi rất nhiều nội dung và hình thức nghệ thuật của nó (như: sự mở rộng phạm vi nội dung phản ánh; thay đổi cách thức tiếp cận và phản ánh đời sống và con người; đa dạng hoá nghệ thuật trần thuật,…) kéo theo sự thay đổi

mạnh mẽ tư duy nghệ thuật của thể loại so với các giai đoạn trước (như chúng ta sẽ tìm hiểu trong các chương 2, 3 và 4).

Ngoài hồi kí văn học (của các nhà văn, mà có xu hướng là nhà văn viết hồi kí ngày càng nhiều), còn có rất nhiều các loại hồi kí của các tướng lĩnh, nghệ sĩ (hoạ sĩ, đạo diễn, diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ,…), chính khách, học giả, phu nhân của những người nổi tiếng (vợ Tổng bí thư, vợ nhạc sĩ nổi tiếng, vợ các tướng lĩnh,…), hay đơn giản là hồi kí của các nhà giáo, người phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc, cựu tù nhân, gái giang hồ,… Nhìn vào lực lượng sáng tác thôi đã thấy có sự phát triển đa dạng các loại hình tác giả khác nhau phong phú hơn nhiều so với giai đoạn trước, trong đó đáng chú ý là sự xuất hiện của các tác giả nữ (một hiện tượng chưa từng xuất hiện ở giai đoạn trước đó) cũng như các tác giả có xuất thân và vị trí bình thường trong xã hội (cũng chưa từng có ở giai đoạn trước đó). Sự thay đổi lực lượng sáng tác đó cũng khiến cho nội dung và hình thức hồi kí nói chung có sự thay đổi mạnh mẽ. Đây là bệ đỡ cho sự phát triển của hồi kí văn học với tư cách là bộ phận tiêu biểu nhất, nằm ở phần chóp của “kim tự tháp” hồi kí thời kì Đổi mới.

Xét riêng về hồi kí văn học, đây là giai đoạn chúng bộc lộ rõ nhất đặc trưng thể loại, như: tính chân thực của cuộc sống từ góc nhìn đời tư, cá nhân; sự đào sâu vào bản thể, tâm lí người viết; quan niệm đa chiều, đa diện, thể tất hơn về cuộc sống; bút pháp đa dạng, phong phú, linh hoạt, độc đáo;v.v... Vì thế, hồi kí văn học giai đoạn này khá đang dạng về kiểu loại chứ không thuần nhất như trước. Về cơ bản, xét về phong cách, diện mạo tổng thể, hồi kí văn học phát triển theo mấy khuynh hướng (tương ứng với các kiểu tư duy nghệ thuật tổng quát sẽ được lưu ý để phân tích) sau đây:

1) Hồi kí mang thiên hướng “anh hùng ca” (hay sử thi): là những cuốn hồi kí thiên về đề tài lớn, bề thế, quan phương (nói về dân tộc, thời đại, cách mạng là chủ yếu); cảm hứng tụng ca, hào sảng; bút pháp cường điệu; giọng điệu sôi nổi. Tương ứng với nó là kiểu tư duy “tụng ca”, anh hùng ca. Thuộc

về mảng này có thể kể đến những cuốn hồi kí như: Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt, Những năm tháng ấy, Nhớ lại một thời, Từ U Minh đến Cần Thơ, Ở chiến khu 9, 20 năm giữa lòng đô thị, Bình an,v.v…

2) Hồi kí mang thiên hướng tiểu thuyết: là những cuốn thiên về đề tài thế sự và đời tư, đời thường (nói về cá nhân, về số phận con người nhỏ bé); cảm hứng mổ xẻ, phân tích, phê phán; bút pháp tả thực; giọng điệu ngậm ngùi pha lẫn hài hước. Tương ứng với nó là kiểu tư duy tiểu thuyết, xoá bỏ khoảng cách sử thi, tả thực. Thuộc về mảng này có thể kể đến những tác phẩm như:

Nửa đêm sực tỉnh, Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Rễ bèo chân sóng, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá, Hồi kí Phạm Cao Củng,…

3) Hồi kí theo hướng chân dung văn học: là những tác phẩm viết như

một loại kí phê bình, tiểu sử nói về các nhà văn khác (thường là bạn bè, người thân, đồng nghiệp). Đây là loại hồi kí chuyên về phê bình, bình luận và ghi chép tư liệu văn học. Loại này thể hiện tư duy nghiên cứu, phê bình; đồng thời phần nào cũng thể hiện tư duy tiểu thuyết khi xây dựng chân dung các nhà văn nhưng không phải theo lối nghiên cứu chuyên nghiệp mà là theo lối kinh nghiệm, nhiều khi “bếp núc” văn chương với những chi tiết, thông tin mang tính đời tư, đời thường, gần gũi. Tiêu biểu ở mảng này có các tác phẩm như: Cát bụi chân ai, Ba phút sự thật, Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá, Kỉ niệm dọc đường văn, Từ núi đất đến làng văn,…

4) Hồi kí mang tính thông tin - tư liệu tự thuật: là hồi kí mang tính

thông tin tư liệu, kể lại một cách thực thà, bộc bạch cuộc đời của nhà văn theo trình tự thời gian từ nhỏ đến lớn. Đây là loại hồi kí cung cấp thông tin, không chứa đựng tư duy nghệ thuật gì đặc biệt ngoài việc nó được mặc định là phản ánh “sự thật lịch sử” về nhà văn và thời đại của họ. Dạng hồi kí này nhiều bởi nó là loại thông thường, ít tính nghệ thuật. Thuộc nhóm này có: Tôi đã trở

thành nhà văn như thế nào, Bóng ngày qua, Nhớ lại, Núi Mộng gương Hồ, Hồi kí song đôi, Mất để mà còn, Hồi kí bà Tùng Long, Dĩ vãng phía trước,…

5) Hồi kí mang tính tản văn, trải nghiệm văn học: là những tác phẩm

viết theo lối tản mạn về hồi ức, trong đó chủ yếu tiếp cận kí ức như những “miền thương nhớ” như là một thế giới để suy tưởng, trải nghiệm (đặc biệt là trải nghiệm văn học). Đây là một lối viết hồi kí khá mới, chịu ảnh hưởng từ lối viết hồi kí hiện đại của văn học phương Tây. Đây là mảng hồi kí thể hiện rõ nhất quan niệm về tính chủ quan, tính cá nhân của hồi kí. Tác phẩm tiêu biểu của mảng này có: Tầm xuân, Cô bé nhìn mưa, Người đàn bà cầm bút,…

Vì sao hồi kí văn học có sự phát triển rực rỡ, mạnh mẽ và đa dạng như vậy? Có thể lí giải từ góc độ cơ duyên, giai đoạn này xuất hiện những tay bút tài năng, tâm huyết. Nhưng cơ duyên cũng không phải ngẫu nhiên mà có, tài năng và tâm huyết phải được nuôi dưỡng trong bầu khí quyển thích hợp. Điều này dẫn chúng ta tới sự khẳng định vai trò của công cuộc Đổi mới toàn diện văn hoá, xã hội nước ta từ sau 1986. Hiện tượng đó đã tháo cũi sổ lồng cho sự tự do tư tưởng, giải phóng cá tính, nhìn thẳng vào sự thật, vào những vấn đề đời tư, vào thân phận cá nhân, tinh thần phản biện,... của văn học. Điều đó đã tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật nói chung và hồi kí văn học nói riêng có điều kiện để phát triển tự thân sau một giai đoạn quá lệ thuộc vào những yếu tố phi văn học, ngoài nghệ thuật và trở nên xơ cứng, giáo điều. Những gì trước đây bị cấm đoán, cấm kị hoặc lảng tránh, đè nén thì giờ đây có cơ hội được nói đến một cách trực tiếp, cởi mở hơn. Có quá nhiều điều còn bất cập hoặc bất bình, thậm chí bất công cần được tháo gỡ, giải toả. Những kinh nghiệm, bài học của quá khứ cũng cần được mổ xẻ, chiêm nghiệm để định hướng cho một giai đoạn mới thực ra còn chưa rõ tương lai. Mặt khác, mặt trái hoặc tính chất đa dạng, phức tạp, xoay chiều của cơ chế thị trường, của thời mở cửa, của giai đoạn Đổi mới, hội nhập cũng lại khiến nhiều người “hoài niệm” về quá khứ tuy gian khổ, đau thương,… nhưng cũng nhiều

“chiến tích” và đặc biệt là thuần nhất, yên bình (ít nhất là về đại thể và ở bề mặt của nó). Hồi kí cùng với tiểu thuyết thế sự, tiểu thuyết tâm lí, bi kịch và hài kịch phát triển mạnh mẽ là vì vậy.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 30 - 35)