7. Cấu trúc của luận án
2.2. Tính chủ quan, cá nhân trong sự phản ánh của hồi kí
2.2.2. Tính cá nhân, chủ quan trong cái nhìn về quá khứ
Hiện thực đời sống trong hồi kí là những gì đã xảy ra trong quá khứ, một đi không trở lại. Tuy nhiên, nó vẫn có thể “sống” nếu được ghi chép và tái hiện lại đúng với không khí thời đại của những sự kiện đã diễn ra. Hơn nữa, đó lại là hiện thực mà cá nhân đã trải nghiệm và được tái hiện lại cũng thông qua lăng kính của cá nhân. Vì vậy, thông thường, các nhà văn làm điều đó “giỏi” hơn các sử gia. Bởi vì sử gia chỉ nói về những sự kiện tuy chính xác nhưng chung chung, không tái hiện được đời sống tinh thần, lịch sử tâm hồn, số phận của mỗi con người. Nhiều tác giả hồi kí từ 1986 đến nay luôn luôn có ý thức tạo dựng trong nó không khí của thời đại và nếu có điều kiện thì hé mở những cánh cửa đi vào lịch sử song bằng góc nhìn của cá nhân, cái tôi, chứ không còn bằng cái nhìn của tập thể, cái ta như trước. Nói khác đi, họ đã “phơi mở” lịch sử không bằng những sự kiện lớn lao nhưng chung chung mà bằng cuộc đời, số phận của mỗi cá nhân. Đó là quan niệm cá nhân hóa, dưới
lăng kính chủ quan góc nhìn về quá khứ. Đọc các hồi kí của họ, độc giả thu
lượm được rất nhiều thông tin và cách đánh giá lịch sử khác nhau từ đó có cái nhìn đa chiều, rộng rãi hơn về quá khứ, đúng như Huy Cận từng phát biểu trong lời Cảm đề hồi kí Núi Mộng gương Hồ: “Viết hồi ký là sống lại một lần nữa cuộc đời mình, cũng là san sẻ cho người trong thiên hạ vui buồn của mình, thân phận của mình và phần nào những trải nghiệm dọc đời đã sống” (tập 1) [214, tr.11]. Điều đó được thể hiện rất rõ trong những cuốn hồi kí giành được sự quan tâm lớn của người đọc trong thời gian vừa qua như: Từ bến sông Thương, Núi Mộng gương Hồ, Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá, Rễ bèo chân sóng, Tầm xuân, Cô bé nhìn mưa, Hồi kí Song đôi, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, Hồi kí bà Tùng Long, Hồi kí Phạm Cao Củng,… Những tác phẩm này tạo được dấu ấn,
riêng của từng tác giả ở nhiều góc độ, quan điểm khác nhau. Chúng ta có thể phân tích một số tác phẩm để hình dung rõ điều này.
Chẳng hạn, hãy lấy chùm những tác phẩm hồi kí viết về Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm và chỉnh huấn xét lại, như: Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Rễ bèo chân sóng, Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá,… làm ví dụ. Khi nghiên cứu phong cách hồi kí Tô Hoài (chủ yếu qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều), Nguyễn Đăng Mạnh đã đánh giá: “Tô Hoài thực sự là người
chép sử thông qua những biểu hiện linh tinh, hỗn tạp của sinh hoạt đời thường” [121, tr.186]. Thật vậy, viết về cải cách ruộng đất, số phận của những nông dân, địa chủ, người bị quy kết là địa chủ được tái hiện trong hồi kí Tô Hoài tuy không nhiều, chỉ bằng vài nét nhưng giàu sức ám ảnh. Không khí giai đoạn chỉnh huấn Nhân Văn cũng được Tô Hoài tái hiện thông qua số phận cụ thể của những văn nghệ sĩ (Phùng Quán, Vũ Bão, Nguyên Hồng, Phù Thăng,…). Ông luôn tiếp cận những hiện thực quá khứ đó bằng cái nhìn của một chứng nhân, một người tham gia trực tiếp với những cảm nhận, đánh giá toàn diện sắc sảo. Không chắc đó có phải là cái nhìn, cách đánh giá của nhà văn, thành viên đội cải cách, ông tổ trưởng dân phố, người bạn của rất nhiều nhà văn lúc đương thời hay là cái nhìn, cách đánh giá của nhà văn Tô Hoài ở thời điểm viết Cát bụi chân ai, Chiều chiều, nhưng có điều thấy rõ là nó không giống với cái nhìn chung đương thời. Tô Hoài đã tự tách mình ra khỏi hiện thực được phản ánh để đánh giá, bình luận, soi chiếu theo quan điểm, nhận thức riêng. Giá trị của Cát bụi chân ai, Chiều chiều chính là ở chỗ đó.
Đọc Rễ bèo chân sóng hay Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá, Ba phút sự thật,… độc giả cũng được tiếp cận với một góc nhìn, cách đánh giá và phản
ánh quá khứ khác với góc nhìn, cách đánh giá quen thuộc. Điều đặc biệt là ở chỗ, những tác phẩm này cho thấy cái nhìn từ bên trong vì chính các tác giả cũng một thời không chỉ là chứng nhân (vị trí chứng nhân này cũng đặc biệt vì những gì họ chứng kiến cũng liên quan ít nhiều tới bản thân họ, nhất là về
mặt tình cảm) mà còn là “nạn nhân” trực tiếp của các biến động lịch sử đó. Vì vậy, những sự kiện lịch sử đó được kể lại từ góc nhìn cá nhân, với sự thấm thía nỗi khắc nghiệt, đau đớn, bất bình của những người trong cuộc: bị nghi oan, cô lập, thậm chí bị tù đày, gia đình li tán, bạn bè rời xa, sự nghiệp viết văn đứt đoạn, sống long đong cô khổ,… Những chi tiết đó khiến cho sự hình dung các sự kiện lịch sử sinh động hơn và gần gũi hơn. Tuy nhiên, cũng chính điều đó khiến cho độc giả cần có chừng mực, tỉnh táo trong tiếp nhận các sự kiện được ghi chép, bởi dẫu sao đó cũng chỉ là một phía thông tin, và thông tin đó lại nhuốm sắc thái chủ quan cần được kiểm chứng. Và chỉ cần so sánh chính các tác phẩm này với nhau cũng đã có thể thấy có những sự “lệch pha” nhất định, nhưng tất yếu, bởi chính tính cá nhân hoá ấy chứ chưa nói đến việc so sánh chúng với các tác phẩm tụng ca quá khứ gian khổ và hào hùng.
Có thể thấy tính cá nhân và chủ quan ấy qua những tác phẩm riêng lẻ khác với các chủ đề khác nhau. Chẳng hạn, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng
nhớ thương tái hiện lại suốt chiều dài cuộc đời tác giả, nhưng đoạn để lại ấn
tượng nhất và mang không khí thời đại nhất là đoạn nói về thời kì bao cấp và những năm đầu Đổi mới, mở cửa. Tác giả đã tái hiện lại nhiều khó khăn, nhếch nhác, và cả những nhiễu nhương của thời ấy đặt trong chính sự trải nghiệm, chịu đựng của tác giả. Nếu so với hồi kí của Tố Hữu, Huy Cận, Anh Thơ thì ta thấy rõ sự khác biệt trong góc nhìn và cái nhìn, một cái nhìn đời tư và suồng sã, dung dị. Tưởng như, tác phẩm sẽ mang tính chất tố khổ, vạch tội (như một số tác phẩm khác), nhưng không, với cá tính, cái nhìn ôn hoà, nồng hậu, lão thực (khi viết) của mình, Ma Văn Kháng lại phủ lên quá khứ “nhọc nhằn” đó cả sự xót xa, ngậm ngùi lẫn sự cảm thông, trân trọng, thể tất vừa nhớ vừa thương. Lối viết hồi kí của Ma Văn Kháng vì vậy thiên về kể lể và có phần duy cảm. Tính chất đó cũng thấy trong hồi kí của Anh Thơ. Bởi tính chất này, hồi kí của bà cũng vụn vặt, luẩn quẩn trong những chi tiết cá nhân nhiều khi ngộ nghĩnh và lãng mạn. Nhưng đó cũng lại là điểm hấp dẫn riêng
của hồi kí Anh Thơ (nhất là ở tập Từ bến sông Thương, hai tập sau không thành công bằng). Hay như, hồi kí Phạm Cao Củng có đoạn viết về giai đoạn ngay sau Cách mạng tháng Tám tưởng như giúp ta biết thêm về cuộc kháng chiến gian khổ, hào hùng của dân tộc. Tuy nhiên, Phạm Cao Củng lại chỉ kể lại và xem đó như một “chiến công” trong cuộc đời phiêu lưu của ông, đặc biệt là thành tích trinh thám, hoạt động điều tra hình sự, thậm chí phiêu lưu tình ái. Đó là do cá tính, nhãn quan tự do của Phạm Cao Củng, nhưng đồng thời cũng do cuộc đời của ông chỉ gắn bó với miền bắc cách mạng một thời gian ngắn trước khi vào Nam rồi ra sống ở nước ngoài, sở trường của ông lại là truyện trinh thám giật gân và lãng mạn. Tưởng như nhân thân đó cũng có thể khiến người đọc có quyền hi vọng được biết về quãng đời sống tại miền Nam. Tuy nhiên, đó lại không phải hứng thú và mối quan tâm của Phạm Cao Củng. Ông không quan tâm đến chuyện chính trị, ông chỉ quan tâm và nhìn cuộc sống theo cách của một lãng tử đa tình, ưa phiêu lưu mạo hiểm (kể cả khi làm điều tra viên, cảnh sát). Cũng về đề tài này, người đọc đã hi vọng ở hồi kí của bà Tùng Long, nhưng rốt cuộc độc giả cũng thất vọng vì tác giả không mấy quan tâm đến việc phản ánh các sự kiện lịch sử lớn lao đương thời. Thảng hoặc, ta thấy bà có đề cập đến chuyện thành lập chính phủ, việc bầu cử quốc hội,… nhưng đó là vì nó liên quan trực tiếp đến bà. Bà viết về chúng chỉ để nhấn mạnh sự “bất cần” của mình, cũng như “thân oan” cho việc bất đắc dĩ phải ra tham gia phần nào đó và đời sống chính trị ở miền Nam. Do thái độ như vậy, và cũng do mức độ hiểu biết hạn chế của một nữ kí giả chuyên về gia đình và viết văn, không khó hiểu cho sự trình bày khá sơ sài, lỗ chỗ và “phiến diện” của bà về đời sống chính trị - xã hội ở miền Nam. Tương tự như vậy, độc giả cũng lại từng hi vọng tìm kiếm được thông tin lịch sử thú vị, tiềm năng nào đó từ hồi kí của hai chị em họ Đặng - Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào - nhưng rồi cũng không có kết quả gì nhiều bởi họ đã chọn cách viết nhấn mạnh những gì họ hứng thú, và vừa không may mà vừa may là hứng thú
đó chủ yếu mang tính chất hướng nội, hơi có phần trừu tượng và lãng mạn. Nói như vậy, không có nghĩa là có sự so sánh hơn kém gì ở đây. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh và kết lại ở đây là tính chất chủ quan, cá nhân của các tác giả viết hồi kí đã khiến cho hồi kí của họ thường thiên về một cực, một hướng nào đó (và thường xem nhẹ các cực và các hướng khác), không thể bao quát được toàn diện mọi mặt. Nói khác đi, không thể đòi hỏi ở các hồi kí này một sự tái hiện hoàn hảo, khách quan, toàn diện. Nguyên nhân khách quan là do hiện thực quá rộng lớn so với khả năng hiểu biết hữu hạn, do sự thử thách của thời gian (khiến cho trí nhớ mai một); nhưng nguyên nhân chủ quan chính là bởi tính chủ quan, cá nhân của người viết hồi kí. Trước đây, cái chủ quan, cá nhân không có điều kiện phát triển, người viết hồi kí không hoàn toàn được viết theo cái chủ quan, cá nhân đó (mà theo một cái chủ quan khác, duy ý chí được định hướng, theo một cái cá nhân đã được đồng nhất vào cái chung). Đến đây, chúng ta đã chuyển sang đề cập đến tác động của thời đại đối với diện mạo và đặc điểm của hồi kí văn học.