Viết hồi kí là quá trình đấu tranh để nói lên sự thật

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 47 - 56)

7. Cấu trúc của luận án

2.1. Yêu cầu “khách quan” của việc phản ánh sự thật trong hồi kí

2.1.1. Viết hồi kí là quá trình đấu tranh để nói lên sự thật

Khi đặt bút viết Từ bến sông Thương (1986), Anh Thơ tâm niệm: “Hồi kí bắt buộc phải viết sự thật một trăm phần trăm” [195, tr.85]. Để chuyển tải thông điệp gan ruột của mình, bà lựa chọn hồi kí bởi “sự bức thiết bắt buộc tôi phải viết hồi kí mà không viết tiểu thuyết là để nói lên một sự thật trăm phần trăm, chứng minh cho một chính sách giải phóng phụ nữ đã thể hiện ở những con người thực, việc thực, qua nhân vật tôi và những nhân vật phụ” [195, tr.85]. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Lao Động về công việc viết hồi kí, nhà văn Tô Hoài đã nói về việc viết hồi kí như sau: “Mỗi lần viết kí là một lần đấu tranh tư tưởng để nói ra sự thật. Sự thật đó có lẽ nhiều nhà văn cố

gắng đạt cho được nhưng có làm được hay không lại là chuyện khác. Khi có cuốn không được phát hành hoặc bị phê phán, tôi nghĩ mình vẫn phải viết mà không để ý cuốn sách đó liệu có được xuất bản hay không” (Minh Thi ghi) [186]. Phát biểu trên của Tô Hoài cũng có thể xem là một trong những tuyên ngôn viết hồi kí văn học của các tác giả từ 1986 đến nay.

Như chúng ta biết, đi tìm sự thật, nói lên sự thật là một trong những nguyên lí của văn học. Ngay từ thời cổ đại, ở phương Tây các triết gia Hy Lạp như Platon, Aristotle,… đã yêu cầu văn học, nghệ thuật phải phản ánh “chân lí”, “sự thật” và đến chủ nghĩa hiện thực phương Tây thế kỉ XIX thì “phản ánh hiện thực” được đẩy lên thành nguyên tắc hàng đầu. Các nhà lãng mạn chủ nghĩa ở phương Tây thì lại khởi xướng một quan điểm mới về sự thật đó là sự thật tâm lí, tức là sự chân thành của cảm xúc, tâm trạng trong văn chương tạo nên thêm một cách nhìn mới về “chân lí” trong văn học phương Tây hiện đại. Nhưng ở phương Đông, các nhà tư tưởng như Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử,…ngay từ rất sớm đã đòi hỏi văn chương phải “chân thành”, “chân tình” (chí ít là từ nội dung tình cảm), danh đi đôi với thực, “vụ thực” (chú trọng sự thực)...tạo nên truyền thống “quý chân” (đề cao sự chân thành) trong văn học khu vực. Bên cạnh đó, yêu cầu về việc “tả chân” thế giới cũng dần được thức nhận. Những yêu cầu ấy sau này trở thành những định đề bất biến dù có được diễn giải, diễn đạt khác nhau trong các thời kì, các trường phái hay các nền văn học khác nhau. Như vậy, từ trong truyền thống đã có sự thức nhận về yêu cầu thể hiện chân thật hiện thực khách quan lẫn hiện thực chủ quan đối với văn học. Viết hồi kí cũng được đòi hỏi như vậy. Thậm chí, do đặc trưng thể loại (ghi chép trực tiếp những kí ức về quá khứ mà tác giả được chứng kiến, trải nghiệm,…) chứ không có hư cấu, nói lên sự thật còn là một đòi hỏi thiết thân, sống còn của hồi kí. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử một thời (trước Đổi mới) có rất nhiều điều nhạy cảm, phức tạp phải né tránh, nên không phải sự thật nào cũng được nói, suy nghĩ, cảm xúc nào cũng được

phát biểu. Sau 1986, do không khí chính trị xã hội đã cởi mở hơn, được bình thường hoá, nhà văn có điều kiện nhất định để nói lên những điều trước đây chưa được. Cũng do công cuộc Đổi mới, nhu cầu nhìn thẳng vào sự thật, kể cả những sự thật trong quá khứ, để bắt đúng “bệnh” cho hiện tại, để rút kinh nghiệm và thực hiện “đổi mới” đúng hướng, việc nói lên sự thật lại cũng cần thiết, nếu không nói là bức thiết, hơn hết. Sự cấm kị, né tránh, dồn nén trong một thời gian quá lâu đã chất chứa rất nhiều bức xúc, căng thẳng, thậm chí uất ức, về tâm lí cho xã hội, đòi hỏi phải được giải toả, bạch hoá. Tuy nhiên, sau một thời gian dài không quen được “nói ra sự thật”, thì việc làm tự nhiên trở nên không dễ dàng. Tâm lí, thói quen cũ, bảo thủ, khép kín, bao đồng chưa phải đã hết, vẫn có sức cản trở lớn từ nhiều phía. Việc đối diện và nói lên sự thật với người này là sự giải toả, an ủi, minh bạch nhưng đối với người khác lại gây đau xót, e ngại, thậm chí sợ hãi. Nhiều người, dù là nạn nhân, người từng thiệt thòi hay tác nhân gây nên, người thủ lợi từ việc che giấu sự thật đó, có tâm lí muốn quên đi quá khứ, xếp lại, thậm chí muốn xoá bỏ những kí ức về quá khứ. Vì vậy, “nói lên sự thật” dù là nhu cầu thời đại, vẫn đòi hỏi sự dũng cảm, sự kiên trì phấn đấu, thậm chí “chiến đấu”. Đây chính là tinh thần được tìm thấy trong quan niệm viết hồi kí của những tác giả tiêu biểu như Anh Thơ, Tô Hoài, Bùi Ngọc Tấn, Đào Xuân Quý, Vũ Bão, Ma Văn Kháng, Phùng Quán, Huy Cận, Bà Tùng Long, Phạm Cao Củng, Vũ Tú Nam,…

Ở trên chúng ta đã dẫn lời phát biểu của Tô Hoài cho thấy ý thức riết róng, nhu cầu “nói lên sự thật” của ông, đồng thời cũng cho thấy ý Tô Hoài nói về một sự “chiến đấu” với bên ngoài, với cả bầu không khí xã hội, và cụ thể hơn là với những khó khăn trong việc xuất bản. Nhưng việc “chiến đấu” để nói lên sự thật không chỉ là cuộc chiến đấu bên ngoài (ngoại tại), nó còn là cuộc chiến đấu bên trong (chiến đấu với chính mình). Thực vậy, Tô Hoài cũng ý thức rất rõ: “không đấu tranh với chính mình thì chưa chắc đã nói ra được sự thật mà đôi khi chỉ là một nửa sự thật” (dẫn theo Hoàng Thị Hường)

[90]. Mà một nửa sự thật thì không còn là sự thật! Để có thể toàn tâm toàn ý trung thành với hiện thực, đòi hỏi người viết phải có một động cơ trong sáng: “Tôi không ngại, không nề hà những chuyện phải né tránh vì động cơ trong sáng của người viết, không định kiến, không nhằm đối phó với ông A, ông B, ông C” [47, tr.84]. Khi được hỏi vấn đề liệu có thêm thắt vào những câu chuyện khi xây dựng chân dung các nhà văn trong các cuốn hồi kí của mình hay không. Tô Hoài khẳng định: “Sự thật đã là đẹp rồi. Đời tôi khi tôi tự hỏi, cách viết của mình có gì không đúng chăng? Tôi chỉ sợ viết những điều mình không biết. Ví dụ như viết về thời đi học ở trường chính trị 2 năm, thực tế thế nào thì tôi viết như thế. Cuối cùng viết xong người ta không bằng lòng vì cho rằng ở trường đó không thể có chuyện mất cắp được. Còn nếu hỏi có thêm thắt hay không thì tôi khó có thể trả lời câu hỏi này. Khi tôi viết Mười năm có nhiều người phê bình dữ dội mà tôi đâu có nản lòng, chỉ rút kinh nghiệm cho mình thôi…” [186]. Không để đối phó với ai, không nói quá cho ai hay tô vẽ, lí tưởng hóa ai, để giữ được động cơ trong sáng này đòi hỏi người viết thể loại hồi kí phải là người tấm gương về nhân cách. Có thể nói trong những tác phẩm hồi kí của mình, Tô Hoài đã làm được điều đó. Chiều chiều và Cát bụi

chân ai là những cuốn hồi kí đã từng chịu số phận như vậy, thậm chí Chiều chiều đã được xuất bản (1999) nhưng một thời gian sau lại bị lặng lẽ thu hồi,

có lẽ cũng vì những “sự thật” khốc liệt mà nó đề cập đến. Mãi đến giờ, những gì Tô Hoài viết mới dần được thừa nhận.

Bùi Ngọc Tấn cũng là nhà văn riết róng với việc “nói lên sự thật”. Ông muốn viết hồi kí để nói về cái phía không mấy ngọt ngào của cuộc đời, nói một cách dũng cảm bởi thực chất để nói sự thật nhà văn phải đấu tranh để bước qua sợ hãi. Viết tập Rừng xưa xanh lá, Bùi Ngọc Tấn khẳng định: “tôi hiểu được rằng viết chân dung, viết hồi kí là phải trung thực nếu không muốn mình là kẻ bịp bợm…” [175, tr.7] và: “Hồi kí là một thể loại rất dễ thuyết

phục nếu được viết ra với một ngòi bút trung thực. Cần nhất là trung thực: không né tránh, không tự tô vẽ mình và bịa đặt. Hồi kí đặc biệt cần thiết trong xã hội nhiều biến động chúng ta đang sống. Đó là một thứ lịch sử được viết bằng văn chương. Nói đến đây tôi nhớ lại mấy câu thơ của Thi Hoàng: “Tư Mã Thiên bị thiến/ Thành Sử ký cao dày/ Giờ muốn ông tái hiện/ Chọn ai mà thiến đây”. Vâng. Viết hồi kí cần nhất là đừng sợ “bị thiến” [27, tr.621-622]. Đọc những trang hồi kí của Bùi Ngọc Tấn cũng như tìm hiểu về tiểu sử cuộc đơi ông, có thể tin vào những gì ông phát biểu.

Ma Văn Kháng cũng có quan niệm viết hồi kí đáng chú ý. Trả lời phỏng vấn Lê Thị Kim Liên, ông nói đại rằng ông “viết với tư cách là chứng nhân của một thời kì lịch sử, viết về những cái nhận ra được, chứng kiến được với một cự li vừa phải, quan khít với cuộc sống của ông. Hạt nhân của hồi kí chính là cuộc đời tác giả. Từ đó mở rộng biên độ ra những gì nhìn thấy xung quanh mình, những gì mình nhận ra. Đó là những điều đã gắn bó máu thịt với cuộc đời ông. Dù vui hay buồn thì chúng là một phần của cuộc đời ông rồi” [108, tr.24-25]. Trong hồi kí ông cũng thường nhấn mạnh đến vai trò chứng nhân của mình, và ghi chép hồi kí là để lưu lại: “những việc mình đã trải, đã thấy, đã nhận ra, trong tư cách một nhân chứng” [96, tr.565].

Ngay cả Huy Cận (dẫu vẫn giữ nhiều quan điểm có phần bảo thủ và quan cách theo lối nhìn sử thi) cũng có lúc mạnh dạn đưa vào hồi kí những chi tiết, sự kiện “phức tạp” theo nguyên tắc tôn trọng hiện thực, sự thực lịch sử dù có sự đấu tranh nội tâm không hề nhẹ: “CÓ NÊN GHI VÀO HỒI KÍ NHỮNG NĂM THÁNG PHỨC TẠP này không? Nhưng tôi nghĩ cứ nên ghi, cứ nên kể vì đây là đời của mình, đời xương thịt nó chứa đựng cả đời tâm hồn và làm nền cho đời tâm hồn. Vả lại ai cũng chỉ sống có một đời, tôi không kể đời tôi trọn vẹn thì ai sẽ kể thay cho tôi trong thăm thẳm của thời gian” [24, tr.173]. Viết hồi kí về gia đình mình, Huy Cận cũng tâm niệm: “Tôi phải chép

nguyên vẹn lịch sử nhà tôi dầu có phải nói nặng nề về bà (tức mẹ Huy Cận - TMP) chăng nữa. Tôi cũng phải ghi nhớ điều này: một lần bà giận mẹ đến nỗi bà đa thốt ra môt lời ác nghiệt: “Ác thế mà trời không vật con nó chết đi”. Bà đi nộp (nói rủa) cháu!...” [24, tr.51-52]. Đây là tinh thần mà Huy Cận cơ bản thực hiện trong suốt hồi kí của mình.

Viết hồi kí đời mình Sơn Nam cũng phải nói rõ cho độc giả hiểu theo cách nói rất mộc mạc của ông: “[…] lão ta không nói láo. Gần đất xa trời rồi! Nói láo làm chi cho mang tội. Chẳng qua là kinh nghiệm trường đời có giới hạn, muốn truyền lại, già trẻ ai muốn nghe thì nghe” [133, tr.14]. Quả đọc cả bốn thiên hồi kí của ông, ta thấy rõ tinh thần ấy trong các trang viết.

Nhận xét về hồi kí Phạm Cao Củng, Phạm Tú Châu cho rằng: “Cái quý và cũng là cái ít thấy trong cuốn hồi kí này là ông kể hết cả điều hay lẫn điều dở, cái phải lẫn cái quấy, cái đúng lẫn cái sai của mình, không giấu diếm, lại còn “hi vọng dăm ba người ở đâu đó từng biết rõ một vài sự việc trong cuộc đời mình sẽ làm ơn bỏ chút thời giờ quý báu viết về cho tác giả hoặc con cháu tác giả để khi tái bản, hồi kí sẽ được đính chính lại hẳn hoi” [28, tr.10]. Đó chính là tư tưởng tôn trọng sự thật trong hồi kí Phạm Cao Củng mà nhà phê bình muốn nói đến.

Trong rất nhiều sự thật cần được tôn trọng thì sự thật lịch sử là một trong những nội dung được các tác giả hồi kí từ 1986 đến nay quan tâm. Tuy nhiên, lịch sử (history) không phải lúc nào cũng và có lẽ không bao giờ đầy đủ, minh bạch và hoàn toàn chân thực vì nó là cái được người ta thuật lại, “dịch” lại và “truyền” lại các thế hệ. Nó cất giấu trong mình rất nhiều những bí mật “đen”, những “hố đen”, “điểm mù”, những uẩn khúc và cả những oan khiên do những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Với tư cách là người đã từng sống trong những khoảnh khắc có nhiều biến động của thời đại và nhiều khi đã từng phải im lặng, khi đối diện với những trang hồi kí, các tác giả đã phơi mở nhiều sự thật còn khuất lấp một thời, những sự thật mà không một

trang sử chính thống hay kể cả phần lớn các tư liệu cá nhân (được xuất bản chính thức trong nước) nào nhắc tới (chẳng hạn: Đời sống xã hội dưới thời thuộc địa trước Cách mạng tháng Tám, Phong trào cải cách ruộng đất, Thời kì sửa sai, “Vụ án” Nhân văn giai phẩm, Những vụ chỉnh huấn tư tưởng Xét lại, Cải tạo tư sản miền Nam, các cuộc bầu bán lớn nhỏ (Hội nhà văn, khu phố,…), Cuộc sống khó khăn thời hậu chiến bao cấp và những năm đầu Đổi mới,…). Mặc dù những cuốn hồi kí đó đều có số phận ít nhiều sóng gió và các tác giả ít nhiều cũng gặp phiền toái (chí ít là gặp sự phản ứng của dư luận và nặng hơn là gặp rắc rối với luật pháp), nhưng với các tác giả hồi kí, đó là những sự thật không thể che giấu mãi, cần được “bạch hoá”, cần phải được đối diện thẳng thắn. Vì vậy, việc viết và nỗ lực phát hành chúng thực sự là hành trình của nhận thức, của lương tâm và trách nhiệm. Theo chân các sáng tác của các tác giả hồi kí văn học từ 1986 đến nay, những “sự thật bị đánh cắp” cứ từ từ, từng bước một được phơi mở, càng lúc càng mạnh mẽ, sôi nổi hơn.

Quả vậy, hồi kí văn học sau 1986 thường có khuynh hướng nhìn lại giai đoạn trước đó như một nhu cầu kể lại, cung cấp những thông tin về lịch sử và đi tìm sự thật mà một thời gian dài do những điều kiện chính trị xã hội thường bị bỏ qua hay thậm chí là những điều “nhạy cảm”, “cấm kị”, những ai có ý định tiếp cận đều có thể bị trừng phạt cách bằng này hay cách khác. Bầu không khí chính trị - xã hội thời Đổi mới đã tạo điều kiện cho các nhà văn viết lại hoặc công bố những bản thảo đã âm thầm viết trước đó. Những góc khuất của lịch sử đó có thể là: lí lịch, hoạt động của các nhân vật có liên quan trước và trong cách mạng tháng Tám, hoạt động chính trị dưới chế độ Việt Nam cộng hoà, chuyện hoạt động cách mạng, là cuộc kiểm thảo văn nghệ sau Cách mạng tháng Tám, cuộc cải cách ruộng đất, cuộc “đấu tranh” chống Nhân văn giai phẩm, đấu tranh chống “chủ nghĩa xét lại”, cải tạo tư sản miền Nam, đổi tiền,… Những tác phẩm nổi bật đề cập đến vấn đề này có: Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Rễ bèo chân sóng, Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá, Nhớ lại,

Ba phút sự thật, Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào, Hồi kí bà Tùng Long, Mất để mà còn, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, Hồi kí Phạm Cao Củng,… Nếu như có một dòng văn học “chấn thương”, “xét lại” trong văn học Việt Nam sau 1986 thì ở đó có sự đóng góp tích cực của thể loại hồi kí, nhất là hồi kí văn học. Ngay cả những tác giả vốn trước đây là các nhà chính trị hoặc lãnh đạo văn nghệ (như Tố Hữu, Huy Cận, Vũ Tú Nam, Tô Hoài,…) khi viết về quá khứ cũng có nhu cầu đưa ra những chi tiết mới mà trước đây bản thân họ không thể nói, không thể viết khi còn đương chức, hoặc hoàn cảnh lịch sử chưa cho phép. Điều đó cho thấy, nhu cầu tìm đến sự thật lịch sử của văn học, đặc biệt là hồi kí, là một xu hướng nổi bật của văn học Việt Nam sau 1986.

Chẳng hạn, Chiều chiều (sau đó là tiểu thuyết - tự truyện Ba người

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 47 - 56)