Nghiên cứu hồi kí của một thời kì, một giai đoạn hoặc một nhóm tác giả ở

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 39 - 43)

7. Cấu trúc của luận án

1.3. Tình hình nghiên cứu hồi kí văn học từ 1986 đến nay

1.3.2. Nghiên cứu hồi kí của một thời kì, một giai đoạn hoặc một nhóm tác giả ở

giả ở Việt Nam, trong đó có giai đoạn từ 1986 đến nay

Điển hình cho hướng nghiên cứu này là các công trình: Kí trên hành trình Đổi mới (Đỗ Hải Ninh, 2006) [150]; Hồi kí và bút kí thời kì Đổi mới (Lý

Hoài Thu, 2008) [199]; Hồi kí của một số nhà văn Việt Nam thời kì hiện đại (Phạm Thị Lan Anh, 2008) [2]; Đặc điểm của hồi kí văn học Việt Nam từ 1986 đến nay (Nguyễn Thị Thanh Thuý, 2011) [200]; Hồi kí trong văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay (Ngô Thị Ngọc Diệp, 2013)

[32]; Chất tiểu thuyết trong hồi kí thời kì Đổi Mới (Trần Thị Hồng Hoa, 2016) [67], Đặc điểm hồi kí Việt Nam 1975 - 2000 của Nguyễn Quang Hưng

(LATS, 2016) [83],… Đây là những công trình có đối tượng và phạm vi nghiên cứu và một mặt nào đó có hướng tiếp cận gần gũi với luận án của chúng tôi. Bởi vậy, ở đây, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích diện mạo, đóng góp cụ thể của mỗi công trình.

Bài viết của Đỗ Hải Ninh viết chung về kí thời kì Đổi mới (bao gồm phóng sự, tản văn, tiểu luận, hồi kí), nhưng có một mục khái quát về “sự nở rộ của thể hồi kí”. Mục tuy ngắn nhưng tính khái quát của nó khá cao khi nó vạch ra được đường hướng phát triển, nguyên nhân, đặc điểm nội dung, nghệ thuật của hồi kí sau 1986 ở tầm tư duy nghệ thuật. Vì thế, bài viết vừa mở đầu đồng thời cũng có ý nghĩa gợi mở và báo hiệu triển vọng của việc nghiên cứu hồi kí văn học giai đoạn này.

Bài viết của Lý Hoài Thu cũng đã nêu một cách khái quát một số đặc điểm của thể hồi kí bên cạnh bút kí, đưa ra nhiều nhận xét lí thú về đặc điểm của hồi kí giai đoạn Đổi mới (sau 1986). Nhiều điểm trong đó khá nhất trí với bài viết của Đỗ Hải Ninh; song cũng có những điểm khác biệt khi mỗi bên chỉ ra được những đặc sắc riêng của hồi kí giai đoạn này và vì vậy chúng bổ sung cho nhau rất tích cực và tạo nên dấu mốc quan trọng đầu tiên cho việc nghiên cứu hồi kí văn học sau 1986.

Luận văn của Phạm Thị Lan Anh đã “khảo sát các trường hợp hồi kí cụ thể của các nhà văn như: Tô Hoài, Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu, Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Nguyên Hồng, Anh Thơ, Đặng Thai Mai và đưa ra một cái nhìn tương đối khái quát về giá trị nội dung cùng như các thủ pháp nghệ thuật mà các nhà văn sử dụng trong quá trình viết hồi kí. Qua đó thấy được vai trò và vị trí của hồi kí văn học trong nền văn học Việt Nam hiện đại” (“Trích yếu luận văn”). Có thể thấy đa số các tác phẩm được khảo sát nằm ở giai đoạn sau 1986 đến nay. Điều đó cho thấy hồi kí giai đoạn này chiếm vị trí quan trọng như thế nào trong hồi kí văn học hiện đại. Nhưng luận văn mới chỉ khảo sát hồi kí của “một số” nhà văn, chưa khảo sát hồi kí cận-văn học, đặc

biệt chưa đặt vấn đề tìm hiểu tư duy nghệ thuật như là vấn đề cốt lõi của hồi kí văn học từ 1986 đến nay.

LvThS của Nguyễn Thị Thanh Thuý, đặt vấn đề tìm hiểu “đặc điểm” của hồi kí văn học từ 1986 đến nay. Phạm vi nghiên cứu của luận văn thì cơ bản thống nhất với phạm vi nghiên cứu của luận án chúng tôi. Tuy nhiên, tác giả lại đi sâu vào nghiên cứu “đặc điểm” tức là thiên về miêu tả văn học sử hồi kí văn học sau 1986, trong khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu “tư duy nghệ thuật”, tức là vấn đề vừa mang tính văn học sử vừa mang tính lí luận với yêu cầu khái quát hoá, trừu tượng hoá cao hơn. Chính vì đặt vấn đề tìm hiểu “đặc điểm” nên Nguyễn Thị Thanh Thuý triển khai luận văn của mình theo kết cấu sau: Chương 1: Hồi kí văn học từ 1986 đến nay trong sự phát triển chung của hồi kí Việt Nam đương đại; Chương 2: Đặc điểm hồi kí văn học từ 1986 đến nay nhìn từ bình diện nội dung (Chiêm nghiệm lịch sử và số phận cá nhân - một nhu cầu nổi bật của hồi kí văn học từ 1986 đến nay; Bức tranh văn nghệ Việt Nam qua hồi ức của các nhà văn; Nhu cầu làm sống lại những chân dung đồng nghiệp và chân dung tự hoạ của nhà văn); Chương 3: Đặc điểm hồi kí văn học từ 1986 đến nay nhìn từ phương thức nghệ thuật thể hiện (Sự linh hoạt trong điểm nhìn trần thuật; Sự đa dạng của giọng điệu trần thuật; Sự đa dạng của ngôn ngữ trần thuật; Kết cấu theo dòng hồi tưởng). Nhìn chung, luận văn đã chỉ ra được một số đặc điểm nổi bật của hồi kí văn học từ 1986 đến nay, nhưng tính khái quát hoá còn nhạt; một số đặc điểm mới mang tính bề ngoài, chưa đi sâu bản chất, nhất là ở cấp độ tư duy nghệ thuật của tác giả và của thể loại. Diện khảo sát của luận văn cũng còn hẹp, chỉ có 10 tác phẩm được dùng để khảo sát, gồm: Cát bụi chân ai; Chiều chiều; Nhớ lại một thời;

Nhớ lại; Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương; Hồi kí Song đôi; Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá; Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt, Mất để mà còn. Nhiều tác phẩm khá đặc sắc khác, như: Từ bến sông Thương (Anh Thơ); Hồi kí Sơn Nam (Sơn Nam); Rễ bèo chân sóng; Hồi kí Phạm Cao

nhiên, đây là luận văn đã gợi ra nhiều ý, chi tiết thú vị, bổ ích cho luận án của chúng tôi.

Trong luận án của Ngô Thị Ngọc Diệp, tác giả đã triển khai 3 chương: chương 1, Một số vấn đề thể loại (nêu đặc trưng của thể loại hồi kí với tư cách một tiểu loại/dạng thức của kí; nêu khái quát hành trình của hồi kí trong văn học Việt Nam); chương 2, Hồi kí giai đoạn từ 1945 đến 1975 (nêu tiền đề văn hoá xã hội; Diện mạo, khuynh hướng và một số nét đặc sắc về nghệ thuật); chương 3, “Hồi kí sau 1975 đến nay”. Đặc biệt, chương 3 ngoài việc phác hoạ được những tiền đề văn hoá xã hội, diện mạo, đã nêu bật được một số đặc điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật của Hồi kí từ 1975 (bao hàm từ 1986) đến nay, như “hiện thực và con người được nhìn từ kinh nghiệm cá nhân”, “cái tôi trưởng thành được đề cao”, “nghệ thuật thể hiện hướng tới tính hiện đại” (“dòng hồi tưởng”, “giọng điệu trần thuật phong phú, đa dạng”, “ngôn từ cá tính hoá, đậm tính đời thường). Tuy nhiên, vì chỉ dành chưa đến 1 chương để nói về hồi kí từ 1986 đến nay, nên các khảo sát còn theo dạng “cưỡi ngựa xem hoa”, kết quả nghiên cứu mang tính khái lược cao, chưa thực sự chuyên sâu. Đối tượng khảo sát của luận án cũng khá rộng và dàn trải (hồi kí nói chung, chứ không phải hồi kí văn học, vì vậy tác giả khảo sát cả hồi kí của các tướng lĩnh, ca sĩ, diễn viên), chưa tập trung vào địa hạt văn học. Hơn nữa, việc phân kì các giai đoạn phát triển của hồi kí (trước 1945, từ 1945 đến 1975, từ 1975 đến nay), theo chúng tôi, chưa thực sự hợp lí, chưa bám sát thực tiễn vận động, phát triển của thể loại (đặc biệt cái mốc 1975, chúng tôi sẽ bàn luận ở đoạn sau). Vấn đề tư duy thể loại cũng chưa được đào sâu, nhấn mạnh, mà nặng về mô tả văn học sử. Tuy nhiên, những kết luận đưa ra của luận án cũng có giá trị tham khảo quan trọng đối với luận án của chúng tôi, nhất là phần tổng quan. Đặc biệt, luận án cho thấy tầm quan trọng của hồi kí từ sau 1986 đến nay. Nhiều nhận định của luận án về hồi kí từ những năm 1990 đến nay rất đáng tham khảo.

Bài viết của Trần Thị Hồng Hoa đã chỉ ra “chất tiểu thuyết” trong hồi kí văn học thời kì Đổi mới qua ba dấu hiện: Kết cấu hiện đại, Nghệ thuật xây dựng nhân vật đầy “tính dư”, Kĩ thuật tự sự tạo tính đa thanh cho văn bản. Những nhận định như vậy vừa có tính kế thừa các công trình đi trước vừa có tính khám phá rất đáng trân trọng, học tập.

Luận án của Nguyễn Quang Hưng là luận án mới nhất (2016) đã tập trung nghiên cứu các đặt điểm của “hồi kí văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010”, trong đó tập trung vào hai vấn đề lớn: một là, “cảm quan về hiện thực và các dạng chân dung nhân vật” (chương 3) và “nghệ thuật trần thuật” (chương 4). Về “cảm quan hiện thực”, tác giả phân tích “hiện thực đời sống xã hội qua những biến thiên lịch sử” và “hiện thực đời người qua những bước thăng trầm”. Về các dạng chân dung nhân vật, tác giả phân tích “chân dung tự hoạ” và “chân dung được hoạ”. Về nghệ thuật trần thuật, tác giả phân tích “trần thuật từ ngôi tác giả và tổ chức điểm nhìn”, “đa dạng hoá kết cấu trần thuật”, “sự đa dạng của ngôn ngữ trần thuật”, “giọng điệu trần thuật”. Nhìn chung, tác giả đã mô tả rất cơ bản các đặc điểm của hồi kí văn học giai đoạn 1975 - 2010). Tuy không đồng tình với tác giả về cách lựa chọn mốc giai đoạn (1975 - 2010), nhưng chúng tôi cũng cơ bản tán thành với sự mô tả đặc điểm hồi kí của tác giả. Cũng như luận văn của Phạm Thị Lan Anh, những mô tả của Nguyễn Quang Hưng là những gợi ý hữu ích để chúng tôi kế thừa và bổ sung vào phần nghiên cứu tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học từ 1986 đến nay của chúng tôi

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 39 - 43)