7. Cấu trúc của luận án
4.1. Kết cấu đa dạng
4.1.1. Kết cấu phân mảnh
Kết cấu phân mảnh (có người gọi là “kết cấu mảnh vỡ” - fragmented structure) là loại kết cấu được tạo nên bởi những mảnh ghép rời rạc, đứt nối, “nhảy cóc” chuyển cảnh nhanh những góc nhìn khác nhau có tính “lập thể” về đối tượng được phản ánh. Đây là kết cấu thường thấy trong các nghệ thuật tạo hình (nhất là nghệ thuật tạo hình hiện đại) như: hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc và nhất là điện ảnh,… Kết cấu này được vận dụng một cách thường xuyên trong các hồi kí sau 1986. Biểu hiện cụ thể là ở cách chia hồi kí trong các chương đoạn, các cảnh (scence) khác nhau. Mỗi chương, đoạn, cảnh,… viết về những nhân vật, chi tiết, sự kiện,… rất khác nhau, nhiều khi không liên quan đến nhau. Nhiều hồi kí còn được kết cấu như kiểu một tập truyện nhiều chương, mỗi chương là một bức chân dung, một câu chuyện, một kỉ niệm, một sự hồi cố ngẫu nhiên,… Kết cấu đó cho phép tác giả không nhất thiết phải trình bày tất cả, kể tất cả. Anh ta chỉ trình bày những gì anh ta cho là ấn tượng, anh ta muốn nhấn mạnh hoặc chỉ đơn giản là anh ta có thể nhớ được
(nhưng không đơn giản vì nhớ được là bởi có ấn tượng). Kết cấu đó cũng cho phép tác giả đi sâu vào sự trình bày ấn tượng chủ quan, đời sống tâm lí, dòng suy tưởng,… Rõ ràng, kết cấu này cho thấy một tâm thức rất hiện đại về cuộc sống ở các tác giả hồi kí sau 1986. Đó cũng là một cách tân nghệ thuật đáng chú ý so với trước. Ta hãy xem Huy Cận thuyết minh về kết cấu hồi kí của mình: “Xin bạn đọc chú ý: Những sự việc tình cảm trong hồi kí phần lớn thuật lại theo thứ tự thời gian đã sống. Song có những trường hợp thuật lại theo thứ tự của dòng hồi tưởng, khớp với lô-gíc của trí nhớ. Hồi kí viết năm 1986” [23, tr.7]. Đấy là một lựa chọn khôn khéo. Bởi trên thực tế, Hồi kí song đôi ghi
chép khá đứt nối: từ trước 1945 nhảy cóc đến năm 1967, rồi lại quay lại năm ông 6 - 7 tuổi. Có thể đây cũng là cách để các nhà văn tránh nói về những giai đoạn nhạy cảm. Như vậy, kết cấu của tác phẩm giúp cho tác giả linh hoạt hơn trong việc kể (kể cái gì và không kể cả gì/ nhớ gì kể đấy). Đặng Anh Đào cũng nói rõ ngay trong phần mở đầu cuốn hồi kí của bà: “Cuốn hồi kí này có sự khác biệt, ít nhất là ở tính chất không liên tục, nhảy quãng về thời gian, về không gian, về hình ảnh của hồi ức. Nhiều khi, một kỷ niệm xuất hiện ở những trang đầu, rồi những mảnh vỡ của nó trở đi trở lại ở những câu chuyện sau, với những biến thái, dị bản mới. Bởi vậy, mỗi một mảnh lại mang một cái tên, một đề mục nho nhỏ, khiến một số bạn đọc nói với tôi rằng họ đã đọc những “truyện ngắn” này nọ của tôi trên báo… Vậy là tôi đã làm một hình thức hồi kí mới, dù không có ý định. Tuy nhiên, mọi hình thức được hình thành một cách vô thức, tự phát, nếu nghĩ lại, vẫn phải có một cơn cớ nào đó trong lối suy nghĩ của người viết” [40, tr.5]. Trần Thị Hồng Hoa nhận xét khá chính xác về kết cấu của Tầm xuân như sau: “Có thể thấy, kết cấu mảnh
vỡ chính là điểm đặc sắc của cuốn hồi kí này. Chuỗi hồi ức của bà như một
hợp âm của màu sắc, hương vị và những cảm giác lắng đọng, được thổi hồn ngay từ tên gọi của các chương mục: Chiếc “vành cánh” bạc, Bữa cơm của
mẹ, Cô gái mắt khô, Tầm xuân, Những người đi vào xứ sở khác, Chuyện trà lá của nhà văn…” [67]. Có thể nhận thấy kiểu kết cấu này cũng có trong các hồi
kí khác như: Cát bụi chân ai, Rừng xưa xanh lá, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, Cô bé nhìn mưa, Hồi kí Phạm Cao Củng,v.v... Chẳng hạn, Cô bé nhìn mưa chia làm 3 phần với các “mảnh ghép” là các thiên: Làng, Phố, Biển màu lục nhạt, Khoảng ngưng, Khu vườn mùa đông, Tự hư cấu (Ngôi nhà có cái ao sen), Khúc đồng quê, Việt Bắc: Những ngôi trường, Và những con đường, Từ nhà trường đến nhà trường, 1972, Thập kỉ 80, Đoạn xen (Trở lại với tuổi thơ), Viết trong một khu vườn nhỏ. Chính sự đổi mới kết cấu như vậy
vừa phản ánh một cái nhìn hiện đại về đời sống, về quá khứ (đời sống luôn luôn bất toàn, không hoàn kết, kí ức càng không bao giờ đầy đủ, trọn vẹn, đóng khép) vừa có tác dụng nghệ thuật “giúp nới rộng đường biên thể loại và người đọc có thể thoải mái tiếp nhận tác phẩm theo “tầm đón” rất riêng của mình” [67]. Điều đó càng cho thấy, phương thức nghệ thuật có liên quan đến thời đại và tư duy nghệ thuật như thế nào.