7. Cấu trúc của luận án
4.1. Kết cấu đa dạng
4.1.3. Kết cấu xoắn kép
Đây là kết cấu được tổ chức theo lối kết hợp, đan bện, chập chéo nhiều mạch truyện, tuyến truyện (mà trong hồi kí thường tuyến truyện đơn giản là truyện về nhân vật nào đó: cái tôi tác giả, nhân vật khác trong hồi kí, hoặc nhân vật trừu tượng mang tính biểu trưng) với nhau một cách rất đa dạng, linh hoạt (hoặc chạy song hành hoặc xoắn vào nhau, hoặc giao thoa với nhau ở một hoặc nhiều điểm). Tác giả của kiểu kết cấu này cố ý tạo ra sự xoắn kép đó mà không có ý định tách bạch hay phân định tính chính phụ, nhiều ít, giống khác của các mạch, các tuyến đó. Sự “nhập nhằng”, xoắt xít đó phá vỡ tính đơn tuyến, tuyến tính và mạch lạc của hồi kí truyền thống (thường có 1 tuyến và có trật tự tuyến tính theo thời gian một cách rành mạch). Kết cấu này phản ánh được tính đa tạp, chồng chéo của bản thân cuộc sống, đồng thời cũng thích hợp với tâm lí sáng tạo nghệ thuật của nhà văn khi viết hồi kí (quá trình điều tra, hồi tưởng, phục dựng bằng con chữ; hứng thú với nhiều vấn đề cùng lúc của nhà văn khi viết hồi kí,…). Kiểu kết cấu này xuất hiện nhiều ở những hồi kí thuần tuý văn chương, những hồi kí của các nhà văn, nhà phê bình chuyên về thể loại hồi kí hiện đại. Nó cũng xuất hiện nhiều ở các hồi kí mang tính tự truyện cao hoặc hồi kí chân dung. Mô hình điển hình của loại kết cấu xoắn kép trong hồi kí từ 1986 đến nay là sự song hành, xoắn kép giữa câu chuyện về “cái tôi” và câu chuyện về một nhân vật nào đó khác trong hồi kí; hoặc giữa một bên là cái tôi tác giả và một bên là thế cuộc hoặc các thế lực đối lập với nó. Các tác phẩm được khảo sát có kiểu kết cấu này có thể kể đến là Cát bụi chân ai, Núi Mộng gương Hồ, Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá,
Hồi kí song đôi, Kỉ niệm dọc đường văn,… Cát bụi chân ai có kết cấu xoắn kép giữa tuyến truyện về một vài gương mặt lớn của văn học Việt Nam hiện đại là Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyên Hồng,… và bên kia là nhân vật
“tôi”. Đọc Cát bụi chân ai, độc giả nhiều khi khó phân biệt được tác giả đang viết về mình hay bạn văn của mình, phải theo dõi rất kĩ mới bóc tách được các tuyến truyện về các nhân vật này. Tương tự, Rừng xưa xanh lá cũng lại là sự xoắn ghép giữa các tuyến truyện về cái tôi tác giả Bùi Ngọc Tấn và những bạn văn, bạn chơi tri kỉ của ông (Nguyên Hồng, Dương Tường, Mạc Lân, Đình Kính, Lê Bầu,…). Mặc dù Bùi Ngọc Tấn có tuyên bố chưa muốn viết hồi kí về mình mà chỉ muốn viết hồi kí về bạn bè, nhưng trong hồi kí của ông vẫn hiện lên xuyên suốt chân dung tác giả với số phận, tính cách đặc biệt, rõ nét, xuyên suốt và nhất quán. Nhưng cũng vì chủ đích không phải viết hồi kí về mình cho nên, điều đó thường được lồng vào hoặc có liên quan đến hồi ức về bè bạn. Qua đó, tác giả móc nối và dựng lên được cả một mạng lưới, một cộng đồng thu nhỏ có thể gọi theo lối hiện đại là “Bùi Ngọc Tấn và những người bạn” (tương tự cũng có thể nói đến “Tô Hoài và những người bạn”). Bùi Ngọc Tấn rất sở trường về cách viết như thế và ông cũng là người đạt được thành công lớn với lối kết cấu xoắn kép này. Tác phẩm thành công hơn cả chính là Một thời để mất với kiểu xoắn kép hai tuyến truyện về hai nhân vật: Nguyên Hồng - Bùi Ngọc Tấn. Mặc dù ở cả hồi kí này, Bùi Ngọc Tấn cũng tuyên bố trong “Lời nói đầu” rằng ông chủ ý viết về Nguyên Hồng chứ không phải mình, vậy mà trong tác phẩm cặp bài trùng, đôi bạn vong niên và khác nhau về vị thế xã hội cũng như danh tiếng lại cứ song hành với nhau một cách xoắn xít đến kì lạ mà điều kiện hay không gian đưa đẩy cho sự song hành, gắn kết đó chính là thành phố cảng và tình bạn giữa hai người [175, tr.303-511]. Thành ra, Một thời để mất không phải chỉ là thời của Nguyên Hồng mà còn của Bùi Ngọc Tấn! Kiểu kết cấu xoắn kép đôi này cũng được thực hiện khá thành công trong cuốn Hồi kí song đôi. Kết cấu này đến hoàn
toàn tự nhiên từ hoàn cảnh đặc biệt và nhu cầu thể hiện chung một tình bạn xuyên thời gian giữa Huy Cận và Xuân Diệu. Tất nhiên, khác với Một thời để
nhưng chủ ý của Huy Cận là tận dụng tối đa cơ hội để dựng lại quá khứ của Xuân Diệu trong quan hệ với quá khứ của chính ông. Dù khác như thế nhưng dường như hai tác giả lại có một điểm chung là qua kết cấu xoắn kép như thế khẳng định một tình bạn khăng khít, một “vinh hạnh” của cuộc đời bình khi được gắn bó, chia ngọt sẻ bùi và kể cả đồng cam cộng khổ với những người bạn lớn, nổi tiếng nhưng cơ bản là cô đơn và cần những chỗ dựa tình cảm từ bạn bè mà tác giả các cuốn hồi kí là một trong số đó. Ngược dòng hồi kí sau 1986, ta thấy hiện tượng Bùi Ngọc Tấn hay Huy Cận viết những hồi kí “song đôi” như vậy cũng không có gì quá lạ bởi trước hai ông, chính Mộng Tuyết đã thực hiện việc đó với Núi Mộng gương Hồ. Tính chất “song đôi”, “xoắn kép” ở đây còn mạnh hơn, sâu hơn bởi mối quan hệ đời thực của hai nhân vật văn sĩ lừng danh đất Hà Tiên: Đông Hồ và Mộng Tuyết. Đó là quan hệ yêu đương và quan hệ hôn nhân gắn bó lâu dài thực sự. Bản thân cái tên hồi kí (Núi
Mộng Gương Hồ) cũng đã phản ánh sự xoắn xít, sóng đôi chặt chẽ, sống động
ấy. Đi sâu vào tác phẩm kết cấu ấy cũng được thực hiện thành công và tự nhiên như chính đối tượng được phản ánh. Về một mặt nào đó, những cuốn hồi kí sau (Hồi kí song đôi, Một thời để mất,…) đã kế thừa cái “mẫu gốc” (hồi kí đôi, kép của nam nữ) đó, tạo thành các cuốn hồi kí “đôi cặp” rất thân thiết, gần gũi ấy. Sau này, chính Đặng Anh Đào cũng đã học tập kết cấu này để viết cuốn hồi ức về hai vợ chồng bà có tên Nhớ và quên (2011) [37]. Hay bà Nguyễn Ánh Tuyết (vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên) dường như cũng học tập kết cấu này để viết cuốn hồi kí của hai vợ chồng có tên Chúng tôi đã sống như thế
[213]. Như vậy, kết cấu xoắn kép rất hữu dụng, sát thực trong những đối tượng phản ánh kiểu đó.
Ngoài ra, kết cấu xoắn kép còn được sử dụng trong những cuốn hồi kí mang tính tổng kết, chọn lọc chủ điểm trình bày do những tình thế hay quan niệm nào đó của tác giả. Điển hình là hồi kí của Bà Tùng Long và Phạm Cao Củng. Có thể thấy trong Hồi kí bà Tùng Long các mạch truyện chính bao
gồm: quá trình trưởng thành; cuộc sống hôn nhân gia đình, cuộc đời viết văn - làm báo; và, việc tham gia chính trị. Những mạch truyện này đan quện, gắn bó với nhau nhưng vẫn có từng diễn biến riêng vì với mỗi vấn đề Lê Thị Bạch Vân đều có một tình cảm, một quan điểm riêng nhất quán (như nhớ thương trân trọng quá khứ phấn đấu của mình; tận tâm với gia đình; đam mê với công việc viết văn làm báo, dứt khoát giữ khoảng cách với đời sống chính trị). Đó cũng là bốn điều mà nữ nhà văn tâm huyết, quan tâm và muốn chia sẻ nhất với độc giả. Còn ngoài ra, những gì người đời mong đợi ở hồi kí của bà (như đời sống chính trị Sài Gòn, tình hình chính trị xã hội miền Nam trước 1975, các sự kiện lịch sử khác,…) thì lại không thuộc mạch quan tâm của tác giả.
Hồi kí Phạm Cao Củng cũng xoay quanh mấy chủ điểm như nhà văn tự khái
quát: “Tập hồi kí này kể lại bốn cuộc sống trải dài và đan xen trong suốt 85 năm tuổi trời cho kể đến năm 1998 của tác giả, bao gồm: cuộc sống viết văn, làm báo; cuộc sống công an, phản gián, tình báo; cuộc sống tâm linh và cuộc đời tình ái. Cả bốn cuộc sống không nhất thiết thuộc hẳn vào một lứa tuổi nào (…) Trong Đời sống viết văn, làm báo, lại cũng kể chia ra từng lứa tuổi như Lúc ấu thơ, Thời niên thiếu và Tuổi tráng niên. Chính vì đời sống của tác giả phức tạp như thế nên rất khó mà phân chia cách nào cho rõ ràng thứ tự, chỉ còn mong chính các bạn đọc tự sắp xếp lại tuỳ theo phương cách của mỗi người mà thôi” [28, tr.17]. Các chủ điểm này được phân làm các chương mục riêng, nhưng các chương mục lại được bố trí đan xen, và hơn nữa trong một chương, một mục cũng có sự hoà trộn các chủ điểm. Điều đó khiến cho việc theo dõi các chủ điểm vừa rành mạch vừa có sự gắn kết không bị rời rạc, đứt đoạn, khô khan. Lối viết “kết dính” đó có lẽ có được chính từ kinh nghiệm viết tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết hình sự của Phạm Cao Củng. Tương tự, cách viết hồi kí của Bà Tùng Long cũng được thừa hưởng kinh nghiệm viết các tiểu thuyết xã hội của bà, với các mảng “thời thơ ấu”, “những ngày tươi đẹp”, “đầu tiên và cuối cùng”, “vui buồn nghề văn nghề báo”, “những kỉ niệm
đáng nhớ khi giữ mục rối tơ lòng”, “không muốn làm chính trị nhưng không thể thoát”,… Cứ như vậy, tác phẩm lan toả, đan xoắn các chủ đề, tạo nên sức hấp dẫn và khả năng bao quát phần nào kí ức đồ sộ, phong phú của bà. Đó là những ví dụ tiêu biểu cho dạng kết cấu độc đáo này của hồi kí văn học từ 1986 đến nay.