7. Cấu trúc của luận án
3.1. Hình tƣợng cái tôi tác giả trung tâm của hồi kí văn học
3.1.1. Hình tượng cái tôi tác giả trong hồi kí
“Cái tôi” tức là cá nhân, cá thể một con người nào đó với những đường nét, tính cách, bản sắc riêng khu biệt, khiến nó là “con người này” (G.W.Hegel). Cái tôi được đặc biệt chú ý ở sự độc đáo của cá tính, sự sắc nét của bản ngã và đặc biệt là chính nó phải tự ý thức được về bản thân với những cá tính, bản ngã đó. Cái tôi là một bước phát triển của con người trên con đường tách khỏi tự nhiên, tách khỏi ý thức bầy đàn hoặc quần chúng, tập thể,
tách khỏi cái chung để đến với cái riêng để tự ý thức đầy đủ về quyền cũng như tư cách của cá nhân. Cái tôi cũng là một biểu hiện của tính nhân văn trong văn hoá, văn học. “Tác giả” theo nghĩa đen tức là người sáng tác, tạo tác tác phẩm. Tác giả là một phạm trù gắn liền với ý thức về sự sáng tạo. Nó liên quan đến ý thức về chủ thể sáng tạo, phong cách cá nhân cũng như tính độc đáo của sản phẩm được tạo ra.
“Cái tôi tác giả” thường rõ nhất và cũng là tiêu biểu nhất là tác giả cá nhân xác định về tên tuổi, lai lịch. “Cái tôi tác giả” hay “hình tượng cái tôi tác giả” chính là “sự nhập thân của ý thức người sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật”. Trong một số công trình, người ta còn dùng khái niệm “hình tượng tác giả” với ý nghĩa như là “phạm trù thể hiện cách tự ý thức của tác giả về vai trò xã hội và vai trò văn học của mình trong tác phẩm, một vai trò được người đọc chờ đợi” [54, tr.124]. Với quan niệm như vậy thì về cơ bản “hình tượng cái tôi tác giả” và “hình tượng tác giả” là khá gần gũi bởi cơ sở tâm lí, nghệ thuật của “hình tượng tác giả” chính là “cái tôi” tác giả trong giao tiếp nghệ thuật, được thể hiện “gián tiếp” qua văn bản nghệ thuật [54, tr.124].
Vậy cái tôi tác giả được thể hiện cụ thể trong tác phẩm (nhất là tác phẩm văn học viết) như thế nào? Như chúng ta đều biết, tác phẩm văn học là sự kết tinh tư tưởng, cá tính, tài năng của tác giả. Qua tác phẩm của mình, tác giả kí thác nhận thức, quan niệm, đánh giá về đời sống (tự nhiên và xã hội). Do “văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng” (V.Lenin), nên trong tác phẩm văn học nhà văn tạo ra nhiều hình tượng nghệ thuật. Trong nhiều loại hình tượng thì có “hình tượng nhân vật” tức hình tượng con người là quan trọng nhất trong tác phẩm. Hình tượng cái tôi tác giả cũng thuộc nhóm hình tượng này, tức cũng là một loại “nhân vật”. Tuy nhiên, khác với đa số các hình tượng nhân vật khác được tái hiện trong tác phẩm (chủ yếu theo phương thức hư cấu, hướng đến sự khắc hoạ chân dung, tính cách khách quan của nhân vật theo quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả), hình tượng cái
tôi tác giả là sự tự miêu tả, tự thể hiện, tự bộc lộ chân dung vật chất (ngoại hình, hành động,…) chân dung tinh thần (nhân sinh quan, thế giới quan, tính cách,…) chủ yếu qua cái nhìn của chính tác giả. Tác giả tự biểu hiện mình chủ yếu qua cách khám phá, cách chiêm nghiệm về cuộc sống, qua lối viết, bút pháp nghệ thuật,… Bức chân dung của “cái tôi tác giả” nằm ngay trong tất cả những thông điệp, khám phá nghệ thuật (nội dung và hình thức) của bản thân anh ta. Vì cái tôi tác giả cũng chính là cái tôi sáng tạo ra tác phẩm nên những vấn đề liên quan đến thành tựu, đóng góp, phong cách của tác giả thể hiện qua tác phẩm của anh ta cũng góp phần tạo nên “hình tượng cái tôi tác giả”. Tác giả dù muốn hay không, dù ý thức hay không ý thức đều không thể không biểu hiện cái tôi của mình trong tác phẩm (tất nhiên có nổi bật hay không nổi bật, có giá trị hay không giá trị lại là chuyện khác; nhưng ngay cả những mặt tiêu cực đó cũng làm nên chân dung cái tôi tác giả). Có nhiều bình diện cụ thể có thể biểu hiện hình tượng cái tôi tác giả. Theo quan niệm rộng, hình tượng cái tôi tác giả được biểu hiện trên tất cả các phương diện, từ cách nhìn, cách nghĩ, cách miêu tả, nội dung quan niệm đến lời văn nghệ thuật, thủ pháp nghệ thuật,… Theo quan niệm hẹp hơn, hình tượng cái tôi tác giả tập trung vào một số điểm như: cái nhìn nghệ thuật, phạm vi phản ánh, không gian - thời gian nghệ thuật, kết cấu, nhân vật và giọng điệu. Theo chúng tôi, quan niệm rộng có tính bao quát hơn, nhưng quan niệm hẹp lại có tính tập trung hơn, cụ thể hơn. Trong thực tế cần vận dụng cả hai quan niệm để làm việc căn cứ vào từng đối tượng cụ thể với các yếu tố: tác giả, tác phẩm, thể loại, thời đại, hoàn cảnh sáng tác, truyền thống văn học, thậm chí sự tiếp nhận,… Trong các yếu tố đó, thể loại là một yếu tố khá quan trọng như chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây.
Trong thơ trữ tình, cái tôi tác giả thể hiện qua chủ thể trữ tình - người bộc lộ cảm xúc, người phát ngôn, người sáng tạo… Do đó, cái tôi tác giả đương nhiên được biểu hiện trực tiếp (tâm tư, tình cảm, quan niệm,…) và
thường biểu hiện đậm nét qua một số phương diện như: cấu tứ, nội dung trữ tình, giọng điệu,… Đa phần các bài thơ trữ tình là sự bộc lộ trực tiếp cảm xúc, suy ngẫm của cái tôi tác giả nên hình tượng cái tôi tác giả cũng hiện ra khá rõ nét, dễ thấy.
Trong truyện (truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết) hoặc kịch (chính kịch, bi kịch, hài kịch,…), cái tôi tác giả thể hiện gián tiếp qua: kết cấu (cốt truyện, chi tiết, sự kiện, xung đột, mâu thuẫn, diễn biến,…), hệ thống nhân vật, hệ thống chủ đề, giọng văn, hệ thống bối cảnh,… Trong truyện và kịch, cái tôi tác giả có quan hệ mật thiết với nhân vật “người kể chuyện”. Người kể chuyện có thể ngầm ẩn, gián tiếp; cũng có thể xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm; người kể chuyện có thể “toàn tri” (biết tuốt), cũng có thể chỉ biết một phần, là người đi khám phá,… nên sự biểu hiện cái tôi tác giả trong truyện, kịch cũng có những mức độ khác nhau. Đặc biệt, nếu là “tự truyện” thì hình tượng cái tôi tác giả lại được thể hiện rõ nét và rất gần với sự biểu hiện cái tôi tác giả trong kí, nhất là hồi kí. Tuy nhiên, sự biểu hiện cái tôi tác giả bao giờ cũng mang tính gián tiếp, ngầm ẩn và khách quan nhất định.
Trong kí, do việc người viết ghi lại những sự vật, hiện tượng anh ta hoặc nhân vật của anh ta có tham dự, có chứng kiến nên cái tôi tác giả được thể hiện trực tiếp hơn, không qua hư cấu nghệ thuật, không qua sự tái hiện theo lối khách quan. Cái tôi tác giả chính là bản thân người viết và họ thường xưng “tôi”. Cái tôi ấy là cái tôi thẩm mĩ vì nó gắn liền với quan điểm thẩm mĩ của tác giả và được bộc lộ ở mọi chi tiết, sự kiện mà anh ta phản ánh. Anh ta có thể bộc lộ quan điểm, tình cảm một cách thẳng thắn, trực tiếp; nhờ đó, quan điểm, thái độ, cảm xúc của cái tôi tác giả cũng được thể hiện trực tiếp, dễ thấy hơn, đặc biệt là qua cái nhìn, cách ghi chép, phản ánh và qua giọng điệu. Cái tôi tác giả trong kí cũng đồng thời là phương thức trần thuật rất quan trọng bởi nó chính là “người trần thuật”, là xương sống trong kết cấu của kí (là nhân vật xâu chuỗi, yếu tố liên kết chính yếu của tác phẩm kí). Nội dung
phản ánh của kí cũng xoay quanh cái nhìn, sự trải nghiệm, kinh nghiệm, vốn tri thức, vốn văn hoá… của chính cái tôi tác giả. Không có cái tôi ấy, tác phẩm kí không thể thiếu cái tôi tác giả và cái tôi đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nghệ thuật
Tuy nhiên, trong kí lại có hai 3 loại chủ yếu: loại viết về cái chung (tập thể, bên ngoài), loại viết về cái riêng (cá nhân, bản thân) và loại hỗn hợp hai loại trên nên sự biểu hiện cái tôi tác giả cũng có sự khá nhau nhất định. Ở loại viết về cái chung, bên ngoài (hồi kí xã hội, hồi kí thế sự, lịch sử,…), cái tôi tác giả ít biểu hiện mình hơn hoặc biểu hiện kín đáo hơn nhằm giữ được sự khách quan nhất định. Ở loại viết về cái riêng, cái cá nhân (hồi kí đời tư, hồi kí tự truyện,…) thì cái tôi tác giả có thể bộc lộ trực tiếp và đậm nét hơn. Ở đây, cái tôi tác giả có phần khá gần với cái tôi tác giả trong thơ trữ tình (khác nhau chỉ ở mức độ của chất trữ tình và chất ghi tự sự ở hai loại khác nhau). Ở loại kết hợp giữa cả hai loại trên, cái tôi tác giả cũng mang cả hai đặc điểm của hai loại trên. Hồi kí chính là thể loại kết hợp giữa việc viết về cái chung và cái riêng như thế. Cái tôi tác giả trong hồi kí, vì thế, có lúc được biểu hiện một cách ngầm ẩn, khách quan, lạnh lùng; có lúc lại được thể hiện trực tiếp, chủ quan, mãnh liệt. Sự biểu hiện cái tôi tác giả trong hồi kí vì thế cũng rất đa dạng, phức tạp.
Cụ thể, hồi kí mang tính chất tự do, nội dung được dẫn dắt một cách tuỳ hứng theo cảm xúc và trí nhớ của tác giả. Tác giả hồi kí thường kết hợp việc tái hiện các sự vật hiện tượng khách quan với việc bộc lộ cảm xúc, quan điểm chủ quan. Sự kết hợp này vô cùng tự do, biến ảo, không theo logic thông thường hay liên tục nào. Sự tự do đó vừa là thuận lợi vừa là thách thức đối với người viết hồi kí và sự thành bại của tác phẩm phụ thuộc vào chính sự độc đáo trong cách nhìn, cá tính, tài hoa của cái tôi tác giả, mà cái tôi đó sở dĩ có được sự độc đáo cần có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó không thể không nói đến yếu tố bối cảnh thời đại như là môi trường nuôi dưỡng và
tạo điều kiện cho sự phát huy cái tôi đó. Ngược lại, cái tôi tác giả trong hồi kí lại là đối tượng miêu tả của chính nó, trở thành đề tài phản ánh, trở thành những bức chân dung tự hoạ sinh động, đa dạng trong chính tác phẩm của những “cái tôi” ấy. Điều đó phải được quyết định bằng dấu ấn, sự trưởng thành của nó trong sáng tác hồi kí. Nói điều này là để nhấn mạnh việc không phải ngẫu nhiên, sau năm 1986, hồi kí lại phát triển rầm rộ và đạt được nhiều thành tựu đến vậy. Và chúng ta cũng sẽ thấy rất rõ, các đặc điểm, nét ưu trội và sự đa dạng của cái tôi tác giả trong hồi kí văn học từ 1986 đến nay sẽ quyết định thế nào đến diện mạo và đặc điểm của chúng.