7. Cấu trúc của luận án
1.2. Tình hình sáng tác hồi kí văn học từ 1986 đến nay
1.2.1. Vài nét về hồi kí văn học trước 1986
1.2.1.1. Hồi kí văn học trước 1945
Theo nhận thức chung đã được thừa nhận rộng rãi của giới nghiên cứu, hồi kí văn học xuất hiện ở đầu trung đại (thế kỉ XIV) nhưng cũng không để lại quá nhiều thành tựu. Các tác phẩm hồi kí trong văn học trung đại thường là những thiên tự thuật kể về cuộc đời, chí hướng, nhân cách của bản thân tác giả dưới cái nhìn về lí tưởng đạo đức, lí tưởng quân tử (nhiều tác giả nếu quan niệm một cách chặt chẽ thì chưa phải là các nhà văn, và do đó, hồi kí của họ cũng chưa hẳn là “hồi kí văn học” như quan niệm ngày nay của chúng ta). Cái nhìn, quan niệm của cái tôi cá nhân nghệ sĩ chưa mấy phát triển. Các tác phẩm có thể kể đến là: Thượng sĩ hành trạng (Trần Nhân Tông, thế kỉ XIV),
Nam Ông mộng lục (Hồ Nguyên Trừng, thế kỉ XV), Băng Hồ di sự lục
(Nguyễn Trãi, thế kỉ XIV), Niên phả lục (Trần Tiến), Thượng Kinh kí sự (Lê Hữu Trác, 1782), Bắc hành tùng kí (Lê Quýnh, cuối thế kỉ XVIII), Vũ trung
tuỳ bút (Phạm Đình Hổ, thế kỉ XIX), Công thần Nguyễn Án phủ sứ truyện (Nguyễn Bá Xuyến, thế kỉ XIX),... Bước sang thời hiện đại, cho đến 1945, hồi kí cũng không có nhiều thành tựu đáng kể. Đầu thế kỉ XX, chỉ lác đác một vài tác phẩm có thể xem là hồi kí (dù chưa thực sự theo chuẩn thể loại) như Ngục
trung thư, Phan Bội Châu niên biểu (Phan Bội Châu), Giấc mộng lớn (Tản Đà),… Tuy nhiên, những tác phẩm này, như ngay từ tên gọi của chúng, không
thực sự phản ánh đúng bản chất của hồi kí mà thiên về tính tiểu sử, lí lịch và văn luận thuyết, thậm chí là truyện hư cấu. Khi lớp người cũ già nua mất đi trong sự quên lãng, chán chường bởi thời cuộc (không muốn để lại nhiều hồi kí cuộc đời hoặc không tìm ra lối thoát cho thể loại này so với trung đại), lớp người mới còn hăng hái nhập cuộc, lao vào sự nghiệp cống hiến, thì khoảng lặng, kinh nghiệm đời người, độ chín chắn dành cho việc viết hồi kí không nhiều. Vì vậy, hồi kí trước 1945 cũng khá vắng bóng. Nếu có chăng nữa thì cũng chỉ là những tác phẩm của những nhà văn có cuộc đời, đặc biệt là tuổi thơ khốn khổ, đau xót đã khiến cho họ già hơn trước tuổi, hoặc “nhập vai” để khám phá xã hội và bắt tay viết hồi kí cuộc đời mình như một kinh nghiệm, một sự chia sẻ phần nào đó với độc giả. Tuy nhiên, đa số các hồi kí trước 1945 được viết theo lối “tự truyện” (tức viết truyện cuộc đời mình theo lối khách quan hoá và có hư cấu) hoặc phóng sự điều tra (cũng theo hướng khách quan hoá cộng thêm yếu tố thời sự) hay nhật kí, kí sự chứ không phải là hồi kí thuần thành, chẳng hạn: Ngục Kon Tum (Lê Văn Hiến, 1938), Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng, 1941), Cai (Vũ Bằng, 1942), Cỏ dại (Tô Hoài, 1944),... Đặc điểm của hồi kí trước 1945 không thực sự nổi bật, đặc trưng. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng, ở giai đoạn này, ý thức tự giác về thể loại còn chưa rõ ràng. Vì vậy, tư duy nghệ thuật trong hồi kí trước 1945 cũng không thực sự định hình rõ nét và rất khó để phân xuất.
1.2.1.2. Hồi kí văn học thời kì 1945 - 1985
Hồi kí văn học ở Việt Nam giai đoạn 1945 đến 1985 không nhiều. Chẳng hạn, thống kê về các tác phẩm “văn học kí” từ 1945 đến 1975 của Nguyễn Thị Ngọc Minh cho thấy trong hơn 100 đơn vị tác phẩm, có rất ít hồi kí. Hồi kí giai đoạn này chủ yếu là những tác phẩm đứng trên lập trường “văn học cách mạng”, “văn học xã hội chủ nghĩa” để viết theo khuynh hướng “tố khổ”, “kể tội” và “tự biểu dương” thuộc khuynh hướng lớn là khuynh hướng sử thi và dòng cảm hứng lãng mạn cách mạng. Vì vậy, có người gọi đó là “hồi
kí cách mạng” (Ngô Thị Ngọc Diệp) [32], và quả thật chủ thể viết phần nhiều cũng là những chiến sĩ cách mạng hay những người theo về với cách mạng. Đó là những tác phẩm thông qua lăng kính của một cá nhân nào đó như là nạn nhân hoặc chứng nhân để kể lại quá khứ “đau thương” của không chỉ bản thân mà còn của cả dân tộc; tái hiện lại quá trình “tìm đường”, “nhận đường” đầy quanh co và gian khổ; đồng thời, hướng đến việc tái hiện những quá khứ gần của những cuộc cách mạng, sự trỗi dậy của cả dân tộc (ví dụ: Cách mạng tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước,…). Theo mạch cảm hứng đó, hồi kí thực ra bị/được biến thành một dạng ghi chép tư liệu, ghi chép lịch sử theo lối “kí sự” tưởng chừng rất khách quan, thẳng thắn nhưng thực chất lại khá chủ quan, duy ý chí vì nó được định hướng, được chỉ đạo từ trước, được uốn nắn theo quan niệm có sẵn, khá đơn nhất, thống nhất về con đường cách mạng “Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” (Chế Lan Viên), “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lí chói qua tim” (Tố Hữu) hay lời ca ngợi về những chiến công oanh liệt và niềm vui bất tuyệt. Cái tưởng như là sự thật, khách quan hoá ra lại là sự tưởng tượng, mong muốn, sự duy ý chí của người viết (và đằng sau đó là cả một tập thể). Những vấn đề thuộc về cá nhân, cảm nhận riêng tư, cái nhìn đa chiều, thậm chí mang bản sắc giới tính, nghề nghiệp, thân phận,… không xuất hiện nhiều trong hồi kí giai đoạn này. Nghệ thuật viết hồi kí cũng rơi vào khuôn thức khá đơn giản, cứng nhắc. Thực chất, đó mới là những cuốn hồi kí pha lẫn tiểu luận, phê bình, tạp bút (nhiều tác phẩm dung lượng khá ngắn) mà thôi. Các tác phẩm hồi kí tiêu biểu giai đoạn này có: Những bước đường tư tưởng
của tôi (Xuân Diệu, 1958), Con đường dẫn tôi đến nghề văn (Nguyễn Khải, 1963), Trong bếp núc của Tự Lực văn đoàn (Tú Mỡ, 1969), Bước đường viết
văn (Nguyên Hồng, 1970), Đời viết văn của tôi (Nguyễn Công Hoan, 1971), Tự truyện (Tô Hoài, 1973), v.v... So với “hồi kí cách mạng” (tức hồi kí của các lãnh tụ, tướng lĩnh, nhà cách mạng) [32], hồi kí văn học giai đoạn này
thành tựu còn khiêm tốn. Vì vậy, nếu nói đến tư duy nghệ thuật trong hồi kí giai đoạn này thì có thể thấy ngay tính chất đơn phiến, công thức, tính “minh hoạ” khá cổ điển và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi quan điểm chính trị, quan điểm ngoài văn học. Thành thử, nó cũng không phải là đối tượng có nhiều vấn đề, và đặc biệt là vấn đề hấp dẫn để có thể đi sâu khai thác.
Bên cạnh đó, cũng có những tác phẩm hồi kí được viết ở đô thị miền Nam trước 1975 với cảm hứng chủ yếu là hoài niệm và tự bạch. Những tác phẩm này nội dung có phần bó hẹp trong những kí ức mang tính chất cá nhân, đời tư (dựng chân dung, kỉ niệm) cho nên sự phản ánh hiện thực rộng lớn bên ngoài có phần hạn chế nhất định. Các tác phẩm tiêu biểu của bộ phận này có:
Văn thi sĩ tiền chiến (Nguyễn Vỹ, 1962), Khúc tiêu đồng (Hà Ngại, khoảng trước 1976), Bốn mươi năm nói láo (Vũ Bằng, 1969), Ta đã làm chi đời ta
(Vũ Hoàng Chương, 1974),… Những hồi kí được công bố tại miền Nam này có tính chất dự báo và sau này cũng có ảnh hưởng nhất định đến hồi kí giai đoạn từ 1986 đến nay (vì thế sau 1986, nhiều hồi kí trong số đó đã được in lại và phát hành rộng rãi trên toàn quốc). Ngoài ra, do vấn đề lịch sử và thời gian, có thể có nhiều tác phẩm hồi kí ở đô thị miền Nam đã bị “lãng quên”, không được chú ý nghiên cứu nhiều nên để lại một “khoảng trống” trong việc nghiên cứu lịch sử thể loại ở Việt Nam. Mảng này rất đáng được đầu tư nghiên cứu thêm (vì sẽ cho ra nhiều vấn đề thú vị, trong đó có liên quan đến vấn đề tư duy nghệ thuật trong hồi kí). Nhưng đó không phải là đối tượng chính của luận án này mà là những công trình tiếp sau.