Thái độ “khách quan” trước sự thật lịch sử

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 56 - 59)

7. Cấu trúc của luận án

2.1. Yêu cầu “khách quan” của việc phản ánh sự thật trong hồi kí

2.1.2. Thái độ “khách quan” trước sự thật lịch sử

Trước năm 1986, tác phẩm văn học, trong đó có hồi kí văn học không phải không phản ánh khách quan sự thực lịch sử. Tuy nhiên, do những yêu cầu chủ quan và khách quan, nhiều sự thật chưa được nói đến, bị diễn giải theo ý đồ duy ý chí hoặc cảm tính nhằm “minh hoạ” cho một lí thuyết hay lí tưởng nào đó. Khi mà những sự thực lịch sử đó đã trôi qua từ lâu, phần lớn đã trở nên “vô hại” và khi mà văn học được “cởi trói”, được “phản tư”, hồi kí

văn học sau 1986 bắt đầu trở lại với “thái độ khách quan trước sự thật lịch sử” vốn dĩ cần có của thể loại cũng như của lương tâm người cầm bút. Các tác giả viết hồi kí bắt đầu dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật lịch sử, thậm chí còn nêu nó lên thành tuyên ngôn, triết lí viết. Chẳng hạn, Phùng Quán đặt tiêu đề cho hồi kí của mình là: Ba phút sự thật. Chỉ có “ba phút”, nhưng bao nhiêu sự thật cay đắng, éo le, trớ trêu được ông phơi ra trong hồi kí của mình. Cái tên ấy dường như cũng có ngầm ý rằng còn rất nhiều sự thật khác cần được phơi bày. Những tác giả “nạn nhân”, bị o ép, bắt phải “im lặng” hoặc chưa có điều kiện để nói (và nói cho thật tường tận) trong bao nhiêu năm như Phùng Quán, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Bão, Ma Văn Kháng, Đào Xuân Quý,…dĩ nhiên muốn nói lên sự thật, muốn nhìn vào lịch sử một cách khách quan. Nhưng dường như trong không khí thời đại đòi hỏi, cổ vũ cho “sự thật” cho sự “khách quan”, ngay cả những “quan chức” (từ quan chức chính trị cho đến quan chức văn nghệ) cũng có nhu cầu nói lên sự thật, yêu cầu khách quan với lịch sử (tất nhiên chúng cũng có mục đích như “thanh minh”, “giãi bày” cho người viết trong thời điểm viết hồi kí đang chịu nhiều phản ứng trái ngược so với trước kia). Nhu cầu đó đã khiến Tố Hữu viết tập thơ Một tiếng đờn và đặc biệt là tập hồi kí Nhớ lại một thời. Còn Tô Hoài tuy không hẳn là nhà chính trị chuyên nghiệp nhưng cũng tham gia quản lí văn nghệ, đã đầy thao thức với sự thực cần nhìn lại nên viết liền một số hồi kí, tự truyện, chân dung để làm điều đó. Ông làm với một sự tự giác, tự ý thức cao độ. Trong Chiều chiều, Tô Hoài có nhắc tới Vlat, người bạn Nga của ông. Bố Vlat là người họat động trước 1917, có cương vị lớn ở khu tự trị nhưng ông đã bị xử bắn trong một cuộc thanh trừng của Xtalin khi Vlat còn nhỏ. Sau này, đứng trước bức tượng Xtalin và căn nhà Xtalin đã từng ở, Vlat nói: “Lịch sử là lịch sử. Không ai thù lịch sử bao giờ” [70, tr.416]. Quan niệm của Vlat cũng là quan điểm của Tô Hoài và các nhà văn viết hồi kí khác khi nhìn nhận lại những giai đoạn lịch sử mà mình từng chứng kiến, tham dự. Trước những sự thật có phần khốc liệt

của lịch sử, họ có cách nhìn nhận rất khách quan, đúng mực với mục đích nhìn nhận lại để hóa giải, làm lành những vết thương chứ không phải để khắc sâu, hận thù. Do đó, tuy không hề tỏ lộ một lời bào chữa hay kết tội nào đối với lịch sử, hồi kí của các nhà văn giai đoạn sau 1986 chỉ là những cảm nghĩ, những điều mắt thấy tai nghe được thuật lại, không cường điệu cũng như bi thảm hóa, nhưng đằng sau cái lối kể chuyện dửng dửng, tưởng như vô cảm ấy, người đọc vẫn có thể nhận ra thái độ của người kể chuyện. Đó là sự thương cảm trước những cái chết đầy dữ dằn, oan khuất; là sự bất mãn cho những mảnh đời phí hoài trong dông dài hiu hắt; là sự xót xa cho những kiếp nhân sinh chập chờn giữa thời thế đảo điên. Nhưng viết về chúng, các nhà văn không hề có thái độ hằn học, cay cú. Họ viết về nó với sự bình thản, lão thực và bao dung. Lịch sử dù thế nào cũng đã qua, cái chính là viết lại để làm bài học cho hiện tại và tương lai, nên không nhất thiết phải nặng nề, cũng cần hết sức thận trọng để tránh rơi vào thiên kiến do sự hiểu biết hạn hẹp về thông tin hay do cảm xúc chủ quan, cá nhân vượt qua tầm kiểm soát. Điều đó ta có thể thấy rõ nhất ở hồi kí Tô Hoài. Hồi kí của Bùi Ngọc Tấn hay Ma Văn Kháng là những ví dụ tiêu biểu khác. Bùi Ngọc Tấn cùng nhiều bạn bè, đồng chí từng là nạn nhân của những trang sử đau thương trong quá khứ. Thế nhưng khi viết về nó, ông luôn giữ được sự tỉnh táo, bình thản và công tâm để nhìn nhận sự việc. Ông tâm sự: “trong sáng tác, nhiều người lại bảo tôi quyết liệt, tôi dữ đấy. Tôi không lên án với giọng cay độc bất kỳ một ai, dù người đó làm khổ chính tôi. Tôi nghĩ họ chỉ là sản phẩm của một hoàn cảnh, một cơ chế. Họ chỉ là một quân cờ trong cái bàn cờ xã hội. Điều phải quyết liệt, quyết liệt đến cùng là tìm ra cái nguyên nhân, cái gốc gác đã nảy sinh cái ác. Không phải chỉ chăm chú mổ xẻ hiện tượng mà phải tìm ra bản chất của hiện tượng. Đừng hớt váng. Quan niệm đó quán xuyến trong mọi sáng tác của tôi” [27].

Chính những trăn trở đó đã góp phần thay đổi nhãn quan lịch sử, thay đổi quan niệm nghệ thuật và cao hơn là tư duy nghệ thuật của hồi kí mà nói

cho cùng là trở về đúng với bản chất, đặc trưng và yêu cầu của thể loại (phản ánh sự thật, những điều “mắt thấy tai nghe”) và phản ánh nhu cầu thời đại (nhìn lịch sử, những vấn đề quan phương từ góc nhìn cá thể và chú ý đến cái mà ngày nay các nhà lí luận gọi là “vi lịch sử” (micro-history), “tiểu tự sự” (small narrative) tức là những thân phận cá nhân, những con người nhỏ bé, những sự kiện bên lề,…).

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 56 - 59)