7. Cấu trúc của luận án
3.2.2. Hình tượng con người đa dạng
Sự đa dạng ấy không chỉ là về các đặc điểm bên ngoài, các đặc điểm xã hội chung, các đặc điểm vật lí - sinh học khách quan như: lứa tuổi, diện mạo, nghề nghiệp, xuất thân,… (mặc dù những điểm này cũng đã là một nét đặc sắc, phong phú hơn so với trước) mà đặc biệt còn là về sự đa dạng về số phận, tính cách. Điều đó đã khiến cho nhân vật trong hồi kí văn học từ 1986 đến nay trở nên phong phú, và đặc biệt là đa diện hơn nhiều so với trước. Nếu như trước đây (đặc biệt là trong giai đoạn 1945 - 1985), con người được phản ánh trong hồi kí thường là những nhân vật loại hình (với một số loại hình tiêu biểu
thường quy định bởi các đặc tính bên ngoài không bản chất như: lứa tuổi, nghề nghiệp, giai cấp, chiến tuyến, phe phái,…), có tính đơn phiến, khuôn mẫu, thuần nhất về số phận, tính cách thì con người trong hồi kí từ 1986 đến nay là những “nhân vật tính cách” với vô vàn số phận, xuất thân, đời sống rất lắt léo, éo le và đặc biệt là với muôn mặt tính cách hết sức phong phú, phức tạp: xấu có, tốt có, pha cả xấu lẫn tốt cũng có, trước tốt sau xấu, trước xấu sau tốt, bên ngoài tốt bên trong xấu hoặc ngược lại,… Có thể nói không quá rằng, hồi kí văn học từ 1986 đến nay đã phục dựng cả một thế giới nhân vật trong nhân gian cực kì sinh động, đa diện nói lên chính sự phức tạp, bề bộn của đời sống thực. Các nhà văn, nhà phê bình - nghiên cứu từ lâu đã phát hiện ra khả năng phản ánh đời sống rộng lớn của hồi kí Đặng Thị Hạnh gọi đó là những cuốn sách “viết về một cuộc đời và những cuộc đời” [57]. Nhìn ngược lại, Đình Kính lại thấy “viết về bè bạn thấy chân dung tác giả” [97]. Anh Thơ thấy hồi kí của mình như là tiểu thuyết với bức tranh xã hội rộng lớn của chúng [195],v.v... Trong những phần ở trên, chúng tôi đã phân tích phần nào quan niệm phản ánh hiện thực đời sống thực, trong đó có những số phận cá nhân đa dạng, phồn tạp như thế nào (dưới cái nhìn tiểu thuyết hoá ra sao). Chúng tôi cũng đã phần nào phân tích những kiểu nhân vật đa dạng (trong đó nổi bật là nhân vật tôi và những cá nhân có liên hệ gần gũi với nhân vật tôi trong vô số tình huống và hoàn cảnh khác nhau) trong hồi kí văn học từ 1986 đến nay. Chẳng hạn, những bộ hồi kí lớn như Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, Rễ bèo chân sóng, Hồi kí bà Tùng Long, Hồi kí Phạm Cao Củng, Rừng xưa xanh lá, Hồi kí Sơn Nam,… đã
thực sự dựng lên cả một thế giới nhân vật đa dạng, nhiều loại với hàng chục, thậm chí hàng trăm nhân vật (mà không chỉ xuất hiện một lần, dưới dạng những cái tên hay liên quan đến một sự kiện nào đó) không kém gì những cuốn tiểu thuyết lớn. Đó thực sự là những tác phẩm “viết về một cuộc đời và những cuộc đời” tiêu biểu. Ở đây, chúng tôi xin nói thêm một chút về hai loại
nhân vật khá đáng chú ở, đó là nhân vật con người nhỏ bé và loại nhân vật có đời sống tâm lí phức tạp.
Nhân vật con người nhỏ bé kể từ văn học sau 1945 đến trước 1986
dường như không còn được chú ý, đặc biệt trong hồi kí, nếu có cũng chỉ là sự “tố khổ” (chủ yếu khổ về mặt vật chất, bị đè nén áp bức, bóc lột) để tôi rèn thêm lòng căm thù, ý chí đến với cách mạng. Số phận con người nhỏ bé đành nhường chỗ cho hình ảnh con người công dân, con người Cách mạng với đời sống tinh thần giản đơn, thuần nhất, với tính cách, số phận gắn chặt với tập thể. Sau 1986, số phận con người nhỏ bé được chú ý trở lại. Những tổn thương về thể xác và tinh thần, những thiệt thòi, mất mát do chiến tranh, do đấu tranh giai cấp,… và đặc biệt là do nhận thức ấu trĩ một thời trong sự nhìn nhận, đánh giá, ứng xử với con người đã tạo nên nhiều số phận bất hạnh éo le, từ người trí thức cho đến nông dân, từ chính trị gia cho đến dân thường, từ những người xung quanh cho đến bản thân tác giả,…Cũng không cần phải là những số phận chịu ảnh hưởng bởi thời cuộc, cũng có những nhân vật có số phận yên bình, lặng lẽ thậm chí vô danh cũng không được nhắc đến trong những trang văn do sự ưu tiên cho những vấn đề lớn lao, trọng đại và quan phương. Sự trở lại của những nhân vật đó như là sự bổ khuyết cho bức tranh đời sống một thời là điểm mới mẻ, tích cực của các tác phẩm văn học sau 1986 mà hồi kí văn học có một phần đóng góp. Không cần nhiều hư cấu nghệ thuật, những số phận đó đi thẳng vào các trang hồi kí và tạo nên giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc cho các tác phẩm. Đi kèm với loại nhân vật này là kiểu không gian nghệ thuật nhỏ hẹp, riêng tư như là nơi trú ẩn của họ (xem phần tiếp theo), là loại thời gian xé vụn, xáo trộn, là giọng điệu hoài niệm hoặc xót xa,.... Loại nhân vật này xuất hiện nhiều trong các hồi kí văn học như: Cát bụi
chân ai, Chiều chiều, Rễ béo chân sóng, Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá, Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương, Tầm xuân, Cô bé nhìn mưa, Hồi kí Phạm Cao Củng,…mà ở đây do khuôn khổ luận án, người viết khó có
như thế trong các hồi kí văn học, chưa kể các hồi kí khác). Muốn biết về những nhân vật này, phải đọc vào chính các tác phẩm.
Nhân vật với đời sống tâm lí phức tạp đã từng được biết đến trong
những sáng tác hiện thực trước cách mạng. Nhưng đến văn học cách mạng sau 1945 đến trước 1986, nhân vật lại thường được tiếp cận thông qua hành động, việc làm, thành tích, phát ngôn. Nếu có tâm lí thì cũng là đời sống tâm lí giản đơn, trong sáng, thuần nhất thường chịu ảnh hưởng từ một học thuyết, một trào lưu tâm lí xã hội nào đó. Cái khuất khúc, ẩn ức, những góc tối của tâm lí con người ít có cơ hội được phơi bày. Sau 1986, chính các trang hồi kí đã đi đầu trong việc lật xới lại đời sống tâm lí con người với những biến thái phức tạp, đa dạng của nó từ ngay bản thân cái tôi tác giả trở đi. Cũng đã xuất hiện phổ biến trong hồi kí giai đoạn này kiểu nhân vật phản tư, tự ý thức, tự sám hối, có khả năng phân tích và phê phán,… Không nói những nhân vật tiêu cực, ngay trong những nhân vật tích cực, những uẩn khúc, những điểm đen, những ẩn ức nhạy cảm cũng được tái hiện và phân tích. Không ít thần tượng (chính trị, văn nghệ, văn hoá,…) cũng được tiếp cận ở những góc khuất này. Đây không phải cách hạ bệ hay bôi nhọ nhân vật mà chính là để đời thường hoá, chân thực hoá con người trong văn học và khiến cho họ trở nên người hơn, sinh động hơn. Đây cũng là cách để các tác giả hồi kí hướng người đọc đến một cái nhìn đa chiều, dân chủ và bao dung hơn đối với con người. Điều này đã được chúng tôi phân tích khá kĩ ở phần nói về quan điểm viết hồi kí dưới góc nhìn dân chủ hoá, ở đây không cần thiết phải nhắc lại. Chúng tôi chỉ muốn lưu ý thêm rằng càng ở những hồi kí của những nhà văn có nhu cầu nhận thức, hồi tưởng lại quá khứ một cách mạnh mẽ (do những ấn tượng, kỉ niệm về quá khứ quá sâu nặng và thiên về góc độ bi kịch, mất mát,…), những nhân vật như vậy càng hiện diện nhiều. Đây chính là cách để nhà văn đào xới, lật lại những lớp hồi ức, kỉ niệm đã qua với nhiều đôi mắt, nhiều điểm nhìn, nhiều cách đánh giá hơn mà không để cho sự hồi tưởng, ghi chép lại quá khứ trôi đi một cách hời hợt, giản đơn. Đó là những trang hồi kí của Tô Hoài, Bùi
Ngọc Tấn, Vũ Bão, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Lê Thị Bạch Vân, Ma Văn Kháng, Vũ Tú Nam, Phạm Cao Củng,… Chính kiểu nhân vật này đã góp phần tạo nên độ sâu sắc, đa thanh cho những trang hồi kí, trong đó nổi bật nhất là sự đa dạng hoá các điểm nhìn nghệ thuật và sự đối thoại giữa các quan niệm, tư tưởng mà chúng tôi sẽ phân tích kĩ hơn ở chương 4 khi nói về nhân vật “người trần thuật/kể chuyện”.