7. Cấu trúc của luận án
2.3. Dấu ấn thời đại trong quan niệm viết hồi kí
2.3.1. Viết hồi kí trên tinh thần dân chủ
Nói về tinh thần dân chủ đã tác động đến việc viết hồi kí của mình như thế nào, chính người trong cuộc là nhà văn Bùi Ngọc Tấn từng thừa nhận:
“Cũng may cuộc sống đã dân chủ hơn: quyền được viết và in hồi kí, kể lại cuộc đời mình và bè bạn không còn là của riêng một tầng lớp nào” (Rừng xưa
xanh lá) [175, tr.6]. Tinh thần dân chủ đã kích thích, tạo điều kiện cho sự nở
rộ của thể loại hồi kí văn học từ sau năm 1986 đến nay. Sự xuất hiện của nhiều cuốn hồi kí văn học của nhiều tác giả khác nhau (có người nổi tiếng, có người bình thường, có nam có nữ…) cũng cho thấy hồi kí không còn là đặc quyền của những nhà văn nổi tiếng, có ảnh hưởng rộng, cũng không còn chỉ là thể loại phần nhiều dành cho nam giới nữa. Tinh thần dân chủ cũng thấm sâu vào cách nhìn, cách viết hồi kí văn học của các nhà văn giai đoạn này.
Tinh thần dân chủ trước hết thể hiện ở việc dám nói thẳng, nói thật, dám trình bày cái nhìn cá nhân, cá thể trong hồi kí. Trong hồi kí, việc xuất hiện những “vùng cấm”, những đối tượng “kị huý” đã giảm đi nhiều so với trước kia. Tác giả hồi kí có thể “phơi mở những góc khuất của lịch sử”, “cá nhân hoá, cá thể hoá” và “chủ quan hoá” cái nhìn về quá khứ, phản ánh đối tượng ở tầm gần và toàn diện (cả tích cực lẫn tiêu cực…). Điều này đã được trình bày rất kĩ ở phần trên. Ở đây xin được nói thêm một số biểu hiện của tinh thần dân chủ trong hồi kí từ 1986 đến nay.
Tinh thần dân chủ là sự bình đẳng, ngay cả khi viết về mình. Không ít người viết hồi kí để tự tôn mình. Họ có thể trung thực, khách quan khi nói về người khác nhưng rất khó để khách quan với chính mình. Nhiều nhà văn viết hồi kí văn học sau 1986 đã nhận ra điều đó. Chẳng hạn, Tô Hoài đã có nhận xét: “Nhiều người muốn khoe mình thì giữ cái nhìn khách quan là rất khó. Nhưng trước mười người đọc, sẽ có mười suy nghĩ khác nhau, không lo người đọc không nhận ra cuốn hồi kí nào là chân thực hay không chân thực” (Lam Điền ghi) [44]. Sợ mắc phải bệnh “yêu mình” khó tránh khỏi, Tô Hoài chọn giải pháp ít viết về mình. Trò chuyện với báo Lao Động, ông nói: “hồi kí
thường thì người ta không nói thật lắm về mình hoặc chỉ nói tốt về mình. Tôi ít viết về mình mà viết về các nhà văn. Đọc bản thảo cho bạn bè, họ thích thế
là tôi cho ra ngay tập chân dung văn học” (dẫn theo Hoàng Thị Thanh Hường) [90]. Đó là một lựa chọn thể hiện sự thận trọng của nhà văn khi muốn viết đúng sự thật, đồng thời tránh những hoài nghi không đáng có về chuyện viết về mình. Khi viết Cát bụi chân ai, Những gương mặt và Chiều chiều, ông đủ từng trải để hiểu viết thật về mình là một thử thách với bất kì ai. Và khi đã viết về mình, dù ít hay nhiều, ông đều cố gắng đạt tới sự chân thật nhất. Bùi Ngọc Tấn cũng có lựa chọn tương tự. Ông ít viết về ông mà lựa chọn cách “viết về bè bạn” (Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá). Trong Rừng xưa xanh
lá, ông nói rõ: “tôi không có ý định hồi kí về tôi. Bởi vì tôi còn mải mê đuổi
theo những công việc khác. Hơn nữa nhìn lại cuộc đời toàn những thất bại của mình, tôi thấy nó mênh mông bể sở, khó mà ôm cho hết. Lực bất tòng tâm. Với lại có được hồi kí về những thất bại không nhỉ? Thôi thì trong khi chưa hồi kí được về mình hãy “viết về bè bạn”“ [175, tr.6]. Quả vậy, hai tập hồi kí
Một thời để mất, Rừng xưa xanh lá, chủ yếu viết về những bạn bè thân hoặc “thần tượng” (nhưng được tiếp cận một cách gần gũi, suồng sã chứ không phải theo lối tụng ca) của ông như Nguyên Hồng, Lê Bầu, Mạc Lân, Dương Tường, Nguyên Bình, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Hứa Văn Định, Thi Hoàng, Nguyễn Văn Chuông,v.v… Đây cũng là một trong những lí do vì sao ta thấy hồi kí văn học sau 1986 có nhiều tác phẩm chỉ thấy viết nhiều về bạn bè, như:
Hồi kí song đôi, Kỉ niệm dọc đường văn, Từ đất núi đến làng văn, Ba phút sự thật, Nhớ lại, Dĩ vãng phía trước,…
Tuy nhiên, ngay cả khi nhà văn chọn viết hồi kí về bản thân mình thì tinh thần dân chủ vẫn chi phối tư duy nghệ thuật của họ. Một trong những biểu hiện của nó là việc gián cách hoá cái “tôi” với tư cách là nhân vật trong hồi kí với bản thân tác giả. Do sự chi phối của tư duy tiểu thuyết, cái “tôi” của nhà văn được quan sát trong kí ức bình đẳng với các nhân vật khác và trở thành một nhân vật. Nhà văn lùi ra xa mình, quan sát mình như một đối tượng khách quan, tái tạo lại cái tôi của mình cả trong ý thức và vô thức để có thể
“vạch trần mình”, tìm kiếm chính mình, thậm chí hoài nghi về nhân cách của mình. Khi bị Như Phong gọi là “thằng ngoại ô láu cá”, Tô Hoài đã suy nghĩ rất nhiều, cố gắng tìm hiểu và lí giải mình: “Có thể thế. Tôi sinh ra nơi thành phố với làng mạc lẫn lộn, thế lực chánh lý không khạc ra lửa như trời đất làng Đại Hoàng của Nam Cao, ở quê tôi túi bạc đâm toạc tờ giấy, có tiền là có cả, bấy lâu tôi lăn lóc trong khóe đời ấy...” (Cát bụi chân ai) [59, tr.154]. Anh Thơ thú nhận ấn tượng không mấy tốt đẹp của mình khi lần đầu gặp gỡ và định hẹn hò với nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Bính (Từ bến sông Thương), Phùng Quán tự thú nhận về năng lực học vấn và năng lực viết văn hạn chế của mình trong buổi đầu bước vào nghề văn (Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào). Lưu Trọng Lư tự thú nhận về đời sống tình ái cực kì phong phú, sung mãn, phóng túng của mình (Nửa đêm sực tỉnh). Phạm Cao Củng cũng hé lộ đời sống tình ái rất phong lưu, nhiều vấn đề của mình (Hồi kí Phạm Cao Củng). Ma Văn Kháng thú nhận tình cảm đặc biệt mà ông dành cho nữ diễn viên, nhà báo Thu An, trong khi vợ ông còn sống. Ông cũng nhiều lần bộc lộ sự xấu hổ, không hài lòng vì những tác phẩm “non tay” mà ông đã cho ra đời trước kia hay những suy nghĩ ấu trĩ của mình trong quá khứ. Ông cũng không ngần ngại hé lộ mâu thuẫn trong gia đình, đặc biệt là giữa vợ và mẹ ruột, trong đó ông thẳng thắn chỉ ra “lỗi” thuộc về người mẹ mà ông rất kính yêu (Năm tháng
nhọc nhằn năm tháng nhớ thương),v.v… Những lời “tự thú” như thế có rất
nhiều, không thể kể xiết trong các hồi kí của các nhà văn ở giai đoạn này, đó là điều khó có thể có trong hồi kí trước đó.
Cuối cùng, tinh thần dân chủ trong những trang hồi kí văn học từ 1986 đến nay cũng được thể hiện tập trung trong lối viết “tiểu thuyết hóa”.