7. Cấu trúc của luận án
3.2.1. Bức tranh xã hội đa sắc
Cũng giống như sự nhìn nhận về lịch sử, trong cái nhìn về thế sự, hồi kí văn học từ 1986 đến nay cũng hướng đến cái nhìn đa nguyên, nhiều chiều về cuộc nhân sinh. Dường như khi kể về quá khứ, đặc biệt là về đời sống xã hội bình thường với ăm ắp những chi tiết bề bộn của nó, các tác giả đều nhằm hướng tới việc khẳng định điều đó. Các tác giả cho thấy cuộc sống xã hội không chỉ bị chi phối bởi những quy luật tất yếu, lớn lao mà nhiều khi lại bị dẫn dắt bởi những điều ngẫu nhiên, vụn vặt. Cuộc sống xã hội không chỉ được kiến tạo, vận hành theo ý muốn chủ quan, duy ý chí mà còn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những cảm xúc, cá tính con người. Chính điều đó đã tạo nên sự đa đoan, phức tạp của đời sống nhân sinh. Đây là điều không phải mới nhưng một thời người ta quên lãng hoặc hồn nhiên xem nhẹ. Hồi kí thông qua việc tái hiện lại cuộc sống thế sự của quá khứ đã góp phần bù đắp cái nhìn khuyết thiếu đó và lên tiếng cảnh tỉnh mọi người không được đơn giản hoá cuộc sống bởi sự đơn giản hoá đến ngây thơ đó có nguy cơ đẩy con người đến sự khô cằn, tàn nhẫn với đồng loại cũng như không dự phóng được những xu hướng tiêu cực của đời sống từ đó mất khả năng đề kháng và chấp nhận. Đây là một cái nhìn tỉnh táo và đầy tính nhân văn mà hồi kí đóng góp cho thực tiễn cuộc sống xã hội và đời sống tinh thần của con người.
Cũng nằm trong mạch tư duy nhìn nhận thế sự một cách toàn diện và nhân văn, trong hồi kí văn học từ 1986 đến nay tồn tại cái quan niệm về thế sự khá tích cực. Dù các nhà văn viết hồi kí có quá khứ thế nào (dữ dội hay êm đềm, đau thương hay hạnh phúc, dở dang hay trọn vẹn,…), họ đều có một cái nhìn đời sống tương đối thống nhất ở điểm xem thế sự có nhiều điều thú vị và
đáng sống. Điều đó được thể hiện trong cái nhìn, thái độ đối với quá khứ của chính mình và quá khứ của những đối tượng có liên quan.
Đối với những nhà văn có cuộc sống êm đềm, bình an (hay có quá khứ đầy thành tích oanh liệt), quá khứ là một miền thương nhớ, một cõi đi về đầy lãng mạng, yêu thương và tự hào. Vì vậy mà những trang hồi kí của họ thấm đẫm cảm hứng hoài niệm, suy tư tươi sáng về cuộc đời. Tố Hữu, Huy Cận, Ngô Quân Miện, Phạm Cao Củng, Anh Thơ, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Lê Thị Bạch Vân,… là những ví dụ nổi bật. Do hoàn cảnh xuất thân và đời sống tương đối bình an, viên mãn nên ngay từ đầu họ đã nhìn quá khứ qua lăng kính thi vị chất chứa yêu thương, mơ mộng. Quá khứ đối với họ thậm chí còn đáng sống hơn hiện tại.
Ở các tác giả nam, cái nhìn đầy lạc quan, trân trọng với quá khứ thường gắn với niềm tự hào, mãn nguyện về sự nghiệp thành công của bản thân và tình cảm tri ân, trìu mến đối với cách mạng, với nhân dân, quần chúng hoặc bè bạn và người thân. Tố Hữu, Huy Cận, Vũ Ngọc Phan, Phạm Cao Củng,… là những tác giả như thế. Chẳng hạn, viết Nhớ lại một thời, Tố Hữu cho biết “nhớ lại một thời hoạt động và làm việc, tôi cũng có nhiều kỉ niệm, nhiều điều đáng nói, nhất là với các bạn trẻ ngày nay, về cuộc đời đau khổ của đồng bào ta, và những hoạt động đầy gian khổ, hi sinh của những người cộng sản và những người yêu nước trước Cách mạng tháng 8 năm 1945; về khí phách anh hùng và những chiến công oanh liệt của nhân dân và bộ đội ta; về sự lãnh đạo tuyệt vời của Bác Hồ và của Đảng ta, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi sẽ là một kẻ vô ơn nếu không kể lại những tấm lòng trong sáng, những công lao cao quý của những đồng bào, đồng chí mà tôi được biết và mang nặng ân tình. Vì vậy, đã đến lúc tôi cần viết về cuộc đời chung tôi đã sống, trong đó có cuộc đời riêng mình” [91, tr.5-6]…
Ở các tác giả nữ, quan niệm trên đây càng nổi bật và, có lẽ xuất phát từ thiên tính nữ nhân hậu, hiền hoà của phái nữ! Đặng Anh Đào chia sẻ: “Quá
khứ là nơi chôn vùi những gì đã một đi không trở lại. Thế nhưng sức mạnh của hồi ức chính là: quá khứ không phải là một cái nghĩa địa. Khi đi qua đó, ta chỉ thấy những gì trẻ trung, sống động, có thể đau buồn nhưng không có sự câm lặng và chết chóc”. Bà lấy dẫn chứng là một nhân vật của Henry James chuyên “lập điện thờ cho những người đã mất” để ví von cho việc tụng thờ quá khứ “bởi cứ hễ ai chết đi, thì lập tức người đó bỗng trở nên những gì tốt đẹp nhất với anh ta”. Lời đề từ cho tập hồi kí mà Đặng Anh Đào lựa chọn cũng thống nhất với tinh thần đó. Đấy là 2 câu thơ nặng tinh thần hoài niệm của Tú Xương “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”; và lời dành tặng có liên quan đến 2 câu thơ của tác giả: “Tặng cuốn sách này cho tất cả những ai còn nghe thấy tiếng ếch kêu” [40, tr.4]. “Còn nghe thấy tiếng ếch kêu” nghĩa là còn biết trân trọng, tưởng nhớ đến quá khứ đó. Đặng Thị Hạnh thì quan niệm việc trở về với quá khứ là một tất yếu, một lẽ sống của con người cũng như của văn học - nghệ thuật nên việc viết hồi kí đương nhiên đem lại cho bà niềm vui, sự tưởng thưởng cho những gì đã qua. Bà viết: “Văn học cho đến bao giờ cũng chỉ là một cuộc trở về vô tận. Đời cũng vậy. Dù sao Đoạn Xen cũng là một cuộc trở lại của tôi với thời thơ ấu” [58, tr.319]. Bên cạnh đó, Đặng Thị Hạnh cũng có một quan niệm khá cổ điển (rất gần với Đặng Anh Đào, Bà Tùng Long và phần nào là Ma Văn Kháng) là khi viết hồi kí thì nên viết những gì đẹp đẽ nhất, thơ mộng nhất, mà tránh viết những gì xù xì, xấu xí, bất toàn bởi những điều ấy có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của một ai đó: “Viết hồi kí rất dễ động chạm đến đời tư của người khác” (Hoài Thương ghi) [202]. Bởi thế, kí ức mà Đặng Thị Hạnh tái hiện luôn là một kí ức đẹp, nên thơ, đáng sống, là “những thiên đường đã mất”, là “thành phố lúc ta đã lấy vé lên tàu để rời bỏ ra đi là sẽ không bao giờ quay trở về được” [58, tr.150]. Rõ ràng đó là một kí ức có chọn lọc. Bà Tùng Long (Lê Thị Bạch Vân) viết hồi kí đời mình cũng với tinh thần tương tự. Nội dung chủ yếu của cuốn hồi kí được bà tổng thuật như sau: “Tôi viết về cha tôi, trong đám giỗ của người; về nhà tôi - anh rất thường về thăm tôi trong những
giấc mơ; về một người bạn cũ, khi đọc được tin người ấy qua đời (…); về những học trò cũ của tôi mà tình cảm của các em dành cho tôi thật đáng trân trọng; về những kỉ niệm với bạn đọc mà thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ lại qua những tờ thư cũ; về một đứa cháu nhỏ khi nó từ nước ngoài về thăm tôi lần đầu với những cảm nhận đầu tiên về Việt Nam…” [217, tr.7]. Toàn những hồi ức đẹp được lưu lại. Tất nhiên, không phải không có những hồi ức buồn, không phải không có bối cảnh thời đại, nhưng cơ bản hồi kí của Bà Tùng Long là như vậy: những kí ức đẹp của cá nhân. Do đó, đúng như Trần Bạch Đằng nhận xét trong “Lời giới thiệu” tác phẩm: “Người đọc có thể còn mong muốn bà Tùng Long nói nhiều hơn những gì bà thấy, bà nghe trong một xã hội chuyển động nhanh chóng, thậm chí không có quy củ, nhưng bà chỉ cung cấp chừng ấy thôi, ta không thể đòi hỏi hơn” [217, tr.6]. Ở chỗ này, chúng ta thấy rõ đặc trưng của hồi kí là tính chủ quan của nó, ít nhất là trong việc chọn hay bỏ ghi chép cái gì, chưa nói đến chuyện ghi chép như thế nào.
Đối với các nhà văn có nhiều bất hạnh trong quá khứ (hoặc chứng kiến nhiều đau thương, ngang trái trong quá khứ), mặc dù trải qua và nhận ra những sự thực khắc nghiệt, bất toàn, thậm chí đau đớn của một quá khứ không có chỗ cho một cuộc sống xã hội bình thường, hài hoà, hồi kí sau văn học Việt Nam sau 1986 cố đi tìm những điều khả dĩ để lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống và cho thấy dù thế nào, cuộc sống vẫn đáng sống. Chỗ dựa ấy là gì? Đó có thể là những thú vui giản dị (một món ăn ngon, một chuyến chơi lạ,…) đối những những người bình thường, hay những món chơi kì khu đối với những người khó tính (như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu,…). Đó cũng có thể là một tình bạn đẹp thuỷ chung, một tình yêu cao thượng, một tấm lòng nhân hậu, thuỷ chung,… Tất cả những điều đó được các tác giả hồi kí nhấn mạnh như những giá trị còn lại mãi sau những gì khổ đau, bất hạnh, tàn nhẫn,… Điều này là tạo nên không khí ấm áp, điểm sáng trong những trang hồi kí về quá khứ mà ta có cảm tưởng là chứa chất nhiều u uất, thấm thía buồn đau. Điển hình cho hướng này là hồi kí của các nhà văn như: Tô Hoài, Bùi Ngọc
Tấn, Vũ Bão, Ma Văn Kháng,… Quan niệm của Tô Hoài chúng tôi đã phân tích nhiều ở phần trên. Ở đây, chỉ xin được nói thêm về quan niệm của một số nhà văn khác có cùng chí hướng, quan niệm.
Bùi Ngọc Tấn dù có quá khứ đau buồn cùng bạn bè, nhưng khi viết về nó, ông lại xem nó như một cái gì đó quý giá đã qua (Một thời để mất, Rừng
xưa xanh lá), bởi tuy có nhiều đau thương nhưng đó cũng lại là quá khứ đáng
sống, đáng yêu. Điều đó khiến ông có động lực để viết về nó: “Tôi đã quyết định viết. Không. Không chỉ chuyện Nguyên Hồng. Chuyện tôi. Cái lớp tôi. Lê Bầu, Mạc Lân, Dương Tường, Vũ Thư Hiên, Nguyên Bình, Vũ Bão... Chuyện một thời tin tưởng/ Một thời bay bổng / Một thời hạnh phúc/ Và cả một thời nhảm nhí của chúng tôi nữa” [175, tr.309]. Trả lời phỏng vấn về việc viết Rừng xưa xanh lá, ông cũng cho biết: “Viết Rừng xưa xanh lá, tôi nhớ đến tuổi trẻ của tôi, của bạn bè tôi, một lớp thanh niên mới tuyệt vời làm sao! Khó mà có lại, một lớp người có thể làm nên tất cả. Lớp người ấy giờ đã bước vào tuổi cổ lai hy và đã “bắt đầu kết thúc kiếp phù sinh của mình, sắp đi qua hành tinh này mà không để lại vết xước nào”, như tôi đã viết trong Rừng
xưa xanh lá. Tôi cố lưu giữ hình ảnh họ trên trang giấy, không để họ biến mất
với thời gian, và cũng qua đấy, lưu giữ được vài bóng hình quá khứ. Khi viết, tôi sống lại cái thời chúng tôi đã sống, thời chúng tôi còn trẻ, nồng nhiệt, tin yêu, khờ dại; với hạnh phúc, bất hạnh, sung sướng, khổ đau; dù thất bại, đắng cay nhưng không chịu đầu hàng. Và tôi tin rằng nếu được sống một kiếp nữa, họ vẫn sống như vậy mà không chọn một cách sống khác. Họ không “khôn ra” đâu. Không “tỉnh ra” đâu” (Ngô Thị Kim Cúc ghi) [27, tr.620]. Đó quả là một cái nhìn trìu mến, bao dung và lão thực đối với quá khứ.
Ma Văn Kháng viết về những “năm tháng nhọc nhằn” nhưng với một tâm thế xem đó là những “năm tháng nhớ thương”. Ông còn dùng lời thơ của Tú Xương để gửi gắm quan niệm về quá khứ của mình: “Những là thương cả cho đời bạc/ Nào có căm đâu đến kẻ thù”. “Đời bạc” cũng thương, mà kẻ thù
cũng tha thứ, thì đối với những “năm tháng nhọc nhằn” và không hẳn không có niềm vui, lí tưởng, tình yêu ấy, đương nhiên vẫn là những năm tháng đáng sống, đáng tự hào, đáng thương nhớ. Ma Văn Kháng khiêm tốn nói về mục đích viết hồi kí của mình là: “thủng thẳng nhớ lại và đủng đỉnh viết lại, hoàn chỉnh nốt những cái đang còn dang dở, trong đó, trọng tâm là ghi chép những chuyện đã qua của đời mìnhh. Hiển niên là việc có thể làm và nên làm. Thế đấy, một cuốn hồi kí về đời mình, những việc mình đã trải, đã thấy, đã nhận ra, trong tư cách một nhân chứng. Chẳng có tham vọng gì quá đáng đâu! Đó chỉ là một cuộc trò chuyện với chính mình, vâng, một cuộc độc thoại, hoặc giả mở rộng ra là cho người thân trong gia đình và bạn bè thân thiết thôi!” [96, tr.565]. Và quả vậy, trong hồi kí của mình, mặc dù phân tích và chỉ ra không biết bao nhiêu tệ lậu, bao nhiêu hạn chế, lỗi lầm của thể chế hay của các cá nhân, Ma Văn Kháng bao giờ cũng cố gắng đi tìm sự lí giải khách quan, thoả đáng, theo quan điểm “lịch sử - cụ thể” để mà cảm thông, tha thứ chứ không lên án, kết tội. Bên cạnh đó, nhà văn cũng nỗ lực hồi tưởng, truy tìm những kỉ niệm đẹp, những con người tốt, hay những mặt tốt của con người, những nét ưu việt của quá khứ để mà nâng niu, trân trọng, yêu mến. Đó thực sự là một dạng “đi tìm thời gian đã mất” vừa hiện đại phương Tây đồng thời cũng rất cổ điển phương Đông.