Viết hồi kí từ góc nhìn tiểu thuyết hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 71 - 81)

7. Cấu trúc của luận án

2.3. Dấu ấn thời đại trong quan niệm viết hồi kí

2.3.2. Viết hồi kí từ góc nhìn tiểu thuyết hóa

Xuất phát từ quan niệm tiếp cận và phản ánh sự thật, trên những trang hồi kí văn học, các tác giả từ 1986 đến nay không ngại phơi bày “hiện thực trần trụi” của cuộc sống, xoá bỏ lối viết “lí tưởng hoá”, một chiều (tô hồng

hoặc bôi đen quá mức) của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn (khi đó hồi kí không còn thực sự là hồi kí nữa!). Những nhân vật được nhắc tới trong hồi kí của họ được tiếp cận ở tầm gần, ở góc độ đời thường. Nghĩa là, các nhà văn không hạ thấp, bôi bác các nhân vật mà chẳng qua đó là một sản phẩm của lối tư duy mới với đời sống. Đó cũng là xu hướng xoá bỏ “khoảng cách sử thi” để trở về với tư duy của tiểu thuyết. Mặt khác, như trên đã nói, các nhà văn cũng đã dần nhận ra sự cứng nhắc của quan niệm cũ về việc viết hồi kí (đóng khung trong yêu cầu “người thật việc thật” một cách có phần giả tạo, tự nhiên chủ nghĩa) và muốn phá bỏ nó để “phản ánh hiện thực” theo kiểu “điển hình hoá” của tiểu thuyết. Hai xu thế đó đã hợp thành quan niệm viết hồi kí từ góc nhìn tiểu thuyết hoá. Tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật này là quan niệm viết hồi kí của Anh Thơ, Tô Hoài, Bùi Ngọc Tấn, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Ma Văn Kháng, Phạm Cao Củng,…Chúng được bộc lộ qua cả phát ngôn trực tiếp lẫn cách thức tiếp cận và phản ánh đời sống của họ. Chẳng hạn, Anh Thơ xem “hồi kí cũng là một loại tiểu thuyết” [195, tr.85] mở đường cho việc “tiểu thuyết hoá” hồi kí từ 1986 trở đi. Ba cuốn hồi kí của bà (Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt) được cấu trúc như 3 tập của một tiểu thuyết đồ sộ (có những cái tên cũng “rất tiểu thuyết”) với nhân vật chính là cô bé Vương Kiều Ân rồi nữ sĩ Anh Thơ qua ba chặng đường đời (trước cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ), trong đó bắt đầu hé lộ không ít chi tiết đời tư, đời thường (nhất là trước cách mạng, trong Từ bến sông Thương) mà các hồi kí trước đó thường ít đề cập. Những cuốn hồi kí của Tô Hoài cũng mang dáng dấp tiểu thuyết khá rõ và con đường “viết về mình” của Tô Hoài là đi từ tự truyện (Cỏ

dại, Tự truyện) qua hồi kí (Cát bụi chân ai, Những gương mặt, Chiều chiều)

để đến tiểu thuyết tự thuật (Ba người khác). Với quan niệm “người ta muốn ra người ta thì người ta phải là người ta đã chứ” [69, tr.68], nhà văn Tô Hoài đã

vén bức màn hào quang lấp lánh xung quanh nhà văn được thêu dệt bởi bao giai thoại, huyền thoại, rút ngắn “khoảng cách sử thi”, tiếp cận họ ở góc độ “người” nhất. Cát bụi chân ai, Chiều chiều đã tái hiện các nhà văn với những yêu ghét giận hờn rất đời thường, những chuyện “tình tang” hay thậm chí không từ cả việc “đái ỉa” của nhà văn… Bản thân Tô Hoài quan niệm “đã là sự thật thì không tầm thường”, bởi vậy, bằng cách tiếp cận theo hướng “tư duy tiểu thuyết”, ông không có ý định dung tục hóa, tầm thường hóa nhà văn mà dựng lại chân dung họ ở góc độ con người đời thường, chân thật nhất, giàu nhân tính nhất. Mặc dù viết về người thật việc thật như vậy song hồi kí

Cát bụi chân ai và Chiều chiều lại có sức khái quát rộng lớn về những vấn đề

văn hóa, tư tưởng, những vấn đề đạo đức xã hội, có cả sự phức tạp trong tâm hồn, tính cách của nhân vật hay những bi kịch cá nhân, những số phận, những cuộc đời, những biến cố lịch sử… Điều đó tạo nên sức khái quát đời sống cho các tác phẩm hồi kí Tô Hoài.

Quan điểm viết của Tô Hoài cũng được Bùi Ngọc Tấn theo đuổi trong cuốn hồi kí của ông: “Đây không phải là tập sách viết về những ngôi sao sáng mà phần lớn là những ngôi sao mờ mịt vần vụ bão giông, một tập sách viết về những người luôn vượt lên, không đầu hàng số phận. Tôi viết về họ như những người mang nghiệp chướng trong mình. Tôi viết về sự nhếch nhác trần ai của họ, của những người làm nghề mà các tập chân dung văn nghệ sĩ khác chưa nói tới hoặc chỉ nói qua. Viết về cái chông gai và cả hiểm nguy của người nghệ sĩ, đặc biệt là với nghề văn để các bạn trẻ suy nghĩ kỹ trước khi bước vào nghề, dấn thân vào cuộc phiêu lưu với nghệ thuật ngôn từ. Tôi muốn có bóng dáng thời đại chúng tôi đã sống trong những trang sách của tôi” [175, tr.7]. Hay: “Người ta toàn viết về những người thành đạt, nổi tiếng, những ngôi sao tỏa sáng, những điều cao cả của nghệ thuật. Từ ấy nảy sinh trong tôi ý muốn bổ sung đầy đủ cho bức tranh chân dung nghệ sĩ, là viết về

một mặt khác. Về cái nhếch nhác, lam lũ, khổ cực, trần ai, thậm chí những nguy hiểm và cả những tai nạn nghề nghiệp của những người làm nghề, nhất là những người không thành đạt. Không phải những cây cao bóng cả mà những cây dại ven đường” (Ngô Thị Kim Cúc ghi) [27, tr.621]. Và quả thật, đọc Một thời để mất hay Rừng xưa xanh lá, độc giả được tiếp xúc với các nhân vật (kể cả nhà văn) ở góc độ đời thường nhất, gần gũi nhất với những hành động, lời nói, suy nghĩ hàng ngày, suồng sã, phức tạp. Trong hồi kí của Bùi Ngọc Tấn không có những nhân vật “thần tượng”, những nhân vật lí tưởng mà chỉ có những con người sống động, chân thực, bầm dập vì những va đập, chìm nổi của cuộc đời.

Đó cũng là đặc điểm của thế giới nhân vật trong hồi kí của Ma Văn Kháng. Xuất phát từ quan niệm “con người là sản phẩm của hoàn cảnh cụ thể” [96, tr.79], Ma Văn Kháng đã mô tả cả một thế giới nhân vật mà ông đã gặp và chứng kiến với những đặc điểm cụ thể, chân thật của nó. Xuyên suốt và nhiều nhất trong hồi kí Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương là hình ảnh những người cán bộ nhà nước rất đa dạng và đa diện. Những người cán bộ nhà nước được Ma Văn Kháng miêu tả (từ anh cán bộ quèn đến cả Bí thư tỉnh uỷ, Bộ trưởng giáo dục) có những con người nhiệt huyết, hăng hái có bản lĩnh chính trị, lí tưởng cách mạng, chịu đựng gian khổ, bền bỉ phấn đấu. Nhưng bên cạnh đó, còn có hiện tượng một số cán bộ tha hoá, biến chất, phai nhạt lí tưởng và đạo đức. Nhẹ thì bất chấp thể diện, danh dự mà kiếm lợi (như việc tận dụng việc sang nước ngoài học tập để buôn bán kiếm lời gây nên cảnh tượng bi hài ở sân bay, nhà ga,…) nặng thì lợi dụng chức quyền để sách nhiễu, vòi vĩnh, bóc lột người dân (hiện tượng vòi quà, vòi phong bì ở cơ quan công quyền, thậm chí cướp đất trắng trợn,…). Hình ảnh người cán bộ nhà nước như vậy khó có thể xuất hiện phổ biến trong những tác phẩm hồi kí của giai đoạn trước. Bên cạnh đó, bức chân dung những con người trí thức có quan điểm, lối sống độc lập, cứng cỏi (như thầy Khánh Tình, thầy Biểu, nhà

văn…) cũng được khắc hoạ, được chiêu tuyết bởi trước đây họ đã bị phê phán, cô lập hoặc bị vùi dập không thương tiếc hay ít nhất bị hiểu nhầm, xa lánh,… Nhưng nhà văn cũng không có ý định lí tưởng hoá họ. Những nhân vật này vẫn hiện lên chân thực, sống động với cả ưu điểm, nét đẹp (thanh cao, uyên bác, cả tin, bốc đồng,…) và những nhược điểm, nết xấu như họ vốn có (bảo thủ, công thức, máy móc, khôn vặt, láu cá…). Cứ như vậy, các trang viết hồi kí của Ma Văn Kháng hiện lên sống động, bề bộn như chính cuộc đời,v.v…

Khi nghiên cứu “hồi kí thời kì Đổi mới”, Trần Thị Hồng Hoa đã phát hiện ra “chất tiểu thuyết” biểu hiện ở các khía cạnh như: kết cấu hiện đại (kết cấu cắt dán, lắp ghép, kết cấu mảnh vỡ, …); nghệ thuật xây dựng nhân vật đầy “tính dư” (nhân vật được tái hiện trong chiều sâu, luôn luôn có những biến đổi, những cá tính bất ngờ, đặc biệt là nhân vật tôi - tác giả); kĩ thuật tự sự tạo tính đa thanh cho văn bản (đa dạng hoá điểm nhìn trần thuật, luân phiên thay đổi điểm nhìn,…) và thậm chí cả kĩ thuật “dòng tâm tư” mà các tiểu thuyết gia hiện đại nổi tiếng thế giới như Marcel Proust, James Joice, Claude Simon,… thường sử dụng trong các tiểu thuyết của họ [67]. Hiện tượng giao thoa giữa hồi kí và tiểu thuyết mà chúng tôi sẽ phân tích ở chương 4 chính là hệ quả của lối tư duy trên đây.

Tư duy tiểu thuyết còn thể hiện ở sự thay đổi mục đích viết hồi kí của các tác giả văn học. Có một xu hướng khá rõ trong mục đích viết là đi từ ý đồ rõ ràng, nghiêm túc, lớn lao (mang thiên hướng sử thi) như để khuyến giới hậu sinh (nhờ sự nổi tiếng, uy tín, tầm ảnh hưởng của họ), tưởng nhớ chiến công - thành tựu, tái hiện bức tranh thời đại,v.v… đến tinh thần sám hối, phản tư hoặc nhiều khi khiêm tốn hơn chỉ là niềm khát khao chia sẻ, hay viết để sống với quá khứ, để được tâm sự giãi bày nỗi lòng, cho nguôi ngoai ngày tháng (theo tư duy của tiểu thuyết).

Mục đích, ý đồ rõ ràng, nghiêm túc, lớn lao có thể được tìm thấy trong các cuốn hồi kí - tự truyện của các nhà hoạt động cách mạng, lãnh đạo văn

nghệ kiêm nhà văn hoặc những nhà văn “lão thành” (của văn học tiền chiến và văn học cách mạng) không thay đổi quan niệm và phong cách sáng tác sau 1986 như: Tố Hữu, Huy Cận, Phùng Quán, Anh Thơ, Mộng Tuyết, Bà Tùng Long,… Những cuốn hồi kí của các nhà hoạt động cách mạng, lãnh đạo văn nghệ (Tố Hữu, Huy Cận, Vũ Tú Nam,…) là tiêu biểu nhất. Tố Hữu viết hồi kí để khẳng định một “chân lí” là “không có con đường nào khác” (tên một hồi kí cách mạng của nữ anh hùng Nguyễn Thị Định) [43] ngoài con đường Cách mạng gian khổ mà vinh quang mà ông đã lựa chọn. Cuốn hồi kí của ông được viết để xây dựng nên một tấm gương cách mạng kiên trinh, dũng cảm, đầy hoài bão lí tưởng giải phóng dân tộc, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Hồ Chủ tịch,… Mục đích đó được ông nói rõ trong lời “Cùng bạn đọc yêu quý”, rằng: “…nhớ lại một thời hoạt động và làm thơ hơn 60 năm, tôi cũng có nhiều kỉ niệm, nhiều điều đáng nói, nhất là với các bạn trẻ ngày nay về cuộc đời đau khổ của đồng bào ta và những hoạt động đầy gian khổ hi sinh của những người cộng sản và những người yêu nước trước cách mạng tháng 8 năm 1945; về khí phách anh hùng và những chiến công oanh liệt của nhân dân và bộ đội ta; về sự lãnh đạo tuyệt vời của Bác Hồ và của Đảng ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược…” [91, tr.5-6]. Cuốn Hồi kí song đôi (trong đó có một phần ghi chép, tự thuật của Xuân Diệu) cũng có một cái

tứ rất rõ: đi từ những hồi ức gia đình, bạn bè đến hồi ức về lịch sử dân tộc (ban đầu là 2 tập: Tuổi nhỏ Huy Cận - Xuân Diệu (2002) [22]; Những năm đi

học, làm thơ, hoạt động cách mạng (2003) [23], sau được Huy Cận bổ sung,

chỉnh lí thành 2 tập (2011-2012): tập 1, có tên “Tình bạn trong sáng” nói về tuổi thơ và tình bạn giữa Xuân Diệu và Huy Cận [24], tập 2 “Đổi thay và kiên định” nói về cuộc đời hoạt động cách mạng, làm chính trị - văn hoá của tác giả cộng với hồi ức về Xuân Diệu [25]). Qua đó, tác giả dựng lại quá trình đến với cách mạng đầy gian khó và vinh quang đồng thời trình bày những đóng góp, thành tích nhất định của mình trong sự nghiệp đấu tranh giành độc

lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bằng việc tái hiện ấy, ý nghĩa biểu dương tụng ca của các tác phẩm hiện lên rất rõ. Bên cạnh đó, Huy Cận, Xuân Diệu còn xem hồi kí của mình và hồi kí nói chung như một công cụ để giáo huấn, đặc biệt là để giáo dục nhân cách, tình cảm cho lớp trẻ. Trong Hồi kí song đôi, Huy Cận có ghi lại một đoạn luận thuyết khá dài của Xuân Diệu được Huy Cận chia sẻ và đồng tình (“có viết lại cho gọn lời văn và mạch lạc” [22, tr.117; tr.137]) về thể loại hồi kí như sau: “Tôi nghĩ rằng mỗi con người có nhiệm vụ phải đào sâu vào kỷ niệm của mình, vào quá khứ tình cảm của mình để làm giàu thêm cái vốn nhân đạo trong mỗi con cháu chúng ta. Vừa rồi tôi đến nói chuyện thơ ở trường Hoàn Kiếm, chị hiệu phó nói với tôi: “Bây giờ học sinh trường tôi nó không vui và nó cũng không buồn nữa”. Cái đó thật là nguy, cái gì đã làm khô cạn tình cảm của các cháu, tiêu diệt nội tâm, của các cháu? Chính nhà văn kể lại tuổi thơ ấu của mình sẽ làm cho các em thiếu niên có tâm hồn, nuôi dưỡng tình cảm…. Tôi thấy những kỷ niệm như thế là một thế giới rất phong phú, nếu mình kể cho con em mình nghe thì tâm hồn của chúng được giàu thêm. Chúng sẽ căm thù sự lạc hậu, nghèo khổ... Chúng ta chớ làm lòng người khô cạn, coi những tình cảm thường là tình cảm nhỏ. Có những cuộc đời bình thường mà vĩ đại, nhưng cũng phải nói thêm: bình thường và sâu sắc nữa chứ. Nhắc tới thời thơ ấu của tôi, tôi thấy một lỗ hổng trong sự giáo dục của chúng ta ngày nay. Làm cho người ta giàu tình cảm nhân từ, nhân đạo cũng là một nhiệm vụ lớn của giáo dục chứ. Tôi hơi tiếc là tôi hầu như không bỏ thì giờ vào việc viết hồi kí để nhớ lại cái thế giới rất phong phú của tuổi nhỏ, vì con người từ 7, 8 tuổi đến 20 tuổi là ở trong thời kỳ phong phú nhất của tình cảm. Tôi nghĩ rằng chúng ta xây dựng con người mới không chỉ xây dựng bằng tư tưởng, mà còn phải xây dựng bằng nội tâm nữa. Chính nội tâm mới đẻ ra tình cảm, mà tình cảm mới làm hậu thuẫn cho tư tưởng” [22, tr.122].

Mong muốn của Huy Cận có lẽ cũng là mong muốn của khá nhiều nhà văn thuộc thế hệ cũ khi đặt bút viết hồi kí khi họ vẫn coi trọng chức năng giáo dục của văn học như truyền thống quan niệm văn học ở nước ta.

Cũng với mục đích, ý đồ ấy nhưng không phải về sự nghiệp cách mạng, các hồi kí văn học của các nhà văn như Vũ Ngọc Phan (Những năm tháng ấy), Anh Thơ (Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng chia cắt), Bà Tùng Long (Hồi kí bà Tùng Long), Vũ Tú Nam (Kỉ niệm dọc đường văn), Phùng Quán (Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào), Sơn Nam (Từ rừng U

Minh đến Cần Thơ, Ở chiến khu 9, 20 năm giữa lòng đô thị, Bình an)… lại có

mục đích “tổng kết”, tìm lại “hào quang” của cuộc đời sáng tác văn học qua nhiều giai đoạn đầy khó khăn những cũng đầy tự hào của họ. Bộ hồi kí - tự truyện đồ sộ của Anh Thơ thực sự đã gây ấn tượng cho độc giả về cuộc đời và sự nghiệp phong phú của nữ nhà thơ cũng như lượng thông tin đồ sộ mà nó cung cấp về bạn bè, thời đại, đất nước. Lời nói đầu bộ hồi kí đã đánh giá rất đúng giá trị của tác phẩm: “Trong bộ hồi kí văn học này, bạn đọc thấy được chân dung sinh động của tác giả cũng như của nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi thời trước Cách mạng cũng như trong cuộc cách mạng trường chinh của dân tộc. Điều đáng lưu tâm là tư tưởng vươn lên, ý thức tự giải phóng mình khỏi những định kiến, những trở ngại của xã hội đối với giới nữ đã xuyên suốt tác phẩm. Sự nỗ lực không ngừng và những thành đạt của tác giả là một gương sáng trong sự nghiệp đấu tranh cho bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ” [195, tr.5-6]. Bản thân Anh Thơ cũng nói rõ mục đích của bà “sự bức thiết bắt buộc tôi phải viết hồi kí mà không viết tiểu thuyết là để nói lên một sự thật trăm phần trăm, chứng minh cho một chính sách giải phóng phụ nữ đã thể hiện ở những con người thực, việc thực, qua nhân vật tôi và những nhân vật phụ” [195, tr.85]. Kết cấu 3 tập hồi kí gối nhau của Anh Thơ cũng là đi từ cá nhân, đời tư đến tập thể, từ đời sống cá nhân đến vận mệnh dân tộc. Kết thúc bộ hồi kí là sự kiện thống nhất đất nước tươi vui như là dụng ý khái quát xu

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư duy nghệ thuật trong hồi kí văn học việt nam từ 1986 đến nay (Trang 71 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)