9. Cấu trúc, bố cục của luận văn
3.2.3. Biện pháp 3: Đổi mới quản lý phân công giáo viên giảng dạy
a. Mục tiêu của biện pháp
Tất cả các hoạt động trong nhà trường đều nhằm tới mục tiêu và hiệu quả trong quá trình thực hiện. Để đảm bảo các nội dung trên, ngoài việc đảm bảo các điều kiện phục vụ cho dạy học thì việc phân công GV giảng dạy phù hợp với năng lực, sở trường của từng GV là rất cần thiết. Giúp GV yêu mến nghề, ham làm và thích được cống hiến bằng khả năng, trí tuệ và sở trường của mình. Phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm trong công việc, sẵn sàng cống hiến vì nhiệm vụ mình yêu thích. Phân công đúng năng lực sở trường của từng GV sẽ giúp cho công việc giảng dạy của nhà trường luôn mang lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó việc phân công đúng năng lực sở trường của từng GV giúp người hiệu trưởng đánh giá được chất lượng đội ngũ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và sở trường của từng GV. Kịp thời điều chỉnh, khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện. Đảm bảo hoàn thành trách nhiệm và nhiệm vụ chung của nhà trường.
Quản lý việc phân công GV giảng dạy và kiêm nhiệm được hiểu là sắp xếp, bố trí đội ngũ GV hợp lý, giúp GV làm việc thân thiện, gần gũi, hòa đồng, minh bạch, cởi mở, giúp đỡ nhau trong công việc một cách chân tình, cùng nhau vì sự thành công của mục tiêu QL HĐDH nhằm phát triển PC&NL cho HS.
Quản lý việc phân công GV giảng dạy và kiêm nhiệm nhằm thúc đẩy công việc giảng dạy của GV thuận lợi và hiệu quả, động viên mọi người có tinh thần, thái độ, động cơ làm việc, hướng tới đảm bảo chất lượng công việc của mình và của nhà trường.
b. Nội dung biện pháp
Phân công giảng dạy cho GV thực chất là công tác tổ chức cán bộ; khi phân công Hiệu trưởng phải nắm bắt tình hình đội ngũ, biết được điểm mạnh, điểm yếu, sở trường công tác, nguyện vọng và hoàn cảnh của từng GV tạo cho họ niềm tin trong công việc, nguyện vọng của phụ huynh HS…CBQL bàn bạc, thống nhất rồi quyết định phân công giảng dạy và kiêm nhiệm cho GV.
Phân công công tác giảng dạy phải căn cứ vào độ tuổi của HS để có sự phân công cho phù hợp với GV đồng thời căn cứ vào điều kiện thực tiễn của nhà trường sẽ góp phần tạo nên hiệu quả trong công việc.
Tổ chức cuộc họp có sự tham gia của các tổ trưởng chuyên môn, tổ trưởng văn phòng, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể để bàn bạc, trao đổi thống nhất nhằm tạo sự đồng thuận cao trước khi hiệu trưởng ra quyết định phân công chuyên môn cho cán bộ, GV và nhân viên toàn trường.
Song song với việc phân công GV thì việc chia thời khóa biểu cũng không kém phần quan trọng. Đặc biệt phải chú ý đến những GV công tác lâu năm, GV mới công tác và GV là nam hay nữ để đảm bảo tối ưu nhất khi thực hiện nhiệm vụ.
Phân công giảng dạy cho đội ngũ GV một cách hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế nhà trường sẽ góp phần quyết định việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hạn chế tình trạng cắt xén chương trình giờ dạy. Phân công phải đi đôi với công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ là nhiệm vụ cần thiết của Hiệu trưởng nhằm ngày càng hoàn thiện tay nghề trong đội ngũ.
c. Cách thức thực hiện
Tất cả các công việc liên quan đến chuyên môn, liên quan đến sắp xếp GV đều phải được CBQL nhà trường (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) tìm hiểu rõ về năng lực của GV, nguyện vọng và hoàn cảnh của GV…Trên cơ sở đó, bàn bạc, thống nhất rồi ra quyết định phân công một cách dân chủ và tập trung cao.
Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng quyết định đến sự thành công của nhà trường trong một năm học là phân công chuyên môn cho cán bộ, GV và nhân viên trong nhà trường sao cho hợp tình, hợp lý, phù hợp với sở trường, năng lực và trình độ chuyên môn của từng cá nhân. Để thực hiên tốt các nội dung trên tôi đề xuất tổ chức thực hiện các bước như sau:
- Hiệu trưởng xem lại quyết định phân công chuyên môn của tất cả các năm học trước, kết quả xét thi đua, xét công chức, kết quả trong suốt quá trình công tác (lưu ý 3 năm học gần nhất); trong đó đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của từng cá nhân.
- Hiệu trưởng xem xét hoàn cảnh gia đình, trình độ chuyên môn, sở trường, khí chất, khả năng tâm sinh lí phù hợp theo tổ và sự quản lí điều hành của tổ trưởng. Lấy ý kiến về nguyện vọng của tất cả cán bộ, GV, nhân viên (mỗi cá nhân 3 nguyện vọng; gồm nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, theo thứ tự ưu tiên, không trùng lập và phải ghi đủ 3 nguyện vọng), nắm vững các văn bản hướng dẫn của cấp trên để việc phân công được thuận lợi, đúng pháp luật mà lại phù hợp theo nguyện vọng của từng cá nhân với mục đích sao cho việc phân công thật sự hợp tình, hợp lí.
- Hiệu trưởng dự kiến phân công chuyên môn, tiếp theo là trao đổi với Phó hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn để có hướng điều chỉnh, bổ sung cho thật phù hợp và được sự đồng thuận cao của toàn bộ lãnh đạo nhà trường.
- Hiệu trưởng triệu tập họp liên tịch thành phần gồm có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, lãnh đạo: Công đoàn, chi bộ, đoàn thanh niên để bàn bạc điều chỉnh phân công một cách phù hợp nhất để từng cá nhân phát huy tốt sở trường và được sự đồng ý cao của các thành viên tham dự cuộc họp, nhằm mục đích phân công công việc phải đảm bảo dân chủ, công bằng, khách quan.
- Hiệu trưởng thông qua dự kiến phân công giảng dạy trong cuộc họp chi bộ để chi bộ có hướng chỉ đạo và thăm dò lắng nghe ý kiến phản biện của các đảng viên để làm cơ sở cho hiệu trưởng điều chỉnh nếu xét thấy không phù hợp và để tạo sự ủng hộ của các đảng viên trong chi bộ.
- Hiệu trưởng tổ chức cuộc họp cán bộ chủ chốt nhà trường thành phần gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, lãnh đạo: Công đoàn, chi bộ, đoàn thanh niên, GV tổng phụ trách đội, thanh tra nhân dân và các tổ trưởng để hiệu trưởng thông báo dự kiến phân công chuyên môn, trong đó hiệu trưởng phân tích thật chi tiết và sâu sắc những nội dung sau: Đã xem xét quyết định phân công chuyên môn của tất cả các năm học trước, kết quả xét thi đua, xét công chức, kết quả công tác trong suốt quá trình, đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của từng cá nhân; xem xét hoàn cảnh gia đình, tình hình sức khỏe, những giáo viên nữ đang mang thai, GV phải thuyên chuyển công tác trong năm học; trong từng tổ chuyên môn phải đảm bảo về tỉ lệ nam nữ, độ tuổi, trình độ chuyên môn đồng đều; sở trường, khí chất, khả năng tâm sinh lí, đáp ứng được nguyện vọng của tất cả cán bộ, GV, nhân viên và thực hiện tốt theo các các văn bản hướng dẫn của cấp trên.
- Lắng nghe sự góp ý của tất cả các thành viên tham gia cuộc họp, nhằm tạo điều kiện cho hiệu trưởng nắm vững tất cả các thông tin có liên quan đến công tác phân công chuyên môn trước khi đưa ra quyết định chính thức vừa đáp ứng được tính pháp lý, tính khoa học và nhu cầu thực tiễn.
- Hiệu trưởng mời các đối tượng không được phân công theo nguyện vọng (nếu có) trao đổi phân tích, giải thích lí do vì sao không phân công theo nguyện vọng, đồng thời có hướng an ủi, động viên, lưu ý đến việc biểu dương công lao đóng góp, thành tích của họ, có huy vọng, tin tưởng việc phân công trên tuy không theo nguyện vọng nhưng cá nhân sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ưu tiên phân công theo nguyện vọng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm học này và bước đầu tiếp nhận công việc thì đối tượng này phải có sự giúp đỡ trực tiếp của Ban giám hiệu, Ban Chấp hành công đoàn về mọi mặt đặc biệt là mặt tinh thần cũng như CSVC. Nắm bắt và xử lí có hiệu quả các nguồn tin liên quan, nếu cần thiết có thể tổ chức cuộc họp liên tịch lần 2.
- Hiệu trưởng xem xét lần cuối và ra quyết định phân công chuyên môn. Cuối cùng là tổ chức cuộc họp Hội đồng sư phạm để công bố quyết định phân công chuyên môn đầu năm học và lắng nghe ý kiến của cán bộ, GV, nhân viên; đồng thời phân công mảng công việc, sắp xếp buổi dạy, thời khóa biểu một cách khoa học và hợp tình, hợp lý có thời gian nghỉ ngơi phù hợp, lưu ý GV có con nhỏ, GV đang mang thai, GV sức khỏe yếu, GV lớn tuổi, GV có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, GV đi dạy xa trường...
- Hiệu trưởng có quyền quyết định khi có quan điểm không thống nhất trong phân công chuyên môn. Hiệu trưởng phải có tính toán tốt và khả năng quyết đoán, dự báo trong một năm học, nhận nhân viên - GV mới, có GV chuyển đi, GV nghỉ hộ sản và các qui định mới của Nhà nước về biên chế, bố trí chức danh..., có biện pháp tốt đối với những trường hợp “Khẩu phục, tâm chưa phục” trong việc chấp hành phân công chuyên môn. Vào đầu các năm học trên cơ sở theo dõi, nắm bắt, kiểm tra qua các năm, hiệu trưởng phân công GV giảng dạy đúng với từng khối lớp, đúng với năng lực, sở trường của từng GV. Thiết nghĩ đây là việc làm hết sức quan trọng để tạo nên sự đồng thuận, sự đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt là góp phần to lớn tạo nên sự thành công cho năm học.
- Hiệu trưởng quản lý việc phân công giảng dạy cho GV, tạo điều kiện cho GV: Làm việc nhẹ nhàng theo hướng đảm bảo chất lượng dạy học, đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; Phong cách làm việc khoa học, chia sẽ, giúp đỡ đồng nghiệp khi cần; Nâng cao ý thức vì tập thể, vì danh dự và uy tín nhà trường; Đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong công việc; Chủ động, tự giác là việc và chịu trách nhiệm chất lượng công việc của mình trước tập thể; Tạo dựng niềm tin với lãnh đạo, tập thể nhà trường, HS và phụ huynh HS…