Quản lý với sự tham gia của người lao động là một chủ đề lớn của quản trị hiện đại, nó mang lại những hiệu quả rất lớn, điều này đã được chứng minh cụ thể qua thực tiễn của các công ty thành công trên thế giới trong thời gian qua. Vì những lợi ích vô cùng to lớn của nó, các nhà lý luận và các nhà quản lý trên thế giới tin rằng đây là kiểu quản lý của thế kỷ 21.
Quản lý có sự tham gia của người lao động là quá trình mở rộng quyền hạn cho người lao động, cho phép và thu hút những người lao động thực hiện những nhiệm vụ mà trước đây là công việc của giới quản lý.
Sự tham gia của người lao động vào công tác quản lý có thể được thực hiện thông qua bốn hình thức:
- Tham gia vào việc xác định mục tiêu - Tham gia ra quyết định
- Tham gia giải quyết các vấn đề
- Tham gia trong việc thiết kế và thực hiện đổi mới tổ chức
Chúng ta sẽ xét hai hình thức là nhóm nhất lượng và đội tự quản. Hai hình thức này được bàn đến nhiều vì: Nó phù hợp với xu hướng của các tổ chức dựa trên các đội làm việc; khi được thực hiện đúng nó mang lại một kết quả rất tốt; và nó có khả năng áp dụng một cách rộng rãi.
Nhóm chất lượng
Nhóm chất lượng được hình thành và phát triển tại Nhật Bản vào đầu những năm 1960, cho đến nay hàng ngàn nhóm chất lượng được phát triển ở các công ty trên toàn thế giới. Nhóm chất lượng là nhóm giải quyết vấn đề tự nguyện gồm từ 5 đến 10 người cùng
nơi làm việc gặp nhau thường xuyên để thảo luận việc nâng cao chất lượng và giảm chi phí. Dựa trên sự tham gia tự nguyện, nhóm chất lượng đạt nỗ lực đạt đến việc khai thác tiềm năng sáng tạo của mọi người. Mặc dù nhóm chất lượng không phải là cái có thể được áp dụng ở tất cả mọi nơi song những lợi ích của nó như tiết kiệm được chi phí trực tiếp, cải thiện quan hệ giữa quản lý và người lao động, và làm tăng lên sự tích cực, nhiệt tình của người lao động đã được chứng minh.
Các nhóm chất lượng không chỉ kiến nghị các giải pháp mà còn thực hiện và lượng giá các giải pháp.
Các đội tự quản
Theo quan điểm của các nhà quản lý hiện đại, đội tự quản là hình thức quản lý tốt nhất vì nó cho phép quản lý tiềm năng tối đa của con người. Đội tự quản là hình thức tạo ra sự sáng tạo, sự động viên và năng suất cao. Đội tự quản là nhóm những người lao động thực hiện các nhiệm vụ quản lý truyền thống như là một phần công việc bình thường của nhóm. Không giống nhóm chất lượng - bao gồm những người tình nguyện - những người lao động được phân công, bố trí để hình thành các đội tự quản lý. Các loại kiểm tra kiểm soát có xu hướng được giảm thiểu, các nhà quản lý hành động như những người khởi xướng, dẫn dắt, khai thông hơn là người ra các mệnh lệnh, yêu cầu như truyền thống.
Theo ngôn ngữ phong phú hoá công việc, đội tự quản thực hiện các công việc theo chiều dọc tức làm các công việc từ đầu đến cuối với các kết quả thấy được. Các đội tự quản tự lập kế hoạch, tổ chức hoạt động, thậm chí được tự quyết định về nhân sự, và tự đánh giá kết quả hoạt động cũng như quyết định về phân phối thu nhập cho các thành viên.
Một vấn đề đặt ra là mặc dù có rất nhiều lợi ích song cũng có những kháng cự đối với đội tự quản. Thể hiện rõ nhất là đội tự quản đòi hỏi sự thay đổi về phương thức, quản lý, loại trừ những hàng rào quan liêu giữa các bộ phận của tổ chức. Một trong những kháng cự quan trọng là sự kháng cự của đội ngũ quản lý đặc biệt là các nhà quản lý cấp trung vì họ bị mất quyền. Kinh nghiệm trên thế giới chỉ ra là nên tổ chức các đội tự quản tại các nơi mới là dễ hơn hết.
Yếu tố quan trọng cho sự thành công của đội tự quản là các kỹ năng thiết kế công việc, tuyển lựa và huấn luyện người lao động. Và tất cả những công việc này rõ ràng làm tăng các chi phí, song về lâu dài những khoản chi phí này là những khoản đầu tư có lãi.