8. Cấu trúc luận văn
1.2.2. Học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi
1.2.2.1. Học sinh giỏi
“Học sinh giỏi” là một khái niệm được dùng từ rất lâu, tuy nhiên vẫn chưa được xác định một cách minh định.
Cơ quan GD Hoa Kỳ miêu tả khái niệm HSG như sau: “ Đó là những HS
có khả năng thể hiện xuất sắc hoặc năng lực nổi trội trong các lĩnh trí tuệ, sự sáng tạo, khả năng lãnh đạo, nghệ thuật hoặc các lĩnh vực lý thuyết chuyên biệt. Những học sinh này thể hiện tài năng đặc biệt của mình ở tất cả các bình diện xã hội, văn hóa và kinh tế”.
Theo Nguyễn Cảnh Toàn: “ Học giỏi là ham học, chủ động tìm tòi, tự học một cách thông minh sáng tạo biết học với hành” [32]
HSG là HS có tiềm năng của sự “thông thạo”. Nhiều nước quan niệm: HSG là những đứa trẻ có năng lực trong các lĩnh vực trí tuệ, sáng tạo, nghệ thuật và năng lực lãnh đạo hoặc lĩnh vực lý thuyết.
Học sinh giỏi về một môn học
HSG về một môn học được đánh giá theo Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và HS THPT của Bộ GD&ĐT (Ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo [3]; Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 08 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) [6].
Như vậy, HSG về một môn học nào đó là sự đánh giá, ghi nhận kết quả học tập mà các em đạt được ở mức độ cao so với mục tiêu môn học ở từng lớp và cả cấp THPT. Kết quả ở mỗi môn học của HS được thể hiện thông qua kiến thức, kỹ năng, thái độ, cách ứng xử và qua cách vận dụng kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống thường ngày của các em.
Học sinh giỏi các cấp
HSG các cấp được chọn theo quy chế thi chọn HSG của Bộ GD&ĐT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 52/2006/QĐ-BGDĐT ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) [4].
HSG các cấp là HSG về một môn học nào đó theo cấp học, được lựa chọn từ những HSG về học lực của trường THPT, phải trải qua kỳ thi chọn ở từng cấp, bắt đầu từ cấp trường, sau đó đến là cấp tỉnh, quốc gia.
Như vậy, HSG phải là những HS có sự kết hợp hài hòa giữa “tài” và “đức”, đang vươn lên để trở thành những HS ưu tú. Đây là những HS nổi trội hơn trong lớp, trong trường về một bộ môn, có phẩm chất đạo đức tốt, xứng đáng là tấm gương cho HS khác noi theo.
1.2.2.2. Bồi dưỡng học sinh giỏi
Bồi dưỡng là một quá trình cập nhật kiến thức và kỹ năng còn thiếu hoặc đã lạc hậu trong một cấp học và bậc học, giúp con người cập nhật những kỹ năng, kỹ xảo nhằm nâng chất lượng và hiệu quả những công việc mà mình đang làm. Như vậy bồi dưỡng là một trong những hoạt động quan trọng nhất của quá trình phát triển nguồn nhân lực, nó tạo ra sức mạnh của tổ chức.
Ở Từ điển Giáo dục học (2001), của Bùi Hiền, bồi dưỡng được định nghĩa như sau:“Bồi dưỡng là quá trình trang bị thêm kiến thức, kỹ năng nhằm
mục đích nâng cao và hoàn thiện năng lực hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể”[ 24].
BDHSG trước hết phải là một quá trình, là những hoạt động chủ động của nhà trường. Hiểu vậy để thấy được rằng, muốn hoạt động BDHSG đạt được kết quả tốt, người QL cần đầu tư công sức và thời gian, không nóng vội vì không thể có được HSG trong một sớm một chiều mà cần có thời gian,
trong một quá trình bồi dưỡng lâu dài. Bồi dưỡng thực chất là quá trình bổ sung tri thức, kỹ năng để nâng cao trình độ trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn nào đó. Trong quá trình bồi dưỡng, kiến thức, kỹ năng, năng lực của người được bồi dưỡng có vai trò quyết định đến tốc độ, kết quả bồi dưỡng.
BDHSG là hoạt động nhằm trang bị cho HS những hiểu biết về pháp luật, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng vận dụng của HS trong một môn học một cách có hệ thống, phục vụ cho việc học tập ở các cấp cao hơn. BDHSG là tạo những điều kiện thích hợp cho HS hình thành và phát triển phẩm chất, phát huy cao độ năng lực của bản thân. Vai trò của người thầy là giúp cho HS rèn luyện phương pháp tự học, tự nghiên cứu, tự đánh giá, đồng thời biết sử dụng phương tiện hiện đại để tìm kiếm, thu thập, xử lý thông tin thuộc lĩnh vực quan tâm.
Trong hoạt động BDHSG, mỗi HS có tư chất, tính cách, động cơ, mục đích không giống nhau. Điều cốt lõi trong BDHSG là người thầy cần nắm chắc được những đặc điểm riêng biệt của từng HS, từ đó có cách thức tác động phù hợp, đồng thời biết cách hướng dẫn HS tự học, tự bồi dưỡng. Khi đó, mỗi HS sẽ có cách học riêng với tốc độ khác nhau để tìm tòi, khám phá tri thức. Đồng thời, người thầy cần hướng dẫn cho HS cách tự đánh giá kết quả học tập, làm chủ việc học tập, biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng.