Định hướng đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay

Một phần của tài liệu Quản lý phát triển đội ngũ giáo viên trung học phổ thông các huyện miền núi phía bắc tỉnh quảng nam đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay (Trang 26 - 28)

9. Cấu trúc của luận văn

1.3.1. Định hướng đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay

Ngày 04/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, theo đó Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13. Bộ GDĐT đã có nhiều văn bản để triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, đến ngày 26/12/2018 ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về ban hành chương trình giáo dục phổ thông.

Theo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (kèm theo Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ) có những nội dung đổi mới chính như sau:

1.3.1.1. Chương trình giáo dục phổ thông chuyển căn bản từ tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp

Thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; “chuyển nền giáo dục nặng nề truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của học sinh” [21]. Chương trình hướng tới phát triển các năng lực chung và các năng lực chuyên biệt liên quan đến từng lĩnh vực giáo dục/môn học/hoạt động trải nghiệm sáng tạo mà mọi học sinh đều cần có trong cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện phát triển tốt nhất tiềm năng riêng của mỗi học sinh.

Tạo điều kiện để từng học sinh được phát triển hài hòa giữa tinh thần và thể chất; rèn luyện, phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết trong cuộc sống và định hướng nghề nghiệp. Coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người

lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

Đối với giáo dục phổ thông, những phẩm chất mà học sinh cần đạt được chủ yếu là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Năng lực chung được hình thành, phát triển qua các môn học và hoạt động giáo dục là tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; còn những năng lực đặc thù cần đạt được là ngôn ngữ, tính toán, tin học, thẩm mĩ, thể chất.

1.3.1.2. Nội dung chương trình đảm bảo chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đảm bảo tính kế thừa, linh hoạt, thống nhất giữa các cấp học; tích hợp và phân hóa hợp lý

Chương trình được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông đã có ở Việt Nam, vận dụng linh hoạt, hợp lý kinh nghiệm xây dựng chương trình theo mô hình phát triển năng lực của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; phù hợp với đặc điểm con người, văn hóa và các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chương trình cấp THCS thay đổi mới, nhưng thay đổi căn bản chương trình cấp THPT; nội dung và hình thức dạy học ít thay đổi nhưng tăng cường các hoạt động giáo dục mang tính trải nghiệm sáng tạo.

Chương trình giáo dục phổ thông được thiết kế bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học và liên thông với chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học; xây dựng theo một chỉnh thể, nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12, từ cấp học đến môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Chương trình được thiết kế theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản gồm chương trình cấp tiểu học và chương trình cấp trung học cơ sở; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (chương trình cấp trung học phổ thông).

Nội dung giáo dục được lựa chọn là những tri thức cơ bản, đảm bảo vừa hội nhập quốc tế, vừa gắn với thực tiễn Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nội dung giáo dục được thiết kế theo hướng tăng cường tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản và phân hóa rõ và sâu hơn ở giai đoạn giáo dục nghề nghiệp.

Giảm số lượng môn học bắt buộc ở các cấp học, lớp học và tăng số lượng môn học, chuyên đề học tập tự chọn đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, phẩm chất, năng khiếu của từng cá nhân người học theo định hướng nghề nghiệp.

1.3.1.3. Đổi mới về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh

Tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại, phát huy tích cực hóa hoạt động của học sinh, tạo môi trường học tập nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng của học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho việc chuyển hình thức tổ chức giáo dục chủ yếu dạy học ở trong lớp sáng đa dạng hóa các hoạt động; các hoạt động học tập được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường; đa dạng hình thức như học lý thuyết, thực hiện bài tập, tham gia xêmina, sinh hoạt tập thể; cân đối giữa dạy học và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giữa hoạt động tập thể, theo nhóm hay cá nhân.

Đánh giá kết quả giáo dục được mở rộng ra nhiều chủ thể, đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học thực hiện, kết hợp đánh giá của giáo viên, của cha mẹ học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của học sinh khác.

Kết quả đánh giá phải phản ánh mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt được của chương trình và sự tiến bộ của học sinh; phải cung cấp thông tin chính xác, khách quan, kịp thời cho việc điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của học sinh và nâng cao chất lượng.

Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng; phương thức đánh giá đảm bảo sự tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không tạo áp lực cho người học.

Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

1.3.1.4. Thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa

Bộ GDĐT tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông để thống nhất sử dụng trong toàn quốc.

Các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa nhưng được Hội đồng khoa học do Bộ GDĐT chủ trì thẩm định và phê duyệt.

Các nhà trường tổ chức lấy ý kiến học sinh, cha mẹ học sinh để lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với điều kiện của nhà trường trong số sách giáo khoa đã được Bộ GDĐT thẩm định, phê duyệt.

Giáo viên, học sinh có thể tiếp cận nhiều nguồn tài liệu khác nhau để triển khai thực hiện chương trình giáo dục nhưng kết quả đạt được phải đáp ứng yêu cầu khung quy định của Bộ GDĐT.

Một phần của tài liệu Quản lý phát triển đội ngũ giáo viên trung học phổ thông các huyện miền núi phía bắc tỉnh quảng nam đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay (Trang 26 - 28)