Xây dựng môi trường phát triển cho đội ngũ giáo viên THPT

Một phần của tài liệu Quản lý phát triển đội ngũ giáo viên trung học phổ thông các huyện miền núi phía bắc tỉnh quảng nam đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay (Trang 89 - 91)

9. Cấu trúc của luận văn

3.2.7. Xây dựng môi trường phát triển cho đội ngũ giáo viên THPT

3.2.7.1. Mục tiêu của biện pháp

Đội ngũ giáo viên là người quyết định chất lượng giáo dục và sự phát triển của nhà trường. Để có thể toàn tâm toàn ý phát huy mọi khả năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, ngoài trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm nghề nghiệp thì môi trường làm việc cho ĐNGV không thể thiếu. Có môi trường làm việc tốt, thuận lợi thì phát huy hiệu quả, năng lực và sự đóng góp của ĐNGV cho sự phát triển nhà trường sẽ hiệu quả cao.

Đảm bảo cho ĐNGV có điều kiện làm việc, sinh hoạt, học tập, bồi dưỡng nâng chuẩn là một đòi hỏi tất yếu, khách quan và phù hợp với xu hướng hiện đại, nhất là ở khu vực miền núi, vùng khó khăn. Công tác quản lý phát triển ĐNGV sẽ không mang lại hiệu quả cao nếu không kết hợp đồng thời các biện pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần một cách thiết thực, môi trường làm việc, điều kiện sinh hoạt. Thực tế cho thấy, điều kiện làm việc, sinh hoạt, đi lại và các điều kiện hỗ trợ khác đối với GV ở các trường miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Nam còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đây là một trong những nội dung cần quan tâm cho công tác quản lý phát triển ĐNGV THPT trong thời gian tới.

3.2.7.2. Nội dung biện pháp

Tạo sự đồng thuận trong tập thể giáo viên về những chiến lược, mục tiêu của nhà trường; kế hoạch hóa các chương trình hành động lôi cuốn ĐNGV cùng tham gia. Mọi kế hoạch, chương trình, mục tiêu đề ra nếu tất cả đội ngũ nhà giáo cùng đồng lòng, chung tay thực hiện sẽ đem lại kết quả cao.

Xây dựng môi trường làm việc thuận lợi để giáo viên phát huy được năng lực và sở trường của bản thân, đồng thời mỗi cá nhân GV đều có cơ hội hoàn thiện, phát triển vươn lên và đóng góp xây dựng, phát triển nhà trường.

Thường xuyên quan tâm đến đời sống, vật chất, tinh thần của đội ngũ giáo viên nhà trường trong điều kiện của từng nhà trường; tạo điều kiện về vật chất, tinh thần, thời gian để mỗi GV hoàn thành nhiệm vụ được phân công vừa chăm lo cho gia đình, có như vậy GV mới toàn tâm, toàn ý thực hiện tốt nhiệm vụ.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong trường học, đảm bảo công khai trong đơn vị với tinh thần “giáo viên biết, giáo viên bàn, giáo viên làm, giáo viên kiểm tra”. Nếu mọi chủ trương, nhiệm vụ mà tất cả giáo viên được biết, được tham gia bàn bạc, trao đổi đóng góp ý kiến sẽ dễ dàng triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, giáo viên là người thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đó nên GV được tham gia kiểm tra, giám sát sẽ đạt hiệu quả tốt nhất.

3.2.7.3. Cách thực hiện biện pháp

- Về cơ chế chính sách:

Sở GDĐT tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh có cơ chế chính sách đặc thù của địa phương cho GV ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như xây dựng nhà công vụ cho GV ở xa đến công tác; hỗ trợ kinh phí để tham quan học tập các đơn vị khác để học tập kinh nghiệm những cách làm hay, mô hình tốt; hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng chuẩn, bồi dưỡng để chuẩn nghề nghiệp GV THPT theo quy định; khen thưởng, động viên kịp thời những GV có đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục ở miền núi. Có chế độ đãi ngộ đối với giáo viên có những đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm được ứng dụng rộng rãi trong ngành, đặc biệt những giải pháp hay trong công tác xây dựng và phát triển giáo dục miền núi. Phối hợp với cấp ủy Đảng, UBND các huyện miền núi có cơ chế hỗ trợ hoặc giảm giá để ĐNGV có đất làm nhà ở ổn định và công tác lâu dài.

Sở GDĐT quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện việc tinh giảm biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về “Chính sách tinh giảm biên chế” và Nghị định 113/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 108/2014/NĐ-CP đối với những giáo viên năng lực không đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc hoặc chuẩn nghề nghiệp nhưng đào tạo, bồi dưỡng không đạt yêu cầu.

- Về cơ sở vật chất:

Sở GDĐT chỉ đạo các trường rà soát về cơ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, trên cơ sở đó xây dựng kế đầu tư theo lộ trình; Sở GDĐT tổng hợp và trình

HĐND và UBND tỉnh phê duyệt phương án đầu tư cơ sở vật chất cho các trường theo hướng hiện đại, đủ tiêu chuẩn và trường chuẩn quốc gia.

Đầu tư xây dựng các phòng chức năng để đảm bảo cho các hoạt động bổ trợ cho dạy học; đầu tư xây dựng thư viện và trang thiết bị bên trong như đủ sách giáo khoa, sách tham khảo, báo và tạp chí, tranh ảnh cho ĐNGV nghiên cứu nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục, hiện nay rất ít trường ở khu vực miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Nam có thư viện.

Đầu tư và dành thời gian tập huấn, hướng dẫn giáo viên học cách sử dụng và bảo quản các trang thiết bị, các phương tiện dạy học hiện đại, sử dụng các phần mềm phục vụ cho dạy học.

- Về công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần:

Hiệu trưởng phân công công tác cho GV cần phải nghiên cứu thật kỹ về các điều kiện liên quan của từng giáo viên như điều kiện, hoàn cảnh gia đình, cuộc sống, năng lực để phân công một cách hợp lý; tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ, hội thảo chuyên đề giữa các đơn vị trường học vào dịp các ngày lễ lớn trong năm như: ngày phụ nữ Việt Nam 20 tháng 10, ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, ngày phụ nữ Quốc tế 8 tháng 3... qua đó tạo điều kiện cho giáo viên được giao lưu, học hỏi bạn bè đồng nghiệp. Tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên của đơn vị, kêu gọi hỗ trợ của các mạnh thường quân để hỗ trợ cho GV đi tham quan dã ngoại.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời mọi chế độ chính sách đối với giáo viên đang công tác ở miền núi như đảm bảo việc chi trả lương và các khoản có tính chất như lương, khen thưởng, hỗ trợ khác kịp thời; kịp thời can thiệp với Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thất nghiệp trong việc chăm sóc sức khoẻ, chi trả chế độ thai sản cho giáo viên, thực hiện kịp thời các chế độ trợ cấp khi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành gặp rủi ro qua đời bằng hình thức xây dựng quỹ trợ tang trong ngành.

Hiệu trưởng thường xuyên thực hiện tốt công tác công khai theo quy định, nhất là công khai việc thực hiện chế độ chính sách, chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất; xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong trường học theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 04/2000/QĐ-BGDĐT ngày 01 tháng 3 năm 2000 của Bộ trường Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường. Nếu thực hiện tốt quy chế dân chủ, nội dung công khai thường xuyên, rõ ràng, minh bạch sẽ giúp ĐNGV tham gia tốt vào công tác quản lý và phát triển nhà trường.

Một phần của tài liệu Quản lý phát triển đội ngũ giáo viên trung học phổ thông các huyện miền núi phía bắc tỉnh quảng nam đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay (Trang 89 - 91)