9. Cấu trúc của luận văn
1.4.2. Nội dung quản lý phát triển đội ngũ giáo viên THPT
1.4.2.1. Xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên THPT
Quy hoạch phát triển giáo dục là một bộ phận của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Trên cơ sở lý luận chung thì quy hoạch phát triển GDĐT là cơ sở khoa học dựa trên việc đánh giá, phân tích thực trạng giáo dục hiện tại, dự đoán xu thế phát triển giáo dục của đất nước để xác định quan điểm, mục tiêu giáo dục của nhà trường từ đó đề ra những phương pháp, giải pháp phát triển giáo dục của địa phương, đơn vị, chỉ rõ yêu cầu về số lượng, chất lượng ĐNGV, cán bộ QLGD. Xác định rõ quan điểm, mục tiêu phát triển giáo dục làm cơ sở xây dựng kế hoạch quản lý phát triển ĐNGV THPT với những nội dung cụ thể như dự báo, dự đoán được nguồn lực bổ sung, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ quản lý. Ngoài việc sử dụng tối ưu các nguồn lực, kế hoạch phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hợp lý giữa cá nhân và cơ quan tham gia thực hiện kế hoạch.
1.4.2.2. Tuyển chọn, sử dụng đội ngũ giáo viên THPT
a) Tuyển chọn đội ngũ giáo viên THPT
Một trong mười nhiệm vụ và giải pháp về phát triển phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 được thông qua trong Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam có nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao”[10] “Đổi mới công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức, bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch”[10].
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương nói về công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo: “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo” [2].
Do đó việc tuyển chọn ĐNGV THPT là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý nguồn nhân lực. Tuyển chọn phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của nhà trường, phải căn cứ vào kế hoạch phát triển nguồn nhân lực về số lượng, chất lượng, vị trí việc làm (thông qua đề án vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt). Trong quá trình tuyển chọn phải công tâm, công bằng, khách quan; có thể sử dụng nhiều phương pháp tuyển chọn như thi tuyển, phỏng vấn, quan sát phát hiện.
b) Sử dụng
Sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý, tài tình sẽ phát huy tối đa tiềm lực của con người. Khéo dùng người thể hiện ở chổ bố trí người đúng việc, vì công việc mà bố trí người, chứ không phải vì người mà bố trí việc. Trong mỗi con người, ai cũng có ưu điểm, khuyết điểm; ta phải biết dùng và phát huy ưu điểm của họ, giúp họ khắc phục khuyết điểm để ngày một hoàn thiện hơn. Nếu bố trí người không đúng việc thì nhiệm
vụ không thành công, như Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán: “Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: Thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi mài dao, thành thử hai người đều lúng túng, nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”.
Hiện nay, trong công tác cán bộ của Đảng thường được bố trí phù hợp ở ba độ tuổi, có cán bộ già, có cán bộ trẻ. Cán bộ già thường có nhiều kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tiễn. Nhưng cũng có một số cán bộ già đến một thời kỳ nào đó là dừng lại, không tiến lên được, hay tư duy và làm theo cái cũ, ngại thay đổi. Còn cán bộ trẻ tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng lại hăng hái, năng động, có tính sáng tạo cao, chịu khó học tập. Khi sử dụng cán bộ trẻ không vì họ thiếu kinh nghiệm mà ta coi thường họ, coi thường họ là không đúng. Còn cán bộ trẻ không nên kiêu ngạo, tự cho mình là có năng lực hơn cán bộ già, phải biết khiêm tốn. Vì vậy, dùng người cho đúng ta phải quan sát, theo dõi, công tâm, khách quan, đặc biệt chống tư tưởng bè phái, cục bộ, hẹp hòi, chủ quan.
Đối với ĐNGV THPT, ngoài nhiệm vụ chuyên môn được đào tạo, khi sử dụng cũng phải cân nhắc về năng lực, sở trường để bố trí hợp lý ở từng nhiệm vụ cụ thể như sắp xếp bố trí GV chủ nhiệm, GV bộ môn các lớp, GV tham gia các hoạt động giáo dục khác, … Nếu phân công hợp lý sẽ phát huy tối đa tiềm năng của nguồn nhân lực, ngược lại bố trí GV không hợp lý sẽ làm giảm chất lượng công việc gây cản trở cho việc xây dựng và phát triển ĐNGV trong nhà trường.
1.4.2.3. Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ giáo viên
Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trình độ đào tạo của ĐNGV THPT đã có bước tiến rõ rệt; năng lực chuyên môn cũng từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng ĐNGV THPT có trình độ để làm lực lượng nòng cốt trong nhà trường chưa phát huy hiệu quả. Đội ngũ GV còn bất cập về trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, năng lực hoạt động xã hội và năng lực ngoại ngữ, tin học. Một số kỹ năng của GV chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nhất là kĩ năng dạy học theo định hướng phát triển năng lực của HS trong môi trường đa văn hóa, dạy học tích hợp, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu.
Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển ĐNGV nhằm nâng cao, hoàn thiện nhân cách và nhất là trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm của người GV trong nhà trường. Phẩm chất, năng lực của người GV được hình thành ở trường sư phạm và được củng cố, phát triển trong việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của GV trong quá trình hoạt động sư phạm.
Để công tác đào tạo ĐNGV có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay thì các trường sư phạm cần xây dựng chương trình đào tạo GV gắn với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới; gắn kết đào tạo với nhu cầu sử dụng GV của các địa phương.
Sở GDĐT, trường THPT cần xây dựng kế hoạch hằng năm để tổ chức bồi dưỡng năng lực cho ĐNGV đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, theo các môn đun bồi dưỡng thường xuyên giai đoạn 2019-2021 do Bộ GDĐT ban hành; từng cá nhân có kế hoạch tự bồi dưỡng để nâng cao phẩm chất, năng lực đáp ứng với nhiệm vụ được giao.
1.4.2.4. Kiểm tra, đánh giá đội ngũ giáo viên THPT
Mỗi tổ chức đều có những quy định, chuẩn mực để duy trì nền nếp trật tự và kỷ cương của tổ chức mình. Công tác kiểm tra rất quan trọng. V.I.Lênin đã lưu ý rằng: Quản lý mà không có kiểm tra không gọi là quản lý. Kiểm tra giúp cho người quản lý đánh giá đúng thực trạng, để có các biện pháp thích ứng tạo nên một quá trình quản lý có hiệu quả, đồng thời kết quả kiểm tra còn là tiền đề cho quá trình quản lý tiếp theo.
Mục đích của kiểm tra để có các biện pháp kịp thời thúc đẩy, điều chỉnh hoạt động quản lý nhằm hướng tới mục tiêu của tổ chức; để đánh giá GV, khen thưởng và kỷ luật GV, để có cơ sở thực tiễn lập kế hoạch, quy hoạch ĐNGV cho một quy trình kế tiếp.
Đánh giá phải căn cứ theo mục tiêu, tiêu chuẩn; đánh giá phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, đảm bảo tính toàn diện, thường xuyên, liên tục.
Về phương pháp đánh giá cần thực hiện theo ba nhóm phương pháp sau đây: - Nghiên cứu và đánh giá qua hồ sơ, lý lịch, tiểu sử của bản thân họ.
- Đánh giá qua trò chuyện với họ, với quần chúng bằng các phương pháp như phỏng vấn, trưng cầu ý kiến ...
- Đánh giá qua kết quả hoạt động về công việc và về quan hệ con người.
Cần phải hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ, có như vậy mới bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc. Có hiểu rõ và đánh giá đúng người mới phát hiện những cá nhân có năng lực, ai là người tốt, ai là người xấu. Đánh giá đúng người mới cân nhắc quy hoạch, bổ nhiệm hạn chế những thiếu sót, sai lầm không đáng có xảy ra.
1.4.2.5. Xây dựng môi trường phát triển cho đội ngũ giáo viên
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi người giáo viên cần được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ để thích nghi với nó. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phát triển ĐNGV có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Nó đòi hỏi các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục, các trường sư phạm cần có sự xem xét và phát triển các chương trình đào tạo giáo viên sao cho phù hợp với mục tiêu, nội dung của chương trình sách giáo khoa mới. Cần trang bị đầy đủ kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm và những yêu cầu cần thiết đối với ĐNGV THPT.
Quản lý ĐNGV không chỉ dừng lại ở việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bồi dưỡng đào tạo, khen thưởng kỷ luật ĐNGV mà còn phải đồng thời chú trọng xây dựng cảnh quan, môi trường sư phạm, chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ĐNGV, tạo bầu không khí tâm lý thuận lợi để duy trì và phát triển ĐNGV, thể hiện:
- Đảm bảo các điều kiện về CSVC, phương tiện hỗ trợ hoạt động dạy học, giáo dục như: hệ thống phòng học, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện, sân tập thể dục thể thao, phòng truyền thống, phòng Đoàn, hội trường; khu dành cho các hoạt động lao động, hướng nghiệp; khu làm việc của ban giám hiệu, hành chính quản trị, các tổ chuyên môn, y tế; các loại sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ cho học tập của HS; các loại sách hướng dẫn giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho GV; các thiết bị và phương tiện giáo dục; các phương tiện làm việc của CBQL, GV.
- Đảm bảo các chế độ chính sách đã được nhà nước quy định như chế độ tiền lương, phúc lợi xã hội; chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao phẩm chất, năng lực; có cơ chế khen thưởng kịp thời để động viên, khuyến khích khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tạo điều kiện để ĐNGV được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
- Xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong tập thể sư phạm, đây là yếu tố quan trọng, là sức mạnh cho sự thành công của nhà trường. Như Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.”
- Xây dựng bầu không khí tâm lý thuận lợi trong tập thể sư phạm:
Bầu không khí tâm lý trong tập thể sư phạm phản ánh trạng thái tinh thần, tâm trạng chủ yếu của tập thể và mỗi GV. Bầu không khí thuận lợi là một trong những điều kiện quan trọng của sự sáng tạo và sức khoẻ của mỗi nhà giáo, là môi trường sống về tinh thần có tác dụng nuôi dưỡng và phát triển những phẩm chất, giá trị của nhân cách người thầy và sức mạnh tổng hợp của tập thể. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát huy bầu không khí tâm lý trong tập thể sư phạm trở thành một trong những biện pháp tâm lý xã hội có ý nghĩa thực tiễn trong quản lý ĐNGV.