Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.4.1. Đổi mới công tác tuyển dụng
Trước yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, số liệu thống kê ngày càng có vai trò quan trọng, không những đáp ứng yêu cầu của người sử dụng thông tin trong nước mà số liệu còn phải mang tính so sánh quốc tế. Như vậy, chất lượng đội ngũ công chức làm công tác thống kê cũng phải được nâng tầm, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Những năm qua, việc tuyển dụng CCTK ở Hưng Yên còn nhiều bất cập: khi là đối tượng tuyển mới thì chủ yếu là con em CBCC hoặc có quen biết, về tiêu chuẩn thì tương đối cơ bản, nhưng thường không đúng chuyên ngành đào tạo. Điều này cũng gây hạn chế năng lực và hứng thú làm việc. Do đó, nâng cao chất lượng đầu vào của CCTK là nhiệm vụ cấp thiết, cần sớm được thực hiện. Cải cách công tác tuyển dụng là giải pháp rất quan trọng, là một trong những giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng CCTK.
Để bổ sung đội ngũ CCTK có phẩm chất, năng lực công tác tốt, công tác tuyển dụng công chức cần đổi mới theo các nội dung:
- Hoàn thiện công tác dự báo nhu cầu tuyển dụng:
Việc dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực nhằm xây dựng chiến lược tạo nguồn và chủ động trong việc cân đối về cơ cấu trình độ tại Cục thống kê tỉnh Hưng Yên. Căn cứ vào số biên chế hiện còn chưa tuyển hết và số nhân lực thay thế nhân lực đến tuổi nghỉ hưu ở nhóm tuổi từ 56-60 tuổi và nhóm từ 51-55; căn cứ vào biên chế dự kiến tăng thì nhu cầu tuyển dụng trong giai đoạn từ 2017- 2030 cụ thể như sau:
+ Đối với việc tuyển dụng cho Chi cục thống kê: 70% chỉ tiêu tuyển dụng có trình độ đại học trở lên, trong đó 70% chỉ tiêu đại học dành cho sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành thống kê; 20% chỉ tiêu có trình độ cao đẳng tốt nghiệp từ trường nghiệp vụ thống kê; 10% chỉ tiêu có trình độ trung cấp, trong đó có 80% tốt nghiệp từ trường nghiệp vụ thống kê. Trong quá trình thực hiện thì căn cứ vào nguồn cung học sinh, sinh viên tốt nghiệp để điều chỉnh tỷ lệ trên đại học, cao đẳng, trung cấp cần tuyển cho phù hợp điều kiện thực tế về nguồn nhân lực đầu vào.
- Xác định rõ đối tượng, chỉ tiêu và tiêu chuẩn tuyển chọn: Công khai về chỉ tiêu, đối tượng, tiêu chuẩn người cần tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các tiêu chuẩn tuyển chọn phải xuất phát từ mục đích thực hiện công việc. Đối tượng tuyển chọn phải bảo đảm, tạo điều kiện bình đẳng cho tất cả ứng viên có mong muốn và có đủ điều kiện trở thành công chức. Có như vậy thì các kỳ thi tuyển chọn công chức mới thực sự có ý nghĩa trong việc lựa chọn nhân tài.
- Về thời gian tổ chức thi tuyển: Nên có kế hoạch rõ ràng về thời gian thi tuyển, tùy thuộc vào tình trạng nhân lực hiện có để xây dựng lộc trình phù hợp có thể là 2 năm một đợt thi. Để các ứng viên có thời gian chuẩn bị, tuyển được nhiều sinh viên có trình độ, có bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi thi vào, còn nếu để lâu hơn thì số này sẽ thi vào làm việc ở các ngành, đơn vị khác.
- Đẩy mạnh hơn nữa chính sách thu hút và sử dụng nhân tài khi tuyển dụng để lựa chọn được những công chức mới có năng lực thực sự. Cần có quy định, cơ chế khuyến khích và lựa chọn những người có bằng tốt nghiệp Đại học loại giỏi, loại khá, những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ về tỉnh làm việc như: miễn thi tuyển công chức, hỗ trợ tiền nhà ở, tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt nhất...
- Về nội dung và hình thức thi tuyển công chức: Việc tổ chức thi tuyển cần làm chặt chẽ, công khai, minh bạch, làm việc thuê các điểm trường đại học để tạo địa điểm thi công bằng, giám thị và người trông thi không thuộc ngành Thống kê. Hình thức thi công chức cần được thực hiện ở cả hai hình thức thi viết và thi trắc nghiệm để đánh giá người dự tuyển về khả năng viết, khả năng trình bày một vấn đề nhất định; tăng cường các câu hỏi mang tính xử lý tình huống; đánh giá năng lực phải gắn với tiêu chuẩn của vị trí công tác hoặc của ngạch công chức.