Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, đánh giá chất lượng nhân lực không thể đơn thuần là những quyết định mang tính chủ quan và một chiều từ phía nhà lãnh đạo nữa. Tất cả các quy trình sắp xếp, theo dõi và chấm điểm cho năng lực cá nhân đều phải theo sát bộ khung với các tiêu chí rõ ràng. Có nhiều nghiên cứu khác nhau về nghiên cứu chất lượng nhân lực đã được công bố và mô hình ASK là mô hình tiêu chuẩn nghề nghiệp được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, mô hình đánh giá chất lượng nhân lực thông qua: Attitude (Phẩm chất / Thái độ): Thuộc về phạm vi cảm xúc, tình cảm, là cách cá nhân tiếp nhận và phản ứng lại với thực tế, đồng thời thể hiện thái độ và động cơ với công việc. Skill (Kỹ năng): Thuộc về kỹ năng thao tác, là khả năng biến kiến thức có được thành hành động cụ thể, hành vi thực tế trong quá trình làm việc của cá nhân và Knowledge (Kiến thức): Thuộc về năng lực tư duy, là hiểu biết mà cá nhân có được sau khi trải qua quá trình giáo dục - đào tạo, đọc hiểu, phân tích và ứng dụng. Cụ thể đối với công chức thống kê nghiên cứu chất lượng thông qua:
2.1.3.1. Số lượng và cơ cấu nhân lực ngành thống kê
Nghiên cứu thực trạng về số lượng và cơ cấu đội ngũ nhân lực cho cái nhìn tổng thể, khái quát về đội ngũ nhân lực. Số lượng nhân lực thể hiện quy mô lực lượng lao động của Chi cục Thống kê và nắm bắt số lượng công chức thống kê là bước đầu tiên để nắm được cái nhìn chung về sự phân công, bố trí lao động trong công việc, từ đó thấy được mức độ phù hợp giữa số lao động và khối lượng việc làm. Cơ cấu nhân lực của một đơn vị là đề cập đến thành phần, tỷ trọng các thành phần và vai trò của các thành phần tới chất lượng nhân lực và thể hiện qua nhiều góc độ như về độ tuổi, giới tính,... cơ cấu nhân lực theo độ tuổi phản ánh sự già hóa hay trẻ hóa của đội ngũ nhân lực cho thấy kinh nghiệm làm việc, thấy được một số ưu nhược điểm của đội ngũ nhân lực ngành thống kê (Phạm Vĩnh Thái, 2012).
2.1.3.2. Kiến thức
Kiến thức của nguồn nhân lực được thể hiện qua: Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm làm việc.
- Trình độ học vấn mà đội ngũ nhân lực có được chủ yếu thông qua đào tạo. Trình độ văn hóa của công chức thống kê được phân thành ba cấp với mức độ khác nhau từ thấp đến cao: Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông (Nguyễn Thị Thảo, 2014).
- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ là tiêu chí hàng đầu đáp ứng yêu cầu công tác, đảm bảo năng lực, kỹ năng thực thi công vụ. Việc thực thi công vụ đòi hỏi mỗi công chức phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi công tác luân phiên, luân chuyển cán bộ được thực hiện thường xuyên, liên tục đòi hỏi người công chức phải thông thạo nhiều lĩnh vực chuyên môn, luôn học hỏi tự nâng cao hoàn thiện năng lực công tác đáp ứng được nhiệm vụ khi được phân công. Trình độ nghiệp vụ, chuyên môn không những được chú trọng ngay từ khâu xét tuyển, thi tuyển nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức có chất lượng cao, trong quá trình thực thi công vụ cần được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nghiên cứu thông qua tỷ lệ công chức thống kê được đào tạo, bồi dưỡng về thống kê ở các trình độ như Sơ cấp và chưa qua đào tạo, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Sau đại học. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ xem xét tới khía cạnh nhân lực có được đào tạo đúng chuyên ngành để làm việc hay không đúng chuyên ngành đào tạo (Nguyễn Thị Thảo, 2014).
- Kinh nghiệm làm việc thể hiện sự trải nghiệm trong công việc qua thời gian làm việc, có thể gọi đó làm thâm niên công tác một người có được. Kinh nghiệm làm việc của CBCC được nghiên cứu trong chuyên đề là thâm niên công tác bình quân và tỷ lệ CBCC có thâm niên công tác ở các khoảng thời gian: Dưới 5 năm, từ 5 – 10 năm, trên 10 năm (Nguyễn Ngọc Chính, 2017).
2.1.3.3. Kỹ năng
Kỹ năng là tiêu chí quan trọng để đánh giá công chức khi thực thi nhiệm vụ, kỹ năng là giai đoạn trung gian giữa tri thức và kỹ xảo trong quá trình nắm vững một phương thức hành động. Khi kỹ năng trở nên thuần thục, nhuần nhuyễn đạt đến khả năng nắm bắt được tâm lý của đối tượng quản lý thì kỹ năng đó đã trở thành nghệ thuật. Khi đó kỹ năng là khả năng nghề nghiệp, chuyên môn của người có năng lực, có kinh nghiệm trong làm việc, thực hiện nhiệm vụ có kết quả tốt trong lĩnh vực chuyên môn được phân công. Những kỹ năng cần thiết đối với nhân lực thống kê đó là: kỹ năng tin học, kỹ năng thu thập, tổng hợp, kỹ năng xử lý phân tích thông tin, kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng kiểm tra giám sát, đánh giá (Nguyễn Ngọc Chính, 2017).
Kỹ năng tin học đối với nhân lực thống kê là việc sử dụng thành thạo máy vi tính, một số chương trình thông dụng như word để thực hiện báo cáo, viết phân tích,.... ecxel để nhập tin, tổng hợp và xử lý số liệu, powpoint để thuyết trình, xây dựng bài giảng cho các lớp tập huấn. Kỹ năng thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin là kỹ năng chính đối với nhân lực thống kê. Kỹ năng thu thập, tổng hợp thông tin là việc sử dụng các kỹ năng để thu thập thông tin đầy đủ theo yêu cầu của từng cuộc điều tra, xử lý thông tin là việc tác động vào thông tin loại bỏ thông tin nhiễu sau đố tổng hợp sắp xếp các thông tin đã được kiểm tra xác minh phù hợp với mục đích điều tra. Kỹ năng viết báo cáo đầu tiên xác định được loại báo cáo cần viết, tìm hiểu những nội dung cần thực hiện trong báo cáo để viết báo cáo phù hợ, đảm bảo thông tin đầy đủ và bố cục tuân thủ đúng quy định và yêu cầu. Kỹ năng lập kế hoạch cần sự tư duy hệ thống, phối hợp sử dụng nguồn lực hiện có của cơ sở, tập trung vào mục tiêu và nội dung cần đạt được để xây dựng kế hoạch làm việc hợp lý để công việc đạt kết quả cao. Kỹ năng kiểm tra giám sát, đánh giá là kỹ năng cần thiết đối với nhân lực ngành thống kê với đặc thù là thực hiện nhiều cuộc điều tra để thu thập thông tin vì thế việc kiểm tra, giám sát, đánh giá lại thông tin là vô cùng quan trọng (Nguyễn Ngọc Chính, 2017).
2.1.3.4. Thái độ
Thái độ làm việc là yếu tố quan trọng để đánh giá năng lực làm việc của người lao động. Đối với nhân lực ngành thống kê đánh giá về thái độ bao gồm thái độ khi thực hiện nhiệm vụ, về đạo đức lối sống, quan hệ với nhân dân và thực hiện nề nếp (Nguyễn Ngọc Chính, 2017).
Thái độ làm việc thể hiện qua trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ, một thái độ làm việc tốt là khi hoàn thành tốt nhiệm vụ với trách nhiệm và tinh thần tốt, có thái độ lạc quan, tích cực, cầu tiến. Xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp để cùng nhau cố gắng đạt được kết quả cao, có thái độ niềm nở thân thiện với nhân dân và phải thực hiện tốt quy định nơi công sở về nề nếp làm việc. Bản chất con người được thể hiện thông qua việc đối xử giữa con người với nhau trong cộng đồng. Có thể nói phẩm chất đạo đức của con người được hình thành từ truyền thống của gia đình và xã hội, từ phong tục tập quán của mỗi địa phương. Môi trường văn hóa sẽ rèn luyện tạo dựng phong cách làm việc, lối sống ý thức, cách ứng xử, quan hệ giao tiếp và tinh thần trách nhiệm của người lao động đối với bản thân và cơ quan đơn vị. Thái độ được hình thành và biểu hiện từ bên trong mỗi con người, nó tạo ra động cơ bên trong của mỗi chủ thể, thúc đẩy và điều chỉnh hoạt động của mỗi chủ thể (Nguyễn Ngọc Chính, 2017).
2.1.3.5. Kết quả thực hiện nhiệm vụ
Kết quả hoàn thành công việc là tiêu chí đánh giá đầu ra của quá trình thực thi hoạt động quản lý của CBCC, là tiêu chí cơ bản phản ánh năng lực thực thi hoạt động quản lý nhà nước. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ bao gồm kết quả thực hiện nhiệm vụ riêng của cá nhân, kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của đơn vị. Kết quả thực hiện nhiệm vụ còn đuợc xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, ví dụ nhu kết quả thực hiện một vụ việc cụ thể; kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng, trong năm, trong nhiệm kỳ (Trần Minh, 2016).
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ là dựa trên cơ sở những chỉ tiêu như phần trăm hoàn thành về số lượng cũng như chất lượng những công việc trong kế hoạch để từ đó có nhận xét, kết luận về kết quả làm việc của CBCC. Thông qua tiêu chí đánh giá này, có thể đánh giá được chất lượng đội ngũ CBCC hiện có cũng như khả năng sẽ có trong tương lai. Thông thường đánh giá kết quả thực hiện công việc được thực hiện trong thời gian 1 năm (Nguyễn Ngọc Chính, 2017).
2.1.3.6. Sự hài lòng của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ
Theo Trần Minh (2016): Quản lý Nhà nước là một ngành dịch vụ, công chức nói chung và CBCC thống kê nói riêng là những người đại diện cho Nhà nước thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công. Vì vậy để đánh giá chất lượng đội ngũ công chức nói chung, CBCC Thống kê nói riêng chúng ta không thể không xem xét sự hài lòng của các đối tượng được phục vụ do CBCC thống kê thực hiện, các đối tượng được phục vụ có thể là lãnh đạo UBND các cấp mà trực tiếp là UBND cấp xã nơi CCVP-TK làm việc, có thể là những người sử dụng thông tin thống kê,... Tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của đối tượng được phục vụ bao gồm:
- Tinh thần trách nhiệm đối với công việc; - Thái độ và phong cách phục vụ;
- Chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc.
- Đánh giá chất lượng số liệu thống kê mà CBCC thống kê cung cấp về tính chính xác, kịp thời, đầy đủ.