Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng công chức thống kê trên địa bàn
4.3.3. Công tác đào tạo, bồi dưỡng
Qua khảo sát cho kết quả bảng 4.25 cho kết quả công tác bồi dưỡng, đào tạo là yếu tố quan trọng thứ 2 được quan tâm bởi CCTK.
Bảng 4.25. Đánh giá ảnh hưởng của công tác đào tạo, bồi dưỡng tới chất lượng nhân lực ngành
Nguyên nhân Số lượng (người)
Tỷ lệ theo mức độ quan trọng (%) Thứ 1 Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Tổng số Công tác đào tạo, bồi dưỡng 23 16,6 53,4 21,7 8,3 100 Công chức thống kê cấp huyện 6 16,6 50 16,7 16,7 100 Công chức thống kê cấp xã 17 5,8 59 23,5 11,7 100 Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra của tác giả (2019) Hàng năm Cục thống kê Hưng Yên tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn nghiệp vụ đối với CCTKH sau đó tùy thuộc vào điều kiện và yêu cầu tổ chức mà Chi cục Thống kê huyện sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với CCTK cấp xã. Các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thống kê hàng năm là rất cần thiết để CCTKH có thể triển khai công việc một cách hiệu quả vì trong những buổi tập huấn, bồi dưỡng này hầu như tất cả các phần nghiệp vụ đều được thông qua. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí và thời gian nên các cuộc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thống kê hàng năm thường được lồng ghép thực hiện cùng với một cuộc tập huấn nghiệp vụ về một lĩnh vực nào đó, vì vậy mà số lượng CCTK tham dự không đầy đủ, điều này cũng ảnh hưởng tới chất lượng các công việc được thực hiện ở các Chi cục Thống kê. Lý do CCTK muốn tham gia một số lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nhưng không được tham gia vì thời điểm tổ chức khóa học không phù hợp với lịch công việc của bản thân và xin phép nhưng không được đồng ý cho đi, trong đó lý do chủ yếu được cả CCTKH và CCTKX đưa ra là thời điểm tổ chức khóa học không phù hợp với lịch công việc của bản thân.
Mặt khác là khối lượng công việc của CCTKX thường rất nhiều và có nhiều công việc bị động, không nắm bắt được kế hoạch từ trước nhưng việc giải quyết những công việc này cũng không thể chậm chễ. Vì vậy có một số lớp bồi dưỡng, tập huấn mà CCTKX không thể tham dự hoặc có tham dự nhưng thời gian không bảo đảm đầy đủ. Với CCTKH, hầu hết mỗi người đều được giao phụ trách một lĩnh vực cụ thể, vì vậy có những lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ được tổ chức, bản thân CCTK có nguyện vọng được tham dự và đã chủ động có ý kiến với lãnh đạo Chi cục Thống kê để cho đi tham dự nhưng lại không được đồng ý cho đi, điều này có thể là do lãnh đạo Chi cục Thống kê nhận thấy khối lượng công việc ở đơn vị vào thời điểm có lớp tập huấn là rất nhiều, hơn nữa CCTKH có nhu cầu lại không theo dõi mảng công việc có tập huấn nên đã không cử đi.
Thực tế, một lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ bao giờ cũng có kế hoạch cụ thể về thời gian, trước khi lớp tập huấn, bồi dưỡng diễn ra thì giấy mời tham dự được gửi tới Chi cục Thống kê các huyện (nếu tổ chức tập huấn ở Cục Thống kê), tới UBND các xã, thị trấn (nếu tổ chức tập huấn ở Chi cục Thống kê) và CCTK nhận được cách đó thường là 1 hoặc 2 tuần để các đơn vị và các CCTK chủ động sắp xếp thời gian, công việc tham dự tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ. Qua các lý do trả lời là thời điểm tổ chức khóa học không phù hợp với lịch công việc của bản thân cho thấy, một số CCTK còn chưa biết bố trí sắp xếp thời gian, công việc một cách hợp lý, còn chưa chủ động trong công việc.
Có thể nhận xét, công tác đào tạo, bồi dưỡng CCTK ở huyện Yên Mỹ chưa thật sự bài bản, chưa mang lại hiệu quả. Với CCTK nói chung và CCTKH nói riêng về chuyên môn thực chất chỉ được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ của các phòng nghiệp vụ ở Cục Thống kê, có năm việc tập huấn này được thực hiện, có năm không vì không có kinh phí cho tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên, điều này dẫn tới việc bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cũng chỉ để giải quyết công việc trước mắt mà không tính đến yếu tố ổn định lâu dài về kiến thức cho CCTK; Chi cục Thống kê huyện Yên Mỹ cũng chưa có một hội nghị, hội thảo hay khoá học nào tại Chi cục về vấn đề đào tạo. Chưa có các khoá học về các kỹ năng thu thập, tổng hợp, phân tích, dự báo vấn đề. Đây là những kiến thức, kỹ năng rất cần thiết đối với một người CCTK làm tại đơn vị có chức năng tham mưu cho lãnh đạo các cấp.
Đối với CCTKX, kết quả khảo sát với 17 CCTKX các xã được chọn mẫu cho thấy họ cũng chỉ được tiếp cận nghiệp vụ thống kê thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ do Chi cục Thống kê cấp huyện tổ chức mỗi khi có cuộc điều tra, Chi cục Thống kê huyện không tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thống kê nào có tính chất định kỳ, thường xuyên (do không có kinh phí). Nhiều CCTKX hiện nay làm việc chủ yếu bằng kinh nghiệm. Mặc dù trong thời gian gần đây các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đã được mở ra phần nào giải quyết tình trạng này. Nhưng thực tế số công chức được cử đi học vẫn còn rất hạn chế, một số CCTKX vì thời gian tổ chức lớp bồi dưỡng trùng vào thời gian ở đơn vị rất nhiều việc nên họ không thể sắp xếp công việc, thời gian để tham dự, hoặc có thể tham dự thì việc tham dự chỉ mang tính chất chiếu lệ, vì vậy chất lượng các lớp bồi dưỡng, tập huấn chưa cao.
Một số CCTK chỉ được cử đi tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, lý luận chính trị khi có tên trong danh sách quy hoạch lãnh đạo ở Chi cục, ở UBND xã hoặc đã được bổ nhiệm một vị trí ở đơn vị chứ CCTK không được học tập ngay sau khi được tuyển dụng. Nội dung một số lớp bồi dưỡng, chương trình đào tạo chưa thiết thực, còn thiên về lý luận, chưa chú trọng kỹ năng thực hành, phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới.
Số lượng CCTK có trình độ đại học có tăng trong những năm qua nhưng chất lượng CCTK lại không thấy có chuyển biến rõ rệt. Những công chức này chủ yếu là học đại học tại chức với mục đích chính là nâng cao trình độ để hưởng chế độ, thu nhập chứ không phải nhằm phục vụ công việc và hầu hết các lớp đại học này được mở tại một số trường trong tỉnh dưới hình thức liên thông, liên kết đào tạo.
Công tác đào tạo CCTK chưa thật sự gắn với quy hoạch, chưa gắn với đầu ra, còn tình trạng tự phát, dàn đều, vẫn còn một số công chức có quan niệm học chạy theo bằng cấp nên xảy ra tình trạng một người đi học nhiều lớp cùng một thời điểm, không đảm bảo chất lượng học tập. Việc tổ chức nhiều lớp học tại chức tại tỉnh có ưu điểm là thuận lợi cho người học nên số lượng người theo học nhiều nhưng chất lượng học tập không cao.