Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.4.6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá công chức
- Về kiểm tra, giám sát CCTK
Tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn theo quy định tại Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ Nội vụ, nhằm nâng cao trách nhiệm của đội ngũ CCTK đối với công việc được giao, xử lý kịp thời, nghiêm túc đối với công chức vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị.
Chi cục Thống kê huyện Yên Mỹ hàng năm cần xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thanh tra, giám sát việc thực hiện chế độ công vụ và thanh tra công vụ đối với đội ngũ CCTK để kịp thời uốn nắn, xử lý những vi phạm trong quá trình thực thi công vụ. Với từng cuộc điều tra Chi cục Thống kê xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra riêng để theo sát tình hình thực tế, nắm bắt tình hình điều tra đồng thời đôn đốc công chức thống kê xã giám sát điều tra viên điều tra để đảm bảo chất lượng số lượng điều tra.
Để công tác kiểm tra, giám sát CCTK đạt hiệu quả thì cần căn cứ vào nhiệm vụ, công việc được giao, căn cứ vào quy trình, thời gian giải quyết công việc theo quy định của công chức, nếu phát hiện những yếu tố tích cực cần được
khen thưởng, biểu dương kịp thời, nếu sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định. Phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát hoạt động của công chức nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. CCTKX là người trực tiếp hàng ngày tiếp xúc với nhân dân, trực tiếp giải quyết công việc cho nhân dân. Chính người dân là người nắm rõ nhất thái độ, hành vi trong giải quyết công việc của công chức. Do đó cần phát huy triệt để vai trò của nhân dân trong giám sát việc thực thi công vụ của CCTKX như sử dụng hòm thư góp ý hoặc bố trí để người dân có thể góp ý, phản ánh trực tiếp.
- Về đánh giá CCTK
Cần xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá công chức khoa học và đánh giá thực sự khách quan, công tâm. Xử lý tốt các mối quan hệ giữa đức và tài, quyền hạn và trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích chung, tiêu chuẩn và cơ cấu, năng lực thực tế và bằng cấp phù hợp với mỗi vị trí công tác.
Nhận thức rõ mục đích của việc đánh giá công chức, viên chức hàng năm là để thấy rõ mặt mạnh, mặt yếu, sở trường công tác của từng cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ công tác bổ nhiệm, luân chuyển vị trí công tác, đào tạo bồi dưỡng...tránh tình trạng đánh giá mang tính chất hình thức, không đúng mục đích.
Đánh giá công chức phải căn cứ vào khối lượng, chất lượng, hiệu quả công việc để đánh giá, phân loại. Đánh giá cần được bổ sung những yếu tố định lượng (về công việc, thời gian hoàn thành công việc, tỷ lệ xử lý tình huống thỏa đáng và những giải pháp sáng tạo trong công việc...) bằng cách xây dựng một hệ thống yêu cầu, đòi hỏi của công việc cho mỗi vị trí công chức với các tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ, năng lực; về khối lượng công việc, quy trình xử lý, quy trình tổng hợp, báo cáo kết quả công tác định kỳ. Đánh giá công chức phải kết hợp theo dõi đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ nhằm phản ánh liên tục và kịp thời sự phát triển của công chức.