Hình thành ý kiến kiểm toán

Một phần của tài liệu Bài giảng kiểm toán tuân thủ ths đậu ngọc châu và ts vũ thị phương liên (đông chủ biên) (Trang 39 - 40)

Ý kiến kiểm toán được hình thành dựa trên các phát hiện kiểm toán và các xét đoán chuyên môn để kết luận về sự tuân thủ của nội dung kiểm toán so với tiêu chuẩn đánh giá và đáp ứng được các mục tiêu kiểm toán. Dựa vào tập hợp các phát hiện đối với các tiêu chuẩn đánh giá đã được thiết lập, KTV đưa ra các ý kiến kiểm toán.

Trong một cuộc kiểm toán cung cấp sự đảm bảo hợp lý, phần ý kiến kiểm toán được nêu rõ bằng một câu đảm bảo khẳng định. Tùy thuộc vào mức độ và giới hạn ảnh hưởng của các sai sót mà KTV đưa ra ý kiến kiểm toán tuân thủ chấp nhận toàn phần, ý kiến kiểm toán ngoại trừ, ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến.

Nếu không có trường hợp vi phạm tuân thủ trọng yếu nào được xác định thì ý kiến kết luận là chấp nhận toàn phần: Theo ý kiến của KTV, nội dung kiểm toán của đơn vị, xét trên các khía cạnh trọng yếu, đã tuân thủ tiêu chí áp dụng.”

Trong trường hợp tồn tại các hành vi vi phạm tuân thủ trọng yếu, tùy thuộc vào mức độ vi phạm tuân thủ, điều này có thể dẫn đến Ý kiến kiểm toán ngoại trừ: “Theo ý kiến của KTV, ngoại trừ (nêu phần ngoại trừ), nội dung kiểm toán của đơn vị được kiểm toán, xét trên các khía cạnh trọng yếu, đã tuân thủ tiêu chí áp dụng…”, hoặc Ý kiến trái ngược: “Theo ý kiến của KTV nhận thấy rằng đơn vị được kiểm toán đã không tuân thủ…”.

Trong trường hợp phạm vi kiểm toán tuân thủ bị giới hạn, tùy thuộc vào phạm vi giới hạn, điều này có thể dẫn đến Ý kiến kiểm toán ngoại trừ: “Theo ý kiến của KTV, ngoại trừ (nêu phần ngoại trừ), nội dung kiểm toán của đơn vị được kiểm toán, xét trên các khía cạnh trọng yếu, đã tuân thủ tiêu chí áp dụng…”; hoặc Từ chối đưa ra ý kiến: “Dựa trên công việc kiểm toán đã thực hiện, KTV không thể, và do vậy không đưa ra kết luận…”.

Trước khi đưa ra ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần trong báo cáo kiểm toán, KTV phải cung cấp thông tin giải thích và nêu rõ cơ sở cho việc đưa ra ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần.

Trong trường hợp KTV thấy rằng cần thiết phải chi tiết thêm các vấn đề cụ thể mà không ảnh hưởng đến ý kiến hoặc kết luận về tính tuân thủ, KTV có thể công khai những vấn đề này bằng cách sử dụng đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” hoặc "Vấn đề khác".

- Kiểm toán viên sử dụng đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” khi cho rằng một vấn đề đã được trình bày hoặc thuyết minh trong báo cáo tài chính, tuy không có sai sót trọng yếu nhưng có tầm quan trọng để người sử dụng hiểu rõ hơn báo cáo tài chính;

- Kiểm toán viên sử dụng đoạn “Vấn đề khác” khi có các vấn đề không được trình bày và công khai trong báo cáo tài chính, tuy không ảnh hưởng đến ý kiến hay kết luận về tính tuân thủ nhưng có thể giúp người sử dụng hiểu rõ hơn về cuộc kiểm toán, về trách nhiệm của KTV hoặc về báo cáo kiểm toán.

Trong trường hợp báo cáo kiểm toán cung cấp đảm bảo hạn chế, phần kết luận thường được trình bày như sau: “Theo ý kiến của KTV, không có điều gì chứng tỏ rằng nội dung kiểm toán của đơn vị được kiểm toán là không tuân thủ, xét trên tất cả các khía cạnh trọng yếu, với tiêu chí áp dụng”.

Một phần của tài liệu Bài giảng kiểm toán tuân thủ ths đậu ngọc châu và ts vũ thị phương liên (đông chủ biên) (Trang 39 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)