XUẤT
5.3.1. Mục tiêu kiểm toán tuân thủ trong kiểm toán hoạt động sản xuất
Hoạt động sản xuất là quá trình kết hợp các yếu tố sức lao động, tư liệu lao động và đối tượng lao động nhằm tạo ra sản phẩm để sử dụng hay để trao đổi thương mại. Đây là hoạt động chủ yếu trong các hoạt động kinh tế của con người.
Mục tiêu hoạt động sản xuất là nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, giảm thiểu chi phí nhằm tạo ra được nhiều sản phẩm với chất lượng tốt nhất, giá thành nhỏ nhất (mục tiêu tính kinh tế và tính hiệu quả) đồng thời đảm bảo kiểm soát được hoạt động sản xuất theo đúng mục tiêu của nhà quản lý (kiểm soát được nguyên vật liệu, kiểm soát được lao động, kiểm soát được sản phẩm dở dang, kiểm soát được giá trị thu hồi từ sản xuất, kiểm soát được số lượng sản phẩm hỏng, kiểm soát được quy trình sản xuất, kiểm soát được chất lượng sản phẩm…) do đó mục tiêu hiệu lực quản
trị nội bộ doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất cũng luôn được nhà quản lý quan tâm.
Do đó, mục tiêu của kiểm toán hoạt động sản xuất là xem xét, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hiệu lực quản trị nội bộ đối với hoạt động sản xuất từ đó xác định và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hiệu lực trong quản trị nội bộ hoạt động sản xuất của đơn vị.
Phù hợp với mục tiêu nêu trên của kiểm toán hoạt động sản xuất, mục tiêu của KTV khi kiểm toán tính tuân thủ trong kiểm toán hoạt động sản xuất là nhằm xem xét, đánh giá tính tuân thủ pháp luật và các quy định của các cấp có thẩm quyền cũng như các quy định của nội bộ đơn vị liên quan đến hoạt động sản xuất, từ đó có thể đưa ra các giải pháp, khuyến nghị nhằm giúp đơn vị tuân thủ tốt hơn pháp luật và các quy định này, góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực quản trị nội bộ của hoạt động cung ứng.