Tiêu chuẩn đánh giá tính tuân thủ trong kiểm toán hoạt động sản xuất chính là các quy định cụ thể của pháp luật và các quy định của các cấp có thẩm quyền hoặc cơ quan chuyên môn hoặc của đơn vị đề ra mà đơn vị cần tuân thủ trong quá trình sản xuất. Trong đó:
- Pháp luật và các quy định của các cấp có thẩm quyền ban hành về hoạt động sản xuất như: Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật sở hữu trí tuệ; Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật bảo vệ môi trường…do Quốc hội ban hành; Các Các nghị định, quyết định hướng dẫn chi tiết các Luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về sở hữu trí tuệ, về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật… của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ; các thông tư hướng dẫn về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về sở hữu trí tuệ, về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, về an toàn lao động … của Bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ…
- Các quy định về sản xuất của bản thân đơn vị: là các quy định do thủ trưởng, lãnh đạo đơn vị được kiểm toán đề ra nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất của đơn vị trên cơ sở các quy định của pháp luật và quy định của các cấp có thẩm quyền như: quy định về việc thiết kế và phát triển sản phẩm mới, các quy định về quy trình sản xuất
sản phẩm, quy định về quản lý nguyên vật liệu, quy định về bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị dây truyền sản xuất, quy định kiểm tra chất lượng sản phẩm sản xuất hoàn thành, quy định về kiểm soát chất thải, các quy định về an toàn lao động sản xuất…
Dựa trên các tiêu chuẩn này, trong quá trình đánh giá tính tuân thủ trong quá trình đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và tính hiệu quả của hoạt động sản xuất, KTV sẽ xem xét đơn vị được kiểm toán có tuân thủ các tiêu chuẩn nêu trên trong quá trình thực hiện hoạt động sản xuất của mình hay không.
Ví dụ, khi xem xét tính tuân thủ đối với hoạt động kiểm soát chất thải trong quá trình sản xuất, KTV cần xem xét những vấn đề sau:
Kiểm soát chất thải luôn là vấn đề phức tạp đối với hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và có mối quan hệ trực tiếp tới toàn bộ hoạt động sản xuất. Thông thường, để đảm bảo kiểm soát chất thải tuân thủ pháp luật và các quy định về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp phải chi ra một khoản chi phí rất lớn. Điều này ảnh hưởng đến số vốn cần huy động và đến giá thành của sản phẩm. Do đó, nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp tại Việt Nam, trong bối cảnh trình độ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế) đã vi phạm pháp luật và các quy định về bảo vệ môi trường. Do đó, khi kiểm toán hoạt động kiểm soát chất thải trong quá trình sản xuất, KTV cần xem xét đơn vị được kiểm toán đã đảm bảo tuân thủ đầy đủ Luật về bảo vệ môi trường của Nhà nước cũng như các quy định về kiểm soát chất thải mà đơn vị đã ban hành hay chưa.
5.3.3. Các kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán tuân thủ trong kiểm toán hoạtđộng sản xuất động sản xuất
Kiểm toán viên sử dụng các kỹ thuật để thu thập bằng chứng đánh giá tính tuân thủ trong cuộc kiểm toán hoạt động sản xuất tương tự như khi kiểm toán tính tuân thủ trong kiểm toán hoạt động quản lý và sử dụng nhân lực. Các kỹ thuật được sử dụng như:
Vận dụng Kỹ thuật phỏng vấn
Kiểm toán viên có thể phỏng vấn Ban giám đốc, Giám đốc sản xuất; Giám đốc kỹ thuật, các cán bộ phòng kỹ thuật, các quản đốc phân xưởng, công nhân sản xuất...Các câu hỏi phỏng vấn sẽ tập trung vào các vấn đề về tính tuân thủ các quy định của pháp
luật, cơ quan chuyên môn và quy định của bản thân đơn vị về hoạt động sản xuất trong đơn vị.
Kiểm toán viên có thể lập và gửi bảng câu hỏi đến những người có hiểu biết về hoạt động sản xuất trong đơn vị hoặc những người có liên quan đến hoạt động sản xuất ở trong và ngoài đơn vị để đánh giá mức độ tuân thủ của đơn vị đối với những quy định của pháp luật, cơ quan chuyên môn và quy định của bản thân đơn vị về hoạt động sản xuất. Các dạng câu hỏi cũng tương tự như kiểm toán hoạt động quản lý và sử dụng nhân lực trong đơn vị.
Vận dụng Kỹ thuật kiểm tra/Xem xét tài liệu
Kiểm toán viên cũng có thể sử dụng các tài liệu sẵn có tại đơn vị để kiểm tra, xem xét tính tuân thủ trong kiểm toán hoạt động sản xuất như: các kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị; các quy định về quy trình sản xuất, về kiểm soát chất lượng sản phẩm, về kiểm soát nguyên vật liệu, về kiểm soát chất thải, về an toàn lao động...; các báo cáo, số liệu thống kê mà đơn vị đã lập để phục vụ cho mục đích quản lý và giám sát hoạt động sản xuất như báo cáo về số lượng sản phẩm sản xuất thực tế, số lượng sản phẩm hỏng, giá thành thực tế của sản phẩm sản xuất, chi phí thực tế để kiểm soát chất thải...
Vận dụng Kỹ thuật quan sát
Kiểm toán viên cũng thường xuyên sử dụng kỹ thuật quan sát khi tiến hành kiểm toán tính tuân thủ trong cuộc kiểm toán hoạt động sản xuất. Kiểm toán viên sử dụng kỹ thuật quan sát để thẩm định xem các quy định, chính sách, thủ tục về sản xuất mà đơn vị đã ban hành có logic không, có hoạt động không và có được tuân thủ trong thực tế không. Ví dụ, KTV có thể quan sát trực tiếp dây truyền sản xuất, quan sát việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, quan sát quy trình xử lý chất thải...
Ngoài ra, KTV có thể sử dụng các kỹ thuật khác như thực hiện lại, phân tích số liệu, xin xác nhận từ bên ngoài; sử dụng chuyên gia; các kỹ thuật kiểm tra, đánh giá khác mà KTV xét thấy cần thiết phải tiến hành trong từng trường hợp cụ thể và KTV phải vận dụng xét đoán chuyên môn khi phát hiện những hành vi không tuân thủ pháp luật...