động quản lý và sử dụng nhân lực
Kiểm toán tính tuân thủ trong kiểm toán hoạt động quản lý và sử dụng nhân lực cũng áp dụng các kỹ thuật thu thập bằng chứng nói chung trong cuộc kiểm toán tuân thủ. Các kỹ thuật này được vận dụng trong cuộc kiểm toán hoạt động quản lý và sử dụng nhân lực như sau:
Vận dụng Kỹ thuật phỏng vấn
Khi áp dụng kỹ thuật này để kiểm toán tính tuân thủ trong kiểm toán hoạt động quản lý và sử dụng nhân lực, KTV cần phải chọn mẫu các nhân sự của đơn vị để phỏng vấn. Thường KTV phải chọn mẫu những người có kiến thức chuyên môn về quản lý và sử dụng nhân sự như: Ban giám đốc, các cán bộ của phòng tổ chức nhân sự, đại diện công đoàn, các trưởng, phó phòng ban trong đơn vị…Các câu hỏi phỏng vấn tập trung vào các vấn đề về tính tuân thủ các quy định của pháp luật, cơ quan chuyên môn và quy định của bản thân đơn vị về quản lý và sử dụng nhân sự trong đơn vị; sự thỏa mãn của người lao động trong đơn vị…
Kiểm toán viên cũng có thể lập và gửi bảng câu hỏi đến những người có hiểu biết về quản lý và sử dụng nhân lực trong doanh nghiệp hoặc những người lao động trong đơn vị để đánh giá mức độ tuân thủ của họ đối với những quy định của pháp luật, cơ quan chuyên môn và quy định của bản thân đơn vị về quản lý và sử dụng nhân sự trong đơn vị. Các câu hỏi có thể thuộc một trong ba loại là câu hỏi đóng (người được hỏi chọn trong số các câu trả lời được liệt kê sẵn); câu hỏi mở (người được hỏi viết ra câu trả lời); và câu hỏi xếp hạng (người trả lời sẽ cung cấp mức độ đồng ý với các câu hỏi bằng cách lựa chọn một trong các khả năng ví dụ Rất tốt; Tốt; Bình thường; Kém; Rất kém…).
Vận dụng Kỹ thuật kiểm tra/xem xét tài liệu
Trong quá trình kiểm toán tính tuân thủ trong cuộc kiểm toán hoạt động quản lý và sử dụng nhân lực, KTV cũng có thể sử dụng các tài liệu sẵn có tại đơn vị để kiểm tra, xem xét nhằm thu thập bằng chứng cho mục đích kiểm toán. Các tài liệu KTV thường sử dụng để xem xét như các kế hoạch của đơn vị (kế hoạch tuyển dụng nhân sự, kế hoạch đào tạo nhân sự, kế hoạch về năng suất lao động…); các quy định, chính sách và thủ tục mà đơn vị đã ban hành để phục vụ cho quá trình quản lý và sử dụng nhân lực (chính sách tiền lương, thưởng, bảo hiểm tế…); các báo cáo, số liệu thống kê mà đơn vị đã lập để phục vụ cho mục đích quản lý và giám sát như báo cáo về thời gian và công việc hoàn thành, báo cáo tiền lương thực tế…
Vận dụng Kỹ thuật quan sát
Kiểm toán viên cũng thường sử dụng kỹ thuật quan sát khi tiến hành kiểm toán tính tuân thủ trong cuộc kiểm toán hoạt động quản lý và sử dụng nhân lực. Kiểm toán viên sử dụng kỹ thuật quan sát để thẩm định xem các quy định, chính sách, thủ tục về lao động mà đơn vị đã ban hành có logic không, có hoạt động không và có được tuân thủ trong thực tế không. Ví dụ KTV có thể quan sát công việc chấm công của quản đốc phân xưởng đối với nhân viên phân xưởng xem việc chấm công có diễn ra đúng thời điểm đầu ca làm việc và đối với mọi nhân viên phân xưởng như đúng quy định của doanh nghiệp đã ban hành không.
Kiểm toán viên cũng có thể sử dụng kỹ thuật thực hiện lại đối với một vài hoạt động để đánh giá liệu các quy định, chính sách và các thủ tục trong quản lý hoạt động quản lý và sử dụng nhân lực có được hoạt động như thiết kế và có mang lại các kết quả như mong đợi hay không. Ví dụ, để đánh giá xem máy đọc thẻ nhân viên kiểm soát thời gian làm việc của người lao động có đúng không KTV có thể quẹt thử một vài thẻ và ghi lại thời gian quẹt thẻ, sau đó so sánh với thời gian mà máy đã ghi lại.
Vận dụng Kỹ thuật phân tích số liệu
Kiểm toán viên có thể sử dụng kỹ thuật thống kê mô tả và suy luận thống kê khi muốn đánh giá tính kinh tế và tính hiệu quả của hoạt động đang được kiểm toán thông qua việc phân tích năng suất, thống kê số lượng nhân sự, số lượng sản phẩm sản xuất, số lượng sản phẩm bán ra… qua đó cũng có thể đánh giá mức độ thực hiện (tuân thủ) kế hoạch đề ra.