Trong quá trình hoạt động SXKD, các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định pháp luật chung và các quy định pháp lý gắn với từng lĩnh vực hoạt động, ví dụ, luật doanh nghiệp, quy định về điều kiện SXKD, quy định về sử dụng lao động và chính sách tiền lương, báo hiểm cho người lao động, quy định về nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước... Các quy định pháp luật này để ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong hoạt động SXKD và cũng tác động nhất định đến hoạt động tài chính trong doanh nghiệp. Bởi vậy, các quy định pháp luật gắn với từng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp là một loại tiêu chuẩn đánh giá việc tuân thủ pháp luật và các quy định trong kiểm toán BCTC của các doanh nghiệp SXKD.
Hầu hết các doanh nghiệp có sự ràng buộc và phải tuân thủ các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và quy định của cấp trên. Những quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và của cấp trên thường gắn với từng lĩnh vực hoặc trong một phạm vi cụ thể như: quy định về phát hành trái phiếu; quy định về quản lý, sử dụng ngoại tệ; các quy định về tiền lương, tiền thưởng trong ngành, trong tập đoàn... Những quy định này chi phối và điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động, thậm chí là một số loại nghiệp vụ cụ thể. Việc tuân thủ các quy định có liên quan này cũng là một trong các yêu cầu đối với đơn vị và nó cũng ảnh hưởng đến tình hình tài chính,thông tin tài chính của doanh nghiệp. Bởi vậy, các quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
và quy định của cấp trên là một loại tiêu chuẩn đánh giá việc tuân thủ pháp luật và các quy định trong kiểm toán BCTC của các doanh nghiệp SXKD.
Nhìn chung, các doanh nghiệp đều thiết lập và ban hành những quy định (quy chế) phục vụ cho quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung rõ nhất là việc thiết lập và duy trì hoạt động kiểm soát nô ̣i bô ̣ (KSNB). Hoạt động KSNB của doanh nghiệp là yếu tố chủ yếu đảm bảo cho việc tuân thủ pháp luật và các quy định tại doanh nghiệp. Việc thiết lập và vận hành hoạt động này phải tuân theo ba nguyên tắc KSNB cơ bản (gồm nguyên tắc “Phân công, phân nhiêm”, nguyên tắc “Phê chuẩn và ủy quyền”, nguyên tắc “Bất kiêm nhiệm”) và những quy định cụ thể về chức năng, trách nhiệm, nội dung và trình tự các công việc kiểm soát. Bởi vậy, để đánh giá việc tuân thủ pháp luật và các quy định của doanh nghiệp, cần phải thông qua việc xem xét, đánh giá việc thiết lập và duy trì hoạt động KSNB của doanh nghiệp. Do đó, trong trường hợp này, các nguyên tắc tổ chức hoạt động KSNB và các quy định cụ thể về chức năng, trách nhiệm, nội dung và trình tự các công việc kiểm soát cũng chính là tiêu chuẩn (hay căn cứ) để đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hoạt động KSNB (đối với việc đảm bảo cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và các quy định).
Quá trình xử lý các nghiệp vụ kinh té từ khi phát sinh cho đến khi tổng hợp thông tin trình bày lên BCTC, doanh nghiệp phải tuân theo những quy định nhất định. Cụ thể là, các nhà quản lý phải tuân thủ các quy định cụ thể, phù hợp với chức năng, thẩm quyền được giao trong phê chuẩn các nghiệp vụ; Các cán bộ chuyên môn (tài chính, kế toán) phải tuân thủ các quy định chuyên môn (chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và quy định pháp luật có liên quan) trong quá trình ghi chép, xử lý hạch toán nghiệp vụ và phân loại, tổng hợp thông tin tài chính. Để xem xét đánh giá về tính trung thực, hợp lý của thông tin tài chính và BCTC, thì việc xem xét, đánh giá liệu các nhà quản lý có thực thi tuân thủ đúng chức năng và thẩm quyền phê chuẩn hay không; xem xét, đánh giá công việc của các cán bộ chuyên môn có đảm bảo thực hiện đúng các quy định chuyên môn hay không là nội dung cấu thành cơ sở để KTV đưa ra ý kiến nhận xét, đánh giá. Do đó, các quy định về chức năng phê chuẩn, các chuẩn mực, chế độ kế toán cụ thể và các quy định pháp lý có liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán là các tiêu chuẩn đánh giá cụ thể để thực hiện kiểm toán tuân thủ kết hợp chặt chẽ và không thể thiếu, ngay trong kiểm toán BCTC.