- Tôi đã từng không có thiện cảm với những người buôn bán xung quanh…
2. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HÓA CỦA DI TÍCH CÁCH MẠNG CỒN MÃ NHÓN
Di tích cách mạng cồn Mã Nhón, xã Hoằng Đạo và cồn Ba Cây, xã Hoằng Thắng gắn với quá trình đấu tranh của nhân dân huyện Hoằng Hóa, với mốc son chói lọi ngày 24/7/1945 của quê hương, bắt sống viên tri phủ Phạm Trọng Bảo và 12 lính bảo an… Đây là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên của huyện Hoằng Hóa và tỉnh Thanh Hóa, trở thành ngày truyền thống cách mạng.
Những di tích cách mạng này chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa, có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc.
Hoằng Hóa là mảnh đất ven biển nằm ở phía Đông tỉnh Thanh Hóa, có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hoằng Hóa đã kiên cường đấu tranh, phát huy mạnh mẽ những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đóng góp to lớn trong sự nghiệp chung của dân tộc. Trong giai đoạn 1939 - 1945, thực hiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, toàn dân đẩy mạnh việc chuẩn bị khởi nghĩa khi thời cơ đến sẵn sàng đứng lên giành chính quyền. Tại Hoằng Hóa, để đẩy mạnh phong trào cách mạng, ban vận động Việt Minh được thành lập năm 1943, đồng thời không khí chuẩn bị khởi nghĩa sục sôi trong toàn huyện… Các đội tự vệ chiến đấu, tiểu đội du kích ra đời, tích cực huấn luyện; đội quân chính trị hùng hậu quần chúng được xây dựng và tập dượt đấu tranh…
Bước sang năm 1944, tình hình cách mạng thế giới và trong nước phát triển gấp rút, phong trào cách mạng ở Hoằng Hóa lên cao. Tháng 6/1944, tại Đằng Trung - xã Hoằng Đạo, đồng chí Tố Hữu được sự phân công của Trung ương và Tỉnh ủy đã trực tiếp triệu tập Hội nghị tái lập chi bộ Đảng Cộng sản huyện. Được sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng và Mặt trận Việt Minh huyện, nhân dân Hoằng Hóa đã tổ chức các cuộc đấu tranh với hình thức từ thấp đến cao, sôi nổi, phong phú như biểu tình, tuyên truyền có vũ trang, bãi công, phá kho thóc giải quyết nạn đói… sẵn sàng chuyển sang khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ tới.
Trong tình thế thất bại gần kề, ngày 09/3/1945, phát xít Nhật đã ra tay trước đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương. Trong bối cảnh trên, ngày 12/3/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” phát động cao trào kháng Nhật cứu nước rộng rãi trong toàn quốc làm tiền đề tiến tới tổng khởi nghĩa. Ngày 12/5/1945, phát xít Nhật và tay sai về thu thóc ở Bút Sơn, nhân dân đã đứng lên biểu tình, phản đối “quyết giữ lấy thóc mà ăn”, “bán rẻ cho đồng bào còn hơn bán đắt cho Nhật”… Ngày 20/5/1945, diễn ra cuộc đấu tranh phá kho thóc của 500 người tại thôn Đằng Trung, Hoằng Đạo. Phong trào đấu tranh với nhiều hình thức của nhân dân Hoằng Hóa ngày càng dâng cao trở thành một trong những cao điểm của cao trào cách mạng trong tỉnh. Nhật và chính quyền tay sai đã nhiều lần gửi thư xin gặp đại diện Việt Minh để thương lượng hòng xoa dịu tinh thần đấu tranh nhưng bất thành.
Trong tình cảnh trên, tri phủ huyện Hoằng Hóa đã xin viện binh của tỉnh. Ngày 23/7/1945, phát xít Nhật và tỉnh trưởng bù nhìn đã phái một đơn vị bảo an gồm 34 tên, được trang bị vũ khí đầy đủ kéo về phủ lỵ Hoằng Hóa dự định cùng tri phủ phối hợp thực hiện kế hoạch khủng bố hai khu vực chúng cho là “cái nôi của cách mạng” là Đằng Trung, xã Hoằng Đạo và Liên Châu - Hóa Lộc, Hoằng Châu. Sáng ngày 24/7/1945, chúng chia làm 2 toán: toán thứ nhất gồm 12 tên do tri phủ Phạm Trọng Bảo chỉ huy từ phủ lỵ kéo về khủng bố cơ sở cách mạng ở Đằng Trung, Hoằng Đạo; toán thứ hai gồm
22 tên do Quản Hiến chỉ huy kéo về Liên Châu, Hóa Lộc, Hoằng Châu. Nắm được âm mưu của địch, sau khi xem xét tình hình Chi bộ Đảng và Ban cán sự Việt Minh huyện đã chuẩn bị mọi kế hoạch tác chiến, huy động lực lượng tự vệ và quần chúng bố trí phục kích sẵn sàng tiêu diệt địch. Cồn Mã Nhón thuộc Đằng Trung, xã Hoằng Đạo trước kia là cồn cây rậm rạp, xung quanh là đồng lầy, chỉ có duy nhất một tuyến độc đạo chạy qua đi đến các làng phía Nam của huyện Hoằng Hóa. Lực lượng tự vệ của ta vốn thông thạo địa hình nên bố trí mai phục ở đây để hoạt động tiến lui dễ dàng, còn kẻ địch sẽ rất lúng túng khi tiến công. Đúng như dự kiến, khi toán quân của Phạm Trọng Bảo vừa đến đầu làng Đằng Trung đã sa vào trận địa phục kích của ta ở cồn Mã Nhón. Tri phủ Phạm Trọng Bảo và 12 tên lính bảo an bị bắt sống, tịch thu toàn bộ vũ khí. Toán quân do Quản Hiến cầm đầu cũng bị đánh tơi tả, buộc phải bơi qua sông Mã theo đường Quảng Xương chạy tháo thân về thị xã.
Chớp thời cơ lịch sử, vào buổi chiều ngày 24/7/1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện Hoằng Hóa đã tổ chức mít tinh lớn tại cồn Ba Cây xã Hoằng Thắng. Tri phủ Phạm Trọng Bảo được giải về đó để nhận tội. Sau mít tinh, hàng ngàn quần chúng tham gia tuần hành có vũ trang đã tiến về phủ lỵ giải phóng phủ đường. Ngay chiều hôm đó, chính quyền tay sai cho phát xít Nhật ở Hoằng Hóa đã phải tuyên bố xóa bỏ. Chỉ trong một ngày Hoằng Hóa khởi nghĩa giành chính quyền thành công.
Như vậy, cuộc khởi nghĩa ngày 24/7/1945 tại Hoằng Hóa gắn với địa danh cồn Mã Nhón, xã Hoằng Đạo và cồn Ba Cây, xã Hoằng Thắng. Với thắng lợi này, bộ máy chính quyền thực dân phong kiến đã bị đập tan, chính quyền nhân dân được thiết lập, nhân dân Hoằng Hóa từ thân phận nô lệ đã đứng dậy trở thành chủ nhân thực sự của quê hương mình. Thắng lợi 24/7/1945, đã trực tiếp cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng, tạo thế và lực mới mở màn cho sự bùng nổ của cao trào khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi toàn huyện, toàn tỉnh… Sự kiện lịch sử ngày 24/7/1945, tại Hoằng Hóa gắn với địa danh cồn Mã Nhón và cồn Ba Cây có mối liên hệ trực tiếp với lịch sử dân tộc, là minh chứng tiêu biểu cho thời kỳ đấu tranh oanh liệt của cao trào kháng Nhật cứu nước, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.
Thắng lợi này đã chứng minh một cách cụ thể và sinh động đường lối, phương pháp cách mạng Đảng ta nêu ra là hoàn toàn đúng đắn, con đường đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa hoàn toàn hợp lý…. Đồng thời cũng khẳng định rõ sự tuyệt vời của nghệ thuật chớp thời cơ, sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ huyện Hoằng Hóa trong việc táo bạo giành chính quyền khi thời cơ đến.
Sự kiện ngày 24/7/1945 còn là sự phát huy cao độ truyền thống quý báu của nhân dân Hoằng Hóa nói riêng, tỉnh Thanh nói chung. Đây là thắng lợi của lòng kiên cường dũng cảm, của ý chí quyết thắng, là đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được
thể hiện trên quê hương Hoằng Hóa. Tinh thần ngày 24/7 đã trở thành biểu tượng cách mạng, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng, trở thành nguồn cổ vũ động viên lớn lao, tạo tiền đề to lớn để tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp chung của đất nước. Địa danh cồn Mã Nhón và cồn Ba Cây đi vào tâm thức của nhân dân trở thành biểu tượng của tinh thần ngày 24/7 có ý nghĩa giáo dục lớn lao cho thế hệ trẻ trên quê hương, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông mình đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với giá trị sâu sắc như trên, địa danh cồn Mã Nhón và cồn Ba Cây đã được Sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa)
công nhận là di tích cách mạng ngày 20/6/1995. Từ đó đến nay, các di tích cách mạng quan trọng này đã được Đảng bộ và nhân dân huyện Hoằng Hóa đầu tư xây dựng và trùng tu, tôn tạo nhằm giáo dục tinh thần cho thế hệ trẻ, đồng thời làm nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân. Việc sử dụng di tích cách mạng này trong dạy học môn lịch sử ở các trường THPT trước hết của Hoằng Hóa là rất cần thiết và góp phần nâng cao hiệu quả bài học trên cả ba phương diện kiến thức, thái độ và kỹ năng.