1.3 Phòng chống rửa tiền ở một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm
1.3.2 Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Mặc dù là nước đi sau trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể rút ngắn khoảng cách chênh lệch và giảm thiểu thiệt hại trong việc thực hiện kiểm soát rửa tiền. Qua nghiên cứu việc thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền tại một số nước như: Mỹ, Singapore, chúng ta có thể rút ta một số kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:
Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống rửa tiền. Kinh nghiệm của các nước trên cho thấy, việc sớm ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống rửa tiền sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan thực thi đầy đủ các quyền và chức năng của mình. Bên cạnh đó cũng cần phải thường xuyên rà soát văn bản pháp lý để điều chỉnh phù hợp để đáp ứng với điều kiện thực tiễn.
Xây dựng hệ thống giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền hiệu quả. Mặc dù Mỹ là nước có hệ thống luật pháp về phòng chống
rửa tiền từ những năm 1970, nhưng do thiếu một hệ thống giám sát hiệu quả nên vụ ngân hàng Boston cố tình vi phạm các quy định về lưu giữ chứng từ, giao dịch với các tội phạm nổi tiếng qua nhiều năm mới được phát hiện. Do vậy, công tác giám sát đóng một vai trò quan trọng trong công tác phòng chống rửa tiền của các quốc gia.
Xây dựng chính sách nhận biết khách hàng. Theo kinh nghiệm của các nước có hệ thống phòng chống rửa tiền hiệu quả thì việc các ngân hàng xây dựng được chính sách nhận biết khách hàng là đã thực hiện cắt đứt sự tiếp cận hệ thống ngân hàng của bọn tội phạm; tức giai đoạn 1 của quy trình rửa tiền chưa được thực hiện.
Hợp tác quốc tế trong phòng chống rửa tiền. Hợp tác quốc tế không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia mà nó còn củng cố mối quan hệ của các quốc gia. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền cũng không là ngoại lệ, nó giúp các quốc gia dễ dàng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ … Các hình thức hợp tác có thể là hỗ trợ tập huấn, nâng cao năng lực; điều tra chung; trao đổi thông tin, chứng cứ; cùng xây dựng và cam kết thực thi các chuẩn mực chung về phòng chống rửa tiền…
KẾT LUẬN CHƯƠNG I
Trong chương này, tác giả đã giới thiệu các khái niệm về rửa tiền, các phương thức và quy trình rửa tiền tiêu biểu cũng như những ảnh hưởng của hoạt động rửa tiền đến nền kinh tế. Hoạt động rửa tiền ngày nay không bó hẹp trong phạm vi một quốc gia hay một khu vực mà luôn có xu hướng mở rộng trên toàn thế giới với khối lượng tiền được tẩy rửa mỗi năm ngày càng gia tăng.
Dù cho hoạt động rửa tiền có xu hướng biến đổi như thế nào thì ngân hàng vẫn là sự lựa chọn hàng đầu để thực hiện hành vi tẩy rửa bởi vì khả năng giao dịch lớn và đồng tiền qua ngân hàng sẽ trở thành “đồng tiền sạch”, từ đó có thể giao dịch đến bất kỳ đâu mà không gây ra bất cứ một sự nghi ngờ gì về tính hợp pháp của chúng. Ngành ngân hàng Việt Nam hiện đang đứng nguy cơ sẽ là điểm đến của tội phạm rửa tiền trên thế giới. Thực trạng phòng chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng Việt Nam được trình bày ở chương II sẽ cho thấy rõ hơn về vấn đề này.
CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN QUA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM