biệt là tội phạm tham nhũng
Để công tác phòng chống rửa tiền hiệu quả thì việc phòng, chống các loại tội phạm nguồn như: ma túy, buôn lậu, trốn thuế … và đặc biệt là tham nhũng cần phải được quan tâm đúng mức. Tình trạng tham nhũng tại Việt Nam không được cải thiện trong những năm qua. Ngày 28/01/2016, Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International - TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam năm 2015 xếp thứ 112/168 nền kinh tế, với điểm số 31/100 không đổi từ năm
2012 đến nay. Trước đó, năm 2014, Việt Nam xếp thứ 119/176 quốc gia nằm trong danh sách điều tra về cảm nhận tham nhũng của TI. Như vậy, nếu xét trên thứ hạng, năm 2015, Việt Nam đã tăng được 7 bậc, từ thứ 119 lên thứ 112. Tuy vậy, về bản chất, việc thăng hạng như trên gần như là vô nghĩa bởi tình trạng tham nhũng của Việt Nam vẫn chưa hề được cải thiện trong cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia nghiên cứu. Do đó việc phòng chống tham nhũng cần phải được thực hiện đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương:
Chính phủ tập trung xây dựng và củng cố các chính sách nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền, đồng thời giảm tham nhũng trong các lĩnh vực công được coi là thường xảy ra tham nhũng nhất.
Cần có sự điều phối tốt hơn và phân định rõ ràng hơn về chức năng và quyền hạn của các cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nhằm đảm bảo các cơ quan này hoạt động hiệu quả.
Việt Nam cần sớm ban hành và đảm bảo thực thi hiệu quả Luật tiếp cận thông tin. Bộ luật này cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế, đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin của người dân đối với hoạt động của các cơ quan công quyền.
Trong bối cảnh Việt Nam đang sửa đổi Bộ Luật Hình sự và có kế hoạch đánh giá 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, mọi thay đổi đối với hai văn bản luật này cần đảm bảo tính nhất quán và phù hợp với các yêu cầu trong Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là một thành viên.
Các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng cần được gia tăng quyền hạn, đồng thời phải đảm bảo trách nhiệm giải trình. Chính phủ nên cân nhắc việc chỉ định một cơ quan với đầy đủ chức năng, thẩm quyền, sự độc lập và năng lực để điều hành, điều phối và chịu trách nhiệm giải trình về công tác thực thi pháp Luật Phòng, chống tham nhũng.
Thực hiện cơ chế giám sát dư luận xã hội, giám sát của công chúng: xây dựng cơ chế phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng từ nhân dân, báo chí, đảm bảo an toàn cho người tố giác. Đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích, khen thưởng người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng.
Đánh giá, xem xét điều chỉnh thu nhập đối với cán bộ công viên chức Nhà nước phù hợp với tình hình kinh tế. Một khi thu nhập của cán bộ được đảm bảo thì sẽ hạn chế tình trạng tham nhũng.