2.2 Thực trạng phòng chống rửa tiền qua hệ thống Ngân hàng Việt Nam
2.2.2.3 Công tác đào tạo
Hầu hết các nhân viên ngân hàng trước khi tiếp nhận công việc đều được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nhưng đào tạo về phòng chống rửa tiền thì vẫn chưa thực sự quan tâm. Trước khi Thông tư số 31/2014/TT-NHNN được ban hành thì chỉ có một số ngân hàng lớn thực hiện công tác đào tạo nghiệp vụ phòng chống rửa tiền nhưng số lượng tham gia còn ít.
Thông tư số 31/2014/TT-NHNN được ban hành ngày 11/11/2014 yêu cầu định kỳ hàng năm, ngân hàng phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách phòng chống rửa tiền và cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ liên quan đến giao dịch tiền, tài sản với khách hàng về nghiệp vụ phòng chống rửa tiền; trong khi yêu cầu phải đào tạo nhân viên mới tuyển dụng dự kiến đảm trách nhiệm vụ phòng chống rửa tiền và các nhiệm vụ khác liên quan đến giao dịch tiền, tài sản với khách hàng kiến thức, nghiệp vụ phòng chống rửa tiền trong vòng 6 (sáu) tháng kể từ ngày được tuyển dụng. Do đó, đa số ngân hàng đều tổ chức các lớp đào tạo thông qua hình thức đào tạo tập trung hoặc đào tạo trực tuyến, tuy nhiên việc đào tạo của nhiều ngân hàng còn mang tính chất đối phó. Ví dụ: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo tập trung về phòng chống rửa tiền nhưng đối tượng tham gia rất hạn chế, một chi nhánh chỉ từ một đến hai người tham gia. Bên cạnh đó, hàng năm ngân hàng đều tổ chức các lớp đào tạo cán bộ mới có lồng ghép nội dung phòng chống rửa tiền nhưng nhiều chi nhánh không cử cán bộ tham gia đào tạo mà chưa có chế
tài bắt buộc hay xử lý những trường hợp vi phạm. Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mặc dù Hội đồng quản trị đã quy định trách nhiệm các bộ phận, nội dung và thời gian đào tạo cho cán bộ về phòng chống rửa tiền theo quy định số 1935-2014-QÐi-HÐQT ngày 31/12/2014 về việc thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền trong hệ thống VPBank nhưng hình thức đào tạo phần lớn thông qua việc đưa nội dung lên mạng nội bộ VPBank để tuyên truyền đến cán bộ. Tuy nhiên nếu VPBank không có cơ chế giám sát, chế tài bắt buộc cán bộ tại các chi nhánh nghiên cứu, học tập thì chất lượng công tác đào tạo thông qua hình thức này không cao.
Theo kết quả khảo sát chỉ có 30% số nhân viên có thâm niên dưới một năm được đào tạo về phòng chống rửa tiền trong vòng 6 tháng kể từ khi tuyển dụng, 53% số nhân viên có thâm niên từ một năm được đào tạo định kỳ về phòng chống rửa tiền. Kết quả đã chỉ ra rằng nhiều ngân hàng chưa thực sự tuân thủ, chấp hành các quy định về công tác đào tạo trong hoạt động phòng chống rửa tiền. Mặt khác, kết quả khảo sát cũng chỉ rằng chất lượng các lớp đào tạo chưa cao khi có tới 35% số nhân viên được tham gia đào tạo không hài lòng. Một số nội dung đào tạo mà cán bộ tham gia không hài lòng đó là rủi ro rửa tiền liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, nhiệm vụ mà cán bộ, nhân viên được giao thực hiện cũng như những kỹ năng cần thiết để nhận diện khách hàng…
Trong khi đó đa số đội ngũ nhân viên ngân hàng khi còn ngồi trên ghế giảng đường vẫn chưa được đào tạo hay tìm hiểu về vấn đề rửa tiền. Chính vì vậy hiểu biết của đội ngủ nhân viên còn hạn chế, chưa nắm được tầm quan trọng của công tác phòng chống rửa tiền, cách thức nhận biết khách hàng cũng như những dấu hiệu đáng ngờ trong quá trình tác nghiệp.